Tình huống tâm trạng

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) truyện ngắn các nhà văn nữ đương đại tư duy nghệ thuật và đặc trưng thể loại luận án TS ngôn ngữ và văn hoá việt nam 60 22 01 (Trang 125 - 127)

3.1 .Quan niệm sáng tác của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại

4.2. Nghệ thuật xây dựng tình huống

4.2.2. Tình huống tâm trạng

Không nhằm thúc đẩy sự phát triển của hành động nhân vật, loại tình huống này có tác dụng khơi nguồn cho dòng chảy nội tâm của con người- làm hiện hình những trạng thái tâm lí còn ẩn sâu trong tiềm thức, mài sắc những cảm giác mơ hồ…

Thông thường, các tác giả nữ thường tạo ra một sự kiện gây “chấn động” đời sống tâm lí nhân vật, từ đó diễn ra những giằng xé, day dứt bên trong, thường là sự va chạm giữa phần ý thức và vô thức, bản năng của con người.Tình huống đó buộc người ta phải có sự lựa chọn cho thái độ sống của mình. Trong

Sau chớp là giông bão (Y Ban), bao cơn sóng lòng dâng lên cuộn trào bên trong người phụ nữ bắt đầu từ một sự kiện, đúng hơn là một kỉ niệm về một người khác giới đi cùng chuyến công tác vừa qua mà nàng gọi là “sự dịu ngọt”. Những lời tán thưởng ngọt ngào, những sự đụng chạm nhẹ nhàng, vô tình… tất cả đọng lại thành những xao xuyến, những tương tư, những xúc cảm bồi hồi mới mẻ trong nàng. Từ “chấn động” này, tác giả đã khơi mở dòng nội tâm đầy dao động

của người đàn bà đang đứng trước ranh giới mong manh của sự ngoại tình. Chỉ khi đặt trong tình huống ấy, những ẩn ức sâu xa của nhân vật (thể hiện qua giấc mơ về người đàn ông lạ mặt), những khao khát bản năng, cùng ý thức về trách nhiệm với gia đình của người phụ nữ mới hiện rõ hơn bao giờ hết.

Một cách thức khác khá phổ biến của các nhà văn nữ trong việc xây dựng tình huống tâm trạng là tạo ra những cuộc “trở về nguồn cội” của những người con xa quê, từ đó đánh thức dậy trong nhân vật những kí ức, hồi ức, kỉ niệm xưa về con người, quê hương. Sự “va chạm” giữa thực tại nhiều đổi thay với quá khứ “huyền thoại” (trong truyện ngắn nữ kí ức về một thời tuổi thơ gắn bó với quê hương xứ sở bao giờ cũng đẹp, lung linh, huyền ảo) bao giờ cũng khơi dậy những dòng chảy tuôn trào của cảm xúc, tâm trạng. Đó là lúc mà từng “mảnh vụn” kí ức được chắp nhặt, hiện lên sáng rõ, xúc động hơn bao giờ hết, làm bừng lên những tình cảm thiêng liêng vốn ghim chặt trong cõi sâu tâm khảm mỗi con người. Đó cũng là lúc con người suy tư về hiện tại với nặng trĩu một niềm cảm thương, một cảm thức chông chênh, vô định. Ngải đắng ở trên núi (Đỗ Bích Thúy), Sông có dài (Trần Thị Thanh Hà), Làng quê xanh thắm (Hoàng Ngọc Hà), Thung Lam (Hồ Thị Ngọc Hoài),… là những câu chuyện tiêu biểu được xây dựng trên tình huống như thế.

Tình huống tâm trạng trong nhiều truyện ngắn nữ nhiều khi chỉ là những nhịp sống đời thường, “nó giấu mình trong những chuyện vặt vãnh nhưng chính nó sẽ gây nên những “cú nổ” lớn” [91, tr.104]. Truyện ngắn Cuối ngày của Trần Thị Trường chỉ là một “lát cắt” cuộc sống thường ngày của một gia đình, vào thời điểm cuối ngày, khi người mẹ tất bật chuẩn bị bữa cơm cho gia đình. Thật khó tìm ra điểm nhấn gì đặc biệt để khơi mào cho những suy nghĩ của con người, bởi nó là những sự việc vẫn diễn ra thường ngày, là những câu trao đổi bình thường giữa các thành viên trong gia đình. Nhưng chính những điều giản dị ấy, chính phút giây con người lắng lòng suy ngẫm về những gì diễn ra xung quanh là lúc họ nhận chân giá trị của cuộc sống, những qui luật hà khắc của đời người. Đó cũng là ý nghĩa của tình huống nhịp sống đời thường trong nhiều sáng tác

khác của các nhà văn nữ: Bà ngoại (Nguyễn Thị Hoàng Bắc), Lúa hát (Võ Thị Xuân Hà), Cầu thang (Nguyễn Thị Thu Huệ),…

Luôn mong muốn khám phá được những tầng sâu bí ẩn trong thế giới tâm hồn con người, tình huống tâm trạng chính là chìa khóa giúp các cây bút truyện ngắn nữ đương đại mở ra thế giới ấy. Những cách thức phong phú để xây dựng loại tình huống này đã đặt con người ở vào tình thế phải bộc lộ ra những tầng bậc sâu sắc, phức tạp nhất trong tâm can của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) truyện ngắn các nhà văn nữ đương đại tư duy nghệ thuật và đặc trưng thể loại luận án TS ngôn ngữ và văn hoá việt nam 60 22 01 (Trang 125 - 127)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)