Thủ pháp độc thoại nội tâm và “dòng ý thức”

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) truyện ngắn các nhà văn nữ đương đại tư duy nghệ thuật và đặc trưng thể loại luận án TS ngôn ngữ và văn hoá việt nam 60 22 01 (Trang 133 - 135)

3.1 .Quan niệm sáng tác của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại

4.3. Nghệ thuật tổ chức cốt truyện

4.3.2. Thủ pháp độc thoại nội tâm và “dòng ý thức”

Như chúng tôi đã nói, làm nên nét đặc trưng của truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại là những cốt truyện tâm lí. Cuộc sống được biểu đạt qua thế giới tâm hồn, tâm trạng của con người và việc phân tích tâm lí nhân vật trở thành phương tiện chủ yếu để xây dựng cốt truyện. Trong đó, thủ pháp độc thoại nội tâm và “dòng ý thức” có vai trò chủ đạo trong việc kiến tạo nên mạch vận động của cốt truyện, vì thế nó có một ý nghĩa đặc biệt trong nghệ thuật xây dựng cốt truyện của các nhà văn nữ.

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, độc thoại nội tâm là “lời phát ngôn của nhân vật nói với chính mình, thể hiện trực tiếp quá trình tâm lí nội tâm, mô

phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó” [27, tr.108], còn dòng ý thức là “các ý nghĩ, cảm giác, các liên tưởng bất chợt thường xuyên chen nhau, thay nhau và đan bện vào nhau một cách lạ lùng, “phi logic”” [27, tr.93]. Dòng ý thức được coi là trường hợp đặc biệt, “cực đoan” của độc thoại nội tâm. Trong truyện ngắn nữ, độc thoại nội tâm và dòng ý thức được sử dụng thường xuyên để tạo nên diễn biến của cốt truyện, tạo ra sự liên kết của các mạch sự kiện, từ đó mà cuộc đời, số phận, thân phận, tình cảnh nhân vật dần được chắp ghép lại hoàn chỉnh, và đời sống nội tâm con người cũng dần hiện rõ với cả những ẩn khuất sâu xa nhất của vô thức, tâm linh.

Truyện ngắn Trò chơi quên nhớ (Nguyễn Ngọc Tư) là những diễn biến tâm lí vô cùng nhạy cảm và phức tạp của một cô gái tên Lam khi cô đang “đóng kịch” bị mất trí nhớ để định giá lại mọi giá trị trong cuộc đời mình. Những lời độc thoại nội tâm trải ra trên từng trang truyện đã dần nối ghép thành một mảnh đời không mấy hạnh phúc của cô gái. Cô luôn sống trong sự thiếu thốn tình cảm, thiếu sự quan tâm ân cần của người mẹ, thiếu những cảm xúc chân thật thăng hoa trong tình yêu, thiếu sự chân thành của những người đồng nghiệp. Những lời độc thoại nội tâm cũng đã hé lộ con người thật của cô, trái ngược hoàn toàn với những điều giả dối mà cô phải diễn trong suốt thời gian qua: “Và Lam đã đóng vai người đang yêu trong hai năm, dài, dài lắm. Nhiều khi Lam nghĩ, không biết đám cưới xong thì đời dằng dặc đến chừng nào. Hay đến một lúc, Lam đã diễn quen, đến không thể sống thật, không thể trút lớp? Chơi trò quên nhớ này thì vui hơn giả bộ yêu nhiều. Không phải đắm đuối, ngọt ngào nữa, bây giờ chỉ việc đưa cái mặt ngơ ngáo, đờ đẫn ra với đời”. Kỉ niệm tưởng đã bị “xơ hóa” trong tâm hồn luôn phải “sống giả” của Lam, không ngờ khi gặp người đàn ông lạ tự xưng là “ba”, theo lời kể của ông, cả một miền kí ức bị vùi lấp bỗng hiện về trong cô, rạng rỡ và nguyên vẹn: “Bỗng thấy thắt ruột, một tuổi thơ Lam chưa hề biết mở ra từng trang, từng trang, từng trang”. Từ một sự việc trong hiện tại (“ba Lam” nhắc về cái thẹo trên trán của Lam), Lam đã nhớ lại kỉ niệm học bơi với ba. Rồi kỉ niệm nọ gợi lại kỉ niệm kia, cùng ùa về hỗn độn trong sự tưởng tượng của

Lam. Dòng ý thức ấy đã khoan sâu vào ẩn ức của nhân vật, đánh thức dậy khao khát tình yêu thương luôn cháy bỏng trong cô. Nó cũng phản chiếu nỗi cô đơn câm lặng không thể giãi bày cùng ai của thân phận con người.

Độc thoại nội tâm và dòng ý thức không phải là một thủ pháp mới lạ bây giờ mới xuất hiện- nó đã từng được vận dụng để phân tích, miêu tả tâm lí rất hiệu quả trong những trang truyện của Nam Cao, Thạch Lam,… Nhưng phải đến thời kì đổi mới (từ năm 1986), thủ pháp này mới được dùng thường xuyên với ý thức tạo ra sự cách tân hình thức thể loại truyện ngắn (điều này được thể hiện rõ trong kết cấu của truyện ngắn nữ mà chúng tôi sẽ đề cập cụ thể ở phần sau). Thủ pháp “dòng ý thức” chưa thể nói là đã đạt “độ chín” ở các cây bút nữ, nhưng cùng với độc thoại nội tâm, nó đã tạo ra sự biến đổi sâu sắc trong việc tạo dựng cốt truyện của thể loại truyện ngắn, từ những cốt truyện mang cảm quan “đại tự sự” chuyển sang những cốt truyện mang cảm quan “tiểu tự sự”. Hướng đến nhận thức mới mẻ, sâu sắc về thế giới bí ẩn của nội tâm con người, thủ pháp độc thoại nội tâm và dòng ý thức đã góp phần tạo ra những cốt truyện thể hiện những trăn trở đổi mới và đa dạng lối viết của các nhà văn nữ.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) truyện ngắn các nhà văn nữ đương đại tư duy nghệ thuật và đặc trưng thể loại luận án TS ngôn ngữ và văn hoá việt nam 60 22 01 (Trang 133 - 135)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)