Tình huống giàu kịch tính

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) truyện ngắn các nhà văn nữ đương đại tư duy nghệ thuật và đặc trưng thể loại luận án TS ngôn ngữ và văn hoá việt nam 60 22 01 (Trang 124 - 125)

3.1 .Quan niệm sáng tác của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại

4.2. Nghệ thuật xây dựng tình huống

4.2.1. Tình huống giàu kịch tính

Đây là loại tình huống chứa đựng những xung đột, mâu thuẫn gay gắt, mang tính kịch cao (giữa con người với con người, con người với hoàn cảnh). Nó thúc đẩy sự việc vận động, phơi bày ra bản chất của hiện tượng.

Điển hình mẫu mực của kiểu tình huống này được thể hiện trong truyện ngắn Kịch câm của Phan Thị Vàng Anh. Bắt đầu từ một sự việc: đứa con gái bắt gặp mẩu thư hò hẹn yêu đương của bố với một người phụ nữ nào đó, xung đột đã bùng lên giữa hai con người. Ông bố thì “cầu khẩn và căm thù nhìn nó”, còn đứa con gái, nó đã “thỏa mãn biết bao nhiêu”, “căm hờn ông biết bao lâu”. Giữa hai cha con đã hình thành một bức tường ngăn cách, vốn đã có từ trước bởi sự nghiêm khắc, gia trưởng của người cha, nay càng trở nên kiên cố, sừng sững. Mâu thuẫn khiến cho “mọi thứ tự, luật lệ đã thay đổi”, “một trật tự mới ngay lập tức được thiết lập”: đứa con trở nên một người có vai vế trong nhà, được tự do làm những việc mình thích mà không gặp bất cứ cản trở nào từ phía người bố. Từ tình huống giàu kịch tính, những thay đổi sau đó trong cuộc sống của người con đã phơi bày bộ mặt giả dối của sự việc: một ông bố “đạo đức giả”, một không khí “tự do” giả, một hạnh phúc sum vầy giả,… Tình huống đã làm lộ ra tấn “kịch” gia đình vốn được che đậy tinh vi trong cuộc sống thường ngày.

Cũng xây dựng những tình huống chứa đựng mâu thuẫn gay gắt giữa con người với con người, nhưng không phải để từ đó sự việc mới bộc lộ bản chất mà trước đó nó bị che đậy, trong sáng tác của Lê Minh Khuê, tình huống giàu kịch tính lại đóng vai trò như một ngòi nổ, làm cho những bản chất con người vốn đã được nhận dạng trước đó bùng phát ra, thể hiện đậm đặc, dữ dội nhất. Đó là tình huống gói tiền trong nhà hai cha con lão Thiến bị mất, gây ra xung đột dữ dội giữa lão Thiến và thằng con trai- vốn đều là hai kẻ “đầu trộm đuôi cướp”, bất nhân có tiếng (Anh lính Tô-ny D). Đó là tình huống thằng Nghẽo tàn tật được

người chị gái ở nước ngoài gửi tiền đô về nuôi, gây ra một cuộc tranh giành nảy lửa giữa hai gia đình anh em Khang- An, cũng vốn là những tên đầu gấu khét tiếng trong vùng (Đồng đôla vĩ đại). Từ những tình huống đó, bản chất tàn ác, thú tính của con người được tô đậm, đặc tả rõ hơn bao giờ hết: người con ép bố phải chặt đứt ngón tay để chứng minh sự vô tội, anh em chém giết lẫn nhau để có được “đồng đôla vĩ đại”. Tình huống đã tạo nên những nút thắt, cao trào cho cốt truyện, và việc “cởi nút” đã tạo ra những tấn bi kịch, thảm kịch đầy đớn đau trong những gia đình.

Không thiên về khái quát những xung đột xã hội, tình huống giàu kịch tính trong truyện ngắn nữ đi sâu vào những mâu thuẫn giữa con người với con người trong gia đình, để từ đó mở ra những tấn bi kịch của nhân sinh, của đạo đức. Tình huống ấy đã giúp các nhà văn nữ tiếp cận được chân thực nhất, tập trung nhất những hiện trạng đầy nhức nhối của cuộc sống đời tư- thế sự hôm nay.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) truyện ngắn các nhà văn nữ đương đại tư duy nghệ thuật và đặc trưng thể loại luận án TS ngôn ngữ và văn hoá việt nam 60 22 01 (Trang 124 - 125)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)