Biểu hiện của tư duy sáng tạotrong khoa học

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) một số vấn đề triết học về tư duy sáng tạo (Trang 85 - 91)

CHƢƠNG 3 : MỘT SỐ LOẠI HÌNH TƢ DUY SÁNG TẠO CHỦ YẾU

3.1. Tƣ duy sáng tạotrong khoa học

3.1.2. Biểu hiện của tư duy sáng tạotrong khoa học

Tư duy sáng tạo trong khoa học thể hiện ở sự thay đổi, khám phá trên nhiều phương diện: cách tiếp cận, quan niệm, phương pháp nghiên cứu.

Tác giả Thomas Kuhn quan niệm sự phát triển của khoa học diễn ra thông qua các cuộc cách mạng thay đổi mẫu hình. Khái niệm mẫu hình được tác giả sử dụng theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất của mẫu hình là “toàn bộ tập hợp những niềm tin, những giá trị, những kĩ thuật vv…mà các thành viên của một cộng đồng nhất định cùng chia sẻ”[66; 339]. Nghĩa thứ hai của mẫu hình là “các lời giải cụ thể cho những bài toán đố được dùng làm mẫu” [66; 339], dựa vào đó người ta tìm lời giải cho những bài toán đố khác.

Như vậy lôgic của sự phát triển khoa học theo ông có thể tóm tắt như sau. Mẫu hình luôn gắn với hoạt động của khoa học chuẩn định. Khi khoa học chuẩn định thất bại trong việc giải quyết các “bài toán đố” làm xuất hiện những “hiện tượng dị thường”, những phát kiến mới. Khi một dị thường “vượt qua ngưỡng một bài toán đố thông thường của khoa học chuẩn định” [66; 175] thì khoa học rơi vào khủng hoảng. Sự xuất hiện nhiều giải pháp giải quyết vấn đềcạnh tranh nhau làm cho “các quy tắc của khoa học chuẩn định ngày càng trở nên mờ nhạt” [66; 176]. Trong đó, lý thuyết mới nào thành công hơn cả trong việc giải quyết vấn đề sẽ trở thành “mẫu hình” của một truyền thống khoa học mới. Vì vậy bản chất của cách mạng khoa học theo Kuhn “chính là quá trình chuyển sang một mẫu hình mới” [66; 189] nhờ đó khoa học và tri thức loài người đạt được sự tiến bộ của mình. Phát triển quan niệm của Thomas Kuhn, Edgar Morin gọi đó là cuộc cách mạng về “chuẩn thức” không chỉ trong lĩnh vực khoa học mà còn toàn bộ văn hóa.

Cuộc cách mạng trong khoa học, sự thay đổi các “mẫu hình” và “chuẩn thức” trước hết thể hiện ở sự thay đổi góc nhìn, cách tiếp cận, những nguyên lý, nguyên tắc khoa học dẫn đến những thay đổi lớn lao, mạnh mẽ có tác động sâu

rộng tới xã hội, văn hóa. Đó là sự thay đổi mà Thomas Kuhn gọi là các cuộc cách mạng khoa học lớn, còn Edgar Morin gọi là thay đổi “chuẩn thức” chủ. Nó “tấn công vào những điều hiển nhiên rất to lớn” [91; 485], là công việc “thay đổi khái niệm nền tảng, nguyên tắc cơ bản nâng đỡ cả một tòa lâu đài trí tuệ” [901 486], mà kết quả của nó dẫn đến “cải tạo tư duy, thế giới của tư duy và thế giới được tư duy” [91; 483].

Trong quá trình phát triển của khoa học tự nhiên, sự ra đời của khoa học cổ điển đánh dấu những nỗ lực to lớn nhằm xác định tính đặc thù của khoa học. Khoa học được giải phóng khỏi những ngẫu tượng và thiên kiến, các áp lực và chuẩn mực xã hội, xây dựng cách tiếp cận, nguyên tắc riêng để trở thành tri thức khách quan và phổ quát. Sự ra đời của thuyết nhật tâm là minh chứng cho sáng tạo khoa học ở cấp độ thay đổi góc nhìn, quan niệm từ đó làm thay đổi bức tranh của khoa học tự nhiên về thế giới. Thuyết địa tâm đặt con người và nơi cư trú của họ vào vị trí trung tâm của thế giới. Thuyết nhật tâm bằng cách hoán vị vị trí giữa trái đất và mặt trời đã làm thay đổi quan niệm của con người về thế giới và vị trí của con người trong thế giới. Nó làm rung chuyển chân lý lấy con người làm trung tâm, xúc phạm đến cả những quyền năng tâm linh. Nó đặt ra vấn đề về tôn trọng tính khách quan của chân lý trong khoa học.

Khoa học cổ điển cũng từng bước xây dựng hệ chuẩn mới cho tri thức. Đặc trưng của khoa học cổ điển là nhãn quan mang màu sắc cơ giới luận, duy vật luận và tất định luận. Tất định luận của khoa học cổ điển dựa trên sự tôn vinh trật tự chúa tể của giới tự nhiên, coi cái ngẫu nhiên chỉ là những hiện tượng bề ngoài. Trật tự của tự nhiên cố định đơn giản, thời gian không thể đảo ngược. Khách thể quan sát bị cô lập với môi trường và người quan sát. Khoa học cổ điển với mong muốn tìm kiếm cái nền tảng đầu tiên, vững chắc của thế giới, tìm kiếm chân lý tuyệt đối, xác thực, loại bỏ cái không đo lường, lượng hóa được, định hướng vào tính duy lý. Với định hướng đó, khoa học cổ điển đã tích lũy khối lượng tri thức và đạt được những thành tựu đáng kể: trong vật lý học có cơ học cổ điển của Newton, điện học, quang học, nhiệt động học…; trong hóa học, hệ thống tuần hoàn của Mendeleev, hóa hữu cơ..; trong sinh học, thuyết tiến hóa

của Darwin, lý thuyết cấu tạo tế bào…Tri thức khoa học ngày càng phổ biến trong mọi lĩnh vực sinh hoạt của con người, hình thành quan niệm duy khoa học, tuyệt đối hóa sức mạnh của khoa học.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng trong vật lý học cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX đã đánh dấu bước chuyển từ nền khoa học tự nhiên cổ điển sang nền khoa học tự nhiên hiện đại:quan niệm mới về thế giới được hình thành. Sự phát hiện ra những hiện tượng chưa từng được biết đến trước đây: tia Rơnghen, điện tử, hiện tượng phóng xạ…, sự ra đời của những lý thuyết mới như thuyết lượng tử (Plank, 1900), thuyết tương đối của Einstein (1905 - 1916), cơ học lượng tử của Bohr và Heisenberg những năm 20 của thế kỉ XX làm thay đổi hẳn lối suy nghĩ về tự nhiên và hình thành một phong cách tư duy khoa học mới.

Khác với khoa học cổ điển, khoa học hiện đại không loại bỏ chủ thể ra khỏi quá trình nghiên cứu, thừa nhận “con người là một bộ phận không tách rời được của thực tại” [47; 86]. Chúng ta nghiên cứu không phải khách thể dưới dạng thuần túy mà nghiên cứu đối tượng trong mối quan hệ với chủ thể là con người. Việc thừa nhận tính chủ thể của tri thức khoa học, theo Đỗ Minh Hợp đã đặt ra “vấn đề tính khách quan theo một cách mới” [47; 87]. Nó không dẫn tới chủ nghĩa chủ quan mà thừa nhận người nghiên cứu không ở ngoài mà ở bên trong quá trình nghiên cứu.

Khoa học hiện đại thay thế tất định luận, trật tự đơn giản, cố định của tự nhiên theo quan niệm của khoa học cổ điển bằng tính xác suất. Thế giới quan này thừa nhận tính bất định, sự hỗn loạn và tính không tiên đoán được, những biến cố xảy ra ở nhiều lĩnh vực: thế giới vi mô, siêu vi mô của các hạt cơ bản, thế giới vĩ mô bao la, các lĩnh vực kinh tế và văn hóa… Ở đó “chỉ có quan hệ xác suất của các biến cố là được xác định (đó là các quy luật thống kê) chứ không phải các biến cố được xác định” [35; 43]. Khoa học hiện đại cũng đưa ra quan niệm về tính phi tuyến tính, tính tự tổ chức, tính phức tạp, tính đa cấp độ của thế giới.

Với cách nhìn mới về thế giới, khoa học hiện đại cũng từ bỏ tham vọng tìm kiếm cái nền tảng, cái tận cùng và chân lý vĩnh hằng. Ở thế kỉ XIX, con người hi

vọng đạt tới hiểu biết tận cùng về sự vật bằng cách chia nhỏ chúng ra mãi, đi sâu vào cơ cấu bên trong và bản chất tận cùng của chúng. Ở thế kỉ XX: “khoa học thậm chí còn từ bỏ cả niềm hi vọng về một trạm dừng chân dù là ở rất xa xôi, trên con đường tìm kiếm bản chất của sự vật” [35; 41]. Khoa học hướng đến thừa nhận tính không đóng kín của các lý thuyết, tính đa phương, đa dạng của các quan điểm khoa học và phương pháp khoa học (Thomas Kuhn); thậm chí còn cho rằng có nhiều nền khoa học khác nhau phụ thuộc vào vũ trụ quan và văn hóa khác nhau, khoa học phương Tây chỉ là một nền khoa học (Feyerabend).

Đặc trưng này của tư duy sáng tạo trong khoa học cũng biểu hiện rõ nét trong sự phát triển của khoa học xã hội. Khoa học xã hội ra đời và phát triển để giải quyết hàng loạt vấn đề mà bản thân khoa học tự nhiên không giải quyết được như những biến động xã hội về cơ cấu, tổ chức, trật tự xã hội dẫn đến những biến đổi bên trong con người tâm trạng, hành vi, lối sống, đặc biệt từ khi chủ nghĩa tư bản ra đời và phát triển ở phương Tây. Khoa học cần đưa ra các giải thích đối với những hiện tượng mới trong xã hội, những biến đổi trong đời sống và tinh thần con người để ổn định xã hội, đem lại cho con người sự cân bằng trong cuộc sống. Sự phát triển của khoa học xã hội, do đó, cũng là quá trình không ngừng thay đổi quan niệm, cách tiếp cận và nguyên tắc nghiên cứu các vấn đề xã hội, con người dẫn đến sự ra đời của các lý thuyết mới.

Trong lĩnh vực tâm lý học, sự ra đời của thuyết hành vi (E. l Thorndike; I. P. Pavlov; J. Watson) đã làm thay đổi cơ bản quan niệm về tâm lý học, chuyển đối tượng nghiên cứu của tâm lý học từ nghiên cứu ý thức sang nghiên cứu hành vi một cách khách quan. Với thuyết phân tâm, Sigmund Freud cũng đã làm thay đổi cách con người nhìn về bản thân mình với quan niệm ý thức “không phải là chủ nhân trong chính ngôi nhà của mình”, hành vi của con người còn bị chi phối bởi các yếu tố khác “siêu ý thức”như tiềm thức, vô thức. Ông đã chuyển đối tượng nghiên cứu của tâm lý học từ nghiên cứu những “hành vi bình thường” sang nghiên cứu những “hành vi bất thường”. Dựa trên quan điểm triết học Mác - Lênin, trường phái tâm lý học hoạt động ở Nga (L.X.Vưgôtxki;V.V. Đavưđôv; Leonchev) cũng đưa ra cách giải thích mới đối với đời sống tâm lý người, theo

đó tâm lý con người là sự phản ánh thế giới khách quan vào bộ não trên cơ sở hoạt động cảm tính - đối tượng. Tâm lý được hình thành trong hoạt động người, trong quá trình giao tiếp và tương tác xã hội, mang bản chất xã hội [Xem: 100].

Đến thế kỉ XX, khoa học phát triển mạnh mẽ đồng thời cũng vấp phải những giới hạn mới đã dẫn các nhà khoa học đi đến sự “thức tỉnh” về sứ mệnh của khoa học đối với con người và thế giới của con người. Khoa học, cả tự nhiên lẫn xã hội cần quay trở về với cái nôi của nó là văn hóa, trong đó có triết học. Trước đây, người ta đinh ninh rằng khoa học dẫn tới sự tiến bộ, giải phóng loài người mà không lường trước được các kết quả của nó cũng có thể dẫn đến sự nô dịch con người, hủy hoại thế giới nếu nó tách rời văn hóa và những câu hỏi căn bản của nhân loại như bản chất, sự tồn vong của xã hội loài người. Do đó, suy tư triết học lại đi vào khoa học. Như Edgar Morin cho rằng: hạt nhân của mọi lý thuyết khoa học đều là tiền đề siêu hình học, như cuống nhau thai của nó, nối nó với nền văn hóa mà từ đó nó sinh ra. Ngày nay những vấn đề được đặt ra trong khoa học: môi trường sinh thái, vũ trụ...không chỉ như những vấn đề khách quan nằm bên ngoài con người mà được đặt ra trong mối quan hệ của chúng với sinh mệnh của con người.

Tư duy sáng tạo trong khoa học thể hiện ở việc tạo ra cách nhìn mới, những nguyên tắc mới của khoa học thúc đẩy sự tiến bộ khoa học. Khi sự thay đổi diễn ra, như Thomas Kuhn nhận định nó buộc các nhà khoa học “nhìn thế giới mà họ theo đuổi với một con mắt khác” [66; 226], và mặc dù thế giới có thể chưa thay đổi nhưng họ phải ứng phó với một thế giới khác, làm việc trong một thế giới khác so với trước kia.

Tuy nhiên, sự thay đổi về quan niệm, cách tiếp cận trong khoa học bao giờ cũng dựa trên hoặc là nguyên nhân của những thay đổi về mặt khái niệm và phương pháp nghiên cứu, những phát hiện về các vấn đề trong các chuyên ngành riêng biệt. Khi một cách nhìn mới, góc tiếp cận mới trong khoa học ra đời cũng đồng thời làm thay đổi các khái niệm, các thí nghiệm và phương pháp nghiên cứu cũ; mở rộng các khái niệm đã có, xây dựng các phương pháp nghiên cứu mới, phát hiện những vấn đề mới trong nghiên cứu khoa học. Sự sáng tạo của

Copecnicus“không chỉ đơn giản là làm cho trái đất chuyển động” mà đã làm thay đổi ý nghĩa của khái niệm “hành tinh” lẫn khái niệm “mặt trời” theo quan niệm truyền thống. Sự phát hiện ra tia X, sự hình thành khái niệm về nó như Thomas Kuhn nhận định buộc các công trình nghiên cứu đã hoàn tất phải “làm lại” do không tính đến hiện tượng này, mở ra tiềm năng mới cho nghiên cứu khoa học, làm thay đổi hệ thống máy móc được sử dụng, mà theo một nghĩa nào đó những ứng dụng của các phát hiện không kém phần quan trọng so với các lý thuyết được xây dựng lên từ phát hiện ấy. Hơn nữa, “tính chất gần đúng” của mọi lý thuyết khoa học cũng khiến cho nó không ngừng được xác định rõ hơn, chứng minh những điểm còn mơ hồ ở các giai đoạn sau cho phép nó giải quyết được những vấn đề mới, từ đó dẫn đến những sáng tạo khoa học mới. Kể từ khi cuốn Principia của Newton ra đời, do chiếm vị trí trung tâm trong lý thuyết vật lý nên việc xác định ngày càng chuẩn xác hơn giá trị của hằng số hấp dẫn vẫn luôn là những nỗ lực của các nhà khoa học thực nghiệm [Xem: 66].

Trong khoa học xã hội, tình hình cũng tương tự như vậy. Chính việc áp dụng phương pháp của khoa học tự nhiên vào nghiên cứu các hiện tượng xã hội ở thế kỉ XIX đã làm thay đổi cách tiếp cận cũng như đối tượng của xã hội học, mở rộng các hướng nghiên cứu của xã hội học trước một cơ thể xã hội đầy phức tạp và biến động. Xã hội học phát triển từ nghiên cứu các tổ chức, cơ cấu xã hội đến nghiên cứu các sự kiện xã hội, hành vi xã hội. Sự phát triển của các phương pháp nghiên cứu xã hội học (phương pháp thực nghiệm, điều tra xã hội học) đã tạo ra sức lan tỏa, sự thâm nhập của khoa học này vào các ngóc ngách của đời sống và các khoa học khác, mở rộng phạm vi nghiên cứu và hình thành các khái niệm khoa học mới [Xem: 49].

Trong tâm lý học, sự hình thành các lý thuyết mới cũng luôn gắn liền với sự ra đời của các khái niệm, phương pháp mới. Thuyết hành vi ra đời không chỉ chuyển đối tượng nghiên cứu của tâm lý học từ nghiên cứu ý thức sang hành vi mà còn chuyển phương pháp nghiên cứu từ “tự quan sát nội tâm‟ sang phương pháp quan sát, thực nghiệm. Phương pháp nghiên cứu phản xạ có điều kiện của I.V. Pavlov cho phép nhận biết các phản ứng của cơ thể trước các kích thích một

cách khách quan giúp các nhà nghiên cứu chuyển từ “quan sát nội quan” sang thực nghiệm khách quan. Cách tiếp cận mới của phân tâm học với hành vi của con người cũng gắn liền với phương pháp quan sát lâm sàng các diễn biến hành vi của con người; hay nghiên cứu tâm lý dựa trên hoạt động có đối tượng cũng dẫn đến sự hình thành các liệu pháp tâm lý dựa trên hoạt động tích cực của cá nhân [Xem: 100].

Như vậy, tư duy sáng tạo trong khoa học được biểu hiện trên nhiều phương diện, tư duy sáng tạo khoa học là một quá trình không chỉ biểu hiện rõ nét ở các cuộc cách mạng có tính chất bước ngoặt làm thay đổi quan niệm của con người về thế giới mà trong cả quá trình tìm kiếm sự thay đổi hoặc phát triển những quan niệm ấy.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) một số vấn đề triết học về tư duy sáng tạo (Trang 85 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)