Khoảng trống nghiên cứu

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nghiên cứu tác động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đến kết quả hoạt động tài chính tại các ngân hàng thương mại việt nam (Trang 37 - 42)

CHƯƠNG 1 : GIỚI THIỆU NGHIÊN CỨU

1.2. Tổng quan tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước

1.2.3. Khoảng trống nghiên cứu

Từ tổng quan các nghiên cứu trong và ngoài nước, tác giả nhận thấy vẫn còn tồn tại nhiều khoảng trống nghiên cứu về tác động của TNXHDN đến kết quả tài chính doanh nghiệp đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng. Các khoảng trống nghiên cứu được liệt kê như dưới đây:

Thứ nhất, đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới kiểm định tác động của TNXHDN đến kết quả tài chính doanh nghiệp. Tuy nhiên, những nghiên cứu này chủ yếu được thực hiện tại các quốc gia phát triển. Bên cạnh đó, các nghiên cứu về đánh giá tác động chủ yếu được thực hiện trong các ngành sản xuất và ít các nghiên cứu trong ngành dịch vụ đặc biệt là trong các ngân hàng thương mại. Thậm chí, trong một số nghiên cứu, các tác giả trên thế giới khi phân tích mối quan hệ giữa TNXHDN và kết quả tài chính của các doanh nghiệp đã loại bỏ ngân hàng trong danh sách đối tượng nghiên cứu. Nghiên cứu của Fiori và các cộng sự (2007) ở Italy và Takehara (2013) ở Nhật là hai ví dụ điển hình. Điều này được các tác giả giải thích là do các tổ chức tài chính và ngân hàng mang những đặc tính riêng và đôi khi các báo cáo tài chính của họ bị ràng buộc bởi những thông tin phục vụ mục đích tăng cường uy tín mà dẫn đến bị sai lệch, bóp méo. Trong khi đó, ở Ấn Độ, mặc dù đã có nghiên cứu về vấn đề này trong bối cảnh ngành ngân hàng nhưng nghiên cứu này của Bihari và Pradhan (2010) lại chỉ dừng lại ở việc liệt kê và tìm ra sự liên hệ một cách giản đơn thông qua các báo cáo hàng năm. Bên cạnh đó, các nghiên cứu tại Việt Nam về tác động của TNXHDN cũng chủ yếu là các phân tích mang tính định tính, mà chưa khai thác nhiều bằng chứng thực tế và phân tích định lượng.

Thứ hai, nghiên cứu tác động của TNXHDN đến kết quả tài chính được thực hiện bởi nhiều thang đo, mô hình khác nhau trên thế giới, từ các nước phát triển đến các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, tất cả các nghiên cứu này đều đưa ra các kết quả không đồng nhất. Hay nói cách khác, vấn đề về tác động của TNXHDN tới kết quả tài chính vẫn chưa có một kết quả rõ ràng. Tại các quốc gia phát triển những nghiên cứu về vấn đề này cho các kết quả khác nhau. Ví dụ như kết quả nghiên cứu tại Mỹ, Anh, Ý của các tác giả Simpson, Scholtens, Vollono…đưa ra kết quả tác động thuận chiều của TNXHDN tới kết quả tài chính nhưng Cheung&Mak, Fiori và các cộng sự, Soana … lại chỉ ra rằng TNXHDN có tác động không đồng nhất tới kết quả tài chính theo hình chữ U. Một số ý kiến khác lại cho rằng mối quan hệ giữa TNXHDN và kết quả tài chính là ngược chiều trong ngắn hạn bởi vì vấn đề TNXHDN được coi là khoản chi phí đầu tư của doanh nghiệp.

Nghiên cứu kiểm định về mối liên hệ giữa TNXHDN và kết quả tài chính cũng thu hút được các nhà nghiên cứu tại các quốc gia mới nổi và đang phát triển. Các quốc gia này có nhiều điểm tương đồng về kinh tế, văn hóa với Việt Nam như Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc và Ấn Độ. Cũng giống như các nghiên cứu tại các nước phát triển, nghiên cứu ở các quốc gia đang phát triển và mới nổi cũng có nhiều hướng kết luận khác nhau về mối quan hệ này. Tiêu biểu như Hohgi, Takehara ở Nhật cho rằng không có mối quan hệ đồng nhất giữa TNXHDN và kết quả tài chính trong khi Ahamed và các cộng sự ở Malaysia, Bihari & Pradhan ở Ấn Độ đã khẳng định TNXHDN có tác động tích cực đến kết quả tài chính doanh nghiệp. Thêm vào đó, các nghiên cứu này cũng chủ yếu tiếp cận tại các doanh nghiệp nói chung mà không phải là các ngân hàng thương mại.

Trong khi đó ở Việt Nam, nghiên cứu về tác động của TNXHDN đến kết quả tài chính vẫn còn rất hạn chế. Mặc dù, Việt Nam nằm trong danh

sách các quốc gia đang phát triển và có nhiều nét tương đồng với một số quốc gia khác nhưng đặc thù doanh nghiệp cũng như lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam tương đối khác so với các quốc gia khác. Do vậy, không thể đồng nhất các kết quả từ các nước để áp dụng trong bối cảnh, điều kiện ở Việt Nam.

Thứ ba, các nhà nghiên cứu trên thế giới đa số sử dụng các phương pháp nghiên cứu rất linh hoạt trong đó phương pháp phân tích tương quan và hồi quy chiếm đa số. Điển hình đó là các nghiên cứu của Saleh và cộng sự, Chen và Wang, Takehara (2008). Trong khi đó, các nghiên cứu theo hướng tiếp cận này còn rất hạn chế ở Việt Nam.

Thứ tư, các nghiên cứu trên thế giới sử dụng các cách đo lường về TNXHDN và các kết quả tài chính khác nhau. Thêm vào đó, chưa có một thang đo và khung phân tích thống nhất nào về hai vấn đề này. Chính vì vậy, có thể do các cách đo lường khác nhau sẽ dẫn đến các kết quả khác nhau trong nghiên cứu.

Theo Cochran và Wood (1984), phương pháp phân tích nội dung là một trong những phương pháp thường được chấp nhận nhiều nhất để đo lường về TNXHDN. Phương pháp này đo lường TNXHDN về mặt định tính và định lượng thông qua việc kiểm đếm các từ ngữ, các câu từ liên quan đến các hoạt động xã hội từ các ấn phẩm báo cáo của doanh nghiệp, bao gồm báo cáo thường niên, báo cáo bền vững và các website của doanh nghiệp. Các biến sẽ là các khía cạnh của các hoạt động TNXHDN. Việc đánh giá các biến này được thực hiện khá là cơ học và khách quan. Các hoạt động TNXHDN được các nhà nghiên cứu sử dụng phổ biến nhất là: môi trường, cộng đồng, thực hành lao động, khách hàng... Ngoài các biến này, ở một số nghiên cứu còn đề cập đến vấn đề quản trị doanh nghiệp như trong nghiên cứu của Cheung và Mak. Có thể nói rằng, việc đánh giá theo phương pháp phân tích nội dung như

vậy có thể được áp dụng dễ dàng trên một số lượng mẫu lớn. Tuy nhiên, do không có một nguyên tắc nhất định nào về lựa chọn các biến TNXHDN cho nên việc lựa chọn các biến lại phụ thuộc vào chủ quan và đôi khi các biến đó lại không phải là những gì doanh nghiệp đang thực sự hướng đến.

Không giống như phương pháp phân tích nội dung, phương pháp đánh giá chỉ số uy tín của doanh nghiệp dựa trên khảo sát của những người am hiểu về các hoạt động xã hội của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở phương pháp này việc xếp hạng các kết quả cũng phụ thuộc vào quan điểm chủ quan của người đánh giá. Như vậy có thể thấy mỗi một phương pháp đo lường có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau, chính vì vậy không thể coi phương pháp nào là tối ưu, đầy đủ nhất để đo lường TNXHDN.

Trái lại với biến đo lường về TNXHDN, biến đo lường kết quả tài chính của doanh nghiệp nói chung và của ngân hàng nói riêng trong các nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam chủ yếu sử dụng hai chỉ số phổ biển phản ánh kết quả tài chính là ROA và ROE. Tuy nhiên một lưu ý ở Việt Nam đó là, các chỉ số ROE hay ROA cũng có thể bị bóp méo bởi chủ ngân hàng, do tính chủ quan trong việc ghi nhận doanh thu, chi phí, lợi nhuận và lách luật khi trích lập dự phòng, làm đẹp bản cân đối kế toán, chất lượng tài sản. Đây là một lưu ý mà các nhà nghiên cứu ở Việt Nam cũng cần quan tâm khi đánh giá kết quả tài chính của các ngân hàng.

Thứ năm, hiện nay trên thế giới hầu hết khung thời gian nghiên cứu và kích cỡ mẫu đều tương đối nhỏ trong các nghiên cứu về tác động của TNXHDN đến kết quả tài chính. Chính điều này có thể sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả của nghiên cứu. Vì vậy các nhà nghiên cứu tương lai có thể xem xét vấn đề như một sự cải thiện trong quá trình nghiên cứu.

Tóm lại, so với các quốc gia khác trên thế giới, nghiên cứu về tác động của TNXHDN đến hiệu quả tài chính doanh nghiệp nói chung và ngân hàng

nói riêng vẫn còn tương đối sơ khai và tương đối đơn giản. Các vấn đề mà các nghiên cứu trong nước chưa được đề cập như là:

Báo cáo về TNXHDN hàng năm của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Khi triển khai các nghiên cứu về trách nhiệm xã hội và tác động của nó đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng hiện nay ở Việt Nam, học giả Việt Nam nên tiến hành thu thập và phân tích các báo cáo phi tài chính của các ngân hàng. Trên thế giới, phương pháp phân tích nội dung từ các báo cáo TNXHDN là một trong những phương pháp phổ biến nhất để do lường vấn đề trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào sử dụng các báo cáo này như một tài liệu chính cung cấp dữ liệu về TNXHDN.

TNXHDN và các lĩnh vực cụ thể của vấn đề trách nhiệm xã hội cũng như xem xét chúng trong mối quan hệ với các chỉ số minh họa kết quả tài chính doanh nghiệp. Ví dụ như Q-Tobin, ROE, ROA, ROS. Ở Việt Nam, việc nghiên cứu về tác động của TNXHDN tới hiệu quả tài chính còn tương đối hạn chế. Nghiên cứu về mối quan hệ này còn đơn giản, chưa đi sâu vào giải thích mối tương quan giữa các chỉ số.

Các yếu tố về qui mô, ngành, doanh thu, tuổi niêm yết của doanh nghiệp… và tác động của chúng đến mối quan hệ TNXHDN và kết quả tài chính. Hầu hết nghiên cứu của các học giả trên thế giới đều sử dụng những yếu tố này là những biến kiểm soát. Điều này góp phần loại bỏ những yếu tố gây nhiễu, làm ảnh hưởng đến mô hình nghiên cứu. Từ đó, góp phần đưa ra mối quan hệ giữa biến độc lập và biến phụ thuộc đúng nhất.

Các vấn đề trên cần được tiếp cận dựa trên một luận cứ khoa học vững chắc, với các dữ liệu thực tế đáng tin cậy và cần được chứng minh bằng phương pháp định lượng phù hợp trên cơ sở rút ra từ sự thành công của những nghiên cứu quốc tế trước đó. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở để đưa ra các khuyến nghị đối với các cơ quan quản lý cũng như Ngân hàng Nhà nước Việt

tham gia vào thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nghiên cứu tác động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đến kết quả hoạt động tài chính tại các ngân hàng thương mại việt nam (Trang 37 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(181 trang)