1.3.2 .Nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Cơ sở lý luận về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
2.1.2. Khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Khái niệm TNXHDN chính thức xuất hiện năm 1953 trong cuốn sách của Bowen với nhan đề “Trách nhiệm xã hội của doanh nhân” nhằm mục đích tuyên truyền và kêu gọi người quản lý tài sản không làm tổn hại đến các quyền và lợi ích của người khác, kêu gọi lòng từ thiện nhằm bồi hoàn những thiệt hại do các doanh nghiệp làm tổn hại cho xã hội (Bowen & Johnson, 1953). Ngược lại, Friedman (1970) lại thấy bản chất của TNXHDN là sự mâu thuẫn. Tác giả cho rằng việc tham gia vào thực hiện TNXHDN là một vấn
đề/một sự xung đột về lợi ích giữa nhà quản lý và các cổ đông. Nói cách khác, trong khi các nhà quản lý cố gắng sử dụng TNXHDN như một công cụ làm tăng bảng thành tích sự nghiệp, chính trị và xã hội của mình thì điều này lại không hề có lợi cho các cổ đông.
Như vậy có thể thấy khái niệm TNXHDN vẫn là một khái niệm gây tranh cãi cho tới nay mặc dù đã có nhiều nghiên cứu nhằm mục tiêu đưa ra một định nghĩa thống nhất và rõ ràng về TNXHDN. Bởi bản thân khái niệm này là một thuật ngữ không rõ ràng và rắc rối với nhiều tầng ý nghĩa khác nhau (Nasrullah và Rahim, 2014). Bên cạnh đó, mỗi học giả trên thế giới lại có những cái nhìn khác nhau về TNXHDN và sử dụng những thuật ngữ khác nhau để giải thích về vấn đề này như là đạo đức doanh nghiệp, doanh nghiệp bền vững, đầu tư trách nhiệm xã hội, trách nhiệm doanh nghiệp, công dân doanh nghiệp…Thêm vào đó, là sự vận đồng và thay đổi không ngừng của bản thân khái niệm TNXHDN để phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội.
Tổng hợp các nghiên cứu, khái niệm TNXHDN có thể được phân loại như sau:
Các khái niệm thiên về hướng đạo đức:
Khái niệm về TNXHDN của McGuire (1963), “TNXHDN là nói tới một doanh nghiệp không chỉ có nghĩa vụ về mặt kinh tế và chấp hành luật pháp mà còn phải có những trách nhiệm nhất định khác đối với xã hội. Những trách nhiệm này phải được mở rộng và vượt lên trên những nghĩa vụ và bổn phận khác”. Theo Davis (1973) “TNXHDN bao gồm sự đáp ứng và kết hợp tất cả các nhu cầu vượt trên các yêu cầu về kinh tế, kỹ thuật và luật pháp, để đạt được các mục tiêu xã hội cũng tốt như các mục tiêu kinh tế”. Theo Sethi, (1975), “TNXHDN hàm ý nâng hành vi của doanh nghiệp lên một mức phù hợp với các quy phạm, giá trị và kỳ vọng xã hội đang phổ biến”. Còn Carroll (1999) sau khi chỉ ra vai trò chủ yếu của mọi doanh nghiệp là tạo ra lợi nhuận bằng cách bán sản phẩm và dịch vụ cho xã hội khẳng định “TNXHDN bao
gồm sự mong đợi của xã hội về kinh tế, luật pháp, đạo đức và lòng từ thiện đối với các tổ chức tại một thời điểm nhất định”.
Các khái niệm về trách nhiệm hướng tới các bên liên quan
Freeman (1983) gọi TNXHDN chính là cam kết của các cổ đông. Davis và cộng sự 1984 coi “TNXHDN là bổn phận của tổ chức trong việc cam kết thực hiện các hoạt động bảo vệ và đóng góp cho phúc lợi xã hội bao gồm các hoạt động cộng đồng, khách hàng, cổ đông, môi trường và nhân viên”. Hai tác giả Maignan và Ferrell (2004) cũng đưa ra khái niệm về TNXHDN “Một doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội khi quyết định và hoạt động của nó nhằm tạo ra và cân bằng các lợi ích khác nhau của những cá nhân và tổ chức liên quan”. Naylor (1999) quan niệm TNXHDN như là nghĩa vụ của các nhà quản lý lựa chọn và hành động theo cách có lợi cho cả tổ chức nói riêng và xã hội nói chung. Hopkins (2003) chỉ ra rằng TNXHDN quan tâm đến việc xử lý các bên liên quan cả trong và ngoài nước của một doanh nghiệp, theo một cách có trách nhiệm với xã hội. Nói cách khác, mục tiêu rộng hơn của TNXHDN là nhằm tạo ra một mức sống ngày càng cao, trong khi vẫn duy trì khả năng sinh lời của doanh nghiệp cho các bên hữu quan của mình. Zu và Song (2009) lại định nghĩa một cách ngắn gọn rằng “TNXHDN nghĩa là các doanh nghiệp hợp nhất các mối quan tâm về xã hội và môi trường trong hoạt động kinh doanh và sự tương tác của mình với các bên hữu quan trên cơ sở tự nguyện”.
Như vậy trên thực tế có thể thấy rằng, TNXHDN là một phạm trù rộng và có thể được hiểu và diễn đạt theo nhiều cách khác nhau dựa trên quan điểm của từng tác giả. Vấn đề gây tranh cãi ở đây không phải là việc định nghĩa TNXHDN mà là cách TNXHDN được cấu thành về mặt xã hội trong một bối cảnh cụ thể. Về cơ bản, trong xã hội hiện đại, việc chú ý tới mục tiêu cuối cùng của TNXHDN là nhằm đóng góp vào việc xây dựng một nền kinh tế năng động, cạnh tranh và gắn kết chặt chẽ dựa vào tri thức là rất quan trọng
(Polychronidou và các cộng sự, 2014). Để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp cần luôn luôn ghi nhớ rằng họ phải biết cách cân bằng mọi chủ thể có liên quan, từ nhân viên, cổ đông, nhà cung cấp, cho tới khách hàng và cộng đồng.
Bên cạnh đó cũng còn một số quan điểm đối lập về TNXHDN, tiêu biểu là công trình nghiên cứu của Friedman (1970) “TNXHDN bao gồm việc sử dụng các nguồn lực và sự cam kết thực hiện các hoạt động để gia tăng lợi nhuận, miễn là doanh nghiệp đó thực hiện đúng luật chơi. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp đó cam kết mở rộng và tự do hóa cạnh tranh không bao gồm các hành động dẫn đến sự hiểu lầm và gian lận.”
Như vậy có thể thấy các khái niệm và quan niệm về TNXHDN xuất hiện và phát triển gắn liền với từng giai đoạn khác nhau của xã hội. Trong bài viết của Carroll (1999) về “Trách nhiệm xã hội: Sự phát triển của định nghĩa TNXHDN”, tác giả cho rằng, cho đến cuối những năm 1990 định nghĩa về TNXHDN được xem như tương đối hoàn thiện và những quan điểm sau này cơ bản đều sử dụng phương pháp tiếp cận của các bên hữu quan4 và tiếp cận xã hội5. Chính phủ, các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp và rất nhiều nhà nghiên cứu hiện đại cũng phân tích TNXHDN theo hướng tiếp cận các bên hữu quan và xã hội.
Hiện nay, có hai quan điểm về TNXHDN được xem như là toàn diện và bao phủ toàn bộ các đặc điểm của TNXHDN. Quan điểm của Ủy ban Cộng đồng Liên minh Châu Âu cho rằng các doanh nghiệp tình nguyện mở rộng
4 Cách tiếp cận các bên liên quan được biết đến đầu tiên bởi Freeman (1984). Tác giả cho rằng các tổ chức kinh doanh không chỉ chịu trách nhiệm với các cổ đông mà còn phải chịu trách nhiệm với các bên có bị ảnh hưởng bởi mọi hoạt động doanh nghiệp. Quan điểm này ủng hộ doanh nghiệp phải luôn cân bằng giữa lợi ích tối đa hóa lợi nhuận của mình và lợi ích của các bên liên quan khác.
5 Phương pháp tiếp cận xã hội là một cái nhìn khái quát hơn về cách tiếp cận các bên liên quan. Cách tiếp cận này coi các doanh nghiệp là một phần không thể thiếu trong xã hội. Do đó, doanh nghiệp nên thực hiện trách nhiệm đối với xã hội, cụ thể là phục vụ nhu cầu của các thành phần trong xã hội, đảm bảo sự hài lòng của công chúng.
phạm vi hoạt động của doanh nghiệp, không chỉ dừng lại ở tối ưu hóa lợi nhuận mà trải rộng ra lĩnh vực môi trường và xã hội trong mối quan hệ với các bên liên quan. Quan điểm khác cho rằng TNXHDN không đơn thuần là một hành động từ thiện tự nguyện mà là một đặc điểm cốt lõi, trọng tâm của doanh nghiệp. Tại đó, mọi hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm hoạt động tạo ra lợi nhuận đều phải được xem xét trong mối quan hệ khăng khít với môi trường và xã hội. Về cơ bản, hai quan điểm trên đều hướng đến một mục đích là cải thiện xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, điểm khác biệt nằm ở tính chất bắt buộc trong việc thực hiện TNXHDN mà thôi.
Ủng hộ quan điểm trên, Hội đồng doanh nghiệp thế giới về phát triển bền vững (WBCSD, 2000) coi TNXHDN như các cam kết của doanh nghiệp dành cho phát triển bền vững kinh tế thông qua việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người lao động, gia đình, cộng đồng địa phương và xã hội nói chung. Trong bộ tiêu chuẩn ISO 26000 được ban hành năm 2010 đã chỉ rõ các nội hàm trong TNXHDN gồm 7 nhân tố cốt lõi: (i) Quản trị doanh nghiệp nhằm đảm bảo lợi ích cho cổ đông; (ii) Thực hiện tốt quyền con người; (iii) Quan hệ và đối xử tốt với người lao động; (iv) Bảo vệ môi trường; (v) Công bằng trong hoạt động; (vi) Bảo đảm lợi ích và an toàn cho người tiêu dùng; (vii) Đóng góp cho cộng đồng xã hội.
Về cơ bản, các định nghĩa về TNXHDN xoay quanh việc doanh nghiệp cần xem xét các tác động xã hội, môi trường và kinh tế trong mọi hoạt động kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, TNXHDN đại diện cho một loạt các trách nhiệm mà một doanh nghiệp nói chung và trong một lĩnh vực cụ thể nói riêng nên áp dụng để đáp ứng với nhu cầu và mong đợi của các bên liên quan khác nhau đó là khách hàng, nhân viên, các nhà đầu tư, cổ đông, và các cộng đồng địa phương.
Bàn về TNXHDN trong các ngân hàng, các học giả trên thế giới cho rằng ngân hàng cũng được coi là một loại doanh nghiệp, điểm khác biệt là sản phẩm của loại doanh nghiệp này là các sản phẩm tài chính và ở đó, khách hàng sẽ đưa ra quyết định mua dựa trên giá của sản phẩm - lãi suất. Các nghiên cứu hiện nay về trách nhiệm xã hội trong lĩnh vực tài chính đã chỉ ra rằng, quan điểm về TNXH trong ngân hàng không thay đổi so với quan điểm TNXHDN và cũng ủng hộ cho lý thuyết các bên hữu quan. Hay nói cách khác, các ngân hàng, giống như các doanh nghiệp, không chỉ quan tâm đến mục tiêu lợi nhuận mà còn đầu tư cho các lĩnh vực hoạt động xã hội khác gắn liền với môi trường, kinh tế, xã hội, người lao động, khách hàng, cộng đồng… Tổng hợp các khái niệm đã nêu, trong khuôn khổ nghiên cứu này tác giả sử dụng khái niệm trách nhiệm xã hội của ngân hàng theo cách tiếp cận các bên liên quan và tiêu chuẩn ISO 26000 là nền tảng: “Trách nhiệm xã hội của ngân hàng là cam kết thực hiện tốt các vấn đề về quản trị công ty, quyền con người, thực hành lao động, môi trường, công bằng trong hoạt động, khách hàng và cộng đồng trên cơ sở tuân thủ các luật pháp quốc gia, thông lệ quốc tế và đảm bảo hài hòa lợi ích các bên đồng thời góp phần phát triển kinh tế xã hội quốc gia một cách bền vững”.