Đánh giá tình hình nghiên cứu về tƣ duy sáng tạo và những vấn đề

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) một số vấn đề triết học về tư duy sáng tạo (Trang 37 - 41)

ra đối với luận án

Những vấn đề nghiên cứu về sáng tạo và tư duy sáng tạo chỉ thực sự bắt đầu vào khoảng nửa cuối thế kỉ XX trở lại đây, chủ yếu diễn ra trong tâm lý học và thu hút một số chuyên gia nghiên cứu về tư duy. Tuy nguồn tư liệu còn ít ỏi nhưng các nghiên cứu đã đạt được một số kết quả quan trọng:

Thứ nhất, thành quả quan trọng nhất của những nghiên cứu là làm thay đổi quan niệm về sáng tạo và tư duy sáng tạo của con người. Trước đó, sáng tạo được phủ lên những quan niệm huyền bí như: sáng tạo chỉ có ở thiên tài, chứa đựng những bí mật không thể hiểu được, hoặc tư duy sáng tạo chỉ cần thiết trong lĩnh vực khoa học, nghệ thuật. Những nghiên cứu về sáng tạo và tư duy sáng tạo đã vén lên bức màn bí ẩn bao quanh nó và đặt nó trở thành một vấn đề khoa học: tư duy sáng tạo là có thể hiểu được, nó không phải là đặc tính bẩm sinh. Mọi lĩnh vực trong cuộc sống đều cần đến sáng tạo từ khoa học đến nghệ thuật, từ kinh tế đến chính trị, giáo dục và cuộc sống đời thường.

Thứ hai, nghiên cứu sáng tạo và tư duy sáng tạo được tiếp cận từ góc độ của nhiều chuyên ngành khác nhau: tâm lý học sáng tạo, nghệ thuật học, triết học khoa học, phương pháp luận, xã hội học về tri thức. Kết quả nghiên cứu về cách tiếp cận và phương pháp rất đa dạng, phong phú.

Triết học khoa học đã nghiên cứu những điều kiện diễn ra bên trong lòng của nền khoa học dẫn đến sự thay đổi thế giới quan, quan niệm, phương pháp nghiên cứu khoa học. Sự phát triển của các lý thuyết khoa học do từ trong bản chất các lý thuyết khoa học luôn chứa tiềm năng tự phủ định, có thể bị bác bỏ, và sự cạnh tranh giữa các lý thuyết dẫn đến sự thay thế nhau giữa chúng (Karl Popper). Hay sự phát triển của khoa học được hình dung thông qua các cuộc cách mạng thay đổi mẫu hình (Thomas Kuln).

Ngành xã hội học về tri thức cũng đưa ra quan điểm về những điều kiện sinh học - xã hội - văn hóa của sự hình thành tri thức. Edgar Morin trong công trình nghiên cứu của mình đã khái quát quan điểm xã hội học về tri thức, đặc biệt chú trọng điều kiện văn hóa - xã hội vừa như tác nhân chi phối, kìm hãm tri thức, vừa đóng vai trò giải phóng tri thức.

Lĩnh vực phương pháp luận sáng tạo cũng ghi nhận nhiều nghiên cứu phong phú về tư duy sáng tạo. Với quan niệm đặc trưng về tư duy sáng tạo như một loại hoạt động hay kĩ năng “giải quyết vấn đề mới” khác với tư duy truyền thống, các nhà nghiên cứu khám phá và xây dựng nhiều phương pháp tư duy sáng tạo. Nổi bật trong số đó là phương pháp tư duy chiều ngang (Edward de Bono), phương pháp bản đồ tư duy (Tony Buzan), các chiến lược tư duy (Michael Michako) và Lý thuyết giải các bài toán sáng chế (Alt Shuller). Tư duy sáng tạo biểu hiện là phương thức tư duy mềm dẻo, có sự dịch chuyển vấn đề và góc nhìn linh hoạt, mở ra nhiều hướng tiếp cận khác nhau đối với một vấn đề, kết hợp nhiều yếu tố như trực giác, tưởng tượng…Những phương pháp đó đã được dạy và vận dụng trong thực tiễn, có những kết quả tác động tích cực.

Trong lĩnh vực nghệ thuật, các nhà nghiên cứu quan tâm đến quá trình sáng tạo nghệ thuật như quá trình tự hoàn thiện chính mình của con người; sáng tạo nghệ thuật có sự tham gia của tình cảm và lý trí, lôgic và tưởng tượng. Nghệ thuật hướng đến xây dựng những hình tượng điển hình, thể hiện chân lý và giá trị.

Lĩnh vực có nhiều nghiên cứu và đạt nhiều thành tựu trong nghiên cứu sáng tạo nhất là tâm lý học với sự hình thành chuyên ngành riêng là tâm lý học sáng tạo. Với nhiệm vụ trung tâm là nghiên cứu sáng tạo dưới cấp độ tâm lý, các nghiên cứu đã đặt ra và làm rõ nhiều khía cạnh của vấn đề như: khái niệm sáng tạo và tư duy sáng tạo; quá trình sáng tạo diễn ra trong đời sống tinh thần của chủ thể, cơ sở sinh học và xã hội của sáng tạo, những yếu tố xã hội văn hóa tác động đến quá trình sáng tạo của chủ thể; vai trò của cá nhân trong quá trình sáng tạo với những đặc điểm đặc trưng.

Những nghiên cứu trên đã mở ra tiềm năng cho sự xuất hiện của một khoa học mới: khoa học sáng tạo, đặt bước khởi đầu cho sự nghiên cứu liên ngành về

sáng tạo và tư duy sáng tạo. Giá trị của những nghiên cứu là làm thay đổi cách nhìn và đánh giá của con người đối với một lĩnh vực nghiên cứu mới, cần thiết và nhiều tiềm năng trong thế kỉ XXI.

Giá trị của những nghiên cứu cũng nằm ở chỗ đã đặt ra nhiều vấn đề cần phải tiếp tục hoàn thiện và làm sáng tỏ. Các nghiên cứu về sáng tạo trong các lĩnh vực khác nhau còn độc lập, tách rời chưa có sự so sánh, thống nhất về cách hiểu các khái niệm cơ bản; và thiếu các khái quát về mặt lý luận. Nhiều vấn đề nghiên cứu về sáng tạo và tư duy sáng tạo chưa được hệ thống, làm sáng tỏ. Khái niệm tư duy sáng tạo còn nhiều mâu thuẫn từ các cách tiếp cận khác nhau và thường được đồng nhất với những trạng thái tâm lý chủ quan của cá nhân. Do đó, vấn đề vai trò của cá nhân trong quá trình tư duy sáng tạo chủ yếu được khai thác ở cấp độ tâm lý, ít các nghiên cứu về vai trò của văn hóa - xã hội. Những vấn đề tư duy sáng tạo trong các lĩnh vực cụ thể chưa được khái quát và phân biệt về phương thức biểu hiện. Có nhiều mâu thuẫn trong cách hiểu về các yếu tố của quá trình sáng tạo như yếu tố lôgic, tưởng tượng, trực giác…

Một vấn đề đặc biệt được đặt ra là: các khoa học cụ thể, đặc biệt là tâm lý học đã có nhiều nghiên cứu về sáng tạo với nhiều trường phái và cách tiếp cận phong phú. Nhưng những nghiên cứu về vấn đề này từ những năm 1950 - 2000 trong lĩnh vực triết học còn chưa nhiều. Theo tác giả B. Gaut (Triết học về sự sáng tạo) chỉ cho đến đầu thế kỉ XXI ở phương Tây, một số nhà triết học mới chú ý đến vấn đề này và số câu hỏi triết học về nó ngày càng tăng lên. Ông cho rằng: vấn đề sáng tạo là một chủ đề quan trọng của triết học. Thực tế những nghiên cứu về tâm lý học về chủ đề này đều bắt nguồn từ những câu hỏi triết học và dựa vào luận cứ triết học về sáng tạo, mặc dù mối liên hệ này dường như đã bị họ lãng quên. Các nhà triết học cần dựa trên những tư liệu phong phú đã tích lũy được trong tâm lý học để giải quyết các vấn đề triết học về sáng tạo. Mặt khác việc thảo luận những vấn đề triết học về sáng tạo không chỉ đòi hỏi những tư liệu nghiên cứu đã có trong triết học nghệ thuật mà cần đến nhiều lĩnh vực khác như triết học về tư duy, khoa học và nhận thức luận.

Nhiều vấn đề triết học về tư duy sáng tạo chưa được nghiên cứu và hệ thống: khái niệm tư duy sáng tạo và phân biệt nó với các loại hình tư duy khác như thế nào; tính hợp lý của tư duy sáng tạo, sự tác động của văn hóa xã hội và vai trò của chủ thể trong quá trình sáng tạo tri thức, những biểu hiện đặc trưng của tư duy sáng tạo trong các lĩnh vực cụ thể. Như vậy, trên cơ sở khái quát những tư liệu trong các lĩnh vực về sáng tạo và tư duy sáng tạo, trước những đòi hỏi của nghiên cứu đặt ra luận án tiếp tục đi sâu phân tích, khái quát một số vấn đề triết học về tư duy sáng tạo.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) một số vấn đề triết học về tư duy sáng tạo (Trang 37 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)