Chương 6 : Thuốc trừ nấm và vi khuẩn
6.1. Nhóm thuốc chứa đồng (cu)
Là nhóm thuốc trừ bệnh lớn, được dùng từ lâu. Các thuốc được dùng phổ biến trong nhóm là các loại hợp chất vô cơ. Đây là những thuốc có phổ tác dụng rộng, ngoài tác dụng trừ nấm và vi khuẩn, chúng còn có hiệu lực cao với rêu, tảo và là thuốc gây ngán cho côn trùng. Ngoài ra thuốc còn được dùng để xử lý vải, da thuộc…
Là những thuốc trừ bệnh tiếp xúc, được dùng phun lên lá với tác dụng bảo vệ. Thuốc có tác dụng hạn chế sự nảy mầm của bào tử. Ion đồng (Cu++) hấp thụ trên bề mặt bào tử, tích lũy đến nông độ cao, đủ diệt bào tử.
Các thuốc trong nhóm ít độc với động vật máu nóng, không ảnh hưởng xấu đến cây trồng (vì đồng cũng là một nguyên tố vi lượng rất cần thiết cho cây). Không tích lũy trong đất. Một số loại thuốc trừ bệnh gốc đồng phổ biến gồm:
6.1.1. Bordeaux
Thuốc bordeaux là hỗn hợp của dung dịch đồng sulfate và nước vôi, phản ứng diễn ra như sau:
4 CuSO4 + 3 Ca(OH)2 CuSO4. 3Cu(OH)2 + 3 CaSO4
Thuốc bordeaux 1% được pha chế theo tỉ lệ CuSO4:Ca(OH)2:H2O là 1:1:100 Thuốc có tác dụng trừ nấm và vi khuẩn, ở nồng độ cao 3 – 6% thuốc diệt được cả rêu, tảo và địa y.
Thuốc dùng để phun đều trên cây để phòng trừ một số bệnh như bệnh đốm lá, cháy lá, bệnh sương mai, bệnh rĩa sắt, bệnh ghẻ cam quýt.
Có thể dùng bordeaux để quét lên vết thương để phòng trị bệnh xì mủ hại cao su, và cây ăn trái với nồng độ là 5%
Ngoài ra có thể dùng để xử lý vườn ươm để phòng trừ một số bệnh hại cây con.
6.1.2. Copper Hydrocide
Tính chất: Thuốc kỹ thuật dạng bột rắn, màu xanh lá cây, tan ít trong nước và
các dung môi hữu cơ. Phản ứng trung tính.
Nhóm độc II, LD50 qua miệng 1000 mg/kg, LD50 qua da 2000 mg/kg. Độc với mắt. Ít độc với cá và ong. TGCL 7 ngày. Thuốc trừ bệnh cây, tác động tiếp xúc. Phổ tác dụng rộng, phòng trừ nhiều loại nấm và vi khuẩn hại cây.
Các chế phẩm ở dạng bột rất mịn (kích thước hạt 2 - 3µ) hòa vào nước phân tán nhanh và lâu lắng đọng, phun lên lá cây có khả năng loang trải rộng và bám dính lâu.
Sử dụng: Phòng trừ các bệnh mốc sương, đốm vàng cho cà chua, khoai tây,
bệnh sương mai, phấn trắng, mốc xám cho nho, bệnh sẹo và loét cam, quýt, bệnh gỉ sắt, đốm lá cà phê, bệnh phồng lá, chấm xám chè, bệnh đốm rong (do tảo) trên cây ăn quả, cà phê, chè, các bệnh đốm lá do vi khuẩn cho rau, đậu. Chế phẩm Funguran – OH - 50WP (chứa 50% đồng, tương đương 77% Hydrocide đồng), sử dụng với liều lượng 0,75 – 1,5 kg/ha, pha nước với nồng độ 0,2 – 0,3% phun ướt đều lên cây. Có thể hòa với nước theo nồng độ trên rồi phun đẫm hoặc tưới vào gốc cây để phòng trừ các nấm hại gốc và rễ cây (như Fusarium, Rhizoctonia, Sclerotinia, Pythium).
Khả năng hỗn hợp: Có thể pha chung với nhiều thuốc trừ sâu bệnh khác. 6.1.3. Copper Oxychloride
Tính chất: Thuốc kỹ thuật dạng tinh thể, màu xanh lá cây, không tan trong
nước, tan trong acid yếu. Phản ứng trung tính.
Nhóm độc II, LD50 qua miệng 1470 mg/kg, LD50 qua da 1200 mg/kg, DLTĐ với rau, quả 20, chè, nho 40, nông sản khác 10 mg/kg. TGCL 7 ngày. Rất ít độc với cá và ong.
Thuốc trừ bệnh cây, tác động tiếp xúc, phổ tác dụng rộng, phòng trừ nhiều loại nấm, vi khuẩn và rong tảo cho nhiều loại cây trồng.
Sử dụng: Phòng trừ các bệnh do nấm mốc sương, bồ hóng, đốm lá, thán thư, gỉ
sắt, mốc xám, các bệnh do vi khuẩn như giác ban, loét, bệnh do tảo (bệnh đốm rong) cho các cây khoai tây, cà chua, ớt, hành, tỏi, đậu, bông, thuốc lá, cam quýt, nhãn, vải, chè, cà phê, cây cảnh. Chế phẩm 30% dùng với liều lượng 3 – 4 kg/ha, pha nước với nồng độ 0,5 – 1% phun ướt đều lên cây. Một số cây mẫn cảm như đậu nành, nho, xoài phải dùng đúng nồng độ hướng dẫn và phun lúc trời mát.
Khả năng hỗn hợp: Có các dạng hỗn hợp với Benomyl (Benlat-C),
Kasugamycin (Kasuran), Triadimefon, Chlorothalonil Zineb (Zincopper), Mancozeb, Metalaxyl (Viroxyl). Khi sử dụng có thể pha chung với nhiều loại thuốc trừ sâu bệnh khác.