Bản chất, đặc điểm của tư duy sáng tạo

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) một số vấn đề triết học về tư duy sáng tạo (Trang 61 - 68)

2.1.2 .Bản chất của sáng tạo

2.2. Tƣ duy sáng tạo

2.2.1. Bản chất, đặc điểm của tư duy sáng tạo

Hiện nay, trong các nghiên cứu thuộc chuyên ngành tâm lý học sáng tạo, các nghiên cứu về kĩ năng, phương pháp sáng tạo có nhiều cách hiểu về tư duy sáng tạo. Tư duy sáng tạo hoặc được xem như quá trình tâm lý dẫn đến sự xuất hiện các ý tưởng, quan niệm mới có giá trị; hoặc là hoạt động giải quyết vấn đề dẫn đến những giải pháp mới, hiệu quả; thậm chí là những kĩ năng hay thủ thuật kích thích tư duy sáng tạo ý tưởng. Tuy nhiên, cách hiểu phổbiến nhất là xem tư duy sáng tạo như hoạt động giải quyết vấn đề mới. Với cách tiếp cận của khoa học tâm lý tác giả Phạm Thành Nghị cho rằng: “Tư duy sáng tạo cần được xem

như một hoạt động giải quyết vấn đề mới bao gồm các thành tố động cơ, hành động lôgic và hành động trực giác chứ không thể xem xét đơn giản như một thao tác hay một kĩ năng”[95; 220]. Còn tác giả Phan Dũng khái quát: “Quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định (tư duy sáng tạo) là quá trình biến đổi thông tin thành tri thức, tri thức đã biết thành tri thức mới”[15;118]. Những quan niệm trên có tính hợp lý, giá trị nhất định trong việc làm rõ khái niệm tư duy sáng tạo. Dựa trên cách tiếp cận duy vật biện chứng đối với tư duy, luận án làm rõ bản chất và tiêu chí đánh giá tư duy sáng tạo.

Theo quan điểm duy vật biện chứng, tư duy không chỉ phản ánh bản chất, tính quy luật của thế giới khách quan một cách đặc thù mà còn là quá trình vận động không ngừng để đạt tới chân lý khách quan. Quá trình vận động tới chân lý khách quan cũng đồng thời là quá trình tư duy tìm tòi, phát hiện ra cái mới, sáng tạo ra tri thức mới về thuộc tính, mối liên hệ bản chất của các đối tượng trong tự nhiên cũng như trong xã hội. Nhưng vấn đề là ở chỗ: trong quá trình vận động đến chân lý - quá trình thường xuyên phát sinh và giải quyết mâu thuẫn giữa tư duy và tồn tại, giữa những kết quả tư duy đã đạt được với hoạt động thực tiễn, tư duy luôn vấp phải những giới hạn cần phải vượt qua. Nguyên nhân của giới hạn đó là do:

Thứ nhất, theo quan điểm duy vật biện chứng, tư duy phản ánh hiện thực khách quan nhưng giữa tư duy với hiện thực khách quan không có sự trùng khít hoàn toàn. Tư duy và tồn tại là đồng nhất nhưng đó là đồng nhất trong sự khác biệt. Chân lý - sản phẩm của tư duy chỉ phản ánh một khía cạnh, một thời đoạn của cái hiện thực khách quan không ngừng biến đổi, cũng luôn ở trong quá trình vận động, thay đổi. Do đó, chân lý luôn ở trong quá trình, cách nói của Hêghen, chân lý không nằm ở điểm đầu hay điểm cuối mà ở trong sự tiếp tục. Ph. Ănghen cũng nhấn mạnh:

“Chân lý nằm chính ngay trong quá trình nhận thức, trong sự phát triển lịch sử lâu dài của khoa học tiến từ trình độ hiểu biết thấp lên trình độ hiểu biết cao hơn, song không bao giờ, sau khi tìm ra được cái gọi là chân lý tuyệt đối - đạt đến điểm khiến cho nó không còn có thể tiến hơn nữa, đạt đến điểm mà ở đó nó

không còn gì phải làm, ngoài việc khoanh tay đứng ngắm một cách kinh ngạc cái chân lý tuyệt đối đã đạt được” [85; 394]. Còn V.I.Lênin viết: “mỗi chân lý khoa học, dù là có tính tương đối, vẫn chứa đựng một yếu tố của chân lý tuyệt đối” [72; 383], và:

“Tư duy của con người có thể cung cấp và đang cung cấp cho chúng ta chân lý tuyệt đối…Mỗi giai đoạn phát triển của khoa học đem lại thêm những hạt mới vào cái tổng số ấy của chân lý tuyệt đối, nhưng những giới hạn chân lý của mọi định lý khoa học đều là tương đối, khi thì mở rộng ra, khi thì thu hẹp lại, tùy theo sự tăng tiến của tri thức” [72; 158].

Như vậy, chân lý tuyệt đối - cái đích đến của nhận thức con người được cấu thành từ tổng số những chân lý tương đối. Quá trình tư duy vận động đến chân lý tuyệt đối là vô cùng. Mọi chân lý đều là sự thống nhất biện chứng, đều chứa đựng cái tương đối lẫn cái tuyệt đối, cái chân thực và giả dối trong sự vận động đầy biện chứng của nó. Không có cái tương đối và tuyệt đối hoàn toàn tách biệt, không có cái chân thực và giả dối là hai mặt đối lập chết cứng, chúng chuyển hóa cho nhau, đấy là thực chất của quan điểm biện chứng xem xét tư duy như một quá trình phát triển “tiệm cận” một cách vô hạn đến thế giới khách quan. Quá trình tư duy là quá trình tìm kiếm chân lý chứ không phải kết thúc ở chân lý, vì thế, nó luôn cần phải “vượt qua” những kết quả mà nó đã đạt được.

Thứ hai, thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm tra tính chân lý và giá trị của các kết quả tư duy nhưng bản thân thực tiễn cũng không ngừng phát triển trong lịch sử khiến cho chân lý đã đạt được không phải luôn mang lại hiệu quả, những tư tưởng có giá trị có thể không còn giá trị.

Thứ ba, sự mâu thuẫn, đa dạng của sản phẩm tư tưởng luôn làm phát sinh những “lỗ hổng” trong tư duy. Như tác giả Edgar Morin cũng nhận định: tư duy tự nó luôn có những “lỗ đen”, những “vệt mù”, những khoảng trống. Hay như Karl Popper cho rằng: chân lý tự nó chứa đựng sai lầm, hoặc có nguy cơ bị sai, bị bác bỏ. Quan điểm của các ông chỉ ra rằng: không có chân lý bất biến trong tư duy, không bao giờ chỉ có một cách nhìn duy nhất đúng đối với một vấn đề, tư duy là đa sinh, đa diện và không ngừng biến đổi.

Thứ tư, chủ thể của tư duy không phải là cá nhân đơn nhất tách khỏi các mối quan hệ xã hội mà là con người lịch sử - xã hội, tồn tại trong các mối quan hệ xã hội đa dạng, sống động. Chủ thể tư duy bao giờ cũng thuộc về một thời đại nhất định, nhận thức bị chi phối bởi trình độ phát triển nhất định của thực tiễn, do đó cũng luôn bị giới hạn.

Chính sự đồng nhất trong sự khác biệt giữa tư duy và hiện thực khách quan, giữa các kết quả của tư duy với hoạt động thực tiễn, sự đa dạng, mâu thuẫn giữa các kết quả tư duy buộc tư duy con người thường xuyên phải đặt lại các vấn đề nhận thức,vượt qua những giới hạn và thay đổi chân lý. Chủ thể tư duy luôn nằm trong tình huống mâu thuẫn: một mặt, vừa phải tiếp nhận những tri thức, tư tưởng đã có, đã được kết tinh trong lịch sử, văn hóa; mặt khác, vừa phải suy tư để giải phóng khỏi các hình thức tư tưởng đã định hình không còn phù hợp. Mỗi khi con người tưởng rằng mình đã đến chân trời - giới hạn của nhận thức, chân trời càng lùi xa hơn. Năng lực tư duy biết nhìn ra giới hạn và vượt qua giới hạn của chính mình, khai mở những cách thức suy tư mới mẻ - đó là thực chất của tư duy sáng tạo.

Tư duy sáng tạo là tư duy hoạt động sản sinh ra những quan niệm, tư tưởng mới, độc đáo và có giá trị.

Tư duy sáng tạo cũng chính là tư duy nhưng là tư duy được thể hiện ở chiều cạnh, phẩm chất sâu sắc của nó. Tư duy sáng tạo không chỉ dừng lại ở quá trình phản ánh hiện thực khách quan vào bộ óc con người trên cơ sở thực tiễn để tạo ra quan niệm, tư tưởng mà còn dựa trên những tri thức, tư tưởng đã có để tạo ra tri thức, tư tưởng mới, độc đáo, có giá trị. Là tư duy nói chung có thể chỉ dừng lại ở quá trình phản ánh, tái tạo, tái hiện dù sự phản ánh đó đã mang tính sáng tạo như tính khái quát, tính trừu tượng - vốn là đặc điểm chung của ý thức con người. Nhưng là tư duy sáng tạo thì còn phải tiến xa hơn không chỉ dừng lại ở việc phản ánh những thuộc tính, quy luật của hiện thực khách quan con người đã biết, đã hiểu hoặc tái hiện, lý giải các tư tưởng, quan niệm đã có mà còn thay đổi chúng, tạo ra các tư tưởng, quan niệm mới có tính chân lý, có giá trị. Tư duy sáng tạo là yếu tố trung tâm định hướng mọi hoạt động sáng tạo của con người.

Do đó, tư duy sáng tạo cũng mang những dấu hiệu giúp nhận biết hoạt

động sáng tạo đó là tính mới, tính độc đáo và tính có giá trị. Hai khái niệm này

liên quan mật thiết với nhau, về chủ thể, đối tượng, điều kiện tác động về cơ bản có sự tương đồng, tuy vậy chúng không hoàn toàn đồng nhất. Nói đến tư duy sáng tạo là nói đến mặt tinh thần của hoạt động sáng tạo, sản phẩm của nó là các quan niệm, tư tưởng; còn hoạt động sáng tạo diễn ra dưới sự định hướng, dẫn dắt của tư duy sáng tạo diễn ra trên cả bình diện hoạt động vật chất lẫn hoạt động tinh thần, từ đó dẫn đến sự cải biến cả phương diện vật chất lẫn phương diện tinh thần của đời sống xã hội.

“Tính mới” của tư duy sáng tạo thể hiện ở việc tạo ra những quan niệm, tư

tưởng có sự khác biệt so với những quan niệm đã có. Còn “tính độc đáo” là tính

đơn nhất, không lặp lại của tư tưởng đó trong kho tàng tri thức nhân loại. Nó độc đáo không chỉ ở kết quả mà nó phản ánh mà còn độc đáo do những điều kiện cụ thể đã sinh ra những tri thức, tư tưởng ấy, do cách thức mà tư tưởng ấy tái hiện, làm rõ những chiều sâu bản chất, tính quy luật của hiện thực. Nhưng “tính độc đáo” ở đây không đơn giản là sự dị biệt, khác thường. Có những tư tưởng khác thường nhưng lại phản tiến bộ, không có giá trị gì, chỉ đại diện cho sự nhất thời, “biến thái” của cá nhân nào đó, không có ý nghĩa phổ biến hay giá trị xã hội. Còn tính độc đáo trong tư duy sáng tạo đồng thời mang tính phổ biến, càng độc đáo bao nhiêu càng phổ biến bấy nhiêu. Bởi tư tưởng không phải là sự mô tả ngẫu tượng, bề ngoài mà tái hiện bản chất của hiện thực, cái bản chất mang tính khách quan, phổ biến. Những tư tưởng, quan niệm mới được tạo ra là sự phản ánh cái bản chất ở tầng sâu hơn, ở những chiều cạnh khác chưa từng được biết đến trước đây. Như Edgar Morin đã dẫn câu nói của Szent - Gyorgy về phát hiện “là nhìn thấy những gì mọi người đã nhìn thấy nhưng nghĩ những gì người ta chưa nghĩ đến” [90; 353].Theo đó, tư duy sáng tạo được cắt nghĩa là quá trình tạo ra một quan niệm mới cho phép nhìn khác hơn những gì người ta đã nhìn thấy trước đây, phát hiện ra cái hiển nhiên vốn không được phát hiện ra trước đó.

“Tính có giá trị” của tư duy sáng tạo thể hiện ở ý nghĩa xã hội của tri thức, tư tưởng mà nó tạo ra đối với cộng đồng. Ý nghĩa xã hội càng lớn, mức sáng tạo

càng cao. Tư tưởng sáng tạo không chỉ mới, độc đáo mà còn bao hàm tính chân lý và có giá trị với xã hội, như Bi-ê-linxki viết: “Trong sáng tác cũng như trong hình thức, tính độc đáo thật sự chỉ có thể có khi nhà thơ trung thành với thực tế và chân lý” [87; 45]. Trong quá trình sáng tạo, “cái mới không phải là mục đích cuối cùng”, giá trị của tư tưởng sáng tạo không phải cho bản thân người sáng tạo mà là giá trị cho người khác, cho cộng đồng mặc dù nó là sản phẩm của cá nhân. Sẽ không ai còn để ý đến những bài thơ tình tuyệt tác của Puskin hay Xuân Diệu nếu đó chỉ là tiếng lòng của riêng nhà thơ và có giá trị chỉ cho người sáng tác. Không ai còn nhớ đến lý thuyết hấp dẫn của Newton, thuyết tương đối của Einstein nếu nó đơn giản chỉ là những điều mới mẻ. Cá nhân dù có đặc biệt như thế nào thì tư tưởng của họ cũng không bao giờ quy về như là đặc tính riêng có của cá nhân. Cái vĩ đại của thiên tài không phải ở chỗ họ đại diện cho mình mà cho nhân loại.

Giá trị, do đó vừa phụ thuộc vào chủ thể vừa mang tính khách quan. Phụ thuộc vào những quan niệm mang bản chất xã hội khách quan và phổ biến của con người, giá trị tất yếu là cái mang tính chân lý. Tất cả những sự đánh giá, so sánh, lựa chọn của con người, “ý nghĩa‟ của vật đối với con người đều xuất phát, dựa trên những tiêu chuẩn khách quan đã được kiểm nghiệm thông qua thực tiễn, thời gian và lịch sử, trở thành chân lý phổ quát đối với con người. Chân lý là cơ sở của giá trị, tiêu chuẩn cho sự lựa chọn, thẩm định của con người. Nhờ chứa đựng chân lý mà giá trị mới mang tính định hướng đối với suy nghĩ, hành động của con người. Không thể nói đến giá trị mà thiếu chân lý, không phụ thuộc vào chân lý. Các giá trị phổ quát của nhân loại cái thiện, cái đẹp trước hết đều phải chứa đựng cái chân. Vấn đề bản chất của tư duy không tách rời vấn đề tính chân thực và giá trị của các kết quả tư duy.

Như vậy, sản phẩm của tư duy sáng tạo có sự thống nhất giữa tính độc đáo và tính phổ quát, tính mới và giá trị. Tư duy sáng tạo kiến tạo nên những giá trị mới trong đời sống tinh thần, vạch mở bản chất tồn tại ở những tầng diện mới, mở ra hướng mới trong cách thức suy nghĩ của con người. Do đó, sức mạnh của tư duy sáng tạo nằm ở khả năng vượt qua những giới hạn của nhận thức hiện

tồn, định hướng tương lai, đóng góp cho tiến bộ xã hội. Không có tư duy sáng tạo không có phát triển xã hội. Và ngay cả khi những kết quả nó đạt được đã bị “vượt bỏ” thì trong sự vận động lịch sử tư tưởng, luôn được tái sinh dưới những hình thức mới. Điều đó không chỉ đúng với khoa học, nghệ thuật mà với mọi loại hình nhận thức. Những tác phẩm nghệ thuật chân chính do phản ánh chân lý khách quan, nắm bắt bản chất phổ biến của hiện thực, do đó, nó không chỉ phản ảnh thời đại của mình, thuộc về thời đại của mình mà còn có ích cho mai sau.

Tư tưởng sáng tạo không chỉ thuộc về thời đại mà nó được tạo ra, nó còn thuộc về thời đại mà nó đã “mở ra”. Việc đánh giá quan niệm, tư tưởng sáng tạo không đơn giản, cần căn cứ vào trình độ phát triển của thực tiễn, tùy thuộc vào đối tượng mà nó phản ánh, phạm vi, không gian, thời gian tồn tại của tư tưởng ấy. Ra ngoài phạm vi tồn tại, áp dụng của nó, một tư tưởng có giá trị có thể trở thành phản giá trị. Tuy nhiên, thực tiễn được hiểu một cách biện chứng với tư cách một chỉnh thể không ngừng vận động, phát triển mới trở thành “thước đo” cho các sản phẩm tư tưởng. Bởi tư duy sáng tạo nhiều khi vượt trước thực tiễn hiện thời, thực tiễn đương thời không đủ để xác định, đánh giá giá trị của các tư tưởng sáng tạo. Có những phát minh, sáng chế không ứng dụng được ngay. Có những tư tưởng chỉ được phát hiện giá trị của nó ở thời đại kế tiếp. Các thời đại khác nhau có những cách đánh giá khác nhau về cũng một sản phẩm tư tưởng. Giá trị gắn liền với chân lý, phụ thuộc vào thực tiễn nên giá trị không chỉ mang tính khách quan, tính xã hội mà còn có tính lịch sử. Chỉ có sự vận động của thực tiễn trong thời gian và lịch sử mớiđo hết được tính chân thực của tư duy, tầm vóc của nhà tư tưởng, mới có quyền phán xét về giá trị của tư tưởng vì họ không chỉ đơn giản “thuộc về thời đại của mình” mà còn thuộc về thời đại của tương

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) một số vấn đề triết học về tư duy sáng tạo (Trang 61 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)