Tình huống tự nhận thức

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) truyện ngắn các nhà văn nữ đương đại tư duy nghệ thuật và đặc trưng thể loại luận án TS ngôn ngữ và văn hoá việt nam 60 22 01 (Trang 127 - 129)

3.1 .Quan niệm sáng tác của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại

4.2. Nghệ thuật xây dựng tình huống

4.2.3. Tình huống tự nhận thức

Đó là những khoảnh khắc nhân vật tự thức tỉnh, ý thức được sâu sắc tình cảnh của mình trong hiện tại, truy tìm nguyên nhân, biện giải với những day dứt lương tâm chồng chéo.

Tình huống tự nhận thức thường được bắt đầu bằng một sự kiện “bất bình thường” trong chuỗi ngày sống bình thường của nhân vật, từ đó tạo tính chất “gương soi” cho nhân vật “phản tỉnh”, nhận chân được cuộc sống thực của mình. Trên một chuyến xe đi công tác, người phụ nữ trong Cam ngọt (Phạm Sông Hồng) đã được người đàn ông ngồi bên mời ăn một múi cam. Một sự việc chỉ bình thường, đơn giản vậy thôi, nhưng nó là “đặc biệt” đối với người phụ nữ, bởi “đã lâu lắm chẳng có người đàn ông nào bóc cam mời tôi hay một cái gì tương tự”. Từ tình huống đó, “có một mảnh đời khác như vừa thức giấc” trong người phụ nữ. Chị hồi tưởng lại quãng đời gần mười năm của mình từ khi lập gia đình, thấm thía nỗi cô đơn không ai cùng chia sẻ. Một phút tách mình ra khỏi cuộc sống gia đình, đối diện với chính cõi lòng mình, chị bỗng thấy như “mình chẳng cần cho ai”. Tình huống tự nhận thức đã khơi dậy chuỗi ngày “sống mòn” đầy thiệt thòi của người phụ nữ.

Tình huống hoa mai nở muộn trong truyện ngắn Hoa muộn (Phan Thị Vàng Anh) cũng là một sự việc khác thường so với mọi năm trong cuộc sống của gia đình cô gái tên Hạc. Từ đó, nó gợi dậy tình cảnh bẽ bàng của cô gái: “mấy năm nay đã chẳng có ai đến nhặt lá mai cho Hạc”, “Năm nay mình đã bao nhiêu tuổi? Vì sao những ngày lễ Tết mình luôn phải nằm nhà?”. Từ sự tương đồng với

thiên nhiên: “Có mai rồi đấy, mà vẫn không thành Tết!”, cô gái càng thấm thía sự lỡ thì, nhỡ nhàng của mình, với một niềm “cay đắng” khôn nguôi…

Tình huống tự nhận thức không chỉ khiến một cá nhân “phản tỉnh” mà có khi đó là sự “phản tỉnh” của cả một “tập thể”- đó là khoảnh khắc cả xóm Nhà Cháy cùng nhìn lại mình trong Đám cưới (Nguyễn Thị Minh Ngọc) của cô gái nguyên làm tổ trưởng khu phố của xóm. Người dân xóm Nhà Cháy vốn đủ mọi thành phần: “hảo và bất hảo, tôn trọng luật pháp lẫn không”, nhưng đa số làm nghề “buôn gánh bán bưng”, và chuyện chửi thề với họ đã trở thành một “thói quen khó bỏ”. Trong tiềm thức của mọi người, đây khác chi một xóm “liều” với những con người cùng đinh, mạt hạng. Nhưng trước một sự kiện “trọng đại”: họ được mời đi dự một đám cưới sang trọng của cô gái nguyên làm tổ trưởng dân phố kết duyên cùng chú rể người nước ngoài, bỗng nhiên mọi người nhận thức được cuộc sống hiện tại của mình sáng rõ hơn bao giờ hết. Họ ý thức được thân phận nghèo hèn của mình nên cả xóm tưng bừng đi sắm sửa những bộ cánh thời trang nhất cho phù hợp với không khí sang trọng của buổi lễ. Họ cũng ý thức được thói xấu “quen chửi thề” của mình nên trong đám cưới, họ “cố nuốt vào những tràng pháo Đ.M” và nếu có lỡ văng đôi ba chữ ra thì họ cũng “vội tìm cách lấp liếm đi với ý thức mình vừa gây trọng tội”. Đây là những “giây phút hiếm hoi” họ được là “người sang trọng tử tế”. Tình huống ấy đã làm sống dậy cái phần người “tử tế” ẩn sâu trong mỗi người dân xóm Nhà Cháy, bởi sau đó, đôi khi toan nhúng tay định làm một chuyện bậy, nhớ đến những giây phút “được trân trọng” khi bước vào ngôi Nhà Hàng Khách Sạn sang trọng đó, “bỗng dưng họ ngưng lại vài phút”- “vài phút ấy nhiều khi đủ thay đổi một đời”. Vừa nhận chân được cuộc sống trong thực tại, đồng thời “phát lộ” ra những phẩm chất tốt đẹp ẩn sâu trong mỗi con người, tình huống tự nhận thức đã giúp nhà văn khơi thông được những mạch chảy ngầm của cuộc sống rất vốn khó nhận biết trong sự phồn tạp của nó.

Khi đối diện với chính mình trong những khoảnh khắc suy tư bất chợt, nhân vật đã tự đối thoại, tự ý thức, tự thức tỉnh để rồi từ đó tự thay đổi nhận

thức, hành vi của mình. Tình huống tự nhận thức trong truyện ngắn nữ chứa đựng một giá trị nhân văn sâu sắc.

Theo quan niệm của nhà văn Nguyễn Minh Châu, một tình huống có giá trị là “một khoảnh khắc cuộc sống với một vài sự việc diễn biến sơ sài và cũng bình thường thôi (hoặc có thể dồn dập và không bình thường), nhưng bắt buộc con người ở vào một tình thế phải bộc lộ ra cái phần tâm can nhất, cái phần ẩn náu sâu kín nhất, thậm chí có khi đó là cái khoảnh khắc chứa cả một đời người, một đời nhân loại” (trích theo [91, tr.97]). Có thể thấy các cây bút truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại cũng rất có ý thức xây dựng những tình huống truyện giàu ý nghĩa, để từ một khoảnh khắc nhỏ trong cuộc đời nhân vật mở ra cả số phận con người với những hạnh phúc và khổ đau, mở ra cả một thế giới nội tâm phong phú mà phức tạp của con người. Có ý kiến cho rằng việc sáng tạo các tình huống nghệ thuật đã trở nên “lỗi thời” bởi nghệ thuật hiện đại là “mê lộ” của sự “vô tận hỗn loạn” khó nắm bắt. Nhưng thiết nghĩ, dù hình thức thể loại truyện ngắn có cách tân đến đâu, nó vẫn phải bảo lưu những “mã di truyền” để duy trì “hạt nhân cốt lõi” của đặc trưng thể loại. Và tình huống chính là một trong những “mã di truyền” đó để phát huy tối đa đặc trưng “ngắn” của một “hình thức tự sự cỡ nhỏ”.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) truyện ngắn các nhà văn nữ đương đại tư duy nghệ thuật và đặc trưng thể loại luận án TS ngôn ngữ và văn hoá việt nam 60 22 01 (Trang 127 - 129)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)