1.3.2 .Nhiệm vụ nghiên cứu
5.3. Khuyến nghị thúc đẩy thực hiệnTNXHDN tại các NHTM Việt Nam
5.3.2. Khuyến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước
5.3.2.1. Khuyến nghị Chính phủ
Bổ sung và hoàn thiện khung pháp luật Việt Nam nhằm tạo sở sở pháp lý vững chắc cho các vấn đề TNXHDN
Hệ thống pháp luật chính là nền tảng đầu tiên để các doanh nghiệp nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng thực hiện TNXHDN. Tuy nhiên khung pháp luật hiện nay của Việt Nam vẫn còn một số thiếu sót, bất cập. Từ đó, tạo ra những lỗ hổng pháp lý để các tổ chức kinh doanh nói chung và các NHTM lợi dụng, trốn tránh không thực hiện nghĩa vụ xã hội. Chính vì vậy, việc hoàn thiện các văn bản pháp luật gắn liền với các lĩnh vực TNXH như Luật lao động, Luật môi trường, Luật kinh doanh, Luật Ngân hàng… sẽ giúp góp phần điều chỉnh hành vi của các tổ chức kinh tế và định hướng các tổ chức này trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội.
Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội ở Việt Nam
Nhận thức đúng về đạo đức kinh doanh và TNXHDN là điều cần thiết không chỉ đối với mỗi tổ chức kinh doanh mà cả những cá nhân của cộng đồng. Đối với các NHTM Việt Nam, nhận thức đúng đắn về TNXHDN sẽ giúp đưa ra những định hướng cụ thể và từ đó có những hành động đúng đắn liên quan đến các vấn đề về tuân thủ pháp luật, bảo vệ người lao động, người tiêu dùng, môi trường… Bên cạnh đó, việc tăng cường nhận thức về TNXHDN với các cá nhân và cộng đồng nói chung sẽ thúc đẩy bộ phận này gia tăng sức ép thực hiện trách nhiệm xã hội ở các NHTM. Chính vì vậy, Nhà nước cần có những chủ chương khuyến khích, hỗ trợ công tác truyền thông và kêu gọi các cơ quan quan chức năng phối hợp để truyền thông về vấn đề này tới mọi đối tượng của xã hội như người tiêu dung, người lao động, các cán bộ công chức viên chức, các tổ chức kinh tế… thông qua những kênh truyền thông đa dạng.
Hoàn thiện bộ máy, cơ chế hoạt động của công tác thanh tra kiểm tra về thực hiện TNXHDN
Nhà nước cần sớm xây dựng và hoàn thiện bộ máy thanh tra giám sát. Ở đó, quá trình thanh tra, giám sát cần được đảm bảo theo đúng quy trình và nguyên tắc. Ngoài ra, người kiểm tra, giám sát phải là những người nắm rõ về các quy định pháp luật cũng như có kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn gắn liền với lĩnh vực thanh tra, giám sát.
Đưa TNXHDN vào chương trình giáo dục của các trường đại học. TNXHDN cần được biết đến một cách mạnh mẽ hơn, với phạm vi và đối tượng rộng hơn, không chỉ được phổ cập trong giới doanh nhân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức. Chính vì vậy, nhà nước cần chủ trương đưa các vấn đề TNXHDN tới các cộng đồng dân cư và địa phương, kể cả ở những vùng nông thôn, miền núi và cần phải được đưa vào các chương trình giáo
dục phổ thông. Trong đó, trường học cần phát huy vai trò truyền đạt các nội dung về TNXHDN, quan điểm về TNXHDN, tầm quan trọng và lợi ích đối với doanh nghiệp và cả những bên liên quan (cộng đồng, người lao động, khách hàng…).
5.3.2.2. Khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước
Yêu cầu các NHTM áp dụng chế độ báo cáo về TNXHDN và có nghĩa vụ thực hiện các hoạt động TNXHDN
Hiện nay, các báo cáo thường niên hoặc định kỳ về TNXHDN không chỉ được coi là phương tiện thông tin để những cổ đông, cơ quan nhà nước và cộng đồng xem xét, và tương tác thông tin với hoạt động của các NHTM mà còn là công cụ giới thiệu, quảng bá cho các NHTM. Mặc dù việc áp dụng chế độ báo cáo này ở Việt Nam còn hạn chế nhưng từ kinh nghiệm của các nước tiên tiến, hệ thống NHTM Việt Nam nên áp dụng chế độ báo cáo này, đặc biệt là đối với các NHTM lớn bởi những ngân hàng này có nhiều ảnh hưởng lớn đến xã hội, môi trường, cộng đồng. Theo đó, các NHTM cần được yêu cầu công khai thông tin rõ ràng, minh bạch hóa trong tất cả hoạt động ngân hàng, và phải thực hiện các báo cáo chi tiết về TNXHDN.
Bên cạnh đó, ở Việt Nam hiện nay chưa có quy định nào bắt buộc các ngân hàng phải có trách nhiệm với môi trường, xã hội. Hay nói cách khác, trách nhiệm xã hội vẫn được coi là hành động mà các ngân hàng tự nguyện thực hiện. Do đó, nghiên cứu này đề xuất cần phải có điều chỉnh với quan điểm này. NHNN cần đưa ra chủ trương khuyến khích các ngân hàng phải xây dựng chính sách riêng để đảm bảo an toàn môi trường, xã hội, và coi TNXHDN như một hoạt động thiết yếu và một mục tiêu cần hoàn thành.
Triển khai các giải pháp nâng cao năng lực tài chính của hệ thống NHTM
Ngân hàng Nhà nước cần phát huy vai trò là “người cầm lái” trên thị trường tiền tệ, chủ động trong các quyết sách, tạo dựng môi trường thuận lợi cho các tổ chức tín dụng phát triển. Trước bối cảnh ngành ngân hàng hiện nay, các NHTM đang phải đối phó với những khó khăn chung. Do vậy, NHNN cần sớm đưa ra những giải pháp xây dựng hạ tầng tài chính hoàn chỉnh, vận hành hiệu quả để có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng tiếp cận nguồn tài chính, cải thiện tính minh bạch và năng lực điều hành và hỗ trợ NHTM đối phó những khó khăn trước mắt và đạt được hiệu quả tài chính. Có như vậy, các NHTM mới có thể tăng cường đầu tư vào những hoạt động xã hội.
Bên cạnh đó, NHNN nên tích cực triển khai công tác thanh tra, giám sát nhằm đảm bảo các ngân hàng chấp hành đúng các pháp luật về tiền tệ và ngân hàng và để đảm bảo sự ổn định toàn hệ thống ngân hàng. Trong đó, bộ phận thanh tra, giám sát của NHNN cần tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế phù hợp và phát triển theo hướng mở rộng hợp tác và liên kết với các cơ quan thanh tra giám sát của các đơn vị trong nước và quốc tế. Đặc biệt, một số vấn đề khác cần lưu ý đó là năng lực của người thanh tra giám sát cần phải được nâng cao; hoạt động thanh tra, giám sát cần được dựa trên cơ sở dự báo và định lượng rủi ro để kịp thời đối mặt với bất ổn có thể xẩy ra. Ngoài ra, nghĩa vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những bên liên quan như người gửi tiền, khách hàng, duy trì và nâng cao lòng tin của công chúng đối với hệ thống các tổ chức tín dụng cũng cần được chú trọng.
Phát huy vai trò cầm lái trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh
Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Kế hoạch hành động hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, NHNN cần phát huy vai trò hơn nữa trong việc rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế về tài chính và tín dụng cho phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, NHNN
cần tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm tăng cường năng lực cho các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính trong hoạt động tài chính-tín dụng xanh.
Thúc đẩy quá trình thực hiện TNXHDN tại các NHTM Việt Nam, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực của NHNN và các NHTM mà còn cần sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành, Hiệp hội ngân hàng. Trong đó, NHNN cần phát huy vai trò là cầu nối, tích cực phối hợp các tổ chức có liên quan để tìm kiếm cơ chế hỗ trợ, tăng cường vốn và năng lực nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng thực hiện, triển khai TNXHDN. Ngoài ra, NHNN cần đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức tài chính phát triển trên thế giới có học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư bền vững, tín dụng xanh và từ đó nâng cao năng lực chuyên môn cho ngành ngân hàng.
Phối hợp với tổ chức nước ngoài để tổ chức những hội thảo, diễn đàn, cuộc điều tra, khảo sát nhằm tăng cường nhận thức về TNXHDN tại NHTM
Năm 2012, NHNN Việt Nam đã phối hợp cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức hội thảo về Quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong ngành ngân hàng”. Đây là một dẫn chứng trong việc NHNN đã phối hợp với các tổ chức nước ngoài nhằm hỗ trợ thực hiện TNXHDN tại các NHTM Việt Nam. Thông qua việc tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, diễn đàn, khóa học về TNXHDN, các tổ chức và các cá nhân sẽ có cơ hội được nắm những quan điểm về TNXHDN cũng như những nội dung và cách thức thực hiện.
Bên cạnh đó, NHNN cần phối hợp cùng các tổ chức có chuyên môn để thực hiện các cuộc điều tra,khảo sát về TNXHDN ở các NHTM. Khảo sát này đóng vai trò làm cơ sở để NHNN xây dựng quy định trong ngành. Từ đó, dưới sự tư vấn và hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài, tổ chức chuyên môn, NHNN có thể đưa ra chiến lược trong việc xây dựng tài liệu hướng dẫn hay những tiêu chuẩn về TNXHDN, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong ngành tài chính ngân hàng.