Giấc mơ thế giới tâm linh thẳm sâu của con người

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) truyện ngắn các nhà văn nữ đương đại tư duy nghệ thuật và đặc trưng thể loại luận án TS ngôn ngữ và văn hoá việt nam 60 22 01 (Trang 92)

3.1 .Quan niệm sáng tác của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại

3.4. Thế giới biểu tượng trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại

3.4.3. Giấc mơ thế giới tâm linh thẳm sâu của con người

Giấc mơ chứa đựng nhiều biểu tượng có sức ám gợi, và đến lượt mình, bản thân giấc mơ cũng là một biểu tượng đầy sức ám ảnh trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại.

Thoát thai từ miền sâu thẳm của tiềm thức, của kí ức, giấc mơ mang trong nó nét hư hư thực thực, diễn tiến trong sự bất định của tâm trí, để rồi cô đặc trong đó nỗi ám ảnh khôn nguôi của con người trong đời thường. Đó là nỗi ám ảnh của người đàn bà một thời khoác áo lính trong Những giấc mơ có thực (Vũ Thị Hồng), đêm đêm triền miên trong những giấc mơ gặp lại đồng đội cũ, mà vẫn cô đơn, tuyệt vọng khi không tìm thấy được chút tin tức của người đàn ông chị đã chờ đợi suốt tuổi thanh xuân. Đó là những dự cảm chất chứa đầy nỗi đau bi kịch của cô bé Nương, hóa thành giấc chiêm bao “chẳng đầu chẳng cuối gì, chỉ thấy vía má giãy

giụa trong tấm vải đỏ lạ lùng kia nhưng nó thít chặt, riết lấy, siết dần cho tới khi má thành một con bướm nhỏ, chấp chới bay về phía mặt trời” (Cánh đồng bất tận- Nguyễn Ngọc Tư). Giấc mơ trong những trang văn của các tác giả nữ mang tính ám gợi lớn- nó vừa tái hiện một vùng kí ức xa xăm, vừa phóng chiếu những dự cảm mới về cuộc đời.

Freud cho rằng, giấc mơ là những “kí hiệu của ham muốn”, chúng là “biểu hiện, thậm chí là sự thực hiện những dục vọng bị kìm nén” [16, tr.164]. Ý nghĩa ấy của giấc mơ đã đi vào truyện ngắn nữ như là sự biểu hiện những ham muốn bản năng, nhân bản nhất của con người. Nhân vật “nàng” trong Bụi trên lá tường vi

(Trần Thị Trường) đã mười năm giữ trọn trinh tiết thờ chồng, nhưng chẳng biết vì lá thư của con trai nàng nhắc đến sự mong mỏi có bố để làm diều cho nó hay bởi sự thúc bách của chính cơ thể đang thì xuân sắc của nàng mà nhiều đêm mơ ngủ, “nàng thấy nàng vòng tay ôm một người nào đó (…) cái cơ thể có mùi thuốc lá kia, đầy sức sống, ấm áp và mê man áp chặt vào nàng (…). Nàng không chống lại, nhưng đến lúc tỉnh ngủ nàng đỏ mặt với cả chính mình”. Giấc mơ “ôm ấp” đó ngày càng đến nhiều hơn trong giấc ngủ ngoài sự mong đợi của nhân vật. Phải chăng đó chính là sự “tự thể hiện một cách tự phát và tượng trưng cái thực trạng của vô thức” [16, tr.164] như Jung đã nói. Giấc mơ đã phơi bày chân thực nhất những khát khao cố kìm nén lúc tỉnh của con người.

Giấc mơ còn là nơi con người “hiện thực hóa” những khát vọng chưa hoặc không thể thực hiện được trong cuộc đời. Cô học trò trong Giấc mơ biển (Hiền Phương) đã ôm ấp bao lâu mơ tưởng được ra với biển, và chính lúc tâm trạng suy sụp nhất bởi những sự hiểu lầm, những quy kết mang tính “quy chụp”, cô đã mơ được gặp biển- một không gian thiên nhiên bao la, hùng vĩ, khoáng đạt mà bao dung, thân ái. Bằng giấc mộng, cô đã thực hiện được ước mơ của mình, được đứng trước biển trời bao la, được cảm nhận vị mặn mòi của biển- “vị mặn của nước mắt chúng sinh” như tưởng tượng của cô. Với cô gái trong Người đi tìm giấc mơ

(Nguyễn Thị Thu Huệ), ban ngày cô sống “như một cái bóng”, chỉ ban đêm mới là “cuộc sống thực” của cô- trong mơ, bởi ở đó cô “được yêu”, “được đi ra khỏi căn nhà ảm đạm không ánh sáng”, được làm những gì cuộc sống thực không có. Giấc

mơ đưa nhân vật phiêu linh đến một thế giới khác, của khát vọng, của ước mơ, thậm chí đó là ảo ảnh- một thế giới đối nghịch hoàn toàn với cuộc sống thực. Đó cũng là biểu hiện tận cùng của nỗi cô đơn, khi con người lạc lõng không tìm được bất kì mối giao cảm nào với cuộc đời.

Giấc mơ, từ chỗ chỉ mang tính chất điềm báo hoặc màu sắc tôn giáo, tín ngưỡng trong văn học dân gian và văn học cổ, đến văn học đương đại, nó đã trở thành một phần đời sống tâm linh con người, hé lộ “trạng huống hiện sinh”, được sử dụng như một phương thức hữu hiệu để khám phá thế giới nội tâm con người. Mang tính ẩn dụ, ám dụ, giấc mơ là một hình tượng- biểu tượng độc đáo trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại. Ở đó, “sân khấu cuộc đời” với những số phận, thân phận con người một lần nữa được tái hiện, thậm chí còn chân thực, sống động hơn đời thực bởi nó phơi bày cả những góc khuất tối tăm, những bí mật bị che đậy, những ẩn ức dồn nén… trong vô thức, bản năng của con người. Các nhà văn nữ đã “thử nghiệm” “triết lý bằng giấc mơ, mở rộng biên độ sáng tạo của mình bằng giấc mơ” [112].

3.4.4. Thiên nhiên- dấu vết cổ mẫu và những ẩn dụ về cuộc đời con người

Trong nhiều truyện ngắn nữ, thiên nhiên không chỉ là không gian, nền cảnh cho hành động của con người và sự kiện diễn ra mà nó còn mang đầy sức ám gợi, đánh thức những liên tưởng nhiều chiều trong người đọc. Khi bàn về những biểu hiện của cổ mẫu trong văn học, theo C.G. Jung, đọc cổ mẫu sẽ không tính đến những biểu tượng văn học như là một sản phẩm của ý thức, mà chỉ quan tâm đến những biểu tượng văn học như là kết tinh của vô thức (dẫn lại ý theo Nguyễn Thị Thanh Xuân [119]). Ý tưởng ấy của nhà phân tâm học đã gợi ý cho chúng tôi tìm hiểu những biểu tượng thiên nhiên trong truyện ngắn nữ trên hai góc độ: như là những ẩn dụ về cuộc đời con người (sản phẩm của ý thức sáng tạo) và như là những dấu vết của cổ mẫu (kết tinh của vô thức tập thể).

Với tâm hồn vốn nhạy cảm, hòa hợp với tự nhiên, các nhà văn nữ đã tìm thấy sự tương đồng giữa thiên nhiên và cuộc đời con người. Mối liên hệ “so sánh ngầm ẩn” ấy đã tạo nên những biểu tượng thiên nhiên giàu sức gợi. Hình ảnh những bông mai vàng nở muộn trong Hoa muộn (Phan Thị Vàng Anh) cũng giống như sự nhỡ nhàng, lỡ thì của cô gái tên Hạc trong câu chuyện. “Có mai rồi đấy, mà vẫn không

thành Tết!”- cảm thức trước thiên nhiên ấy như là những dự cảm, mặc cảm lạc lõng, cô đơn của cô gái về chính cuộc đời mình. Cùng là sự “tương đồng cảnh ngộ”, nhưng nếu thiên nhiên trong Hoa muộn chạm đến nỗi buồn tủi của thân phận người con gái thì thiên nhiên trong Như gốc gội xù xì (Hà Thị Cẩm Anh) lại đánh thức dậy niềm tin, sức sống mãnh liệt của cô gái dị tật. Hình ảnh cây gội “tật nguyền và xấu xí đến khủng khiếp”: “Ruột của cây gội đã bị lũ mối đục rỗng để làm tổ. Gốc cây thì đầy những u và bướu. Đã thế, cây gội còn bị bão xô nghiêng”, nhưng sức sống của nó thì dai dẳng vô cùng: “lá của cây gội già cứ xanh mướt, những cành gội to, mập mạp cứ vươn mãi ra, chiếm hẳn một khoảng không rộng lớn, che lấp cả ánh nắng chói chang của mặt trời” có khác chi số phận của cô gái trong câu chuyện. Bị dị tật với bộ mặt “như con thú lạ”, nhưng bằng nghị lực, bằng bản năng sống mãnh liệt, cô gái đã vươn lên ghi dấu ấn của mình giữa cuộc đời. Hình ảnh cây gội già mang một ý nghĩa biểu tượng đặc biệt trong tác phẩm, biểu trưng cho sức sống bền bỉ, dẻo dai, phi thường của con người. Cũng luôn song hành với cuộc sống của con người, những “cánh đồng bất tận” trong truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư lại mở ra những suy tưởng về những kiếp người dằng dặc, vô định, trống trải, đơn côi, nhỏ bé. Mang ý nghĩa là những ẩn dụ về cuộc đời con người, biểu tượng thiên nhiên đã trở thành những nhân vật sống động, chất chứa bao suy tư, chiêm nghiệm đượm tính nhân văn về thân phận, số phận con người.

Ở một góc độ khác, biểu tượng thiên nhiên trong truyện ngắn nữ lại được tri nhận như những dấu vết của cổ mẫu. Đi ra từ vô thức cộng đồng, cổ mẫu được đúc kết thành những biểu tượng mang tính phổ quát và quy tụ vào huyền thoại dưới dạng một câu chuyện kể. Đến thời kì văn học đương đại, cổ mẫu vẫn tiếp tục được tái sinh, được bồi tụ những nét nghĩa mới mang cảm quan của cuộc sống hiện đại. Việc tri nhận dấu vết của cổ mẫu hiện hữu trong những biểu tượng thiên nhiên không phụ thuộc vào ý thức sáng tạo của nhà văn mà nó phụ thuộc chủ yếu vào ý thức “đồng sáng tạo” của người tiếp nhận. Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi thấy “nước” (cùng những biến thể của nó: sông, biển, mưa) và “trăng” là những cổ mẫu nổi lên trong truyện ngắn nữ như những biểu tượng đầy ám ảnh.

Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, “những ý nghĩa tượng trưng của nước có thể quy về ba chủ đề chiếm ưu thế: nguồn sống, phương tiện thanh tẩy, trung tâm tái sinh” [16, tr.709]. Trên những trang văn nữ, cổ mẫu “nước” với những ý nghĩa tượng trưng ấy đã được tái hiện vô cùng sống động, dưới nhiều hình thái khác nhau. Đó là những giọt mưa mang lại sự sống cho muôn loài, cho hai mẹ con thằng Củi sau những ngày hạn hán: “có mưa là có khoai ăn có cơm ăn, nó cũng không cần tiền của những người xa lạ nữa” (Sầu trên đỉnh Puvan- Nguyễn Ngọc Tư). Mưa đã làm những cây sầu trổ bông, thỏa mãn khát khao đi tìm cái đẹp tuyệt đỉnh của Vĩnh, giúp anh nhận chân ý nghĩa cuộc đời mình. Mưa cũng giúp cô gái tên Dịu tìm ra con đường trở về với cuộc sống đích thực vốn bị chôn chặt trong kí ức của cô bởi mặc cảm, bởi nỗi hận khôn nguôi. Với họ, mưa chính là “nguồn sống”, đánh thức dậy những ước vọng tưởng đã bị khô héo, cằn cỗi đi trước khắc nghiệt cuộc đời. Cũng mang lại sự sống- một sự tái sinh cho cô gái dị tật, ở một biến thể khác, nước- dòng sông trong Như gốc gội xù xì (Hà Thị Cẩm Anh) đã đưa cô gái vì mặc cảm với bộ mặt dị dạng của mình chỉ dám sống lẩn khuất trong rừng sâu trở lại với thế giới của những con người bình thường, được yêu thương, được cống hiến. Nước đã làm hồi sinh một con người. Ở dạng thức chuyển động không ngừng, mạnh mẽ, dữ dội, nước- biển trong Giấc mơ biển (Hiền Phương) lại thể hiện rõ ý nghĩa là “phương tiện thanh tẩy”, xóa đi “niềm buồn đau vô tận”, “nỗi tủi nhục ê chề” của một cô bé học trò. Trước biển cô bé “bỗng biến thành sóng. Phút hóa thân kì diệu này để lại một cảm giác hạnh phúc vô bờ như phút ngộ đạo của kẻ chân tu”. Những biến hóa của cổ mẫu nước trên những trang văn nữ đã mang lại dư vị huyền ảo mà hiện đại cho những biểu tượng thiên nhiên.

Cùng với “nước”, “trăng” cũng là một cổ mẫu can dự khá sâu vào đời sống tâm linh của con người trong các truyện ngắn nữ. Trăng vốn là biểu tượng của “tính tuần hoàn và sự đổi mới”, của các “nhịp điệu sinh học”, của “thời gian trôi đi” [16, tr.936]. Mặt khác nó còn có vai trò chứng giám trong các lời thề. Với hai ý nghĩa nổi trội này, trăng trở đi trở lại trong diễn tiến cuộc đời của con người, gắn bó khăng khít với những biến đổi, những điều thiêng liêng của đời người. Người vợ trong Trăng góa (Lê Minh Hà) từ ngày chồng mất đã bị chứng mất ngủ triền miên,

và chỉ có vầng trăng làm bạn hằng đêm, chỉ có vầng trăng là thấu hiểu được nỗi lòng của chị: “Đêm đêm vầng trăng đi qua đó, lúc đỏ quạch, lúc sáng xanh, lúc lạnh lung linh, lúc ảo não trong mưa, lúc lại bị chìm lấp đằng sau những tảng mây nặng trĩu hơi nước. Không phải lúc nào tôi cũng nhìn thấy nó. Nhưng tôi biết rất rõ rằng nó đang lang thang đâu đó trên cao và có lẽ chỉ mình nó biết rằng tôi thức”. Vầng trăng đều đặn đi qua các đêm mất ngủ của chị, biểu thị cho dòng thời gian dằng dặc trôi qua, đồng thời nó cũng như tương đồng với cảnh ngộ của chị- cô độc, góa bụa, nên nó đã nhập vào cuộc sống hàng đêm của chị, như một sự phản chiếu, một sự tương giao. Trong cảm nhận của những cô gái trẻ trong sáng tác của Nguyễn Thị Thu Huệ, vầng trăng lại mang một khuôn mặt khác: “tròn sáng không bị một gợn mây che khuất”, “ánh trăng rắc bạc xuống mặt đường” (Còn lại một vầng trăng), “cong vút và điêu bạc” (Người đi tìm giấc mơ), “tròn trĩnh và trinh nguyên, vàng rực tưới ánh sáng xuống sóng nước như thể lần đầu hiển hiện trên đời” (Cát đợi),… đó là biểu tượng cho tình yêu của những người con gái- một tình yêu trong sáng, tinh khiết, thánh thiện. Vầng trăng đã trở thành vật chứng giám cho những mối tình nồng say của họ. Cổ mẫu trăng đã đi vào những trang văn của các tác giả nữ một cách dung dị, nhuần nhị như hơi thở của cuộc sống thường ngày.

Không mang nét dữ dội, ma mị như một số sáng tác của các tác giả nam, biểu tượng thiên nhiên trong những truyện ngắn nữ hiền hòa, thân thuộc với cuộc sống thường nhật, nhưng không vì thế mà nó giảm bớt sự ám ảnh đối với người tiếp nhận. Nó cứ nhẹ nhàng mà lay động day dứt khôn nguôi miền suy tưởng của mỗi con người.

Với việc xây dựng thế giới biểu tượng phong phú, gợi ra những diễn giải bất tận, các cây bút truyện ngắn nữ đã làm hiện lên thế giới và con người đương đại từ rất nhiều góc cạnh, chiều sâu và mở ra những chân trời chưa từng được chạm tới trước đây. “Vốn nhạy cảm với thế giới tâm hồn, các nhà văn nữ ngày càng khai mở được đời sống tâm linh, mà biểu tượng chính là chiếc chìa khóa nhiệm màu thông diễn được cõi riêng tư vô cùng phức tạp” [39]. Biểu tượng khiến cho tư duy nghệ thuật của các nhà văn nữ tăng tính khái quát, trừu tượng, dồn nén lại thành những triết lí sâu sắc về cuộc đời.

3.5. Không gian, thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn nữ Việt Nam đƣơng đại đƣơng đại

Không gian- thời gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật. Bất kì một hình tượng, nhân vật nào trong văn học cũng đều tồn tại trong một tọa độ không gian- thời gian xác định. Nhưng không- thời gian vật chất đó chỉ trở thành không- thời gian nghệ thuật khi có sự cảm nhận của con người về nó và qua đó thể hiện một quan niệm, một cách nhìn về cuộc sống, con người. Thời gian nghệ thuật “là sự ý thức và cảm giác về sự vận động và đổi thay của thế giới trong các hình thức đa dạng của thời gian” (trích theo [79, tr.63]). Không gian nghệ thuật “biểu hiện mô hình thế giới của con người”, “thể hiện quan niệm về trật tự thế giới và sự lựa chọn của con người” [79, tr.89]. Được coi là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ, không- thời gian cũng được coi là một hình tượng nghệ thuật, phản ánh quan niệm của nhà văn về thế giới và con người, qua đó cho thấy đặc điểm tư duy của người nghệ sĩ. Tìm hiểu không gian- thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại sẽ giúp chúng ta hiểu được “chiều sâu cảm thụ” của các nhà văn nữ.

3.5.1. Những cặp tương quan không gian tiêu biểu trong truyện ngắn nữ

3.5.1.1. Không gian gia đình và sự xê dịch ra khỏi không gian gia đình

Một tỉ lệ lớn truyện ngắn nữ chọn không gian gia đình làm nền cảnh cho câu chuyện, nhất là những câu chuyện mà nhân vật chính là những người phụ nữ. Dường như đó là môi trường thích hợp nhất để người phụ nữ thể hiện mình- cả những thiên chức, thiên tính cao cả, cả những khát khao bản năng, con người trần thế… Ở đó diễn ra cuộc sống sinh hoạt thường ngày và những mối quan hệ của các thành viên trong gia đình. Qua đó chúng ta cũng cảm nhận được những “vang hưởng” của hiện thực xã hội in bóng trong đó: những mặt trái của nền kinh tế thị trường, những thay đổi quan

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) truyện ngắn các nhà văn nữ đương đại tư duy nghệ thuật và đặc trưng thể loại luận án TS ngôn ngữ và văn hoá việt nam 60 22 01 (Trang 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)