Cảm quan mới về cuộc sống của các nhà văn nữ

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) truyện ngắn các nhà văn nữ đương đại tư duy nghệ thuật và đặc trưng thể loại luận án TS ngôn ngữ và văn hoá việt nam 60 22 01 (Trang 66)

3.1 .Quan niệm sáng tác của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại

3.2. Cảm quan mới về cuộc sống của các nhà văn nữ

Như chương 1 chúng tôi đã nói, về bản chất, tư duy nghệ thuật cũng là một hoạt động nhận thức hiện thực cuộc sống của người nghệ sĩ. Tùy thuộc vào thế giới quan, nhân sinh quan và trình độ văn hóa của người sáng tạo mà mỗi nhà văn sẽ có một cách tiếp cận, cắt nghĩa và lí giải hiện thực khác nhau. Hòa vào sự đổi mới tư duy văn học nói chung trong việc thức nhận hiện thực đời sống đương đại, các nhà văn nữ cũng tạo được một cách nhìn và phản ánh riêng của mình. Dưới các góc nhìn khác nhau, hình tượng cuộc sống hiện lên đa sắc, đa chiều và đầy tính đa đoan, đa sự trong thăm thẳm chiều sâu của thế giới tâm hồn người phụ nữ.

3.2.1. Hình tượng cuộc sống qua góc nhìn đạo đức, thế sự

Trong chiến tranh, cuộc sống, chiến đấu gian khổ, khốc liệt nhưng những đường biên phân định tốt, xấu, thiện, ác, cao cả, thấp hèn... dường như lại đơn giản, rõ ràng, minh bạch. Khi chuyển sang thời bình (sau năm 1975), con người trở về với cuộc sống sinh hoạt cá nhân, đời thường, mọi thứ dường như lại trở nên phức tạp, “đa đoan, đa sự” hơn bao giờ hết. Những giá trị, những mối quan hệ xã hội vốn được đề cao trong quá khứ, những nhân cách con người vốn “nguyên phiến”, “đơn trị”... giờ đây đang biến đổi từng ngày. Vấn đề đạo đức, thế sự đã trở thành một trong những nguồn cảm hứng lớn của văn học thời kì đổi mới. Góp phần triển khai, nuôi dưỡng

nguồn mạch cảm hứng ấy, truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại đã “nhập cuộc” với một cách nhìn, một tiếng nói sâu sắc, độc đáo, đầy “nữ tính”.

3.2.1.1. Những dự cảm bất an và nỗi cô đơn ám ảnh

Không muốn để cho nam giới “độc quyền kết luận” về thực trạng cuộc sống đang diễn ra, các nhà văn nữ đương đại đã không ngần ngại lách ngòi bút vào những mảng đen tối, gai góc, những mặt trái, góc khuất của cuộc đời. Cảm hứng đạo đức, thế sự được tập trung soi rọi từ môtip “hoàn cảnh tàn nhẫn và sự tha hóa của con người”. Bị chi phối bởi cái nghèo đói, quẫn bách, bị ám ảnh bởi “ma lực” của đồng tiền, quyền lực, nhân cách, nhân tính con người như ngày càng bị bào mòn đến cằn cỗi, xơ cứng. Trong Minu xinh đẹp (Nguyễn Thị Thu Huệ), guồng quay làm giàu đã khiến con người tự nhận thức thấy một sự biến đổi đầy chua xót: “Tôi cũng không nhận ra mình nữa (...): vay tiền rất nhanh và cái cục sĩ diện tan đi đâu hết. Ngày xưa tôi không thế”, “Không hiểu cái gì đã làm vợ tôi, từ một người thùy mị nết na là thế thành một người đàn bà lúc nào cũng có thể chửi nhem nhẻm không biết mệt”. Nhưng dẫu sao còn day dứt nghĩa là vẫn còn muốn níu giữ những giá trị tốt đẹp vốn tồn tại trong phần “người”. Đáng sợ là những trường hợp xuống cấp đạo đức, táng tận lương tâm đến mức chỉ còn phần “con” trong những cách hành xử đầy thú tính của con người: chồng bỏ rơi vợ con, đoạn tuyệt quá khứ, xóa bỏ gốc tích để “quay lại chăm lo cho bộ lông của mình như loài thú” (Bi kịch nhỏ), con ép bố phải chặt đứt ngón tay để chứng minh sự vô can đến khoản tiền bị mất cắp trong nhà (Anh lính Tô-ny D), anh em chém giết nhau để giành giật Đồng đôla vĩ đại... Một loạt tác phẩm của Lê Minh Khuê đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự “áp đảo kinh hoàng của cái xấu, cái ác cũng như sự “lép vế” của những giá trị tinh thần, đạo đức giữa một xã hội thực dụng” [108, tr.216]. Với một cái nhìn trực diện, trung thực, sáng tác của các nhà văn nữ mang tinh thần phê phán mạnh mẽ trước những hiện tượng suy thoái đạo đức nghiêm trọng trong xã hội Việt Nam thời mở cửa.

Những mảng màu hiện thực tối đen dưới góc nhìn đạo đức, thế sự hiện lên khá góc cạnh trong truyện ngắn của các cây bút nữ, nhưng theo chúng tôi, điều làm nên dấu ấn đậm nét trong những trang viết nữ là những dự cảm mang tính dự báo về sự phát triển của cái xấu, cái tiêu cực khi nó còn chưa lộ rõ đường nét. Nhà văn

Vương Trí Nhàn cho rằng: “phụ nữ bắt mạch thời đại nhanh hơn nam giới” [59], điều này hoàn toàn phù hợp với bản chất vốn nhạy cảm, luôn tiếp xúc, gần gũi với những thứ “lỉnh kỉnh, dở dang” hàng ngày của người phụ nữ. Ngay từ những năm vừa ra khỏi cuộc sống, chiến đấu trong chiến tranh, trong Một ngày đi trên đường, nhà văn Lê Minh Khuê đã rất sắc sảo và tinh tế khi nhận ra rằng: trên một chuyến xe, mặc dù mới sống trong thời bình chưa được bao lâu, nhưng mọi người “không nói một lời về chiến tranh” mặc dù họ đã từng một thời tham chiến. Họ chỉ rặt nói những chuyện về xe máy, về máy ghi âm và quay đĩa. “...không ai quên những gì đã trải qua dạo ấy. Nhưng họ còn trẻ. (...). Cuộc sống còn thật dài ở phía trước. Còn phải lao động, còn phải xây dựng tổ ấm, còn lo nhiều việc trên các ngả đường mà họ tới để làm việc”. Cuộc sống mới với nhiều giá trị, quan niệm đã và đang đổi thay. Khó ai có thể minh định được rõ nét gương mặt xã hội buổi giao thời đầy những “hoang mang xáo trộn” ấy, nhưng sự cảm nhận nhạy bén của nhà văn: “tôi thấy chung quanh tôi đã khác trước nhiều lắm. Người chạy xuôi, chạy ngược, nháo nhác mua bán, có cái gì đấy giống một cơn sốt bắt đầu đến” dường như là một tiên lượng xấu cho sự tan rã những chân giá trị tốt đẹp của con người trước guồng quay của nền kinh tế thị trường. Và quả thật hiện thực cuộc sống cũng như một loạt các tác phẩm sau đó của nhiều nhà văn nữ đã chứng minh cho điều này (Minu xinh đẹp- Nguyễn Thị Thu Huệ, Làng quê xanh thắm- Hoàng Ngọc Hà, Cây lộc vừng trổ hoa vông vang- Trần Thị Trường,...). Cũng mang một dự cảm bất an cho sự đứng vững của nhân cách con người, những người phụ nữ thôn quê chân chất, chịu thương chịu khó, yêu chồng thương con, truyện ngắn Thiêu thân (Thùy Dương) đã đặt nhân vật vào môi trường phố phường với nhiều cám dỗ, cạm bẫy để nhìn nhận sự biến đổi của con người. Chưa có sự tha hóa, biến chất nhưng những thay đổi trong cảm giác, cảm nhận của nhân vật về mùi vị cảnh vật, con người chốn quê sau mấy tháng từ thành phố trở về khiến chúng ta linh cảm rằng sẽ không còn “nguyên khối” cái chất “thuần nông” ở người phụ nữ này. Với quan niệm con người là một cá nhân phức tạp, bí ẩn, “lưỡng diện”, truyện ngắn nữ đương đại luôn mang lại dư vị “day dứt” cho người đọc khi xây dựng những nhân vật không thể định danh, phân loại một cách rõ ràng theo những đường biên đơn giản giữa tốt và xấu, thiện và ác, cao cả và

thấp hèn... Nhân vật Dương trong Mùa cốm đi qua (Thúy Bắc) là một bác sĩ có tài, rất nhiệt tình giúp đỡ bạn bè, nhưng lại liên tục “xóa trắng” những lời hứa sẽ liên lạc lại với một người bạn khá gắn bó với mình trong cuộc sống cũng như sự nghiệp, cả trong thời chiến cũng như trong thời bình. Đó là sự vô tình, lơ đãng hay là sự vô tâm, giả dối của một con người “không thân ai cả mà chỉ xã giao bề ngoài”? Không ai có thể kết luận chính xác về con người đó. Chỉ có những cảm nhận mơ hồ giống như sự hư ảo trong cảm nhận của cô gái tên Miên: “phải chăng điều không thể có thật, mà mình hi vọng rồi tưởng tượng nó có và đặt nó vào nhân bản một con người”. Những vấn đề về thế thái, nhân tình dưới góc nhìn đạo đức trong những trang viết nữ có khi chỉ là những dự cảm, cảm giác mong manh, bất an như thế nhưng lại luôn khắc khoải một nỗi suy tư về hành trình săn tìm sự hoàn thiện nhân cách của mỗi con người.

Người phụ nữ muôn đời luôn gắn bó với thiên chức làm vợ, làm mẹ, có lẽ vì thế mà họ coi hôn nhân, gia đình là lẽ sống cao nhất của mình. Cũng chính vì vậy mà cảm hứng đạo đức, thế sự được khơi gợi riết róng từ “tầng vỉa” hiện thực gắn bó máu thịt với mỗi nhà văn nữ: cuộc sống hôn nhân, gia đình. Có thể nói, gần như mọi biến thái của đạo đức thế sự, nhân tâm ta có thể quan sát thấy trong diễn biến, hiện trạng cuộc sống hôn nhân, gia đình trong mỗi truyện ngắn nữ: sự bội bạc, vô ơn đến tàn nhẫn với truyền thống, cội nguồn, cha mẹ (Người của mỗi người- Dạ Ngân, Bà ngoại- Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nước mắt chảy xuôi- Nguyễn Thị Vân Anh,...), sự ích kỉ, nhỏ nhen, sự giả dối đến phản trắc của lòng người (Phép thử- Nguyễn Thu Phương, Phù thủy- Nguyễn Thị Thu Huệ, Ngôi sao xanh- Hà Khánh Linh,...),... Trong đó, có một hiện trạng trở thành nỗi ám ảnh của các nhà văn nữ: đó là nguy cơ rạn nứt, đổ vỡ những mối quan hệ bền chặt giữa các thành viên trong gia đình hiện đại. Trong rất nhiều câu chuyện, bắt đầu từ những hành vi “lệch chuẩn” đạo đức của người vốn được coi là trụ cột gia đình, người cha (thường là hành vi ngoại tình), mọi thứ bắt đầu đảo lộn, thay đổi giá trị: trật tự thứ bậc, tình cảm cha, con, vợ, chồng, hạnh phúc gia đình,... Người cha vốn được coi là một “biểu tượng đạo đức mẫu mực” trong mắt các con nay lại trở thành một “tội đồ” bị phán xét trong cái nhìn nghiêm khắc của chính đứa con mình (Kịch câm- Phan Thị Vàng

Anh). Tình cảm thiêng liêng nối kết các thành viên trong gia đình bỗng trở nên gượng gạo, rời rạc, được che đậy bởi một thứ hạnh phúc giả tạo (Mặt trăng phía khác- Phạm Thị Ngọc Liên, Khoảng trắng ngày xưa tôi- Niê Thanh Mai). Khi mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo, hời hợt, “ngôi nhà trở thành cái nhà trọ, cho chính mỗi người chủ của nó” (Nhà trọ- Nguyễn Thị Châu Giang), con người như sống ngoài lề cuộc sống gia đình, điều tất yếu họ phải đối diện với nỗi cô đơn đến cô độc. Sâu xa hơn, người phải chịu thiệt thòi nhất trong những bi kịch gia đình ấy chính là những người con, những thế hệ trẻ, họ có thể cứ tiếp tục sống trong sự thui chột tâm hồn, lệch chuẩn nhân cách mà không có một sự chia sẻ, động viên, một chỗ dựa tinh thần vững chắc để uốn nắn, vin tựa,... “Mẫn cảm bản năng” của người phụ nữ đã nhìn ra rất sâu xa những nguy cơ tiềm ẩn từ sự tan rã của những chân giá trị trong cuộc sống gia đình.

Bức tranh “mặt trái” của đời sống đạo đức, thế sự trong truyện ngắn nữ không chói gắt với những mảng màu đậm, đường nét gai góc mà nó gây ấn tượng bởi những sắc màu bảng lảng, những nét chấm phá, thậm chí là những đường vẽ nửa vời, để lại rất nhiều khoảng trắng buộc người thưởng thức phải cùng tiếp tục trải nghiệm, suy nghĩ, khơi tìm...

3.2.1.2. Niềm tin vào những giá trị nhân văn bền vững

Phái nữ khá tỉnh táo và nhạy cảm khi nhận chân những mặt tiêu cực đang diễn ra trong đời sống đạo đức, thế sự của xã hội đương đại. Nhưng như Huỳnh Như Phương đã nhận xét: “thật ra những nhà văn nữ thường là những người ít bi quan nhất. (...) Hình như phụ nữ cũng là người ít mất lòng tin hơn cả, ngay khi họ miêu tả sự mất lòng tin nơi một số nhân vật nào đó” [70, tr.136], bên cạnh những mảng màu đen tối trong bức tranh thế thái, nhân tâm, đáng quý là các cây bút nữ đã thắp lửa niềm tin rất mạnh mẽ cho người đọc ở những khoảng bừng sáng, những phút bừng ngộ của tâm hồn, nhân cách, lương tri, lương năng con người. Bên cạnh những điều bất an, đầy khiếm khuyết, thế giới vẫn còn nhiều điều tốt đẹp lắm bởi sự neo đậu của những giá trị nhân văn bền vững.

Có người cho rằng nữ giới triển khai mọi việc ra cũng thành tình yêu. Trong cái nhìn trong sáng, tươi đẹp về thế giới, viết về tình yêu là cách diễn đạt trọn vẹn

nhất của các nhà văn nữ về những tâm hồn thánh thiện, cao thượng của con người. Một tình yêu si mê, hết mình, không vụ lợi: Đêm ngâu vào- Đoàn Lê, Thời mà nàng còn điên- Trân Sa, Điều kì lạ của tình yêu- Thanh Hương,... Một tình yêu đong đầy sự bao dung, vị tha: Cuối mùa nhan sắc- Nguyễn Ngọc Tư, Con sóng Đồng Tháp Mười- Nguyễn Thị Phước, Chuyện tình của người mù- Trần Thiên Hương,... Trong cuộc sống mà tâm hồn con người dễ bị xơ cứng đi bởi guồng quay của nền kinh tế thị trường, những trang văn thấm đẫm một thứ tình cảm mãnh liệt như thế này sẽ tạo ra một sự cân bằng tinh thần quý giá, bằng chất thơ đầy lãng mạn của tình người.

Truyện ngắn nữ thắp lửa niềm tin cho người đọc vào những khoảng sáng của nhân cách con người không phải bằng trí tưởng huyễn ảo mà bằng chính “thiên tính nữ” của những người cầm bút. Trong rất nhiều câu chuyện, các tác giả đã miêu tả những phút giây xao lòng, những cách hành xử đi theo tiếng gọi bản năng, khát khao trần thế của người phụ nữ, nhưng thường cuối cùng họ vẫn tìm lại, đứng vững trong cái thiên chức làm vợ, làm mẹ của mình (Một nửa cuộc đời- Nguyễn Thị Thu Huệ, Sau chớp là giông bão- Y Ban, Hiu hiu gió bấc- Nguyễn Ngọc Tư,...). Trước ranh giới mong manh của sự sa ngã, chính trách nhiệm, bản lĩnh, những tình cảm gia đình bền chặt đã giúp người phụ nữ tìm lại đúng bản ngã con người mình. Cũng trên những trang văn nữ, “thiên tính” của người cầm bút đã lưu giữ rất trân trọng những tình cảm gia đình thiêng liêng mà người ta dễ xem nhẹ trong cuộc sống xã hội hiện đại. Thật xúc động giây phút người con, người mẹ đứng lặng suy nghĩ để tạo ra một bữa cơm làm hài lòng tất cả mọi thành viên trong nhà, sẽ “có cả sườn rán, có cả thịt nhừ”, để “không còn nghe tiếng thở dài của bà”, cũng không “thiếu tiếng cười của các con”. Những giây phút Cuối ngày (Trần Thị Trường) sẽ luôn “túi bụi hối hả” với những bữa cơm chiều như thế, nhưng người phụ nữ vẫn muốn “làm được tất cả, không mệt mỏi”. Năm 2014 Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch đã chọn “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” làm chủ đề của ngày Gia đình Việt Nam (28- 6) nhằm đề cao sự gắn bó, thương yêu của các thành viên trong gia đình, thông qua sự sum vầy trong các bữa cơm hàng ngày. Thiết nghĩ, những câu chuyện giản dị, mộc mạc mà giàu ý nghĩa nhân văn như truyện ngắn Cuối ngày của Trần Thị

Trường sẽ có giá trị rất lớn trong việc khơi dậy những tình cảm gia đình ấm cúng, đầy trách nhiệm trong mỗi con người.

Trong “thế giới xô lệch” hiện nay, nhiều giá trị bị đảo lộn, nhiều quan niệm đã đổi thay, liệu còn gì là vĩnh cửu để làm điểm tựa vững chãi cho đời sống tinh thần con người muôn đời mai sau? Dưới cái nhìn trọng tình, trọng nghĩa, giàu tính hướng nội của các nhà văn nữ, quê hương nguồn cội, kí ức tuổi thơ luôn là điểm tựa tinh thần vững chắc, bền chặt nhất, chứa đựng những “trầm tích” văn hóa đẹp đẽ nhất để nuôi dưỡng, chở che những tâm hồn khát khao hướng tới cái chân, thiện, mĩ. “Trong lòng ai cũng có một mảnh quê hương, càng đi xa mảnh lòng ấy càng xanh thắm, càng lung linh, càng huyền diệu” (Làng quê xanh thắm- Hoàng Ngọc Hà). Cái chấm sáng tâm linh ấy như một gương soi chuẩn mực để con người nhận chân những biến đổi “méo mó”, dị thường của đời sống hiện đại: “dân làng giàu lên

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) truyện ngắn các nhà văn nữ đương đại tư duy nghệ thuật và đặc trưng thể loại luận án TS ngôn ngữ và văn hoá việt nam 60 22 01 (Trang 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)