Xây dựng các kiểu kết truyện theo nguyên lí “đồng sáng tạo”

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) truyện ngắn các nhà văn nữ đương đại tư duy nghệ thuật và đặc trưng thể loại luận án TS ngôn ngữ và văn hoá việt nam 60 22 01 (Trang 135 - 139)

3.1 .Quan niệm sáng tác của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại

4.3. Nghệ thuật tổ chức cốt truyện

4.3.3. Xây dựng các kiểu kết truyện theo nguyên lí “đồng sáng tạo”

Do đặc trưng về giới hạn dung lượng mà yêu cầu về tính chặt chẽ của các thành phần trong cốt truyện truyện ngắn được đặt ra rất nghiêm ngặt. Theo quan niệm truyền thống, để tạo ra “tính hiệu quả duy nhất” trong truyện ngắn thì “sức mạnh của cú đấm (nghệ thuật) là thuộc về đoạn cuối”- các cây bút truyện ngắn phải “dồn sức” vào phần cuối câu chuyện, tạo ra những cái kết bất ngờ, vừa để giải quyết xung đột đang đẩy lên đỉnh điểm ở nút “cao trào”, vừa để gây một ấn tượng mạnh mẽ hằn sâu trong tâm trí người đọc. Đó thường là những kết thúc có hậu, giải quyết hoàn tất các vấn đề. Nhưng đến thời kì đổi mới, dưới ảnh hưởng của lí thuyết tiếp nhận ở phương Tây, “đoạn kết trong truyện ngắn gần đây đã tạo ra các khoảng trống, khiến độc giả cũng trở thành kể đồng sáng tạo, tự tìm ra “đường đi nước bước” của nhân vật, tự giải mã các vấn đề” [94.]. Truyện ngắn nữ đương đại cũng nằm trong xu thế đổi mới đó. Không còn tạo ra một cốt

truyện hoàn tất, một kết thúc đóng, các nhà văn nữ đã xây dựng nên những kết truyện hiện đại với hai dạng thức chính: kết thúc mở và không có kết.

4.3.3.1. Kết thúc mở

Khác với cốt truyện có kết thúc đóng- câu chuyện hoàn toàn khép lại bởi vấn đề đã được giải quyết trọn vẹn, cốt truyện có kết thúc mở đặt độc giả trước nhiều khả năng xảy ra tiếp theo của câu chuyện. Văn bản truyện đã chấm hết nhưng dòng vận động của chuyện chưa chấm dứt, số phận nhân vật, diễn biến sự việc vẫn tiếp tục được suy đoán. Ở dạng kết thúc mở có hai hình thức các tác giả nữ hay sử dụng:

* Để ngỏ kết thúc

Như trên chúng tôi đã trình bày, một mô hình cốt truyện cơ bản của truyện ngắn bao gồm ba phần: trạng thái khởi đầu- biến cố- trạng thái kết thúc. Với những truyện để ngỏ kết thúc, cốt truyện sẽ dừng khi biến cố vẫn đang diễn ra- trạng thái kết thúc sẽ bị bỏ trống để người đọc tự “điền khuyết” theo suy nghĩ của riêng mình.

Nắng gắt (Hoàng Kim Dung) kể về tình yêu trong sáng, say mê của một cô gái trẻ dành cho một kĩ sư xây dựng hơn cô chục tuổi. Trước sự chăm sóc, quan tâm chu đáo của người con trai, cô gái đã đặt trọn niềm tin vào “mối tình đầu” của mình. Nhưng một lần bất ngờ trở về giữa chuyến công tác, khi cô gái cùng với một người bạn nữ vào một quán cà phê uống nước (người bạn đi cùng cô là một phóng viên đang viết phóng sự về “cà phê ôm”), cô đã vô tình phát hiện ra một sự thật phũ phàng: người yêu cô đang tình tứ với một người phụ nữ khác- người tình cũ của anh ta, và họ đã có một đứa con từ trước đó. Cô gái rời thành phố quay trở lại chuyến công tác dở dang, với một sự sụp đổ niềm tin, với một nỗi đau đớn tuyệt vọng. Truyện dừng lại ở chi tiết anh người yêu gọi điện hỏi thăm cô như thường lệ với những lời lẽ ngọt ngào, còn cô gái gác máy không nghe và chếnh choáng bỏ về phòng. “Hồi kết” của tình yêu giữa cô gái ngây thơ, chân thành với người đàn ông phản trắc, dối trá không được tác giả đề cập tới. Sự “bỏ trống” phần kết đó gieo vào người đọc những cảm xúc day dứt khôn

nguôi: bất bình, căm ghét trước con người bội bạc, giả dối; thương xót, đồng cảm với nỗi đau, sự hụt hẫng của cô gái. Và mỗi người với quan điểm, thái độ, trí tưởng tượng khác nhau sẽ viết tiếp một cái kết cho riêng mình.

Sáng tạo những cốt truyện để ngỏ kết thúc, tác giả đã “mời gọi” người đọc “đồng sáng tạo” với mình. Truyện mở ra nhiều hướng suy nghĩ khác nhau tùy vào tri thức, vốn sống và quan niệm của mỗi người.

* Đưa ra nhiều cái kết

Tác giả đưa ra nhiều cách kiến giải cho cuộc đời nhân vật, không áp đặt một kết cục duy nhất cho câu chuyện. Trong truyện ngắn Cô gái đúc thánh, một câu chuyện với đầy những chi tiết mơ hồ, nhà văn Võ Thị Xuân Hà đã đưa ra hai cái kết, và việc chọn “Đoạn kết 1”: cô gái tên Đóa trở thành bà chủ lớn chuyên kinh doanh tượng thánh các loại… hay “Đoạn kết 2”: Đóa thi đỗ vào trường Mỹ thuật và có một cuộc sống vật chất khó khăn là phụ thuộc vào mỗi cá nhân bạn đọc.

Có khi, sự đa kết của truyện được tạo ra bởi hình thức những “lời đồn”, hư hư thực thực, và việc tin hay không hoàn toàn do người đọc tự quyết định. Đó là trường hợp cái kết trong tác phẩm Hạnh của nhà văn Nguyễn Minh Dậu. Nếu truyện dừng ở chi tiết “Đêm hôm ấy Hạnh đi ra biển…” đã đủ tạo nên một cốt truyện hoàn chỉnh với một kết cục bi kịch (nhân vật chọn cái chết để tự giải thoát). Nhưng tác giả đã thêm một đoạn kết đầy bất ngờ cho câu chuyện, bằng những lời đồn: “…Có người nói rằng: Hạnh không chết! (…) Còn một sự lạ nữa, người viết không muốn nhắc tới nhưng sợ bạn đọc cho rằng bịa (…)”.

Việc đưa ra nhiều cái kết thể hiện sự tôn trọng hiện thực khách quan của người viết- họ không phải là người biết tất cả và chỉ đưa ra những khả năng để người đọc suy ngẫm, lựa chọn. Và mỗi độc giả sẽ là người tự kể chuyện theo cách của mình dựa vào những “khả thể” mà tác giả đã gợi ý ấy…

Với việc tạo ra kiểu kết thúc mở (qua hai hình thức: để ngỏ hoặc đưa ra nhiều kết thúc), các cây bút nữ đương đại đã cho thấy: mỗi tác phẩm chỉ là những giả thiết về đời sống và đó mới là chân lí nghệ thuật.

4.3.3.2. Không có kết

Thông thường, cái kết của truyện ngắn cho thấy cách giải quyết hoặc các khả năng giải quyết mâu thuẫn đã đưa ra trong diễn biến cốt truyện. Tuy nhiên có những tác phẩm không có kết thúc- mạch truyện chưa hết, câu chuyện còn kéo dài, tác giả chỉ tạm ngưng vì một lí do nào đó. Kiểu kết này chúng ta thường gặp trong những truyện ngắn có cốt truyện vận động theo dòng tâm trạng nhân vật. Truyện ngắn Phạm Thị Hoài là một ví dụ điển hình. Vốn quan niệm văn chương và đời sống là hai phạm trù hoàn toàn đối lập, cuộc sống trôi đi “vu vơ và tẻ nhạt hơn nhiều” nên trong sáng tác của mình chị xây dựng những cốt truyện không đầu, không cuối. Truyện có khi chỉ là một mẩu đối thoại (Mê lộ, Khách), một dòng cảm nghĩ (Hoa sữa) hay một dòng suy tưởng, triết lí (Kẻ giết ý nghĩ, Người suy tư),… Sử dụng thường xuyên kiểu kết truyện này còn có Phan Thị Vàng Anh (Một ngày, Ngày học cuối, Buổi học thêm ở tu viện,…). Câu chuyện của chị cứ tiếp diễn từ ngày này qua ngày khác với những lát cắt của tâm trạng.

Truyện ngắn không có kết chỉ nêu lên một vấn đề mà hoàn toàn không có ý định đưa ra hướng giải quyết vấn đề, hoặc chỉ mô tả một sự việc hay một khung cảnh mà không hề có ý định “đặt vấn đề”. Khoảng trống tự do mà những truyện ngắn này mang lại cho độc giả đã mời gọi họ tham gia vào “cuộc định giá” tác phẩm, hoàn thành nốt những lời “mở ngỏ” để tạo nên một tác phẩm hoàn thiện của riêng mình.

Với các kiểu kết truyện theo nguyên lí “đồng sáng tạo”, truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại đã mở rộng khả năng biểu đạt, biểu hiện của thể loại truyện ngắn. Phá vỡ tính chặt chẽ, trọn vẹn của một cốt truyện truyền thống, những kiểu kết truyện “thường không trọn vẹn” này đã khiến mỗi cốt truyện hiện nay chỉ là “một giả định nghệ thuật triết lí nhân sinh của con người đương đại”.

Qua tìm hiểu nghệ thuật tổ chức cốt truyện trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại, chúng tôi nhận thấy rằng các nhà văn nữ đã rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt những xu thế cách tân của thể loại truyện ngắn, từ đó vận

dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt trong những tác phẩm của mình. Dẫu là những cốt truyện kế thừa, hoàn thiện những kĩ thuật truyền thống hay mang tính hiện đại thì nó luôn muốn phát huy tối đa những đặc trưng của thể loại trong việc nhận thức và phản ánh hiện thực cuộc sống, con người.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) truyện ngắn các nhà văn nữ đương đại tư duy nghệ thuật và đặc trưng thể loại luận án TS ngôn ngữ và văn hoá việt nam 60 22 01 (Trang 135 - 139)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)