CHƯƠNG 1 : GIỚI THIỆU NGHIÊN CỨU
1.2. Tổng quan tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước
1.2.2. Tổng quan tình hình nghiên cứu trong nước
Từ những năm 90 của thế kỷ 20, vấn đề TNXHDN đã được nhận thức tại Việt Nam. Mặc dù theo thời gian, nhận thức về việc tăng cường thực hiện vấn đề TNXHDN ngày càng được nâng cao nhưng những nghiên cứu về TNXHDN cũng như tác động TNXHDN đến kết quả tài chính của doanh nghiệp nói chung và các tổ chức tín dụng ngân hàng vẫn còn hạn chế và chưa mang tính hệ thống.
Các nghiên cứu của Việt Nam về vấn đề TNXHDN chủ yếu tập trung vào các nội dung mang tính khái quát như: vai trò của việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và một số vấn đề đặt ra trong việc thực thi trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp ở Việt Nam(Phạm Văn Đức, 2010); những lợi ích thực hiện TNXHDN gắn liền với vấn đề quản trị nhân sự (Nguyễn Ngọc Thắng, 2012); sự tham gia của chính phủ với các vấn đề TNXHDN (Nigel Twose và Tara Rao, 2003); TNXHDN những vấn đề đặt ra hôm nay và giải pháp (Nguyễn Đình Tài, 2010); Một số vấn đề về TNXHDN của doanh nghiệp Việt Nam (Lê Đăng Doanh, 2009); Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế (Lê Thanh Hà, 2009); Thực hiện trách nhiệm xã hội trong lĩnh vực an toàn, bảo vệ sức khỏe và bảo vệ môi trường cho người lao động ở các doanh nghiệp Việt Nam (Lê Thanh Hà, 2010); Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Lê Minh Tiến, Phạm Như Hồ, 2009; Nguyễn Ngọc Thắng, 2015); Thực hiện trách nhiệm xã hội – Lợi ích đối với doanh nghiệp (Lê Thị Thu Thủy, 2013); Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp (Nguyễn Quang Hùng, 2009); Các nhân tố ảnh hưởng tới thực hiện và báo cáo trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp Việt Nam (Phạm Đức Hiếu, 2011).
Một số kết quả liên quan đến tác động của TNXHDN được đề cập trong nghiên cứu của Đào Quang Vinh (2003) về TNXHDN tại các doanh nghiệp thuộc hai ngành dệt may và da giầy. Kết quả khảo sát trên 24 doanh nghiệp đã chỉ ra rằng có tác động tích cực của TNXHDN đến năng suất lao động và tỷ lệ hàng xuất khẩu. Ngoài ra, thực hiện TNXHDN giúp doanh nghiệp tạo dựng hình ảnh đẹp trong lòng khách hàng và cải thiện sự hài lòng của người lao động đối với doanh nghiệp. Điều này có thể giúp doanh nghiệp thu hút thêm được nhiều lao động có tay nghề cao. Tác giả Nguyễn Anh Tú (2014) đã kiểm định mối quan hệ giữa TNXHDN với sự hài lòng của khách hàng. Trong bài nghiên cứu này, tác giả đã sử dụng phương pháp phân tích hồi quy dựa trên việc khảo sát 180 người lao động là những người quản lý cấp trung, cấp cao và những người nước ngoài đang làm việc cho các doanh nghiệp của Việt Nam năm 2014. Nghiên cứu này đã chứng minh được các giả thuyết đặt ra gồm: (i) TNXHDN có tác động thuận chiều với sự hài lòng của khách hàng; (ii) Sự hài lòng của khách hàng có tương quan thuận chiều với kết quả tài chính; (iii) Sự hài lòng của khách hàng ảnh hưởng đến mối quan hệ TNXHDN-kết quả tài chính; Môi trường pháp luật ảnh hưởng đến mối quan hệ TNXHDN - kết quả tài chính. Vai trò của sự hài lòng của khách hàng trong mối quan TNXHDN-kết quả tài chính được thể hiện ở suy nghĩ, cảm nhận của khách hàng về các sản phẩm, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Chung lại, đã có một số công trình nghiên cứu ở trong nước liên quan đến vấn đề TNXHDN. Tuy nhiên, chưa có khung lý thuyết về TNXHDN được xây dựng áp dụng tại khu vực dịch vụ nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng. Bên cạnh đó, đa số các nghiên cứu trước đây tại Việt Nam chỉ tiếp cận về mặt lý thuyết khái quát về TNXHDN mà có rất ít các nghiên cứu theo hướng kiểm định về tác động cụ thể của từng khía cạnh trong các nội dung về
TNXHDN như quản trị doanh nghiệp, khách hàng, môi trường, thực hành lao động….đến kết quả tài chính doanh nghiệp.