Khái niệm và đặc điểm của các công ty xuyên quốc gia

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của các công ty xuyên quốc gia trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở việt nam (Trang 26 - 30)

4. Kết cấu của luận văn

1.2. Cơ sở lý luận về TNCs và quá trình CNH, HĐH

1.2.2.1. Khái niệm và đặc điểm của các công ty xuyên quốc gia

* Khái niệm về công ty xuyên quốc gia

Có nhiều ý kiến khác nhau về TNCs. Đồng thời, để chỉ các công ty này người ta cũng dùng nhiều thuật ngữ không giống nhau. Chẳng hạn công ty siêu quốc gia, công ty độc quyền quốc tế, công ty toàn cầu, công ty đa quốc gia… Mặc dù các thuật ngữ này có nội hàm không đồng nhất song đều chỉ một đặc tính chung là các công ty này không còn giới hạn hoạt động của mình trong biên giới một quốc gia riêng biệt mà trái lại hoạt động trên phạm vi quốc tế. Và đương nhiên, để hoạt động quốc tế có hiệu quả, thì ngoại trừ một số trường hợp, còn lại chúng phải có tầm cỡ nhất định. Đồng thời đã là công ty hoạt động sản xuất - kinh doanh thì mục tiêu cuối cùng phải là việc tìm kiếm lợi nhuận. Từ đó trong kinh tế thị trường có thể hiểu một cách chung nhất về các công ty này như sau: các công ty xuyên quốc gia (Trans National Corporations - TNCs) là những công ty của một quốc gia thực hiện kinh doanh quốc tế.

Để kinh doanh quốc tế, các công ty này có thể thực hiện theo nhiều cách khác nhau. Cũng có thể lập các trạm trung gian làm nhiệm vụ xuất nhập khẩu, hoặc thực hiện các hợp đồng với công ty của nước ngoài. Hợp đồng đó có thể thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, cũng có thể là hợp đồng sản xuất, hoặc cao hơn là thiết lập công ty chi nhánh của mình (công ty con). Các công ty chi nhánh chịu sự chi phối của công ty mẹ. Do vậy, người ta quan niệm TNCs là những công ty của một quốc gia thực hiện kinh doanh quốc tế bằng việc thiết lập công ty chi nhánh.

Như vậy, một TNC có hai bộ phận cấu thành cơ bản, đó là công ty mẹ và công ty chi nhánh.

Công ty mẹ (Parent Company) là công ty mang quốc tịch của nước mẹ (Home Country) có trụ sở (hay bộ phận đầu não) ở nước đó. Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt, một TNC chỉ có một công ty mẹ.

Công ty chi nhánh nước ngoài (Subisidiary, Branch…). Mặc dù còn có quan niệm khác nhau, song có thể có một cách hiểu chung nhất là: công ty chi nhánh bao gồm toàn

bộ các hãng (firm), xí nghiệp (enterprise) hoặc các công ty (company) do công ty mẹ cắm ở nước ngoài dưới những hình thức khác nhau, không phân biệt thứ bậc phụ thuộc vào công ty mẹ. Nếu như nước có trụ sở và là nơi xuất xứ của TNC gọi là nước mẹ (Home Country) thì nước đặt chi nhánh gọi là nước chủ nhà (Host Country).

Theo các nhà nghiên cứu kinh tế, TNCs đã có lịch sử hình thành và phát triển tương đối dài khoảng hơn 200 năm. Trong khoảng thời gian đó, TNCs luôn có những nét thay đổi qua từng thời kỳ phát triển. Đã có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm TNCs. Theo thống kê của các nhà kinh tế học thì có tới trên 20 định nghĩa khác nhau về TNCs nhưng tựu chung lại có thể tóm tắt thành 2 loại quan niệm chính sau:

- Thứ nhất: Loại quan niệm cho rằng trên thị trường quốc tế chỉ có một loại công ty hoạt động đó là công ty quốc tế (International Corporation) hay còn gọi là công ty toàn cầu (Global Corporation), trong đó bao gồm cả TNCs, công ty đa quốc gia và công ty siêu quốc gia. Những người theo quan điểm này chỉ tập trung quan tâm về mặt hoạt động sản xuất, kinh doanh quốc tế, mà không xem xét đến nguồn gốc tư bản sở hữu và quốc tịch của các công ty đó. Quan niệm này vừa đơn giản, dễ hiểu, mang tính phổ thông, phù hợp với xu hướng quốc tế hóa đời sống kinh tế hiện nay nhưng nó có nhược điểm là chỉ đánh giá căn cứ vào hiện tượng bên ngoài mà chưa đi sâu xem xét bản chất và bỏ qua tính lịch sử phát triển của TNCs.

- Thứ hai: Loại quan niệm cho rằng trên thị trường quốc tế đã và đang tồn tại nhiều loại công ty khác nhau, đó là:

+ Công ty xuyên quốc gia (Transnational Corporation) là những công ty tư bản độc quyền mà tư bản sở hữu (vốn) thuộc một nước (có nghĩa là mang quốc tịch của một nước nhất định), thực hiện kinh doanh ở nước ngoài bằng hình thức thiết lập các công ty, các xí nghiệp chi nhánh phụ thuộc vào nó;

Ví dụ: công ty Sony của Nhật Bản, công ty Ford của Mỹ trong quá trình sản xuất kinh doanh đã dần trở thành các công ty khổng lồ thế giới với tài sản rất lớn: Sony có 46 tỷ USD, Ford có 263 tỷ USD.

+ Công ty đa quốc gia (Multinational Corporation) cũng là công ty tư bản độc quyền thực hiện cắm nhánh ở nước ngoài để kinh doanh quốc tế nhưng khác với TNCs ở chỗ tư bản sở hữu của công ty mẹ là của hai hoặc nhiều nước đầu tư;

Ví dụ: Công ty mẹ Unilever có vốn sở hữu của tư bản Anh và Hà Lan với tài sản tương ứng: Anh có 124,4 tỷ USD, Hà Lan có 31 tỷ USD.

Các công ty có vốn sở hữu thuộc từ 2 nước trở lên còn được gọi là công ty liên quốc gia hay công ty đa quốc gia.

Như vậy, với quan niệm thứ hai này đã có sự phân định rõ ràng 2 loại công ty đang hoạt động trên phạm vi quốc tế: công ty xuyên quốc gia và công ty đa quốc gia. Sự phân định này căn cứ vào vốn của công ty mẹ thuộc sở hữu của một nước hay nhiều nước tư bản, từ đó liên quan đến tập đoàn lãnh đạo, quản lý công ty đó.

Theo số liệu thống kê cho thấy, trong số 500 công ty hàng đầu thế giới hiện nay chỉ có 3 công ty có vốn tư bản của công ty mẹ thuộc sở hữu của 2 nước, số còn lại 497 công ty (chiếm 99,4%) thuộc sở hữu của một nước, không có công ty nào có vốn sở hữu từ 3 nước trở lên. Do đó tính chất đa quốc gia của công ty mẹ rất thấp nên thuật ngữ công ty xuyên quốc gia được sử dụng chủ yếu hiện nay.Sau nhiều năm nghiên cứu và bằng sự kế thừa có chọn lọc những quan niệm của các chuyên gia nghiên cứu về TNCs, PGS.TS Nguyễn Khắc Thân đã đưa ra định nghĩa về công ty xuyên quốc gia hiện đại như sau: “Công ty xuyên quốc gia hiện đại là những công ty tư bản độc quyền của một quốc gia, thực hiện việc bành trướng quốc tế bằng hình thức thiết lập hệ thống chi nhánh ở nước ngoài dưới sự kiểm soát của công ty mẹ nhằm phân chia thị trường thế giới và tìm kiếm lợi nhuận độc quyền”.[40, tr88]. Gần đây thì diễn đàn thương mại và Phát triển Liên hiệp quốc đã đưa ra khái niệm: “TNC bao gồm các công ty mẹ và công ty con của chúng ở các nước trên thế giới. Công ty mẹ kiểm soát toàn bộ tài sản của chúng ở nước sở hữu hơn là ở nước ngoài. Công ty con là công ty hoạt động ở nước ngoài dưới sự quản lý của công ty mẹ và thường được gọi chung là chi nhánh ở nước ngoài”.

* Đặc điểm của các công ty xuyên quốc gia

Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau về TNCs, nhưng các thuật ngữ đó đều có một đặc tính chung là chỉ ra các đặc điểm sau đây:

- TNCs có phạm vi hoạt động trên toàn thế giới. Các đặc điểm ưu việt của chúng về tổ chức sản xuất, phương thức tiêu thụ và cấp vốn, nghiên cứu và phát triển đã trở thành hình thức chủ yếu trong nền kinh tế hiện đại;

- TNCs có năng lực tổ chức lớn mạnh, chúng đủ sức kiểm soát hoạt động của hàng chục, thậm chí hàng trăm chi nhánh phân tán ở nhiều nước, xử lý được các công việc phức tạp có liên quan đến pháp luật và tài chính;

- TNCs có điều kiện thuận lợi cho việc khai thông sự di chuyển quốc tế về hàng hoá, tư bản, tri thức kỹ thuật và lao động có chuyên môn cao. Thông qua các tổ chức, chi nhánh chúng có thể thực hiện từ xa việc kết hợp các yếu tố sản xuất trên quy mô toàn cầu. Sự bố trí sản xuất toàn cầu vượt qua các biên giới quốc gia, sự kết hợp giữa việc sử dụng tư liệu sản xuất, lực lượng kỹ thuật tập trung về không gian với phân đoạn về thời gian là con đường quan trọng giúp tư bản hiện đại tiết kiệm, hạ giá thành, tăng cạnh tranh và tăng lợi nhuận;

- TNCs có năng lực mạnh về nghiên cứu khoa học và phát triển sản phẩm. Công tác nghiên cứu và phát triển khoa học của TNCs có kế hoạch đồng bộ và có tổ chức chặt chẽ. Thông thường mỗi TNC đề có đội ngũ cán bộ khoa học lớn mạnh, tập trung khám phá những đề tài then chốt. Công ty mẹ chỉ đạo và chi viện vốn, chi viện lao động cho các đề tài nghiên cứu phát triển của các công ty con để tránh trùng lặp, rời rạc và kém hiệu quả;

- TNCs có lợi thế trong cạnh tranh nhằm tiêu thụ các hàng hoá và dịch vụ của mình. Công ty xuyên quốc gia có khả năng thích ứng đối với những thay đổi của nhu cầu. Thông qua các tổ chức chi nhánh đặt tại các nơi trên thế giới, nó có khả năng nắm bắt những thay đổi của nhu cầu và đáp ứng kịp thời những thay đổi đó;

- TNCs có những thuận lợi trong việc tự do điều phối vốn trên toàn thế giới. Thông qua mạng lưới thông tin dày đặc giữa các công ty con, TNCs thường xuyên nắm được tình hình thay đổi về luật pháp chính sách của các nước, từ đó phân tích và áp dụng các đối sách phù họp. Một số tập đoàn còn hình thành các công ty tài chính và ngân hàng chuyên ngành để huy động vốn kinh doanh.

Với tính đa dạng muôn hình muôn vẻ của TNCs, nên có rất nhiều dấu hiệu khác nhau, để nhận biết về đặc trưng của nó ta có thể nhận biết trên một số đặc trưng cơ bản nổi bật sau:

- Về mặt xuất xứ đều là những công ty tư bản độc quyền, là sản phẩm của tư bản tài chính, cũng có nghĩa chúng là sản phẩm của sự liên minh giữa những nhà tư bản có thế lực lớn nhất;

- Về quy mô đó là những công ty có tầm cỡ quốc tế, có chi nhánh hoặc hệ thống chi nhánh ở nước ngoài với mục đích nâng cao tỷ suất lợi nhuận thông qua việc bành trướng quốc tế. Chúng thực hiện việc phân công lao động và phân chia thị trường thế giới (giữa các công ty tư bản nói riêng và các cường quốc công nghiệp nói chung);

- TNCs trước hết nó phải hình thành từ công ty quốc gia, mang quốc tịch một nước và tư bản sở hữu của công ty mẹ thuộc về các nhà tư bản nước đó;

- Một TNC thường có cơ cấu tổ chức gồm hai bộ phận cơ bản. Đó là công ty mẹ và công ty chi nhánh. Các chi nhánh có nhiều thứ bậc khác nhau nên có thể dùng thuật ngữ công ty con, công ty cháu… hoặc công ty chi nhánh cấp 1, 2, 3…

Giữa công ty mẹ với các công ty chi nhánh có mối quan hệ phụ thuộc rất phức tạp theo mô hình quản lý mà công ty đó lựa chọn. Song về cơ bản, các công ty mẹ đóng vai trò chỉ đạo về chiến lược tài chính, công nghệ, nhân sự, còn mỗi công ty chi nhánh là một đơn vị hạch toán độc lập.

Từ bốn đặc trưng cơ bản trên về TNCs, ta có thể thấy rằng: TNCs là những công ty của một quốc gia thực hiện việc sản xuất kinh doanh quốc tế thông qua việc thiết lập hệ thống chi nhánh ở nước ngoài dưới sự kiểm soát của công ty mẹ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của các công ty xuyên quốc gia trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở việt nam (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)