3.1 .Quan niệm sáng tác của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại
4.4. Những sáng tạo về mặt kết cấu
4.4.5. Kết cấu lắp ghép, phân mảnh
Với xu hướng tiếp cận cuộc sống từ những “mảnh vỡ” của hiện thực, truyện ngắn đương đại nói riêng và văn xuôi đương đại nói chung đã hình thành kiểu kết cấu lắp ghép, phân mảnh. Truyện là những lắp ghép từ những sự kiện phân tán và rời rạc, những “mảnh vỡ” của cuộc đời nhân vật. Ở đây không chỉ là sự phá vỡ tính thống nhất trong trình tự thời gian và nhân quả của chuỗi sự kiện gắn với hành động của nhân vật chính mà nó còn nằm trong ý thức con người, tạo nên hiệu ứng về sự phân tán, rời rạc của các thành tố- một sự đổi mới tư duy sáng tạo của người viết và cũng là đòi hỏi một cách đọc mới đối với độc giả.
Trong truyện ngắn nữ thời kì đổi mới, đại diện tiêu biểu cho việc sử dụng kiểu kết cấu này là nhà văn Phạm Thị Hoài. Đọc các tác phẩm như Mê lộ,
Khách, Trong cơn mưa, Chín bỏ làm mười,… người đọc có cảm giác như lạc vào một thế giới mà hiện thực không còn được hiển lộ bằng những lớp nghĩa tường minh. Các truyện được xây dựng từ những mảnh ghép nối, những mảng hiện thực riêng biệt. Những dữ kiện giả định được đưa vào tác phẩm, song hành với hành động của nhân vật là những triết lí và suy luận,… tất cả được mắc xích trong dòng mạch những suy ngẫm về thế giới và con người. Nhân vật triền miên trong những dòng suy tư với những ý nghĩ bất chợt, đan xen giữa hiện thực và ý thức. Với kết cấu lắp ghép, phân mảnh, người đọc phải tìm ra mạch ngầm văn bản nhờ sự kết nối những mảnh đời sống phân lập- con đường đi tìm “chân lí nghệ thuật” của những truyện ngắn này là vô hạn định.
Kiểu kết cấu lắp ghép, phân mảnh đã tạo ra một lối viết nhiều phá cách cho truyện ngắn nữ đương đại. Tuy nhiên đó cũng là thử thách với các cây bút thiên về tìm tòi, thể nghiệm cái mới, bởi kĩ thuật viết này kén chọn người đọc, và không phải bao giờ sự tân kì của hình thức cũng đi liền với hiệu quả và giá trị biểu đạt nội dung.
Sáng tạo ra những kiểu kết cấu mới lạ so với truyền thống, truyện ngắn nữ đương đại đã cho thấy nỗ lực đổi mới cách viết không ngừng của các cây bút nữ. Có thể nói chính yếu tố kết cấu đã thể hiện rõ nhất sự biến đổi của đặc trưng thể loại truyện ngắn. Qua những cách tân vể mặt kết cấu, truyện ngắn có xu hướng phá vỡ những qui chuẩn đặc định để mở rộng khả năng phản ánh của một hình thức tự sự cỡ “nhỏ”. Nó sẵn sàng dung nạp sự cộng sinh của các thể loại khác để làm giàu có thêm khả năng biểu đạt của mình. Bằng những sáng tạo về mặt kết cấu, các nhà văn nữ đã đưa thể loại truyện ngắn tiếp cận gần hơn với tư duy nghệ thuật tự sự của văn học thế giới đương đại.