Bản chất của khoa học và đặc trưng của tư duy khoa học

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) một số vấn đề triết học về tư duy sáng tạo (Trang 78 - 85)

CHƢƠNG 3 : MỘT SỐ LOẠI HÌNH TƢ DUY SÁNG TẠO CHỦ YẾU

3.1. Tƣ duy sáng tạotrong khoa học

3.1.1. Bản chất của khoa học và đặc trưng của tư duy khoa học

Khoa học có vị trí và ảnh hưởng to lớn tới mọi lĩnh vực trong cuộc sống, trở thành một nhân tố không thể thiếu cho sự phát triển xã hội. Vậy bản chất của khoa học là gì? Theo tác giả Vũ Văn Viên, khoa học có thể được cắt nghĩa dưới các khía cạnh: là hệ thống những tri thức về quy luật vận động của tự nhiên, xã hội và tư duy; là một loại hoạt động xã hội phát hiện các quy luật và vận dụng các quy luật ấy vào cuộc sống; và là một hình thái ý thức xã hội có đối tượng, hình thức phản ánh và chức năng riêng [137; 32].Tác giả Đỗ Minh Hợp khái quát cách hiểu về khoa học theo mô hình “ba góc”: khoa học như một loại hoạt động đặc biệt, khoa học như tổng thể tri thức có tiêu chuẩn xác định và khoa học như một thiết chế xã hội đặc biệt [47; 76]. Tác giả Đỗ Công Tuấn cũng lý giải khái niệm khoa học theo các khía cạnh: khoa học là một hình thái ý thức xã hội; là một lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp xã hội đặc thù; và khoa học là một hệ thống tri thức của nhân loại về tự nhiên, xã hội và con người được tích lũy trong quá trình lịch sử. Luận án tập trung tìm hiểu khoa học với tư cách là một hình thái ý thức xã hội phản ánh tự nhiên, xã hội, tư duy theo một phương thức tư duy đặc thù - tư duy khoa học.

Có nhiều quan điểm về sự xuất hiện của khoa học, trong đó có hai luồng quan điểm chính được phổ biến rộng rãi là: thứ nhất, khoa học xuất hiện ở Hi Lạp cổ đại vào khoảng thế kỉ VI - V TCN gắn với cách hiểu khoa học khác với tri thức kinh nghiệm, thần thoại; thứ hai, khoa học theo đúng nghĩa xuất hiện ở Châu Âu bắt đầu từ thế kỉ XVI - XVII gắn với sự hình thành khoa học tự nhiên cổ điển, gắn với cách hiểu về khoa học như một loại tri thức có tiêu chuẩn xác định và có cộng đồng khoa học độc lập [Xem: 47]. Tuy nhiên, phần lớn các nhà khoa học bảo vệ quan điểm thứ nhất. Các tri thức khoa học về tự nhiên, xã hội, con người và những đặc trưng của khoa học đã thể hiện rõ ngay khi còn là một

bộ phận của triết học, khoa học tự nhiên cổ điển chỉ là một giai đoạn mới trong sự phát triển của khoa học.

Vấn đề thế nào là “khoa học” và “ngụy khoa học” (giả khoa học) là vấn đề được bàn đến và gắn liền với quá trình phát triển của khoa học. Ngay từ thời Hi Lạp cổ đại, khoa học đã được hiểu là phương thức truy tìm chân lý nhờ nắm bắt bản chất, quy luật của thế giới. Thế giới quan Hi Lạp cổ đại coi trọng trật tự hài hòa của thế giới, mọi sự vật đều bị chi phối bởi quy luật (“logos”). Theo tác giả Jean - Francois Dortier, nền khoa học Hi Lạp cổ đại bắt nguồn từ văn hóa phương Đông. Những nền văn minh lớn như Ai Cập và Babylon có trước văn minh Hi Lạp, đã phát triển một khối lượng đồ sộ những kiến thức về y học, toán học, thiên văn học và thực vật học.Nhưng khoa học đã không xuất hiện ở đây. Những người Babylon biết chính xác chuyển động của các vì sao, biết nhiều bệnh tật và phương thức chữa trị chúng nhưng họ không biết nguồn gốc sâu xa của những hiện tượng mà họ quan sát. Những người Ai Cập biết ướp xác chứng tỏ họ biết về phẫu thuật và sinh lý nhưng lại không đặt ra vấn đề giải thích quy luật vận hành của cơ thể. Khoa học đã ra đời ở Hi Lạp với đặc trưng tư duy đi từ sự hiểu biết hiện tượng tới việc tìm kiếm nguyên nhân và bằng chứng. Khoa học bắt đầu với câu hỏi tại sao và phép chứng minh [Xem: 13].

Nền khoa học Hi Lạp đã chứng tỏ một điều rằng: khoa học không đồng nhất với quan sát và kinh nghiệm. Quan sát chỉ đem lại dữ kiện còn khoa học thông qua dữ kiện đó để tìm hiểu nguyên nhân và quy luật. Khoa học cũng không đồng nhất với “thuật ngụy biện” hay lôgic thuần túy vì khẳng định có tính khoa học cần được chứng minh bằng lôgic và dữ kiện. Khoa học khi còn phụ thuộc vào triết học đã thể hiện tính độc đáo của mình với tư cách là những tri thức mang tính khách quan và phổ quát, không phụ thuộc vào thiên kiến và kinh nghiệm.

Với sự phát triển của khoa học, vấn đề này luôn được trở lại dưới những hình thức khác nhau. Khoa học tự nhiên cổ điển thế kỉ XVII - XVIII ra đời ở phương Tây là một nỗ lực mạnh mẽ hơn để giải phóng khoa học khỏi tri thức siêu hình học, những tín điều tôn giáo, đạo lý và chính trị. Thế kỉ XIX chứng kiến nhiều ngành khoa học xã hội như xã hội học, tâm lý học, dân tộc học tách

ra trở thành những khoa học độc lập. Cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, khoa học tự nhiên hiện đại ra đời trong những cố gắng khắc phục những vấn đề mà khoa học tự nhiên cổ điển không giải quyết được. Vấn đề bản chất của khoa học lại được bàn luận.

Nhà triết học Francis Bacon đã đặt nền tảng cho khoa học thực nghiệm quy nạp, kêu gọi vận dụng triết lý thực nghiệm làm nền tảng cho kiến thức. Chúng ta có thể hiểu thế giới xung quanh chúng ta không phải bằng niềm tin mà bằng quan sát. Đối với triết gia Đềcactơ, tri thức không phát sinh từ sự tiết lộ của đấng tối cao mà tất cả các hiện tượng trong tự nhiên đều có thể hiểu được bằng lý trí, trí tuệ [Xem: 156].

Tuy nhiên triết gia David Hume đã vạch rõ những khó khăn cơ bản của triết lý quy nạp thực nghiệm. Kinh nghiệm không nói cho chúng ta một điều gì chắc chắn vì chúng ta chỉ có kinh nghiệm về những cái đã xảy ra chứ không có kinh nghiệm về tương lai. Kinh nghiệm cho ta biết: mặt trời mọc đằng Đông, lặn đằng Tây nhưng chưa chắc ngày mai mặt trời lại mọc [Xem: 156]. Do đó, quy nạp cũng có thể dẫn đến sai lầm. Kant đã giải quyết vấn đề của Hume bằng cách cho rằng chúng ta có thể nhận thức và giải thích các mối liên hệ trong tự nhiên bằng lý trí thuần túy. Chống lại siêu hình học của Kant và triết lý trừu tượng về khoa học, chủ nghĩa thực chứng cho rằng chỉ những gì có thể kiểm chứng được mới đáng được gọi là khoa học, dùng phương pháp quy nạp làm cơ sở cho lý luận.

Nhưng với sự phát triển của khoa học đầu thế kỉ XX người ta đã nhận thấy có khoảng cách giữa các kết quả quan sát với các lý thuyết khoa học. Ngay cả đối với những vật thể quan sát được, những quan sát cũng có tính độc lập, trung tính đối với các lý thuyết. Karl Popper đã tiếp tục phát triển quan niệm của phái thực chứng lôgic. Theo ông, lý thuyết được coi là khoa học khi và chỉ khi có khả năng kiểm chứng là sai, mở ra nhiều khả năng kiểm chứng và tiên đoán những hiện tượng chưa được quan sát và kiểm nghiệm. Ông thay thế phương pháp quy nạp bằng lý thuyết khách quan về tri thức. Khoa học phát triển thông qua quá trình cạnh tranh giữa các lý thuyết, lý thuyết nào ít bị bác bỏ hơn thì sẽ thành công hơn [Xem: 103]. Thomas Kuhn lại cho rằng không có tiêu chuẩn để so

sánh các lý thuyết với nhau, do vậy lịch sử phát triển của khoa học là sự thay thế “mẫu hình”, mà mẫu hình sau là sự hoàn thiện hơn, khác mẫu hình trước cả về cách nhìn và phương pháp [Xem: 66].

Sự phát triển của khoa học tự nhiên đã chuẩn bị những tiền đề cho sự hình thành các khoa học xã hội độc lập vào thế kỉ XVIII - XIX. Ứng dụng những thành tựu đặc biệt phương pháp của khoa học tự nhiên vào nghiên cứu xã hội, khoa học xã hội đã có những bước phát triển mới không chỉ ở việc mở rộng đối tượng nghiên cứu mà còn có những đóng góp trong việc xác định bản chất của khoa học.

Auguste Comte đã đặt những nền móng đầu tiên cho việc xây dựng đối tượng, nguyên tắc phương pháp luận, những quan điểm nền tảng cho một khoa học mới: xã hội học với việc sử dụng phương pháp thực chứng vào nghiên cứu xã hội, vào việc xây dựng lý thuyết và kiểm chứng giả thuyết bằng quan sát, thực nghiệm. Xã hội học được coi là khoa học về các quy luật tổ chức xã hội (Auguste Comte), là khoa học nghiên cứu các sự kiện xã hội (E. Durkheim), là khoa học về hành động xã hội của con người (M. Weber) [Xem: 49]. Tinh thần khách quan và thực nghiệm khoa học trong khoa học tự nhiên đã thâm nhập vào khoa học xã hội.

Năm 1879, tâm lý học ra đời như một khoa học độc lập với công lao của những nhà khoa học như Wilhelm Wundt, Hermann Ebbinghaus, Ivan Petrovich Pavlov. Quá trình phát triển của khoa học này gắn liền với nỗ lực khắc phục tính chủ quan trong nghiên cứu tâm lý, chuyển phương pháp nghiên cứu từ quan sát nội tâm bên trong sang thực nghiệm, đánh giá các hiện tượng tâm lý một cách khách quan [Xem: 100].

Như vậy, cuộc tranh luận về bản chất của khoa học tựu trung ở vấn đề phân biệt tri thức khoa học với tri thức thông thường và với tri thức siêu hình học. Về thực chất, khoa học có thể phân biệt ở hai trình độ: trình độkinh nghiệm và trình độ lý luận. Ở trình độ kinh nghiệm tri thức khoa học có được thông qua quan sát và thí nghiệm. Ở trình độ lý luận, một hệ thống tri thức được tạo ra nhằm giải thích những hiện tượng đa dạng xuất phát từ một số nguyên lý ban đầu. Như vậy,

quan niệm cho rằng khoa học đến trực tiếp từ kinh nghiệm, quan sát hay khoa học tách rời với kinh nghiệm, quan sát đều có tính phiến diện nhất định của nó.

Khoa học phản ánh bản chất, quy luật của thế giới, tạo ra hệ thống tri thức mang tính khách quan và phổ quát.

Mục đích của khoa học là truy tìm chân lý, hướng đến nắm bắt bản chất của thế giới ẩn sâu trong lòng hiện tượng, cái tất nhiên tồn tại trong cái ngẫu nhiên. Tuy nhiên, chân lý không phải là cái chúng ta sở hữu (Karl Popper), cũng không có một chân lý vĩnh hằng, một mục tiêu cuối cùng đã được vạch sẵn trong khoa học (Thomas Kuln). Quá trình theo đuổi chân lý cũng chính là quá trình không ngừng thay đổi chân lý, đặt lại các vấn đề khoa học: “Sự tìm tòi chân lý từ nay gắn liền với sự tìm tòi về khả năng đạt tới chân lý” [90; 19]. Do đó, nghiên cứu khoa học chứa đựng đầy những bất ngờ, có những kết quả dường như không định trước, nằm ngoài dự kiến ban đầu của nhà khoa học. Bởi quá trình phát triển của khoa học không phải là con đường thẳng tiến đến một mục tiêu đã định sẵn mà là một quá trình quanh co, phức tạp.

Chân lý không mang tính khách quan thuần túy, chân lý là sự thống nhất giữa khách thể và chủ thể, vừa mang tính khách quan vừa mang tính chủ quan. Quan niệm về tính tuyệt đối, tính khách quan của chân lý, sự trùng khít hoàn toàn giữa cơ cấu trí tuệ với cơ cấu của hiện thực khách quan đặc trưng cho thế giới quan của khoa học cổ điển. Khoa học cổ điển với hi vọng có thể gạt bỏ chủ thể ra khỏi quá trình quan sát, tách rời phán đoán chân lý với quan niệm về giá trị vấp phải những hạn chế.

Khoa học thế kỉ XX thấy rõ tính bất cập trong việc loại bỏ chủ thể nghiên cứu ra khỏi quan sát, thực nghiệm (chủ thể tham gia vào quá trình tạo ra kết quả nghiên cứu), phủ nhận niềm tin vào những nền tảng cố định của thế giới cũng như nền tảng chắc chắn của tri thức. Loài người cũng chứng kiến một thực tế rằng: những tri thức khoa học đã vượt xa “tầm kiểm soát” của chính khoa học, khi tri thức khoa học đi vào thế giới hiện thực đời sống, nó cũng có “số phận” đầy bất trắc. Tri thức khoa học có thể đem đến sự tiến bộ, khai phóng (sự phát triển của lực lượng sản xuất nhờ sự tiến bộ của khoa học), cũng có thể gây ra

thảm họa, sự mất mát không thể khắc phục được (thảm họa hạt nhân). Thực tế đó cũng đòi hỏi khoa học cần quay trở lại cái nôi mà nó đã sinh ra là triết học mà sâu xa hơn là nền văn hóa. Sứ mệnh của khoa học cũng không nằm ngoài mục đích nhân sinh. Do đó, chân lý khoa học không tách rời quan niệm giá trị. Chân lý cũng là giá trị mà sự chính xác, đúng đắn của nó không chỉ được chứng minh bằng thực nghiệm mà cần được lựa chọn, đánh giá bởi văn hóa. Quá trình tìm kiếm chân lý không tách rời quá trình lựa chọn, sử dụng chân lý. Vì vậy, mục đích của khoa học không phải là những chân lý tuyệt đối khách quan, thuần túy. Mục đích của khoa học là giá trị mà sự tồn tại của khoa học nằm ở ý nghĩa của nó đối với con người.

Tư duy khoa học cũng có những đặc trưng riêng. Tác giả Vũ Văn Viên cho rằng: “Tư duy khoa học là giai đoạn cao của quá trình nhận thức, được thực hiện dựa trên một cách tiếp cận nhất định, thông qua một loạt các thao tác tư duy lôgic xác định của chủ thể nhằm sản xuất ra các tri thức mới dưới dạng các khái niệm, phạm trù, quy luật, lý thuyết” [137; 33].

Tác giả Phạm Duy Hải thì xem xét tư duy khoa học như một hệ thống bao gồm khách thể, chủ thể, sản phẩm của tư duy khoa học và ngôn ngữ khoa học. Về bộ phận hợp thành của tư duy khoa học, Vũ Văn Viên cho rằng: tư duy lôgic là bộ phận hợp thành của tư duy khoa học, tạo nên nét đặc trưng của tư duy khoa học. Ở đây tư duy lôgic được hiểu là tư duy chính xác - đối tượng nghiên cứu của lôgic học hình thức bởi vì tác giả cho rằng: “thực chất của tư duy khoa học chính là sự thống nhất của tư duy biện chứng và tư duy lôgic”[137; 34]. Tuy nhiên, tư duy biện chứng về thực chất cũng là tư duy lôgic phản ánh lôgic phát triển của hiện thực.

Đặc trưng của tư duy khoa học là tư duy lôgic. Tư duy lôgic gồm nhiều biểu hiện dưới nhiều loại hình như: tư duy phê phán, tư duy phản biện, tư duy hình thức, tư duy biện chứng. Đặc điểm của tư duy lôgic là phản ánh bản chất, quy luật của hiện thực dưới các hình thức tư duy như khái niệm, phạm trù, phán đoán, suy luận. Tư duy hình thành tri thức mới thông qua một loạt các thao tác, vòng khâu lôgic một cách chính xác để đi từ tiền đề đến kết luận. Tư duy sẽ đi

đến kết luận sai nếu sai ngay ở tiền đề xuất phát hoặc bất cứ khâu nào trong quá trình chứng minh, lập luận. Sản phẩm của tư duy khoa học là các tri thức khoa học tồn tại dưới dạng các khái niệm, phạm trù, lý thuyết, giả thuyết, phương pháp nghiên cứu.

Sản phẩm, kết quả của khoa học được kiểm nghiệm tính đúng đắn của nó thông qua chứng minh lôgic hoặc quan sát, thực nghiệm, số liệu thống kê. Mỗi lý thuyết đều đúng trong những phạm vi nhất định. Một lý thuyết chưa tìm thấy bằng chứng quan sát không có nghĩa là nó sai hoặc tìm thấy bằng chứng bác bỏ nó không có nghĩa nó sai hoàn toàn. Mặt khác, một lý thuyết tìm thấy sự phù hợp trong quan sát và thực nghiệm cũng không đảm bảo cho nó mãi mãi là chân lý. Lý thuyết hay khẳng định có thể lung lay khi người ta tìm thấy những quan sát không phù hợp, phạm vi của lý thuyết thu hẹp lại, tri thức mới ra đời. Tri thức khoa học do đó mang tính khách quan và tính phổ quát. Tính khách quan đòi hỏi tri thức khoa học phải được kiểm chứng theo những tiêu chuẩn nhất định

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) một số vấn đề triết học về tư duy sáng tạo (Trang 78 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)