Ngôn ngữ đa phong cách

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) truyện ngắn các nhà văn nữ đương đại tư duy nghệ thuật và đặc trưng thể loại luận án TS ngôn ngữ và văn hoá việt nam 60 22 01 (Trang 146 - 150)

3.1 .Quan niệm sáng tác của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại

4.5. Ngôn ngữ và giọng điệu

4.5.1. Ngôn ngữ đa phong cách

Dưới ngòi bút các nhà văn nữ, ngôn ngữ được bộc lộ khả năng biểu đạt trong tính đa dạng và phức tạp của nó, vừa biến hóa với hai thái cực: đậm chất hiện thực- đời thường và giàu chất thơ, vừa qui tụ về một đặc trưng là mang sắc thái nữ.

4.5.1.1. Ngôn ngữ đậm chất hiện thực- đời thường

Từ sự thay đổi trong quan niệm nghệ thuật về hiện thực, con người, các nhà văn nữ đã “mạnh dạn thể nghiệm những thành phần ngôn ngữ mới theo định hướng rút ngắn triệt để khoảng cách giữa nghệ thuật và dòng chảy xô bồ, ào ạt của đời sống” [14, tr.173]. Theo đó, ngôn ngữ trong sáng tác của họ dung nạp thoải mái thành phần khẩu ngữ, kể cả những lối nói trần trụi, bụi bặm, dân dã, thô nhám trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày: “Chức cách đây mấy hôm thấy

chạy xe vèo vèo ngoài ngã ba, chở một đứa con gái bé như cái kẹo, không ôm iếc

gì cả nhưng nhìn thì biết ngay là bồ bịch” (Hoa muộn- Phan Thị Vàng Anh), “Giấu ai chứ giấu thế chó nào được con già này. Tao thì đẻ ra trò đó” (Nước mắt đàn ông- Nguyễn Thị Thu Huệ), “lão Khang đã sẵn sàng xin tiếtthằng em trai

con vợ nó ngay hôm ấy (…). Cô bảo anh em nhường nhau một tí, không thì hàng phố người ta ỉa vào mặt cho!” (Đồng đôla vĩ đại- Lê Minh Khuê)… Nếu biết sử dụng với một liều lượng, mức độ hợp lí, thành phần ngôn ngữ này sẽ phát huy hiệu quả của nó trong việc “cá tính hóa” ngôn ngữ nhân vật và tạo nên thái độ thân mật, suồng sã của người kể chuyện. Điều đó tạo nên sự khác biệt lớn trong ngôn ngữ giữa truyện ngắn đương đại và truyện ngắn thời kì 1945- 1975.

Bên cạnh đó, sự thay đổi của đời sống xã hội đương đại đã để lại dấu ấn khá rõ trong ngôn ngữ truyện ngắn nữ, qua việc sử dụng những lớp từ mới, chỉ xuất hiện trong vài thập niên gần đây: các thuật ngữ y học, tên các loại bệnh mới

(bệnh nhân cô- vắc, HIV-AIDS, viêm não Nhật Bản, dịch cúm gia cầm,…); các khái niệm kinh tế tiền tệ (công ty cổ phần, thị trường chứng khoán, cổ phiếu,…); những ngôn từ đặc trưng thời đại kĩ thuật số, công nghệ thông tin (email,

chatroom, nickname, trực tuyến,…); các từ vay mượn nước ngoài được “Việt hóa” (cave, ô- sin, vip,..)… Những lớp từ này khiến cho truyện ngắn nữ cập nhật hơn với đời sống đang thay đổi từng ngày.

Một yếu tố nữa cũng góp phần thể hiện chất hiện thực- đời thường trong ngôn ngữ truyện ngắn nữ là sự xuất hiện ngôn ngữ tính dục- thứ ngôn ngữ đề cao thân thể người phụ nữ và miêu tả hoạt động, cảm xúc tình dục của con người (nó còn có thể được gọi là ngôn ngữ sex). Loại ngôn ngữ này xuất hiện nhiều trong sáng tác của Y Ban, Đỗ Hoàng Diệu, Võ Thị Xuân Hà,… Đây thực sự là bước “đột phá” của các nhà văn nữ đương đại trong nỗ lực đưa ngôn ngữ truyện ngắn trở về với hơi thở, nhịp sống đời tư thường ngày.

Thông qua ngôn ngữ đậm chất hiện thực- đời thường, truyện ngắn nữ đương đại đã kịp thời tái hiện sinh động bức tranh xã hội hôm nay, từ phương diện lời ăn tiếng nói của con người.

4.5.1.2. Ngôn ngữ giàu chất thơ

Không chỉ mang đến chất “đời” “đặc quánh”, ngôn ngữ truyện ngắn nữ còn nâng đỡ con người vươn tới những cảm xúc vi diệu bởi chất thơ bay bổng, lãng mạn của mình.

Dấu hiệu quen thuộc để nhận diện đặc điểm này là những đoạn miêu tả thiên nhiên, nội tâm nhân vật hay trữ tình ngoại đề với những câu văn mềm mại, giàu nhịp điệu, giàu hình ảnh, cảm xúc:

“Tôi tưới cây bằng nước giếng chùa. Hoàng lan lớn lên, năm này qua năm khác, nở hoa vàng mong manh. Mong manh như tất cả những gì đẹp trên thế gian. Tôi cầm lòng thôi thương, thôi nhớ” (Thương nhớ hoàng lan- Trần Thùy Mai).

“Và đây, tôi đang đứng trên đỉnh của một trong những ngọn núi hùng vĩ nhất Tây Côn Lĩnh. Gió lồng lộng thổi như muốn cuốn tôi bay lên cao… và kia,

òa ra trước tôi, xanh rợp, tím ngắt, bàng bạc trắng, dập dềnh như những con sóng là cả triền núi mơn mởn ngải đắng vừa thức dậy từ sương mù. (…)

Tôi đã trở về nơi tôi sinh ra. Nơi mặt trời lên muộn nhất và đi ngủ sớm nhất.

Tôi đã trở về trên núi cao” (Ngải đắng ở trên núi- Đỗ Bích Thúy).

Với các từ thanh bằng chiếm ưu thế, biện pháp trùng điệp, vắt dòng, những hình ảnh thiên nhiên thi vị, khoáng đạt… những lời văn cứ ngân nga, cuộn trào như một giai điệu, một ý thơ. Tính nhạc, tính họa, tính trữ tình khiến ngôn ngữ trong một số truyện ngắn nữ đẹp như những lời thơ.

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở những dấu hiệu dễ nhận diện đó, chất thơ trong ngôn ngữ truyện ngắn nữ đương đại còn tồn tại ở bề sâu cấu trúc câu văn, ở những câu văn cô đọng, hàm súc, “bất tuân theo qui tắc ngữ pháp” như thường thấy trong thơ:

Chị tin là ngày xưa. Anh và lũ trẻ ở phố chắc phải đá bóng bắt ve ở sân tòa này suốt cả tuổi thơ. Bây giờ sẽ không bao giờ còn anh để chị hỏi điều đó?

Lúc xe chở anh đi qua. Anh nghĩ gì khi nhìn về nhà mình. Ngôi nhà mà chỉ cần vài bước chân là đến. Và một trăm linh tám người bạn…” (Một trăm linh tám cây bằng lăng- Nguyễn Thị Thu Huệ).

Những vế phụ hoặc một thành phần của câu đã được tách thành một câu. Kiểu ngữ pháp “lệch chuẩn” này còn được gọi là “ngữ pháp của tâm trạng”- câu văn trong truyện ngắn nữ đã tuôn chảy theo dòng cảm xúc của nhân vật- một đặc trưng nổi bật của ngôn ngữ thơ.

Có khi, chất thơ được gợi ra từ sự mơ hồ của ý nghĩa câu văn: “Nhưng cả cánh đồng lúa của họ, cả bầu trời và đức Phật từ bi của họ, và cả họ nữa, sẽ chẳng bao giờ biết rằng có một mối tình đã tan vỡ…” (Lúa hát- Võ Thị Xuân Hà). Đó là mối tình tan vỡ của ai? của cô gái hay người lái xe mà cô đã đi nhờ? Tính mơ hồ đó của câu văn đã tạo những “khoảng trống”, những dư ba làm day dứt suy nghĩ của người đọc. Nó cũng giống như những câu thơ đa nghĩa, hàm súc, gợi nhiều liên tưởng, lời đã hết mà ý còn vang.

Dường như là một cách hòa giải với xu hướng “đời thường hòa”, tính chất “thơ hóa” của ngôn ngữ truyện ngắn nữ đương đại đã mang lại sự cân bằng giữa cuộc sống đời thường và văn chương nghệ thuật. “Thơ hóa” ngôn ngữ văn xuôi là một nỗ lực của các cây bút truyện ngắn nữ đương đại trên hành trình làm mới và khám phá khả năng biểu đạt vô tận, bất ngờ của ngôn ngữ thể loại.

4.5.1.3. Ngôn ngữ mang sắc thái nữ

Không thể phủ nhận một điều là giới tính nữ in dấu ấn khá đậm nét trong ngôn ngữ truyện ngắn nữ đương đại.

Dấu ấn đó trước hết được bộc lộ qua những hình ảnh so sánh có lẽ chỉ có ở người phụ nữ “tề gia nội trợ”: liên khúc những bài hát về tình yêu “được xâu lại như một xâu cá rô, quẫy đạp liên hồi” (Cát đợi- Nguyễn Thị Thu Huệ), “Những người đàn bà khác chạy qua đời tôi nhạt nhẽo như bí luộc” (Người đàn bà ám khói- Nguyễn Thị Thu Huệ), “Mày sẽ lấy cái con mặt như sườn mậu dịch thời bao cấp (…)” (Phù thủy- Nguyễn Thị Thu Huệ), “Nàng khoảng đôi mươi, người mềm như bún” (Nụ cười nơi thiên đường- Nguyễn Thị Ấm), “Năm nay, sách tự nhiên ế, giá cả tăng vọt. Một quyển sách có thể mua cả một con gà” ( bán sách- Nguyễn Thị Ấm), “chồng nàng thì gày guộc như một con tôm khô đóng trong túi hút chân không bày trên giá trong siêu thị” (Đàn bà đẹp- Đỗ Bích Thúy),… Những hình ảnh so sánh, đối chiếu này là sản phẩm của cách nhìn, cách cảm của người phụ nữ, hơn thế là một người “nội trợ thạo đời”.

Người phụ nữ vốn sống thiên về tình cảm, giàu cảm xúc nên nhu cầu được giãi bày, biểu lộ trực tiếp dường như luôn thường trực trên mỗi trang viết. Có lẽ vì đặc điểm tâm lí ấy mà trong ngôn ngữ kể chuyện của truyện ngắn nữ đương đại, nhất là những truyện kể từ ngôi thứ nhất, chúng ta thấy những thán từ, hư từ, những kiểu câu tình thái, những câu hỏi tu từ (một hình thức đối thoại trong sự độc thoại) xuất hiện với một tỉ lệ khá dày: “Tôi thì còn phải nói, tôi yêu anh từ khi mới gặp. Vâng đúng là từ cái nhìn đầu tiên tôi đã linh cảm rằng người đàn ông ấy sẽ có những điều hấp dẫn kì lạ và mình sẽ phải yêu anh ta. Lạ như thế đấy. Chính tôi cũng không thể biết cái giây phút ấy tại sao nó lại tới… Cứ nghĩ

lại điều chị Lan nói tôi nghiệm đúng thật” (Nắng gắt- Hoàng Kim Dung), “Đáng lắm chứ. (…) Nếu mẹ tôi hiểu, ở cái tuổi này người ta điên đến mức nào, ngông cuồng đến mức nào và cần có bạn bè để an ủi biết bao nhiêu, người ta lại thích trả thù nữa chứ!” (Khi người ta trẻ- Phan Thị Vàng Anh), “Đứa nào nhỉ, đứa nào mang khuôn mặt đợi chờ của con gái tôi đi mất và trả cho nó khuôn mặt đàn bà, vừa đằm thắm, vừa non nớt của cô bé mười sáu tuổi?” (Hậu thiên đường- Nguyễn Thị Thu Huệ),… Những hình thức biểu cảm đó của lời văn đã bộc lộ một cái tôi cá thể lúc nào cũng khao khát được “giao cảm” với đời.

Ngôn ngữ mang sắc thái nữ đã mở ra một diện phản ánh mới của ngôn ngữ truyện ngắn nữ đương đại: nó không chỉ cho ta biết về một thế giới bên ngoài mà còn cho ta hiểu về một cá thể con người- người phụ nữ đằng sau trang sách.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) truyện ngắn các nhà văn nữ đương đại tư duy nghệ thuật và đặc trưng thể loại luận án TS ngôn ngữ và văn hoá việt nam 60 22 01 (Trang 146 - 150)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)