3.1 .Quan niệm sáng tác của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại
4.4. Những sáng tạo về mặt kết cấu
4.4.3. Kết cấu truyện lồng trong truyện
Đây là kiểu kết cấu của những truyện ngắn có sự đan xen của nhiều câu chuyện có chung chủ đề nhưng khá độc lập với nhau. Thường thì có một câu chuyện giữ vị trí chính yếu, được kể lại tường tận, câu chuyện còn lại đóng vai trò là “tuyến phụ” soi sáng rõ hơn cho tuyến chính, góp phần củng cố chủ đề tác phẩm.
Truyện ngắn Bi kịch nhỏ (Lê Minh Khuê) khá tiêu biểu cho kiểu kết cấu này. Truyện được xây dựng trên một tuyến chuyện chính kể về cuộc đời của ông Tuyên- nguyên nhiều năm liền là cán bộ cao cấp, đứng đầu thành phố trực thuộc Trung ương. Sắp xếp lại theo thời gian tuyến tính ta có thể tóm tắt lại câu chuyện ấy như sau: Ông Tuyên vốn là một thanh niên làng Sầm đỗ tú tài rồi ra tỉnh làm quan. Tại đây ông cưới một tiểu thư khuê các con nhà dòng dõi rồi đưa về làng sinh sống. Cách mạng nổ ra, ông Tuyên tham gia cướp chính quyền. Lo sợ ảnh hưởng đến thành phần bản thân, ông bỏ mặc người vợ bụng mang dạ chửa trong cơn đấu tố ở làng để “lặn thật sâu”. Người vợ đẻ ra đứa con trai rồi chết. Trước khi chết, bà giao đứa con cho một người họ hàng đưa đi biệt xứ. Đứa con (tên Quang) về sau lưu lạc sang Pháp. Về phần ông Tuyên, sau khi rũ bỏ được lí lịch cũ của mình, ông thản nhiên lấy vợ mới và sinh ra một đứa con gái tên là Cay. Số phận run rủi, Quang và Cay yêu nhau mà không hề biết họ là anh em cùng cha khác mẹ. Ông Tuyên phát hiện ra sự thật và nói cho Quang biết. Quá đau khổ, Quang đã tự vẫn để giải thoát cho tất cả mọi người… Chỉ với mạch chuyện đó cũng đã đủ tạo thành một truyện ngắn hấp dẫn với những xung đột, biến cố, tình tiết lắt léo, giàu kịch tính. Nhưng nhà văn vẫn lồng tiếp vào câu chuyện một mạch chuyện khác về một gã thanh niên giết cha- tiêu điểm điều tra trong chuyến công tác viết báo của nhân vật tôi. Sự soi chiếu của “tuyến phụ” này khiến những “bi kịch nhỏ” mang một ý nghĩa khái quát hiện thực rộng lớn. Mặc dù độc lập với nhau nhưng cả hai tuyến chuyện đều khiến người đọc nghĩ đến
quy luật “nhân quả” ở đời, nghĩ đến motip “tội ác và trừng phạt” khá phổ biến trong văn học phương Tây. Kết cấu truyện lồng trong truyện có tác dụng “nhân đôi” những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc rút ra từ truyện kể.
Truyện ngắn Đỉnh Ngựa Trắng của Trần Thùy Mai cũng là một tác phẩm đặc sắc được xây dựng theo kết cấu truyện lồng trong truyện. Qua trí tưởng tượng của nhân vật Tuấn Anh- một hướng dẫn viên du lịch ở núi Ngựa Trắng đang có ý định viết một cuốn tiểu thuyết về núi Ngựa Trắng, người đọc được tiếp xúc với một câu chuyện tình đẹp mà buồn giữa nàng Lylly xinh đẹp- vợ của một sĩ quan Pháp với một chàng trai phiên dịch người Việt Nam. Những tưởng câu chuyện đó chỉ là huyền thoại, không có mối liên hệ gì với mạch chuyện về chuyến đi chơi của ông cháu Ngọc đến núi Ngựa Trắng, về mối tình chớm nở giữa Ngọc và Tuấn Anh, nhưng đến cuối truyện, mối dây liên hệ giữa hai mạch chuyện mới được tiết lộ: thì ra người ông của Ngọc chính là chàng trai phiên dịch người Việt trong câu chuyện mà Tuấn Anh định viết thành tiểu thuyết. Truyện ngắn là sự lồng ghép song song của hai mạch chuyện về tình yêu. Câu chuyện tình yêu trong quá khứ đã khép lại bằng cái chết thanh thản, mãn nguyện của người ông cô gái, nhưng nó lại mở ra một trang tình yêu mới thời hiện tại, giữa người cháu gái và chàng trai Tuấn Anh. Kết cấu truyện lồng trong truyện đã cho thấy sự hồi sinh liên tục của tình yêu của con người.
Kết cấu truyện lồng trong truyện đã phá vỡ tính “đơn tuyến” truyền thống của thi pháp truyện ngắn, tạo nên tính “đa tuyến” với sự phức tạp và linh hoạt của các hình thức trần thuật trong truyện ngắn. Sự lồng ghép nhiều mạch chuyện cũng là một phương cách để nới mở “dung lượng” hiện thực được phản ánh trong truyện ngắn.