CHƢƠNG 3 : MỘT SỐ LOẠI HÌNH TƢ DUY SÁNG TẠO CHỦ YẾU
3.2. Tƣ duy sáng tạotrong nghệ thuật
3.2.2. Biểu hiện của tư duy sáng tạotrong nghệ thuật
Tư duy sáng tạo trong nghệ thuật được thể hiện lý tưởng thẩm mỹ, quan niệm về cái đẹp của người nghệ sĩ trước những vấn đề của cuộc sống và con người; sự sáng tạo những hình tượng mới độc đáo, điển hình; sự đổi mới về phương pháp sáng tác, thủ pháp nghệ thuật.
Thứ nhất, tư duy sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện ở việc người nghệ sĩ đưa ra cách nhìn mới, quan niệm mới về cuộc sống thông qua đó bộc lộ lý tưởng thẩm mỹ và quan niệm về cái đẹp. Nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống và sự khám phá chiều sâu vô cùng tận trong thế giới tâm hồn của con người. Mỗi một thời đại khác nhau có những vấn đề khác nhau, mẫu người lý tưởng khác nhau. Tư duy sáng tạo của người nghệ sĩ thể hiện ở khả năng nắm bắt và phản ánh những vấn đề mới của thời đại và bản chất của nó, phản ánh xu hướng vận động của thời đại và nhận diện mẫu người của thời đại; từ đó hình thành nên lý tưởng thẩm mĩ, quan niệm về cái đẹp của người sáng tác. Vì nghệ thuật không phản ánh cuộc sống để mà phản ánh mà hướng con người sự hoàn thiện theo lý tưởng mà người nghệ sĩ vạch ra.
Tư duy sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện góc nhìn mới, tiếp cận mới về cái đẹp và sự hoàn thiện tùy thuộc vào bối cảnh thời đại khác nhau. Ở nghệ thuật phương Tây, quan niệm về cái đẹp luôn có sự thay đổi theo các thời kì lịch sử. Cái đẹp của thời Hi Lạp cổ đại gắn với tiêu chuẩn mực thước, hài hòa, cân đối, hoàn thiện. Mẫu người lý tưởng thời kì này gắn với hình tượng người công dân anh hùng dũng cảm, khí phách, có tinh thần thượng võ (Asin, Hecto, Nữ thần chiến thắng), hình tượng nhà hiền triết thông thái và những con người mưu trí ( Plato, Aristotles, Uylitxơ) và nhà quán quân thể thao khỏa mạnh, khéo léo (tượng Người ném đĩa, Người ném lao, Thiếu nữ đoạt giải thi chạy) [Xem: 64].
Bước sang thời Trung cổ, nghệ thuật cũng như các hình thái nhận thức khác đều chịu ảnh hưởng của tôn giáo. Nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc, vẽ tranh gắn
với các chủ đề tôn giáo, thể hiện niềm tin tôn giáo là đặc điểm nổi bật của nghệ thuật thời kì này. Cái đẹp nghệ thuật Trung cổ nằm ở việc khám phá ra thế giới tâm linh của con người, khát vọng hướng đến sự hoàn thiện và bất tử. Hình tượng con người lý tưởng không phải là con người dưới trần gian trong tư thế cúi đầu đầy tội lỗi, cuộc sống lý tưởng không phải là trần thế nơi nhiều khổ đau, ám ảnh mà là Chúa - đấng toàn năng, toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ và thiên đàng [Xem: 64].
Thời đại Phục hưng (XIV - XVI) và Khai sáng (XVIII) xuất hiện những sáng tạo nổi bật trong nghệ thuật. Nghệ thuật Phục hưng xuất hiện khi nền kinh tế tư bản chủ nghĩa hình thành và phát triển, có sự đối lập với những quan niệm nghệ thuật thời Trung cổ và mong muốn khôi phục tinh thần nền văn hóa Hi Lạp. Theo tác giả Đỗ Văn Khang: những khám phá mới về cách nhìn thế giới và con người ở nghệ thuật thời kì Phục hưng như một phản đề của tư duy nghệ thuật Trung cổ: thế giới và con người tự nhiên sinh ra chứ không phải là sản phẩm của Chúa. Cuộc sống chứa đựng muôn vàn cái đẹp chứ không phải nơi khổ đau, đày ải, con người có thể xây dựng hạnh phúc dưới trần gian. Thế giới quan, nhân sinh quan nghệ thuật Phục hưng chứa đựng cái nhìn lạc quan, đầy hi vọng về tương lai. Tiếp thu cái đẹp hài hòa, trong sáng của nghệ thuật cổ đại, nghệ thuật Phục hưng hướng tới cái đẹp “ngoại cỡ”, “cái đẹp khổng lồ, nó muốn bộc lộ khát vọng vô biên của con người công nghiệp thay thế con người nông nghiệp, lấy “máy hơi nước” thay thế “cối xay gió” [63; 48]. Mẫu người lý tưởng của thời kì này là người công dân anh hùng có tầm vóc khổng lồ (David của Michelangelo), hình tượng con người khổng lồ về mọi mặt trí tuệ và nội tâm phong phú (Đức mẹ của Raphael), nhà thương gia tài năng (Thương gia George Gisze của Hans Holbein). Nghệ thuật Khai sáng gắn với những bước chuyển mình dữ đội của thời đại, sự thắng thế của giai cấp tư sản trước thế lực phong kiến.
Khi chủ nghĩa tư bản ở Phương Tây ngày càng phát triển, bắt đầu bộc lộ mặt trái của nó, nghệ thuật có xu hướng phản ứng lại xã hội tư sản, hình thành hai khuynh hướng nghệ thuật mới: khuynh hướng lãng mạn và khuyh hướng hiện thực. Khuynh hướng nghệ thuật lãng mạn lấy “cái Tôi” cá nhân làm cơ sở
cho nhìn nhận, cảm nghiệm về thế giới, mong muốn “xa rời”, vượt thoát khỏi thực tại để tìm về sự tự do trong tâm hồn . Khuynh hướng hiện thực trong nghệ thuật lại hướng vào cái nghịch cảnh, “cái lộn xộn” của cuộc đời để phơi bày bản chất bị che đậy của nó, tố cáo sự bất bình đẳng và thói đạo đức giả trong xã hội tư sản. Nghệ thuật thời kì này thể hiện sự khám phá mới về bản chất của thời đại và con người trong giai đoạn mới của chủ nghĩa tư bản.
Cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, nhiều trường phái nghệ thuật mới ra đời với những phát hiện mới vào ngóc ngách của cuộc sống và tâm hồn con người. Đây là thời đại mà con người đặt ra vấn đề nhìn nhận lại sự tuyệt đối hóa vai trò của khoa học công nghệ và lý tính trong đời sống của con người, cũng là thời đại xuất hiện những khuynh hướng triết học coi phân tích đời sống và thế giới tâm hồn con người là đối tượng của triết học; từ đó làm xuất hiện nhiều trào lưu nghệ thuật hiện đại (chủ nghĩa ấn tượng, chủ nghĩa dã thú, chủ nghĩa lập thể, chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa trừu tượng). Nghệ thuật thời kì này thể hiện những khám phá bí ẩn trong đời sống tinh thần của con người; không dừng lại ở lý tính mà phát hiện ra cái phi lý tính như tưởng tượng, trực giác; không dừng lại ở tính tất yếu mà phát hiện ra cái hỗn độn, bất thường, coi đó là cái đẹp của nghệ thuật.
Thứ hai, tư duy sáng tạo trong nghệ thuật biểu hiện ở khả năng xây dựng hình tượng nghệ thuật độc đáo, điển hình. Như C.Mác nhận định: nhiều tác phẩm nghệ thuật của quá khứ vẫn giữ được tác dụng làm tiêu chuẩn, mẫu mực của nó vì trong tác phẩm nghệ thuật ấy giai đoạn phát triển có một không hai của lịch sử loài người được thể hiện một cách sâu sắc, hoàn hảo và tuyệt diệu bằng hình tượng nghệ thuật [87; 15].
Hình tượng nghệ thuật thể hiện rõ nét nhất bản chất của đời sống và thế giới tâm hồn con người cũng như quan niệm của người nghệ sĩ về cái đẹp. Cái tài của người nghệ sĩ là tạo nên những hình tượng nghệ thuật sinh động, độc đáo nhằm phản ánh cái phổ biến, bản chất. Hình tượng nghệ thuật thông qua phản ánh cuộc sống, con người một cách sinh động, độc đáo nhằm rút ra cái phổ biến, bản chất; chính điều đó làm cho tác phẩm nghệ thuật có sức hút, sức hấp dẫn ngay cả khi lịch sử thời đại in dấu trong nó đã lùi xa.
Sức sống của một tác phẩm nghệ thuật, của những kiệt tác trong lịch sử nghệ thuật được thể hiện trong hình tượng nghệ thuật. Ở thời kì Phục hưng, bức họa nàng MonaLisa của Leonardo da Vinci khắc họa con người với thế giới nội tâm phong phú. Bức họa là chân dung người phụ nữ Italy phúc hậu, mắt nhìn hơi nghiêng về phía trái. Nét độc đáo của hình tượng là ở nụ cười mỉm mông lung, huyền ảo bộc lộ các sắc thái tâm trạng khác nhau phụ thuộc cảm xúc của người cảm nhận. Nó thể hiện sự phát hiện một cách độc đáo cái thế giới nội tâm bên trong đầy bí ẩn, khó nắm bắt của con người.
Trong thơ, nhà thơ xây dựng hình tượng nghệ thuật bằng biểu tượng, hình ảnh. Tư duy sáng tạo trong thơ thể hiện ở sự mang lại sắc thái mới cho những hình tượng tưởng như quen thuộc, hoặc sáng tạo ra những biểu tượng mới hàm chứa một quan niệm, cách nhìn khác hẳn về con người, cuộc sống. Mùa xuân là biểu tượng phổ biến của thi ca nhưng trong bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu nó chứa đựng một sức sống, một sắc thái, một tâm trạng khác hẳn. Mùa xuân gắn với tình yêu, tuổi trẻ, thời gian (“Tháng giêng ngon như một cặp môi hồng”/ “Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua - Xuân còn non nghĩa là xuân đã già”). Mùa xuân là bữa tiệc trần gian, là khu vườn tình ái, là thiên đường trên mặt đất (tuần tháng mật, hoa đồng nội, lá cành tơ) mang âm hưởng đắm say, rạo rực. Chỉ có trong thơ Xuân Diệu, hình tượng mùa xuân mới thể hiện đậm nét khát vọng sống cuồng nhiệt, tình yêu cuộc sống đến mức ám ảnh, vội vã níu kéo từng khoảng khắc thời gian.
Trong văn xuôi Việt Nam trước cách mạng tháng 8, Nam Cao cũng thể hiện là người nghệ sĩ tài năng khi ông sáng tạo ra những hình tượng độc đáo, có sức khái quát lớn lao. Dấu ấn sáng tạo rõ nét nhất của Nam Cao là ở việc xây dựng hình tượng Chí Phèo. Trước sáng tác của Nam Cao, đã có nhiều hình tượng người nông dân đặc sắc đi vào văn học như chị Dậu của Ngô Tất Tố. Nhưng từ khi chí Phéo ngật ngưỡng bước ra từ trang sách của Nam Cao, người ta mới thấy được tận cùng cái bi kịch của người nông dân trước cách mạng tháng 8. Chí Phèo từ một người nông dân hiền lành trở thành “con quỷ” làng Vũ đại, khuôn mặt đầy vết sẹo, triền miên trong những cơn say, say là hắn chửi. Chí
Phèo với một cá tính không lẫn vào đâu được, với một cuộc đời điển hình cho số phận bần cùng của những người nông dân: mất nhân hình, mất nhân tình, khao khát làm người lương thiện mà không được. Chị Dậu khổ vì nhu cầu sinh tồn nhưng còn được coi là một con người. Chí Phèo đau đớn vì bị mất linh hồn, bị từ chối làm một con người. Nam Cao đã dựng lên hình tượng văn học độc đáo có sức khái quát cao đúng như châm ngôn sáng tác của ông “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”.
Dù trong bất cứ loại hình nghệ thuật nào, sáng tạo hình tượng nghệ thuật là linh hồn của sáng tạo nghệ thuật, là sức sống, sức hấp dẫn vĩnh cửu của nghệ thuật. Tuy nhiên, để xây dựng những hình tượng mới mẻ, có sức truyền tải cao, người nghệ sĩ còn cần đổi mới về phương pháp sáng tác, thủ pháp nghệ thuật, sử
dụng chất liệu. Đó là khía cạnh thứ ba của tư duy sáng tạo trong nghệ thuật.
Những thành tựu mới trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật có liên quan mật thiết tới phương diện này.
Sức sống mới của nghệ thuật thế kỉ XX còn thể hiện ở khả năng của người nghệ sĩ đi tìm phương thức biểu hiện mới để diễn tả cho những khám phá mới về thế giới con người. Chủ nghĩa siêu thực với quan niệm có một thế giới nằm ngoài tầm kiểm soát của lý tính, họ đã dùng phương thức lắp ghép những biến thể của vật thể, sự phô bày những cảnh tượng quái dị nhằm tạo ra một thế giới đầy ám ảnh, soi rọi một vùng tối tăm, u ẩn, hoang mang trong tâm thức của con người (Tranh “Hươu cao cổ bốc cháy” của Salvador Dali; tranh “Đàn bà, ông già và hoa” của Max Ernst). Trong khi đó, chủ nghĩa lập thể “qua giải phẫu nhân thể - hình học đã tiến hành một cuộc giải phẫu nhân tâm chưa từng thấy” [64; 155]. Nhờ thiết lập không gian ba chiều về mặt hình học trong hội họa, chủ nghĩa lập thể đã đem lại những khám phá mới về cái thế giới bí ẩn bên trong con người. Con người, cảnh vật được phác thảo theo hình học (hình cầu, hình trụ, hình nón, hình lập phương) rồi sau đó bị chi phối bởi những nét cắt ngang, dọc, những đường đứt gãy đã phô bày thế giới nội tâm phong phú. Những bức tranh của Picasso như “Người nửa khóc nửa cười” hay “Cô gái ngồi trên bãi bể” đã diễn tả con người bị chia cắt, bị kéo căng nhức nhối, không nhận nổi ra mình
[Xem: 64]. Sự thay đổi phương thức biểu đạt trong hội họa thế kỉ XX đã giúp nghệ thuật đi sâu phân tích những tế vi trong lãnh địa tâm thức của con người.
Ở Việt Nam, thơ Mới những năm 1930 cũng là một hiện tượng điển hình về sự sáng tạo phương thức biểu hiện trong nghệ thuật. Thi pháp thơ mới đã tạo ra sự biến đổi có tính chất bước ngoặt trong nền thi ca Việt Nam. Trước đó trong thơ thời trung đại, hình thức thơ chủ yếu là thơ Đường luật với các thể thơ như thất ngôn bát cú, ngũ ngôn, tứ tuyệt). Ngoài ra còn có thơ lục bát, song thất lục bát, ca dao. Đó là loại thơ tu từ học, dùng chất liệu ngôn từ, công thức có sẵn. Thi sĩ làm thơ tứ thơ có thể khác nhưng hình thức, quy cách, thủ pháp thì không thay đổi.Thơ mới ra đời đã làm thay đổi quan niệm mĩ học về thơ và giá trị của thơ, mở ra một truyền thống mới của thơ Việt Nam phát triển sâu rộng trong suốt thế kỉ XX cho đến nay. Thơ mới với các hình thức thơ tự do, thoát khỏi khuôn khổ của những công thức cũ, tự do tìm tòi, thể nghiệm và biểu hiện, hình thức thơ không có nguyên tắc trói buộc, cách diễn đạt táo bạo, mạnh mẽ đầy chất thơ. Nhờ đó, thi sĩ có thể đem cá tính và ngôn ngữ cuộc sống vào thơ để biểu hiện những tình cảm tự nhiên nhất của con người: “Yêu là chết ở trong lòng một ít” (Xuân Diệu), “Người đi một nửa hồn tôi mất - Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ” (Hàn Mặc Tử).
Do bản chất, đặc trưng của nghệ thuật tư duy sáng tạo của người nghệ sĩ có những biểu hiện đặc thù. Tư duy sáng tạo thể hiện thái độ, tài năng, tâm hồn của nghệ sĩ trong quá trình khám phá cuộc sống và con người được biểu hiện cô đọng nhất, rõ nét nhất thông qua việc sáng tạo những hình tượng nghệ thuật sống mãi với thời gian.