Sex bản năng hay là khát vọng tình yêu

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) truyện ngắn các nhà văn nữ đương đại tư duy nghệ thuật và đặc trưng thể loại luận án TS ngôn ngữ và văn hoá việt nam 60 22 01 (Trang 91 - 92)

3.1 .Quan niệm sáng tác của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại

3.4. Thế giới biểu tượng trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại

3.4.2. Sex bản năng hay là khát vọng tình yêu

Sex (hành động tính dục) có thể chỉ là một chi tiết xuất hiện trong cốt truyện, nhưng trong một số truyện ngắn nữ nó mang phẩm chất của một biểu tượng- các tác giả đã nghĩ “bằng” nó chứ không phải nghĩ “về” nó.

Theo lẽ thông thường, tình dục phải gắn liền với tình yêu- là sự hòa hợp tuyệt đỉnh của hai tâm hồn, hai thể xác. Nhưng trong rất nhiều câu chuyện của các tác giả nữ, tình dục và tình yêu là hai vấn đề hoàn toàn độc lập với nhau. Đôi vợ chồng trong Năm ngày (Phạm Thị Hoài) đã có những đêm ân ái thật nồng nàn, cuồng say, nhưng giữa đêm và ngày thì lại hoàn toàn “không có gì chung”. Ban ngày, họ là hai thế giới cách biệt, hoàn toàn cô lập với nhau, giao tiếp với nhau chỉ bằng sự im lặng, lãnh đạm, thờ ơ, có chăng là chỉ bằng những suy nghĩ đoán định. Cuối cùng thì cô gái vẫn lạnh lùng ra đi vào “ngày thứ năm”, xóa bỏ hoàn toàn bốn đêm “tân hôn” say đắm. Sự khác biệt giữa “ngày và đêm” như thế ta cũng bắt gặp trong cuộc sống của hai vợ chồng ở truyện ngắn Phù thủy (Nguyễn Thị Thu Huệ). Ban ngày giữa họ là những cuộc “khẩu chiến” không dứt, và họ đang lục tục chuẩn bị li hôn. Nhưng ban đêm lại khác, hai người lại tìm đến với nhau, như không hề có “cuộc chiến” nào đã từng xảy ra, khiến chính đứa con gái nhỏ của họ không thể hiểu nổi: “Họ chính là phù thủy”, “(…) cuộc sống thật bí ẩn. Con người sống như những bóng ma mà không hiểu ngày hay đêm họ hiện nguyên hình?”. Tình dục trong những câu chuyện như thế đã biểu trưng cho cái bản năng của con người. Nó diễn ra bình thường như một thói quen tự nhiên, một nhu cầu thiết yếu của cuộc sống mà không cần cảm xúc, không cần tình yêu. Trong tác phẩm Cánh đồng bất tận

(Nguyễn Ngọc Tư), rất nhiều cuộc giao hoan đã diễn ra: giữa mẹ Nương và người đàn ông bán vải, giữa cha Nương và cô gái điếm tên Sương, giữa đám thợ gặt và những người phụ nữ bán thân nuôi miệng,… nhưng tất cả đều mang tính bản năng,

sặc mùi đổi chác. Trong thế giới ấy, mỗi con người là một khối cô đơn đặc quánh, gần như hạn chế giao tiếp với nhau đến mức tối đa. Và dường như tình dục là phương tiện gắn kết duy nhất giữa họ- một sự gắn kết mang tính bản năng ít nhiều còn sót lại giữa con người với con người. Trong cảm quan của các nhà văn nữ, sex là một phương tiện hữu hiệu để nói về cái bản năng của con người.

Nhưng ý nghĩa biểu tượng của sex không chỉ dừng lại ở đó. Đã hơn một lần các cây bút truyện ngắn nữ kể về những cuộc truy tìm hạnh phúc của người đàn bà- và nó luôn gắn với những cuộc làm tình, với những khát khao được thỏa mãn, được tôn trọng, được “là chính mình” trong cuộc sống ân ái ấy (Vu quy- Đỗ Hoàng Diệu,

Tự- Y Ban). Với họ, tình yêu và tình dục đã hòa làm một- một tình yêu trọn vẹn phải là sự hòa hợp cả về thể xác lẫn tâm hồn. Chính vì vậy trong cuộc kiếm tìm hạnh phúc, trải nghiệm ái ân là một phép thử để họ tìm ra sự đồng điệu, thăng hoa trong tâm hồn. Sex trở thành biểu tượng biểu trưng cho khát vọng tình yêu, hạnh phúc của người phụ nữ.

Vượt qua định kiến “để câu khách” mà lâu nay người ta vẫn gán cho yếu tố “sex” trong văn học, trên những trang văn nữ, sex có một ý nghĩa sâu xa của nó- thể hiện bản năng hay khát vọng tình yêu của con người. Nó xứng đáng trở thành một biểu tượng giàu cá tính trong sáng tác của các nhà văn nữ.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) truyện ngắn các nhà văn nữ đương đại tư duy nghệ thuật và đặc trưng thể loại luận án TS ngôn ngữ và văn hoá việt nam 60 22 01 (Trang 91 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)