3.1 .Quan niệm sáng tác của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại
4.4. Những sáng tạo về mặt kết cấu
4.4.1. Kết cấu đảo lộn thời gian tuyến tính
Đây là kiểu kết cấu mà trật tự thời gian sự kiện, biến cố bị xáo trộn, không theo quy luật nhân quả, logic của đời sống. Với kiểu kết cấu này, nhà văn thường mở đầu bằng những sự kiện của hiện tại, sau đó ngược dòng về quá khứ rồi có thể từ đó hướng tới tương lai.
Truyện ngắn Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư) bắt đầu từ thời điểm trong hiện tại, với sự kiện chị em Nương và Điền cứu người đàn bà làm nghề “buôn phấn bán hoa” tên Sương, cuộc sống của ba cha con nhà Nương có nhiều xáo trộn từ khi xuất hiện người đàn bà đó. Sau đó, dòng hồi ức của nhân vật Nương vòng về quá khứ để kể lại kỉ niệm về “má”, về quãng đời phiêu dạt của ba cha con từ khi má bỏ đi theo người đàn ông bán vải, về những cuộc tình chớp nhoáng của cha hằn một nỗi đau trả thù đàn bà… Câu chuyện được tiếp tục nối mạch với hiện tại bằng sự kiện đại dịch cúm gia cầm, đàn vịt của chị em Nương có nguy cơ bị tiêu hủy, chị Sương đã bán mình để cứu đàn vịt cho hai chị em. Trước thái độ lạnh lùng, khinh bỉ của cha Nương, chị Sương đã bỏ đi, Điền cũng bỏ đi tìm chị. Truyện kết thúc với việc Nương bị hãm hiếp và những suy nghĩ
của cô về tương lai, về đứa con có thể được sinh ra, được nuôi nấng trong tình yêu thương, không hận thù.
Như vậy, trật tự thời gian tuyến tính của sự kiện (cái gì xảy ra trước thì kể trước) đã hoàn toàn bị phá vỡ. Truyện kể là sự đan xen và chuyển dịch dần các mốc thời gian từ hiện tại về quá khứ xa, quá khứ gần rồi lại trở về hiện tại trước khi hướng đến một tương lai không xa. Với kết cấu như thế, tác giả đã chuyển dịch sự chú ý của người đọc từ sự kiện xảy ra bên ngoài sang những chuyển động đang diễn ra bên trong nội tâm nhân vật. Kiểu kết cấu này đã xuất hiện trong truyện kể những giai đoạn văn học trước đó, nhưng đến văn học thời kì đổi mới, với nhiều thủ pháp phân tích tâm lí nhân vật được vận dụng, đặc biệt thủ pháp dòng ý thức, sự xáo trộn thời gian tuyến tính trở nên phức tạp hơn. Trong truyện ngắn Cánh đồng bất tận, các tổ hợp chập đôi của thời gian hiện tại- quá khứ, quá khứ- hiện tại, quá khứ gần- quá khứ xa cứ dằng díu vào nhau, tạo nên cảm giác về sự bất tận của thời gian. Cứ ở mỗi thời điểm hiện tại, kí ức lại ùa về trong nhân vật. Sự vật hay cảnh huống hiện tại đều chứa đựng đầy ắp những kỉ niệm của quá khứ. Sự đồng hiện liên tục của hiện tại- quá khứ khiến ta có cảm giác như con người đang trôi trong một không gian- thời gian vô tận, mờ ảo.
Không bị bó buộc với những yêu cầu khắt khe về một cốt truyện chặt chẽ, nhà văn có thể tùy nghi chen sự kiện vào giữa dòng kí ức hỗn độn của nhân vật. Điều này tạo nên độ chênh lớn giữa thời gian cốt truyện (thường chỉ là một quãng ngắn) so với thời gian sự kiện (có thể là cả cuộc đời một con người). Lối kết cấu khá tự do này đã giúp cho truyện ngắn phá vỡ khuôn khổ dung lượng chật hẹp, phần nào cạnh tranh được với tiểu thuyết về quy mô hiện thực được phản ánh trong tác phẩm.