Các loại hình cốt truyện trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) truyện ngắn các nhà văn nữ đương đại tư duy nghệ thuật và đặc trưng thể loại luận án TS ngôn ngữ và văn hoá việt nam 60 22 01 (Trang 130 - 133)

3.1 .Quan niệm sáng tác của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại

4.3. Nghệ thuật tổ chức cốt truyện

4.3.1. Các loại hình cốt truyện trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại

đại

Dựa vào yếu tố chủ đạo chi phối sự vận động của cốt truyện, chúng tôi chia thành ba kiểu loại:

4.3.1.1. Cốt truyện sự kiện

Loại hình cốt truyện này được coi là mang tính chất “truyền thống”, vì nó đã xuất hiện từ rất lâu (có thể nói là sớm nhất) trong lịch sử nghệ thuật tự sự. Chất “chuyện” trong loại hình này thể hiện rất rõ ràng, đậm đặc. Sự kiện, biến cố và hành động nhân vật phát triển liên tục làm cơ sở cho sự vận động của cốt truyện. Theo quan niệm truyền thống, một cốt truyện sự kiện mẫu mực phải mang tính “kịch” cao, trải qua năm bước như sự phát triển của một vở kịch: trình bày- thắt nút- phát triển- cao trào- mở nút. Đến nay mô hình đó được rút gọn thành ba phần cơ bản: trạng thái khởi đầu- biến cố- trạng thái kết thúc. Quan sát truyện ngắn nữ đương đại, chúng tôi thấy rằng loại hình cốt truyện này tuy không chiếm tỉ lệ lớn nhưng có một sức hấp dẫn riêng bởi những dụng công xây dựng của phái nữ. Có thể ta không tìm thấy những xung đột xã hội gay gắt hay những “mô hình” chuẩn mực như một vở kịch, nhưng bù lại là sự cuốn hút từ những sự kiện “ngồn ngộn” sự sống, những tình tiết bất ngờ, những diễn biến dồn dập của các biến cố…

Con dê bốn mắt của Đỗ Bích Thúy là một truyện ngắn có cốt truyện sự kiện khá tiêu biểu. Từ trạng thái mở đầu: cuộc sống phân biệt giàu- nghèo rõ rệt của những người dân vùng cao, điểm “thắt nút” của truyện bắt đầu xuất hiện khi nhà Dấn (một gia đình giàu có trong vùng) đi hỏi vợ cho con trai nhưng bị nhà gái từ chối với món thách cưới lạ lùng: phải có con dê bốn mắt để chữa bệnh cho cô gái. Bắt đầu từ đây, toàn bộ diễn tiến của truyện xoay xung quanh cuộc cạnh tranh giữa hai chàng trai: Thèn Văn Dí (con nhà giàu nhưng không có con dê bốn mắt) và Chảo A Chay (mồ côi, nhà nghèo nhưng có con dê bốn mắt). Trong sự phát triển của sự kiện, tác giả đã khéo léo tạo ra những tình tiết lắt léo cho câu chuyện: Chay mang dê đến hỏi vợ, bố mẹ cô gái đã đồng ý nhưng cô gái thì kiên

quyết cự tuyệt (vì cô đã có tình ý với Dí); Dí mang một khoản tiền lớn đi thương lượng mua con dê của Chay nhưng bị Chay từ chối và trêu ngươi. Mâu thuẫn giữa hai chàng trai được đẩy lên đến đỉnh điểm khi một thời gian sau, Dí gặp Chay đang chăn dê và lại đặt vấn đề mua dê nhưng lại bị từ chối, anh ta đã đẩy con dê bốn mắt của Chay lăn xuống vực. Diễn biến của cốt truyện đã đến điểm cao trào và cần được “mở nút”. Và cái kết của truyện là một sự “mở nút” hoàn toàn bất ngờ: trong khi Chay “ngồi khóc hu hu” ở mép vực, còn Dí “lững thững quay về” thì ở nhà Kía (tên cô gái) đang có khách- một người trai theo phỏng đoán của Dí phải rất cao lớn, khỏe mạnh mới có thể cưỡi nổi con ngựa tía cao to lừng lững đang buộc trước nhà cô gái. “Không biết người ấy có mang đến con dê bốn mắt nào không nhưng tận mắt Dí đã thấy Kía mặt đỏ nhừ, mắt cười tít với người ta. Có con dê hay không có con dê này thì cũng thế thôi”. Cả hai chàng trai đều đã bỏ ra nhiều công sức, nhiều hi vọng để cưới được vợ nhưng đều là người thua cuộc. Và nguyên nhân chính không phải ở con dê bốn mắt mà là ở sự thay lòng đổi dạ của con người. Truyện kết thúc mà mở ra cho người đọc một nhận thức mới về tình cảnh, lòng dạ con người.

Xây dựng những cốt truyện sự kiện, các tác giả nữ đã hướng cái nhìn ra cuộc sống bên ngoài để phản ánh một hiện thực thế sự- đời tư đầy những diễn biến thăng trầm, phức tạp. Vận dụng những kĩ thuật truyền thống, họ đã “gia công” để tạo nên một “diễn trình hành động” của nhân vật vừa hấp dẫn, vừa gần gũi với cuộc đời mỗi con người (một số truyện của Lê Minh Khuê, Nguyễn Thị Thu Huệ). Trong quá trình tổ chức cốt truyện sự kiện, các tác giả nữ đã sử dụng cả yếu tố kì ảo, những môtip của truyện cổ tích để viết nên những trang huyền thoại của thời hiện đại (một số truyện ngắn của Y Ban, Phong Điệp). Vừa tiếp thu những gì đã trở thành “cổ điển”, vừa thể nghiệm những bút pháp mới lạ, các nhà văn nữ đã nỗ lực cách tân từ những loại hình cốt truyện quen thuộc nhất.

4.3.1.2. Cốt truyện tâm lí

Nếu như ở những truyện ngắn có cốt truyện sự kiện, hệ thống sự kiện là cốt lõi của tác phẩm thì ở những truyện ngắn có cốt truyện tâm lí, chất “chuyện”

rất mờ nhạt, phân tích nội tâm trở thành phương tiện nghệ thuật chủ yếu trong cách thức xây dựng cốt truyện. Sự phát triển của cốt truyện là dòng chảy bất định của tâm trạng nhân vật, nó khiến ta “cảm” cuộc sống nhiều hơn là nhận biết về nó. Chiếm tỉ lệ lớn trong sáng tác của các nhà văn nữ, cốt truyện tâm lí đã thể hiện rõ tài năng của họ trong việc nắm bắt, miêu tả, phân tích tường tận, sinh động, logic những diễn biến khó nắm bắt của nội tâm con người.

Truyện của Y Ban thường ít hành động, xung đột lớn nhưng lại rất phong phú những nỗi niềm và tâm sự thầm kín. Có người nói rằng chị cứ như người đàn bà ưa “buôn chuyện”, ngồi trước trang giấy là thủ thỉ kể hết những suy nghĩ, trăn trở của mình về cuộc sống. Một sự xao xuyến, bồi hồi đến nghẹt thở của một người phụ nữ trước những “sự dịu ngọt” ngoài luồng (Sau chớp là giông bão). Một sự “tự soi ngắm” của Người đàn bà đứng trước gương để nhận chân giá trị của cuộc sống gia đình, của thiên chức một người phụ nữ. Một sự giãi bày chân thành của người đàn bà vừa trải qua giai đoạn Gà ấp bóng… Những cốt truyện tâm lí đã đưa người đọc đi vào thế giới tâm hồn người phụ nữ phong phú, nhạy cảm mà phức tạp, đa đoan…

Không nhằm mục đích khám phá cuộc sống bên ngoài, cốt truyện tâm lí hướng đến diễn tả một hiện thực khó nắm bắt hơn: đó là thế giới bên trong con người. Tiếp nối dòng chảy của mạch truyện ngắn trữ tình đã lên đến đỉnh cao ở Thạch Lam, Thanh Tịnh, Nguyễn Thành Long, Đỗ Chu,…những sáng tác sử dụng kiểu cốt truyện tâm lí của các nhà văn nữ sẽ là tiền đề cho lối viết “dòng tâm trạng”, “dòng ý thức” của văn học đương đại.

4.3.1.3. Cốt truyện sự kiện- tâm lí

Kiểu cốt truyện này là xu hướng của truyện ngắn hiện nay- mỗi một sự kiện, biến cố là nguyên nhân khởi phát cho dòng suy nghĩ tuôn chảy. Trong truyện ngắn Vu quy (Đỗ Hoàng Diệu), mỗi một biến cố trong tình yêu của cô gái là khởi nguồn cho dòng thác nội tâm tuôn trào. Cốt truyện vừa dựng lên chuỗi sự kiện trong cuộc đời cô gái, vừa dẫn người đọc lạc vào mê cung của những cảm xúc, những khao khát, đam mê cháy bỏng của người con gái trong cuộc truy tìm

tình yêu, hạnh phúc đích thực. Có lúc, sự kiện tồn tại như một bộ khung ngầm ẩn nâng đỡ những trạng thái cảm xúc, tâm lí của con người. Trong những tác phẩm như Con chó và vụ li hôn (Dạ Ngân), Đêm ngâu vào (Đoàn Lê), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư),… những sự kiện ẩn chứa tính xung đột xảy ra trong cuộc đời nhân vật tích chứa “tiềm năng” của một cốt truyện sự kiện với diễn biến đầy kịch tính (xung đột vợ chồng, xung đột tình yêu, xung đột thiện- ác,…). Nhưng tất cả chỉ được nhắc đến, gợi ra trong dòng tâm tưởng của nhân vật, trong sự hỗn độn của những kí ức và cảm giác. Những xung đột, biến cố tồn tại như những đường viền mờ của thế giới nội tâm con người.

Kiểu loại cốt truyện này vừa tạo ra sự lôi cuốn bởi diễn biến của các sự kiện, vừa tạo điều kiện cho người đọc đi sâu tìm hiểu thế giới bên trong con người. Nó là dạng hỗn hợp thu nhận những ưu thế của cả hai kiểu loại cốt truyện sự kiện và tâm lí.

Với mục đích phản ánh được những mảnh hiện thực đa dạng mà phức tạp của cuộc sống và con người, các cây bút truyện ngắn nữ đương đại đã xây dựng nên nhiều loại hình cốt truyện, với những kĩ thuật tinh xảo để phát huy thế mạnh đặc trưng của thể loại truyện ngắn. Tuy nhiên phải thấy rằng, phù hợp với thiên tính của mình, các nhà văn nữ đã tạo dựng những cốt truyện dịch chuyển sâu vào thế giới bên trong con người, với nghệ thuật phân tích tâm lí điêu luyện.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) truyện ngắn các nhà văn nữ đương đại tư duy nghệ thuật và đặc trưng thể loại luận án TS ngôn ngữ và văn hoá việt nam 60 22 01 (Trang 130 - 133)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)