Tính quy luật của tư duy sáng tạo

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) một số vấn đề triết học về tư duy sáng tạo (Trang 68 - 74)

2.1.2 .Bản chất của sáng tạo

2.2. Tƣ duy sáng tạo

2.2.2. Tính quy luật của tư duy sáng tạo

Một trong những vấn đề nổi bật được các nhà nghiên cứu về sáng tạo quan tâm và không dễ trả lời: đó là tính hợp lý hay tính có quy luật của sự sáng tạo. Điều đó có nghĩa là: sáng tạo không phải là hiện tượng ngẫu nhiên mà có tính tất yếu ẩn giấu. Một số nghiên cứu tâm lý học về tư duy sáng tạo đã khẳng định sự tham gia của yếu tố lôgic trong tư duy sáng tạo nhưng yếu tố lôgic thường được đồng nhất với những kiến thức, kinh nghiệm, phương pháp đã được tích lũy từ trước. Cách hiểu đó xuất phát từ cách hiểu về tư duy sáng tạo là “hoạt động giải quyết vấn đề”, hoặc một kĩ năng tư duy khác với các kĩ năng tư duy khác.

“Tư duy sáng tạo được tạo dựng trên nền tảng những gì đã có, những cơ sở của các yếu tố lôgic, nhưng tư duy sáng tạo không dừng lại ở đó, tư duy sáng tạo

đi theo con đường phi lôgic (ở thời điểm hiện tại), phát hiện ra lôgic mới theo con đường phi lôgic” [95; 218].

Quả thật, nếu tính lôgic chỉ được hiểu đơn thuần là kinh nghiệm, kiến thức, phương pháp đã có thì việc “khẳng định có một lôgic đi đến phát minh sáng chế sẽ mâu thuẫn với chính bản chất của khái niệm sáng tạo” [95; 219], bởi theo cách hiểu này tư duy sáng tạo phải vượt ra ngoài giới hạn lôgic. Và bài toán sáng tạo sau khi được giải xong sẽ trở thành bài toán lôgic.

Cách hiểu triết học về “tính lôgic” khác với cách hiểu của các nhà tâm lý và cũng không đồng nhất với tư duy lôgic. Quan điểm của luận án tư duy sáng tạo là phương thức sáng tạo tri thức tồn tại trong mọi loại hình tư duy, tùy theo mỗi loại hình nó có những biểu hiện riêng. Bản chất của tư duy là sự nắm bắt bản chất của tồn tại, có lôgic vận động của sự vật trong thế giới khách quan thì cũng có lôgic của vận động tư tưởng, của quá trình sáng tạo tri thức. Dựa vào bản chất, đặc điểm của tư duy sáng tạo được phân tích ở trên và một số đặc điểm của tư duy sáng tạo đã được các nhà nghiên cứu đề cập, luận án chỉ ra một số tính quy luật của tư duy sáng tạo.

Thứ nhất, tư duy sáng tạo bắt nguồn từ việc phát hiện và vượt qua những “giới hạn” của tư duy đối với việc giải quyết những vấn đề trong thực tiễn cũng như trong tư tưởng.

Như đã phân tích ở trên do bản chất của tư duy và sự tác động của thực tiễn lên tư duy nên trong quá trình đạt tới chân lý tư duy luôn vấp phải những giới hạn cần phải vượt qua. Việc nhận ra “giới hạn” này là khởi đầu cho tư duy sáng tạo và quá trình tư duy vượt qua giới hạn đó để tạo ra tư tưởng, quan niệm mới về hiện thực là quá trình tư duy sáng tạo. Những tư tưởng sáng tạo ra đời bắt nguồn từ bản chất biện chứng của thế giới, sự phát triển của thực tế cuộc sống dẫn đến sự hình thành những khoảng trống,những mâu thuẫn trong tư tưởng. Khi đó, tư duy nhận ra “điểm dừng” trong những kết quả mà nó đã đạt được, những thách thức mới được đặt ra, những vấn đề mới cần giải quyết mà những kinh nghiệm, tri thức đã có không giải quyết được.

Chính ở điểm này mà quan niệm rất phổ biến về tư duy sáng tạo là một hoạt động hay kĩ năng “giải quyết vấn đề”, tức là tìm kiếm cách thức giải quyết các vấn đề mới chưa từng có trước đây, thích hợp với những vấn đề “mở”. Tuy nhiên, ngay cả những vấn đề tưởng như đã xong xuôi cũng cần đến tư duy sáng tạo. Bởi tư duy sáng tạo không chỉ “giải quyết vấn đề” mà còn ở năng lực phát hiện vấn đề, những khía cạnh còn ẩn giấu chưa được phát hiện ra, những mâu thuẫn trong hiện thực cũng như trong tư tưởng. Đó là khả năng tư duy phát hiện những “giới hạn” của chính mình, từ đó đề xuất những ý tưởng và cách tiếp cận mới.

Việc tư duy sáng tạo nhận ra “điểm dừng” này có biểu hiện rất phong phú. Nó có thể biểu hiện ra như khả năng nhận biết sự khác biệt khác biệt giữa hiện thực và nhu cầu(Ví dụ: về bản năng, con người không thể bay như chim và bơi lội được như cá nhưng con người lại muốn có được những khả năng đó). Hoặc là dù hiện thực có thể vẫn tốt nhưng chủ thể nhận thấy khả năng có thể thay đổi để nó tốt hơn nữa; nhờ đó, con người không ngừng tìm cách thay đổi phương thức hoạt động đã có để tiến tới phương thức hoạt động cao hơn. Cũng có khi chủ thể nhận thấy trạng thái hiện thực đang thay đổi khác đi, thậm chí có vẻ như “đi xuống”, “tuột dốc”, đó cũng chính là dấu hiệu báo hiệu vấn đề bộc lộ và cần phải được nhận thức để giải quyết. Những mâu thuẫn trong hiện thực hoặc trong tư tưởng phát sinh mà những tri thức đã có không giải thích được đòi hỏi con người phân tích các tình huống và tìm ra phương thức để giải quyết. Chính trong việc suy tư giải quyết đó mà các tư tưởng mới hình thành. Như vậy, việc nhận ra những “giới hạn” của tư duy ở thời điểm lịch sử cụ thể là bước không thể thiếu của quá trình tư duy sáng tạo. Chính ở những “điểm dừng” đặc biệt này mở ra cơ hội cho chủ thể tư duy suy ngẫm về vấn đề theo một hướng khác so với trước đây, đặt lại vấn đề theo cách mới, tìm ra “nút thắt” mở đường cho sự vận động tiếp tục của tư duy trên con đường tìm kiếm chân lý.

Thứ hai, tư duy sáng tạo mang tính kế thừa. Tư duy sáng tạo dựa trên những tri thức, tư tưởng đã có để tạo ra những tri thức, tư tưởng mới, độc đáo và có giá trị.

Tư duy sáng tạo là khả năng tư duy “vượt thoát” ra khỏi khuôn khổ những tri thức, quan niệm đã có, những khuôn mẫu đã định hình, thậm chí đối lập và trái ngược với tri thức, kinh nghiệm con người đã tích lũy được. Nhưng điều đó không có nghĩa là những tri thức, tư tưởng mới không có liên hệ gì với những quan niệm, kinh nghiệm của người đi trước. Chủ thể tư duy sáng tạo là con người xã hội, cũng như sự sáng tạo nói chung, quá trình tư duy sáng tạo luôn diễn ra có sự tác động của các yếu tố văn hóa, xã hội vì thế nó phải dựa trên nền tảng là những tri thức, kinh nghiệm đã có của nhân loại. Và để nhận biết tính mới, tính độc đáo, tính có giá trị của tư duy sáng tạo cũng phải đặt trong tương quan so sánh này.

Đây là tính tất yếu của tư duy sáng tạo phù hợp với quy luật của thế giới khách quan: mọi cái mới đều sinh ra từ cái cũ, không có cái gì xuất hiện từ hư vô. V. I. Lênin cho rằng trong sự phát triển của loài người, nền văn hóa của thời đại mới - xã hội chủ nghĩa không phải xây dựng từ mảnh đất trống mà được xây dựng trên cơ sở tiếp thu có phê phán và cải tạo toàn bộ di sản văn hóa quá khứ. Karl Popper cũng khẳng định mọi tri thức nảy sinh đều xuất phát từ “tri thức nền” bởi theo ông: nếu chúng ta phải xuất phát từ điểm xuất phát của Adam thì chúng ta cũng không tiến xa hơn Adam được bao nhiêu [Xem:103]. Truyền thống đóng vai trò trong sáng tạo nghệ thuật [Xem:87] và truyền thống văn hóa tồn tại lâu dài trong lịch sử còn cung cấp giải pháp cho những vấn đề đặt ra ở hiện tại [Xem: 110]. Tác giả Joelau và Jonathan Chan cũng khẳng định: những ý tưởng mới thực sự là những yếu tố của cái cũ được sắp xếp, bố trí lại theo cách mới[Xem: 154].

Con người sinh ra đã có trước mình không chỉ thế giới bên ngoài mà cả hệ thống văn hóa phức tạp chưa được “cài sẵn” trong bản năng và cơ thể sinh học của mình. Là sản phẩm của tư duy, các hình thức tư tưởng, các tri thức của nhân loại được “vật hóa” trong chất liệu vật chất (ngôn ngữ, biểu tượng, kí hiệu) trở thành đối tượng nghiên cứu của chính tư duy. Trước khi sáng tạo tri thức mới vượt ra khỏi ranh giới của kinh nghiệm, tri thức đã có, năng lực tư duy biểu hiện trước hết ở khả năng hiểu, suy luận, lĩnh hội chính các “hình thức tư tưởng” ấy. Chúng được di truyền không phải qua “gen” mà qua giáo dục, được “mã hóa” vào

thân thể của nền văn hóa. Tư duy tách rời kho tàng tri thức, tư tưởng của nhân loại không thể có năng lực thấu hiểu và cũng không thể sáng tạo tri thức mới.

Khi nghiên cứu sự ra đời của nền khoa học Hi Lạp, tác giả Jean - Francois Dorditer trong “Có một phép màu Hi Lạp không” cũng nhận định: nền khoa học sinh ra ở Hi Lạp được bắt nguồn trên cơ sở những kiến thức đã tích lũy từ nền văn minh lớn như Ai Cập, Babylon. Những nền văn minh có trước Hi Lạp đã phát triển một kho tàng đồ sộ những kiến thức về toán học, thiên văn học, y học, thực vật học, làm tiền đề cho những sáng tạo của các nhà tư tưởng Hi Lạp sau này [Xem: 13].

Tính kế thừa có cải biến là đặc điểm cơ bản của tư duy sáng tạo. Nó đòi hỏi chủ thể tư duy cần có một phông kiến thức rộng lớn trên nhiều lĩnh vực để tránh tạo ra những ý tưởng đã có, rút ngắn thời gian nghiên cứu và phát huy các góc nhìn đa dạng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cứ có bề dày kiến thức về một lĩnh vực nào đó là sẽ có sáng tạo. Lịch sử đã cho thấy nhiều sáng tạo không phải đến từ chuyên gia trong một lĩnh vực mà lại từ người ngoài lĩnh vực đó - những người ít bị “in dấu” nặng nề bởi những mô thức, quan điểm đã định hình, những chân lý đã được thừa nhận để có cơ hội nhìn vấn đề theo một cách khác đi. Điều này cho thấy: tư duy sáng tạo còn có nhiều khía cạnh khác cần phải khám phá và chỉ dùng khoa học để chỉ ra tính tất yếu của nó vẫn chưa đủ để khám phá sự đa dạng, phức tạp của vấn đề này. Nhưng tính tất yếu, hay yếu tố lôgic chi phối nó là không thể phủ nhận. Để tạo ra cái mới, chủ thể tư duy cần phải giải quyết mâu thuẫn: vừa xuất phát từ cái đã có, vừa biết vượt lên chúng, vừa biết loại bỏ, vừa biết kế thừa.

Thứ ba, tư duy sáng tạo là một quá trình phát triển bao hàm cả những bước quanh co chứ không phải khoảnh khắc xuất thần của thiên tài. Đó là quá trình cải biến dần dầnnhững tư tưởng, quan niệm đã có để tạo ra quan niệm, tư tưởng mới.

Đã một thời kì dài trong lịch sử phương Tây người ta cho rằng tư duy sáng tạo là bẩm sinh, ý tưởng mới được tạo ra do ngẫu hứng hoặc may mắn. Lịch sử cũng đã để lại những ví dụ về sự sáng tạo như sự may mắn, ngẫu hứng, xuất thần: Archimedes phát hiện ra lực đẩy của nước trong khi tắm, Newton có ý

tưởng về luật hấp dẫn khi thấy táo rơi. Nhưng điều đó không có nghĩa tư duy sáng tạo chỉ là thiên bẩm hay sự xuất thần của thiên tài. Thực chất, tất cả những cái mới hữu ích trong lịch sử đều là kết quả của sự lao động, nghiên cứu miệt mài của chủ thể tư duy sáng tạo trên bình diện hoạt động vật chất hay hoạt động tinh thần. Không phải nhờ ngồi trong bồn tắm mà Archimedes phát hiện ra lực đẩy của nước hay nhờ quả táo rơi mà Newton tìm ra định luật vạn vật hấp dẫn. Những phát minh khoa học ra đời có vẻ như do sự tình cờ đó là kết quả của quá trình nghiên cứu, tìm tòi công phu, nghiêm túc của các nhà khoa học.

Sáng tạo ra các ý tưởng là một quá trình thường xuyên, liên tục. Như tác giả Robert Harris viết: làm cho một cái gì đó tốt hơn, tốt hơn một chút dần dần sẽ làm cho nó thành cái tốt hơn rất nhiều, thậm chí khác xa so với cái cũ. Rất nhiều những sản phẩm tiện nghi và thoải mái ngày nay con người sử dụng đều đã trải qua một quá trình dài liên tục được cải tiến. Ví dụ: sự không ngừng cải tiến mẫu mã, kiểu dáng, chức năng của điện thoại di động, cứ mỗi một mẫu mới ra đời, một sự cải tiến được thực hiện, và so sánh mẫu điện thoại di động mới nhất với mẫu đầu tiên xuất hiện thì sự khác biệt rất rõ nét.

Để tạo ra ý tưởng mới, thành công, chủ thể tư duy cũng phải trải qua kinh nghiệm thất bại. Quá trình tư duy sáng tạo để tìm ra ý tưởng mới - phương thức hoạt động mới bao hàm cả những bước quanh co, trong đó không ít những thử nghiệm thất bại. Nhưng thất bại là một mắt xích tất yếu trên con đường đi tới thành công, là tất yếu trên con đường sáng tạo giúp cho chủ thể tư duy có nhiều trải nghiệm hơn, đạt được nhiều kiến thức hơn, và phát triển khả năng sáng tạo tốt hơn. Thomas Edison là người đã sáng chế ra bóng đèn sợi đốt. Ông đã thử tất cả những gì có thể kể cả những sợi râu từ bộ râu của một người bạn. Tổng cộng ông đã phải thử khoảng 1800 thứ. Sau khoảng 1000 lần cố gắng, một số người đã hỏi ông có thất vọng khi chưa thành công. Ông đã trả lời: ông đã gặt hái được rất nhiều kiến thức, ông đã biết 1000 thứ không dùng được.

Thừa nhận tính có quy luật của tư duy sáng tạo có nghĩa là khẳng định thêm quan điểm được hầu hết các nhà nghiên cứu về sáng tạo đồng tình: tư duy sáng tạo không chỉ là giây phút xuất thần, ý tưởng mới xuất hiện không phải do

tình cờ, may mắn. Con người có thể khám phá về sáng tạo và những quy luật ẩn giấu của nó, học hỏi từ đó như đã từng khám phá những lĩnh vực tưởng như không bao giờ chạm đến được: bầu trời đầy sao hay thế giới siêu vi mô đầy bí ẩn. Tuy nhiên, thừa nhận tính quy luật của tư duy sáng tạo không có nghĩa khẳng định có một quy trình cụ thể, một công thức có sẵn cho sáng tạo tư tưởng. Thật ảo tưởng khi cho rằng hiểu biết về sáng tạo tất yếu trở thành người tư duy sáng tạo cũng giống như biết về nghệ thuật viết văn sẽ trở thành nhà văn. Mặt khác, luận án không phủ nhận tư duy sáng tạo cũng có sự tham gia của các yếu tố “phi lôgic” như tưởng tượng, trực giác, tiềm thức…làm cho quá trình sáng tạo tư tưởng mới chứa đựng những yếu tố bất ngờ, không thể đoán trước, nằm ngoài kinh nghiệm và suy luận. Vấn đề này sẽ được bàn luận đến ở những chương sau.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) một số vấn đề triết học về tư duy sáng tạo (Trang 68 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)