3.1 .Quan niệm sáng tác của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại
4.4. Những sáng tạo về mặt kết cấu
4.4.4. Kết cấu liên văn bản
Có rất nhiều cách định danh thuật ngữ liên văn bản, chúng tôi lựa chọn cách định danh của L.P. Rjanskaya để làm cơ sở cho nghiên cứu của mình. Theo đó, liên văn bản là “một thủ pháp văn học xác định (trích dẫn, ám chỉ, bình giải, nhại, bắt chước, vay mượn); cách hiểu như thế đòi hỏi sự hiện diện của văn bản
gốc đã có trước và xu hướng của tác giả sử dụng văn bản gốc đó” (trích theo [3, tr.116]). “Văn bản gốc” theo sự tri nhận của chúng tôi rất đa dạng, có thể thuộc về một thể loại văn học, một ngành nghệ thuật hoặc tồn tại ngoài cuộc sống, xã hội. Trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại, kết cấu liên văn bản được sử dụng đã tạo ra sự thâm nhập của nhiều thể loại, nhiều kiểu văn bản khác vào truyện ngắn, tạo ra một hiệu quả nghệ thuật mang tính cộng hưởng đặc biệt.
Đó là sự thâm nhập của thư (Bức thư gửi mẹ Âu Cơ- Y Ban), nhật kí (Hậu thiên đường- Nguyễn Thị Thu Huệ, Mười ngày- Phan Thị Vàng Anh, Chỗ dựa- Trầm Hương), thơ (Định mệnh- Bích Hiền), của ngôn ngữ chat trên mạng (Những mảnh vỡ- Việt Hương), của ca nhạc (Ráp Việt- Lê Minh Khuê),… Điều đó cho phép truyện ngắn có thể khai thác tối đa thế mạnh của các “văn bản gốc” trong sự đan xen này: thể hiện sâu sắc, chân thực thế giới nội tâm của con người (thư, nhật kí), thể hiện một cách biểu cảm, giàu sức gợi những tâm tư, tình cảm (thơ), hướng tới việc thông báo thông tin nhanh gọn và bày tỏ được trực tiếp suy nghĩ, cảm xúc của con người (ngôn ngữ chat),…
Kết cấu liên văn bản đã khiến cho “sinh thể” truyện ngắn trở nên sống động, đa sắc, đa diện hơn. Nó xóa nhòa ranh giới kiên cố giữa các thể loại, khiến cho khả năng biểu đạt của thể loại truyện ngắn trở nên phong phú, hiệu quả hơn bao giờ hết.