Không gian, thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đạ

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) truyện ngắn các nhà văn nữ đương đại tư duy nghệ thuật và đặc trưng thể loại luận án TS ngôn ngữ và văn hoá việt nam 60 22 01 (Trang 98)

3.1 .Quan niệm sáng tác của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại

3.5. Không gian, thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đạ

đƣơng đại

Không gian- thời gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật. Bất kì một hình tượng, nhân vật nào trong văn học cũng đều tồn tại trong một tọa độ không gian- thời gian xác định. Nhưng không- thời gian vật chất đó chỉ trở thành không- thời gian nghệ thuật khi có sự cảm nhận của con người về nó và qua đó thể hiện một quan niệm, một cách nhìn về cuộc sống, con người. Thời gian nghệ thuật “là sự ý thức và cảm giác về sự vận động và đổi thay của thế giới trong các hình thức đa dạng của thời gian” (trích theo [79, tr.63]). Không gian nghệ thuật “biểu hiện mô hình thế giới của con người”, “thể hiện quan niệm về trật tự thế giới và sự lựa chọn của con người” [79, tr.89]. Được coi là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ, không- thời gian cũng được coi là một hình tượng nghệ thuật, phản ánh quan niệm của nhà văn về thế giới và con người, qua đó cho thấy đặc điểm tư duy của người nghệ sĩ. Tìm hiểu không gian- thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại sẽ giúp chúng ta hiểu được “chiều sâu cảm thụ” của các nhà văn nữ.

3.5.1. Những cặp tương quan không gian tiêu biểu trong truyện ngắn nữ

3.5.1.1. Không gian gia đình và sự xê dịch ra khỏi không gian gia đình

Một tỉ lệ lớn truyện ngắn nữ chọn không gian gia đình làm nền cảnh cho câu chuyện, nhất là những câu chuyện mà nhân vật chính là những người phụ nữ. Dường như đó là môi trường thích hợp nhất để người phụ nữ thể hiện mình- cả những thiên chức, thiên tính cao cả, cả những khát khao bản năng, con người trần thế… Ở đó diễn ra cuộc sống sinh hoạt thường ngày và những mối quan hệ của các thành viên trong gia đình. Qua đó chúng ta cũng cảm nhận được những “vang hưởng” của hiện thực xã hội in bóng trong đó: những mặt trái của nền kinh tế thị trường, những thay đổi quan niệm, giá trị sống của con người đương đại,… Nhưng điều quan trọng, không gian gia đình đã trở thành không gian nghệ thuật bởi nó gắn với cảm nhận của phái nữ khi tồn tại trong đó. Người phụ nữ đã làm tròn bổn phận của mình trong các vai người vợ, người mẹ, nhưng họ thấm thía một điều rằng: “Bổn phận làm vợ làm mẹ đã nhốt tôi trong cái lồng gia đình không khóa mà thật chặt” (Cam ngọt- Phạm Sông Hồng). Với những công việc “bếp núc” tỉ mẩn, tính toán chi li, lặp đi lặp lại một cách buồn

tẻ, nhàm chán, không gian gia đình chất chứa trong đó ý thức về sự giam hãm, quẩn quanh, xơ cứng dần tình cảm vợ chồng cùng những ước vọng lãng mạn, bay bổng: “Ngày nào em cũng thấy mòn đi, mỗi ngày một tí, một tí…Em trở nên đần độn, trì trệ, quẩn quanh ở xó bếp xó cửa (…)… Chỉ mươi năm nữa, em thành một cụ già bốn mươi tuổi, không ai nhận ra em nữa” (Cơn mưa cuối mùa- Lê Minh Khuê). Chính vì thế trong không gian ấy, người phụ nữ luôn có xu hướng muốn vượt thoát ra ngoài, muốn được nếm trải cảm giác mới lạ hơn. Sự xê dịch ra khỏi không gian gia đình (qua những chuyến công tác, hoặc bằng những cuộc “phiêu lưu tình ái”) là một đối nghịch với không gian gia đình tù túng.

Khi phải làm tròn vai người vợ, người mẹ trong gia đình, Lan (Một nửa cuộc đời- Nguyễn Thị Thu Huệ) cảm thấy cuộc sống thật “buồn tẻ”, còn mình thì “cứ lọ mọ như một mụ già xẩm sờ xó bếp”. Nhưng lúc xê dịch ra khỏi không gian gia đình, trước biển trời bao la, thơ mộng, bên người tình, cô cảm thấy cuộc sống thật tuyệt vời, còn mình thì “như cô gái mới lớn”, “non trẻ và nhỏ bé” bên người tình. Trong Cánh cửa thứ chín (Trần Thùy Mai), cuộc vượt thoát (dẫu chỉ là bằng tưởng tượng) ra khỏi không gian căn nhà với “bốn bức tường rêu”, với nhịp điệu cuộc sống vợ chồng đơn điệu đến rời rạc đã giải tỏa những dồn nén không biết chia sẻ cùng ai của người phụ nữ, đã đưa cô đến những vùng đất rất xa mà cô chưa từng thấy bao giờ- ở đó cô được hòa vào thiên nhiên bao la, sống động, được giãi bày nỗi lòng với một người luôn muốn lắng nghe, thấu hiểu cô. Cuộc ngoại tình trong tư tưởng đã khiến “trong bốn bức tường rêu đã có cả biển trời”- cô như được hồi sinh trong sự xê dịch không gian đó.

Nhưng vượt thoát ra khỏi không gian gia đình đến một không gian mới, với những nếm trải mới, sau những “thăng hoa cảm xúc” ban đầu, người phụ nữ lại nhanh chóng rơi vào một trạng thái tình cảm khác: đó là sự bất ổn, nỗi cô đơn. Những người phụ nữ trong Cam ngọt, Một nửa cuộc đời, Cơn mưa cuối mùa, Cánh cửa thứ chín,… sau những phút giây thư thái như lên tận chín tầng mây ở không gian mới lại sống trong sự day dứt của lương tâm, trách nhiệm, để rồi lại quay trở lại không gian gia đình với một ý thức chủ động hơn.

Như vậy trong sự dịch chuyển, ta thấy cặp không gian gia đình và sự xê dịch ra khỏi không gian gia đình liên tục biến đổi ý niệm của con người cảm nhận về nó: không gian gia đình thoạt đầu là sự giam hãm, bó buộc, bào mòn người phụ nữ, khi đó không gian xê dịch khỏi nó là sự giải thoát, hồi sinh; nhưng khi không gian xê dịch ra khỏi gia đình mang sự bất ổn thì không gian gia đình lại trở thành chốn trở về bình yên, an phận. Cặp tương quan không gian này đã phản chiếu cuộc đời khép kín vào chức phận với gia đình của người phụ nữ, đồng thời cũng bộc lộ thế giới nội tâm nhiều giằng xé của họ. Dẫu có những phút giây đối diện với những khát khao mang tính bản năng nhưng thường bao giờ cuối cùng người phụ nữ cũng tìm trở về, đứng vững trong thiên chức vốn có của mình. Sự xê dịch không gian ra khỏi gia đình chỉ là một phép thử cho cuộc sống mỗi con người.

3.5.1.2. Không gian căn phòng và không gian hồi tưởng

Như một hình thức hữu hiệu để đi sâu vào đời sống cá nhân- nhất là thân phận của những người phụ nữ, trở đi trở lại trong nhiều truyện ngắn nữ là không gian chật hẹp của những căn phòng. Đó là không gian cách biệt với cuộc sống xung quanh và khi hiện hữu trong đó, con người phải đối diện với chính mình, với những chiêm nghiệm và suy tưởng. Đó là không gian của nỗi cô đơn đặc quánh.

Người đàn bà ba mươi tám tuổi xinh đẹp chưa chồng trong Giai nhân

(Nguyễn Thị Thu Huệ) đã tự giam mình ba ngày “quanh quẩn trong bốn bức tường và dọn dẹp lặt vặt” để chờ tiếng chuông điện thoại, chờ tiếng gõ cửa của một ai đó để nhắc rằng người ta vẫn nhớ đến cô nhưng tuyệt nhiên không có. Chính trong sự chật hẹp, lẻ loi này cô mới nhìn thấu cuộc đời mình, ý thức được sâu sắc tình cảnh cô độc của mình trong hiện tại và cả tương lai: “Khốn nạn. Sao người mỗi ngày một đông như kiến mà tôi thì cô đơn thế này? (…) Cái thời mà mình được quyền chọn lựa đã qua rồi sao?”. Người phụ nữ trong Người đàn bà có ma lực (Y Ban) cũng khép mình trong căn phòng nhỏ đối lập với thế giới của những “tiếng than thở, tiếng lao xao, tiếng dao thớt lách cách bên hàng xóm vọng sang như tiếng mõ nguyện” để gặm nhấm nỗi cô đơn, lạc lõng của chính mình. Không gian căn phòng chính là không gian của đời tư, của số phận con người. Qua rất nhiều câu chuyện (Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, Nhân tình- Y Ban, Hậu thiên đường- Nguyễn Thị Thu Huệ, Tiếng

đàn môi sau bờ rào đá- Đỗ Bích Thúy, Hồng trần- Chu Thị Minh Huệ,…), không gian căn phòng đã trở thành một nỗi ám ảnh trên những trang viết của các nhà văn nữ. Đó không phải là không gian của hạnh phúc mà là không gian hiện diện nỗi cô đơn dai dẳng và số phận bất hạnh của những người phụ nữ.

Chính lúc con người bị bủa vây bởi sự cô độc, giữa bốn bức tường chật hẹp thì không gian hồi tưởng xuất hiện, gắn với suy tưởng của nhân vật về quãng đời trong quá khứ của mình (thường là đối lập với hiện tại). Trước tình cảnh “thất thế” trong hiện tại, người đàn bà tên Sao sống lại thời quá khứ “huy hoàng” của mình, thời của một Giai nhân. Trong câu chuyện Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, khi phải nằm tại căn phòng vô sinh ngột ngạt, cô gái- một bệnh nhân cô- vắc đã chống chọi lại nỗi đau đớn, sự giằng xé, trống trải trong tâm hồn bằng thế giới của kỉ niệm tuổi thơ, của tình yêu trong sáng, đầy say mê đầu đời… Thời gian quá khứ đã trở thành một chiều của không gian, tạo thành không gian hồi tưởng, chất chứa bao nỗi niềm của nhân vật. Nó thường lưu giữ một quãng đời đẹp của con người, vì thế đó là không gian của hạnh phúc, của khát khao so với không gian hiện tại. Song hành cùng không gian căn phòng chật hẹp, không gian hồi ức xuất hiện như một sự giải tỏa, một chốn bấu víu, nương tựa của con người mất thăng bằng trong cuộc sống hiện tại.

Cặp không gian căn phòng và không gian hồi tưởng đã hỗ trợ cho nhau để cùng soi sáng số phận, thân phận, thế giới nội tâm của con người, nhất là những người phụ nữ.

3.5.1.3. Không gian miền quê và không gian thành phố

Trong Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, cô gái- bệnh nhân cô- vắc đã viết những dòng cảm nhận về hai không gian gắn với tuổi thơ của mình: “Mẹ của con! Khi con biết cảm nhận và nhớ những gì xung quanh mình thì nơi con sống là một vùng quê êm ả, trù phú. (…) Mẹ ơi, cám ơn cha mẹ biết chừng nào khi tuổi thơ ấu của con được sống ở nông thôn. Để những câu chuyện cổ tích cha kể con nghe, con đã bắt gặp những hình ảnh xung quanh mình”; “cả nhà con chuyển lên thành phố. Con được sống trong nền văn minh mới. Con bắt đầu mở mang bằng những quyển sách dễ kiếm. (…) Con đã được tự do kiến tạo tâm hồn mình bằng tất cả những loại sách tự do rơi vào tay con”- và “cái lần đầu tiên” dại khờ ấy của tình yêu đầu đời, nguyên

nhân dẫn đến cuộc đời bi kịch của cô sau này đã diễn ra ở cái nơi được cho là gắn với “nền văn minh mới” ấy. Có lẽ, cảm nhận ấy của cô gái trong câu chuyện cũng là cảm quan chung của các nhà văn nữ trước cặp không gian nông thôn và thành thị.

Khác với truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, không gian nông thôn chứa đầy những dự cảm lo âu trước bao sự xáo trộn của cuộc sống hiện đại, không gian miền quê trong truyện ngắn nữ luôn là chốn bình yên tuyệt đối cho sự neo đậu tâm hồn, là chỗ dựa vững chãi cho tinh thần, tâm linh con người tìm về mỗi khi vấp ngã. Đó là “vườn cây mát rười rượi, quanh năm cho trái chín ngọt ngon và mỗi sáng sớm trong lành được nghe bản giao hưởng của đàn chim thân thuộc” (Tiếng chim trong vườn- Kim Quyên). Đó là Thung Lam (Hồ Thị Ngọc Hoài) hoang sơ mà hùng vĩ, khoáng đạt, luôn mở lòng đón đứa con xa quê trở về, giữ trọn tuổi thơ êm đẹp và xoa dịu những nỗi đau đường đời của con người. Đó là miền thôn quê với bờ ao, cây khế, những con người chân chất thật thà (Thiêu thân- Thùy Dương)…Những không gian trong trẻo ấy đã neo đậu trong những trang văn nữ, như là nguồn cội, như là chốn thiêng liêng trong tâm khảm mỗi người dân đất Việt.

Đối lập với không gian miền quê, không gian thành phố dưới cái nhìn của các nhà văn nữ chất chứa đầy những bất ổn, những cám dỗ khiến con người dễ sa ngã. Rất nhiều câu chuyện đã viết về hiện tượng “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” ở các cô gái thôn quê khi lên thành phố làm việc, học tập: Thiêu thân, Tiệm may Sài Gòn (Phạm Thị Hoài), Xin hãy tin em (Nguyễn Thị Thu Huệ),… Sự di chuyển không gian từ nông thôn lên thành thị thường mang theo cảm giác bất an, thiếu chỗ dựa vững chắc: “Không hiểu sao, khi lên tới đây, chạm mặt vào không khí náo nhiệt, ồn ã của thành phố tôi bỗng thấy chới với, như cái cây vừa mới bứt lìa ra khỏi nguồn cội, như con chim vừa rời tổ ấm” (Tiếng chim trong vườn). Không gian thành thị gắn với những dự cảm không mấy tốt đẹp về một cuộc sống nhiều cạm bẫy.

Những cặp tương quan không gian tiêu biểu trong truyện ngắn nữ đã dựng lên “mô hình thế giới” dưới cái nhìn của các nhà văn nữ. Ở đó có sự phân chia thành các thái cực với những đường ranh giới mong manh mà chỉ cần vượt qua nó con người đã có thể biến đổi thành một số phận, thân phận, tính cách khác. Với quan niệm ẩn chứa trong mỗi cặp không gian, chúng ta hiểu rằng sự lựa chọn của

phái nữ bao giờ cũng hướng đến gia đình, cội nguồn, đến sự bình yên, ổn định, đến những giá trị bền vững.

3.5.2. Cảm thức thời gian trong truyện ngắn nữ

3.5.2.1. Sự trôi chảy của dòng thời gian

Vẫn biết thời gian trôi đi tuần hoàn, cuộc đời con người thì ngắn ngủi, hữu hạn trong cái vòng quay vô hạn của đất trời- điều đó đã trở thành qui luật, nhưng khi điều này được thể hiện trên những trang văn nữ nó vẫn khiến người ta ám ảnh khôn nguôi về qui luật nghiệt ngã của thời gian. Nó hiện hữu trong tấm lưng còng của mẹ, trong nắm tro tàn của cha: “Tôi thảng thốt, chẳng lẽ lưng mẹ đã còng thật rồi ư? Dấu vết thời gian, chính là nó, đã hiện diện khắc nghiệt trên vóc dáng mẹ không nấn ná, không gượng nhẹ” (Ngải đắng ở trên núi- Đỗ Bích Thúy), “Chiều nay tôi lên chùa Vĩnh Nghiêm thăm cha. Một nắm tro lặng lẽ. (…) Từ khi cha mất, ý nghĩ “chết là hết” này theo đuổi tôi” (Đi thăm cha- Phan Thị Vàng Anh). Nó là cái vòng luân sinh án ngữ tương lai mỗi con người: “Nghĩ cho cùng, còn cái gì chờ tôi trước mắt nữa đâu, ngoài hình ảnh một lúc nào đó, chính tôi sẽ lại đứng bên một đồ vật cũ kĩ, hoặc con mèo, con chó mù để ngóng các con tôi?” (Minu xinh đẹp- Nguyễn Thị Thu Huệ). Trong cảm nhận của phái nữ, sự tàn phai của nhan sắc có lẽ là biểu hiện “nhạy cảm” nhất của bước đi thời gian. Biết bao “giai nhân” đã không khỏi đớn đau khi soi vào hình bóng của mình và nhận ra tuổi già đã lấy đi nhan sắc của họ rất nhiều: “Sao đến bên cái gương và nhìn thấy hình mình trong đó. Mi mắt sụp sụp. Dưới mắt mòng mọng sưng. Hai vành môi đã bắt đầu đen. Lỗ chân lông trên mặt to ra như những đầu tăm” (Giai nhân- Nguyễn Thị Thu Huệ), “Ra tới lu nước bà tựa người vào đó, mặt soi xuống nước, bật khóc. Ước gì nước đừng trong như vậy để khỏi phải hiện lên một nhan sắc tàn phai” (Cuối mùa nhan sắc- Nguyễn Ngọc Tư).

Trong cuộc sống thường nhật, đặc biệt trong không gian gia đình, bước đi của thời gian được đánh dấu bằng những công việc, sinh hoạt cụ thể, đều đặn của con người. Là bữa sáng người vợ chuẩn bị cho chồng, là buổi chiều người vợ hí húi bên cái bếp than tổ ong, túi bụi nấu cơm cho gia đình… Những công việc lặp đi lặp lại ấy- bước đi tuần tự của thời gian ấy, nhiều khi trở thành cái vòng luẩn quẩn đến

nhàm chán, đơn điệu trong tâm thức của người phụ nữ. Sự trôi chảy của thời gian đeo nặng trên đó sự mệt mỏi, nỗi cô đơn vì không chia sẻ được cùng ai những phiền muộn, những “lỉnh kỉnh” của cuộc sống thường ngày: “Có người nào đó lo bữa cơm chiều cho tôi lúc không ốm đau? Ba trăm sáu mươi nhăm ngày nhân với gần mười năm” (Cam ngọt- Phạm Sông Hồng).

Sự trôi chảy của dòng thời gian trên những trang văn nữ nặng trĩu bao suy tư, chiêm nghiệm, ẩn chứa trong đó cả những xúc cảm mang tính chất “thương thân” của những người phụ nữ.

3.5.2.2. “Thời gian không trôi mất”

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) truyện ngắn các nhà văn nữ đương đại tư duy nghệ thuật và đặc trưng thể loại luận án TS ngôn ngữ và văn hoá việt nam 60 22 01 (Trang 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)