Giọng điệu đa sắc thái

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) truyện ngắn các nhà văn nữ đương đại tư duy nghệ thuật và đặc trưng thể loại luận án TS ngôn ngữ và văn hoá việt nam 60 22 01 (Trang 150 - 170)

3.1 .Quan niệm sáng tác của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại

4.5. Ngôn ngữ và giọng điệu

4.5.2. Giọng điệu đa sắc thái

Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên nét riêng độc đáo của nhà văn trong nghệ thuật tự sự chính là giọng điệu trần thuật (giọng điệu của người kể chuyện). Đó không phải là phép cộng đơn giản các phương tiện ngôn ngữ. Nó được thể hiện ở nhiều cấp độ (từ ngữ, hình ảnh, nhịp điệu, ngữ điệu,…) nhưng chúng ta chỉ nhận ra nó ở cái âm hưởng chung mà sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các yếu tố ngôn ngữ mang lại. Giọng điệu là cảm xúc đã được “hình thức hóa, điệu thức hóa”. Nó liên quan mật thiết đến tư tưởng, thái độ, tình cảm của chủ thể phát ngôn. Sự thay đổi trong giọng điệu được coi là dấu hiệu rõ nhất và trước tiên trong sự tìm tòi, đổi mới hình thức nghệ thuật.

Trước năm 1975, do qui định của tư duy sử thi và cảm hứng ngợi ca, lãng mạn cách mạng mà văn học mang một giọng “chủ âm” là trang trọng, khẳng định, ngợi ca. Sau 1975, đặc biệt từ thời kì đổi mới, trở về với hiện thực đời sống bộn bề, phức tạp, đa chiều, giọng điệu trong các tác phẩm văn học đã biến đổi, trở nên đa sắc hơn, nhiều bè hơn. Với truyện ngắn nữ đương đại, có người ví giọng điệu của nó giống như lời thơ Xuân Quỳnh: “Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và

lặng lẽ” (Sóng). Đó là sự pha trộn của nhiều thái cực cảm xúc, nhưng vẫn trên một nền tảng là một chất nữ tính đậm nét.

Trong một tác phẩm thường có một giọng điệu chủ yếu và nhiều sắc điệu hòa trộn. Ở một tác giả, giọng điệu của nhà văn có thể thay đổi khi hướng về những đối tượng, vấn đề khác nhau song vẫn có một giọng điệu thống nhất bao trùm. Nếu coi truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại là một sinh thể thì nó có một chất giọng chủ đạo đó là giọng tâm sự, giãi bày. Xuất phát từ quan niệm viết như một “nhu cầu” trình bày những trải nghiệm của bản thân, cộng với hình thức trần thuật từ ngôi thứ nhất chiếm tỉ lệ lớn trong sáng tác, truyện ngắn của các nhà văn nữ giống như những lời tự bạch, thổ lộ chân thành, tường tận thế giới nội tâm của con người, nhất là người phụ nữ. “Mất chồng tuổi nào thì sự góa bụa mới trở thành một nông nỗi? Tôi góa chồng. Sớm không ngờ. Hai tư tuổi. Tôi chưa kịp làm gì, chưa kịp biết gì, hình như cũng chưa kịp mê say gì. Kể cả tình yêu” (Trăng góa- Lê Minh Hà). Câu hỏi, câu kể trong lời nhân vật- cũng là người kể chuyện đã dẫn dắt người đọc đi vào cuộc đời của người phụ nữ mất chồng, triền miên với những nỗi nhớ, niềm day dứt khôn nguôi. Thủ pháp độc thoại nội tâm, dòng ý thức được sử dụng thường xuyên khiến mỗi lời văn như sự “trải lòng” của nhân vật: “Thế mới hay. Ai cũng nhem nhẻm nói rằng mọi thứ ở đời đều có giá của nó. Hoặc trồng cây gì thì ăn quả đấy, hay gieo gì gặt đấy. Nhưng tôi. Tôi có gieo gì đâu mà sao đời tôi gặp toàn cỏ dại. Chẳng lẽ. Một phút xiêu lòng mà lại khốn khổ đến thế này sao?” (Hậu thiên đường- Nguyễn Thị Thu Huệ). Các câu văn tuôn chảy, xô lệch cả chuẩn mực ngữ pháp thông thường, để diễn đạt chính xác dòng cảm xúc nghẹn ngào, đầy đớn đau của một người phụ nữ bất hạnh. Giọng điệu giãi bày, tâm sự khiến mỗi truyện ngắn nữ như một cuộc kiếm tìm những tiếng nói tri âm, đồng cảm.

Trên cái âm điệu chủ đạo ấy, khi hướng về những đối tượng khác nhau, giọng điệu truyện ngắn nữ lại có sự biến thái linh hoạt theo những sắc điệu cảm xúc.

Rung cảm trước chất thơ của đời sống và trong lòng người, trước những tình cảm cao đẹp của con người, truyện ngắn nữ mang giọng điệu trữ tình đằm thắm: “Tôi gác chèo, bấy giờ mới chợt nhận ra lòng sông về đêm sáng trăng rộng quá. Chỉ toàn trăng là trăng, trăng nhuộm trên ngọn tre hai bên bờ, trăng ròng trên sông, nhìn mặt nước cứ thấy lấp lánh lấp lánh. Chị Hiên ngồi trong lòng thuyền, như ngồi giữa biển trăng, tóc rực ánh trăng, mắt môi sáng lên dưới trăng, bờ vai, cổ, cả hõm ngực cũng anh ánh trăng” (Sông có dài- Trần Thị Thanh Hà). Câu văn cuộn sóng với những vế nhỏ nối nhau liên tiếp, với từ “trăng” lặp lại nhiều lần như một điệp từ. Lời văn mà ngân nga, bay bổng, luyến láy như những lời thơ… Chất giọng trữ tình đằm thắm đã mang lại những khoảng lắng rất đẹp cho con người giữa dòng đời gấp gáp, nhiều phồn tạp.

Cuộc đời không chỉ có chất thơ mà nó còn ngộn lên nhiều nỗi đau, bất hạnh của con người. Hướng về những thân phận, số phận ấy, giọng điệu truyện ngắn nữ không khỏi xót xa, nặng trĩu suy tư: “Đào Hồng bệnh nặng, ông Chín thắt lòng khi biết trong người bà nhiều bệnh như vậy. Bà như trái bầu khô chỉ còn nhờ vào chút chờ đợi mỏng manh của tình yêu thời son trẻ làm cái vỏ cứng cáp ở bên ngoài, rồi cũng tới ngày thất vọng xui cái vỏ thấm mưa nắng mục ruỗng đi” (Cuối mùa nhan sắc- Nguyễn Ngọc Tư). Nó cũng chất chứa cả bao hoài nghi và chất vấn: “Vậy khác nhau như thế nào? Cái gì làm thước đo? Tình yêu hay hôn nhân? Con sẽ không lạc loài nếu như con và anh ấy đã cưới nhau. Phải thế không mẹ? Có khác nhau nhiều không hả mẹ? Tình yêu và hôn nhân? Con chưa có hôn nhân nên con không biết điều đó” (Bức thư gửi mẹ Âu Cơ- Y Ban). Và nó không giấu nổi cả sự khinh bạc trước những con người xấu xa, tàn ác là nguyên nhân gây ra nỗi đau khổ cho những người phụ nữ: “Than ôi! Ngày đám tang cô. Vỹ ta tắm biển. Vui lắm và nắng lắm” (Khi người ta trẻ- Phan Thị Vàng Anh), “Khánh đến với em như người khát thấy dòng suối trong mát giữa rừng, vồ lấy uống. Uống no rồi bắt đầu rửa chân tay mặt mũi. Và cả tắm lẫn giặt đồ. Xong xuôi. Là đái” (Sơri đắng- Nguyễn Thị Thu Huệ). Nhiều khi, những mặt trái của cuộc sống lại được các tác giả nữ lên án bằng một giọng châm biếm hài

hước, mỉa mai: “Thường thường ma mới sẽ bị làm tình làm tội, vài đêm đầu. (…) Ma mới còn phải ra mắt thổ thần thổ địa, họ đã cách mạng hóa dưới cái tên: ông quản trị hành chính khu nghĩa địa, ông cán bộ tổ chức, ông cán bộ hộ khẩu. Số của nả mang theo ma mới phải biếu sén các chức sắc, khao đãi lân bang hàng xóm. Sau vài đêm ma mới trắng tay, được xét chính thức diện cư dân nghĩa địa. Ma cũ bắt nạt ma mới, có nghĩa thế đó” (Nghĩa địa xóm chùa- Đoàn Lê). Những giọng điệu khác nhau của các nhà văn nữ trước những gam tối của cuộc đời đã cho thấy một tâm hồn giàu lòng trắc ẩn, đa dạng những cung bậc cảm xúc của các nhà văn nữ.

Muốn tìm hiểu và định nghĩa lại thế giới bằng con mắt và ngôn ngữ của chính mình, các cây bút truyện ngắn nữ đương đại đã đưa vào sáng tác chất giọng triết lí, chiêm nghiệm để khái quát những hiện tượng cuộc sống. Không triết lí về những vấn đề to lớn, có tính chất thời đại và xã hội, các tác giả nữ thường chiêm nghiệm về những vấn đề của đời thường, nhất là những vấn đề về người phụ nữ, về tình yêu. Dưới con mắt tinh tế, nhạy cảm, giàu suy tư của họ, những cái thường ngày gần gũi, quen thuộc đã được nâng lên thành triết lí: “Trẻ con có một điểm hơn hẳn người lớn là có thể nhanh chóng thay đổi hành động của mình mà hoàn toàn không tự ái”, “Con gái 19, 20 chuyện nào cũng quay về chuyện tình yêu” (Truyện trẻ con- Phan Thị Vàng Anh), “Phụ nữ chúng tôi có những giai đoạn chẳng khác nào con gà ấp bóng kia. Còn lại là một tình yêu đích thực” (Gà ấp bóng- Y Ban), “Đàn ông vốn tham lam. Nhưng chỉ tham lam những khoảnh khắc. Còn đàn bà khi đã tham lam, muốn cả kiếp này, muôn kiếp

sau người đàn ông họ yêu là của họ” (Trăng đàn bà- Tống Ngọc Hân)… Giọng

điệu triết lí đã phát huy tính súc tích, dồn nén ý nghĩa của thể loại truyện ngắn, mang lại những quan niệm nhân sinh sâu sắc về cuộc đời, con người.

Truyện ngắn nữ dù biến hóa với nhiều giọng điệu, nhiều sắc điệu cảm xúc khác nhau thì tất cả đều là giọng điệu của nữ tính, giọng điệu của tâm hồn những người phụ nữ tự hát rất chân thành, tha thiết để mong tìm được sự thấu hiểu và cảm thông.

Với ngôn ngữ đa phong cách và giọng điệu đa sắc thái, truyện ngắn nữ đương đại đã góp phần làm biến đổi hệ lời của thể loại truyện ngắn nói riêng và văn xuôi đương đại nói chung. Đó là sự biến đổi theo chiều hướng trở về cuộc sống thế sự- đời tư và phát huy tối đa sự sáng tạo cá nhân. Qua ngôn ngữ và giọng điệu, chúng ta đã có thể “định danh” những cá tính sáng tạo trong truyện ngắn nữ: một Nguyễn Thị Thu Huệ “chao chát mà dịu dàng”, một Phan Thị Vàng Anh “tưng tửng” mà sâu sắc, một Y Ban ngọt ngào đằm thắm, một Nguyễn Ngọc Tư chân chất mộc mạc,… Tất cả tạo nên một dấu ấn nghệ thuật độc đáo của các cây bút nữ trong nền văn xuôi Việt Nam đương đại.

Tiểu kết

Những nỗ lực cách tân hình thức thể loại của các nhà văn nữ trên các phương diện: người kể chuyện, tình huống, cốt truyện, kết cấu, ngôn ngữ và giọng điệu đã góp phần không nhỏ thúc đẩy sự vận động và biến đổi của thể loại truyện ngắn trong đời sống văn học Việt Nam đương đại. Trong làn sóng giao thoa giữa các thể loại, chúng ta thấy truyện ngắn vẫn bảo lưu những yếu tố đặc trưng như một “mã di truyền” để khẳng định giá trị của mình (ví dụ yếu tố tình huống, cốt truyện), nhưng mặt khác nó lại liên tục phá vỡ những khung lý thuyết đặc định để bắt kịp xu thế phát triển của lịch sử, xã hội (trong đó nhu cầu, thị hiếu thẩm mĩ của công chúng có ảnh hưởng quan trọng). Dường như đặc trưng thể loại truyện ngắn và tư duy nghệ thuật của các nhà văn nữ có khá nhiều điểm “tương đồng” với nhau: cùng linh hoạt, mềm mại như nước; cùng thiên về đề cao những “khoảnh khắc”, những “phiến đoạn hành động” có ý nghĩa mở ra chiều sâu khôn cùng của thế giới tâm hồn, cuộc đời con người; cùng luôn giữ vững một bản chất “căn cốt” để khẳng định chân giá trị của mình… Phải chăng đó là lí do mà ngay từ đầu và bền vững đến bây giờ, phái nữ đã lựa chọn và “thăng hoa” ở một khuôn khổ hình thức tự sự cỡ nhỏ này?

KẾT LUẬN

Trong mạch chảy của dòng văn học nữ dân tộc, truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại thực sự là một hiện tượng “dậy sóng”, một “sức bật” “ngoạn mục” phá tan bao định kiến hẹp hòi về khả năng viết văn của người phụ nữ. Ra biển cả của văn chương thế giới, các nhà văn nữ Việt Nam đương đại đã soi bóng được hình ảnh của mình ở sự “trỗi dậy” đồng loạt của những cây bút văn xuôi nữ trên toàn châu lục. Truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại thực sự là một mạch riêng giữa nguồn chung của văn chương nhân loại.

Lý giải sự “lên ngôi” của truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại, yếu tố tư duy nghệ thuật đã khai mở nhiều nét đặc trưng độc đáo của phái nữ trong thế giới nghệ thuật của mình. Ở đó, hình tượng cuộc sống được nhìn qua hai lăng kính: lăng kính đạo đức- thế sự và lăng kính của yếu tố tự thuật. Cả hai đều mang lại một ý niệm về một hiện thực đa chiều, đa sự, đa đoan. Ở đó, thế giới nhân vật khi được phân chia thành hai giới để tìm hiểu, sẽ thấy rõ một tư duy “thiên nữ”- nghiêng hẳn sự ưu ái dành cho phái nữ trong cái nhìn nghệ thuật về con người. Vượt lên cách tư duy trực cảm, tư duy khái quát, trừu tượng của các nhà văn nữ đã tạo ra một thế giới biểu tượng phong phú, giàu ý nghĩa: thế giới của những con người dị biệt, của sex, của giấc mơ, của thiên nhiên gần gũi mà chứa đầy ẩn dụ liên quan đến cuộc sống con người. Trong hệ qui chiếu không- thời gian nghệ thuật, những cặp tương quan không gian, những cảm thức về thời gian đã cho thấy một “chiều sâu cảm thụ” luôn hướng về gia đình, về sự ổn định, nguồn cội, cùng bước chuyển của thời gian thấm đẫm cảm xúc, cảm giác của chủ quan con người. Tư duy nghệ thuật của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại là một tư duy đậm chất nữ tính, mềm mại như nước, luôn hướng về những giá trị nhân văn bền vững, luôn hướng về nhận thức thế giới tâm hồn đầy bí ẩn của con người. Vì thế nó tạo ra những “sản phẩm nghệ thuật”- những tác phẩm truyện ngắn luôn song hành cùng những chân giá trị, những Chân- Thiện- Mĩ của đời sống con người đương đại.

Soi chiếu truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại qua những yếu tố thuộc đặc trưng thể loại truyện ngắn, chúng ta lại tiếp tục khám phá ra nhiều giá trị khác của hiện tượng này trong đời sống văn học Việt Nam đương đại. Người kể chuyện ngôi thứ nhất lên ngôi với sự thể nghiệm nhiều cách kể hiện đại đã tạo ra những cách tân mới lạ cho nghệ thuật trần thuật của truyện ngắn nữ. Bên cạnh đó, yếu tố tình huống, cốt truyện có nhiều sự xoay vần theo mĩ cảm hiện đại đã mở ra cho truyện ngắn khả năng đi sâu phản ánh thế giới nội tâm con người ở những vỉa tầng sâu lắng, khó nắm bắt nhất. Trong nghệ thuật tự sự, vai trò của yếu tố kết cấu là vô cùng quan trọng trong việc tạo ra hiệu quả của một chỉnh thể nghệ thuật. Truyện ngắn nữ đương đại đã nỗ lực không ngừng sáng tạo ra những kiểu kết cấu mới lạ, bắt nhịp với xu hướng hiện đại của nghệ thuật tự sự trên thế giới, để nới mở đa dạng khả năng biểu đạt của một hình thức tự sự nhỏ bé như truyện ngắn. Cuối cùng, yếu tố ngôn ngữ và giọng điệu với sự đa phong cách, đa sắc điệu đã hoàn thiện những cố gắng không mệt mỏi của phái nữ trong công cuộc cách tân hình thức thể loại truyện ngắn. Ở bất kì yếu tố nào, truyện ngắn nữ luôn tạo ra được những “khoảng trống” “vẫy gọi” sự “đồng sáng tạo” của người đọc. Nó luôn là một cấu trúc nghệ thuật động, mang tính đối thoại cao với độc giả. Truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại quả là một thành tựu của truyện ngắn Việt Nam thời kì đổi mới. Thể loại truyện ngắn rõ ràng có chung “tần suất sáng tạo” với tư duy nghệ thuật của các nhà văn nữ, vì thế đã tạo nên một “mối lương duyên” bền chặt, êm đẹp giữa phái nữ và thể loại truyện ngắn.

Truyện ngắn nữ luôn là một thách đố đối với sự tri nhận của chúng ta, và tư duy nghệ thuật cùng đặc trưng thể loại cũng vẫn chỉ là một trong những con đường đi tìm lời giải cho thách đố đó.

Nền văn học Việt Nam thời kì đổi mới vẫn đang trong tiến trình tiếp tục vận động, chưa định hình ổn định những đường nét đặc trưng. Tiếp cận những hiện tượng cũng là một phương cách để tìm hiểu lịch sử văn học Việt Nam đương đại. Truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại là một hiện tượng có giá trị ở nhiều phương diện: một khúc ngoặt phát triển trong mạch chảy của văn xuôi nữ,

một bước vận động cách tân của thể loại truyện ngắn, một bộ phận của văn xuôi thời kì đổi mới,... Nghiên cứu truyện ngắn nữ sẽ góp thêm một góc nhìn vào lịch sử đang diễn tiến của nền văn học Việt Nam đương đại.

Dù còn không ít hoài nghi nhưng trên thực tế sự tồn tại của một dòng văn học của các tác giả nữ là có thực và nó ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên “trường” văn học. Tìm hiểu truyện ngắn nữ đương đại là một phần để chúng ta có thể mở rộng tìm hiểu văn học nữ Việt Nam đương đại, từ đó có một

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) truyện ngắn các nhà văn nữ đương đại tư duy nghệ thuật và đặc trưng thể loại luận án TS ngôn ngữ và văn hoá việt nam 60 22 01 (Trang 150 - 170)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)