4. Thị trường thuốc bảo vệ thực vật
3.5. Xử lý các chất thải của thuốc BVTV
Các vật chứa đựng thuốc BVTV thường được đem sử dụng vào những mục đích khác và gây ra những tai họa bất ngờ đặc biệt cho trẻ em và gia súc.
3.5.1. Các bao bì chứa đựng thuốc
- Các loại thùng và giấy: Các loại thùng giấy đựng thuốc sát trùng cần phải đốt bỏ, không được dùng để nướng cá, thịt hoặc nấu ăn.
- Các loại chai lọ: Tránh dùng để đựng các thức khác, sau khi dùng nên đập vỡ và chôn tập trung. Cần phải trút sạch hết thuốc ra khỏi chai lọ bằng cách dựng đứng 30 giây trên bình phun thuốc. Xong súc lại ba lần với nước hoặc dung môi nào đó, đổ luôn vào bình phun.
- Các loại nhựa: Đâm thủng, chặt nhỏ, đem chôn. Không nên đốt vì khói sinh ra từ việc đốt nhựa rất độc có khả năng gây ra ung thư.
- Các loại lon: Đâm thủng và chôn.
Không bao giờ dùng các loại chai đựng nước giải khát, bia... để phân phối lẻ thuốc BVTV. Cần phải khắc vĩnh viễn dấu đầu lâu và hai xương chéo lên các loại chai đựng thuốc, như vậy có thể bán chai lại cho nhà máy sản xuất thuốc BVTV đồng thời các ngành khác không thể tận dụng được loại chai này.
3.5.2. Các dư thừa của thuốc sau khi dùng
Chỉ có những lò nung nhiệt độ cao mới có thể hủy thuốc sát trùng. Tránh đốt bỏ thuốc dư theo kiểu thông thường vì thuốc có thể truyền đi xa nguy hiểm hơn cho sức khoẻ và nếu là thuốc diệt cỏ thì còn làm hư hỏng cây trồng ở nơi khác.
Không được đổ bỏ thuốc dư vào nguồn nước vì thuốc sẽ tiêu diệt thủy sinh mạnh hơn cách phun xịt bình thường rất nhiều. Nếu dư thuốc nên phun xịt trải rộng ra trên cánh đồng, cách này tuy có làm gia tăng thêm liều sử dụng trên cây nhưng ít gây nguy hiểm hơn cách đổ bỏ tập trung.
Chôn thuốc dư là cách tiện dụng nhưng phải chú ý các điểm sau: đất chôn không có tính thấm quá cao làm thuốc trôi xuống nước ngầm (đất sét tốt hơn cả), không ở vị trí dễ bị xói mòn. Điểm chôn phải cách xa khu vực chăn nuôi, giếng nước, giòng suối ít nhất 150m. Hố chôn phải đủ sâu để có thể đổ một lớp đất phủ dày tối thiểu 6 tấc.
Hố chôn được lót đáy với một lớp vôi rồi đến một lớp mạt cưa dày tối thiểu 3 cm. Thuốc dư được đổ lên trên một lớp vôi và mạt cưa nữa. Cứ thế tiếp tục cho đến khi đổ đất lấp. Vôi có tác dụng thúc đẩy sự phân hủy thuốc sát trùng và tăng cường hoạt động của các vi sinh vật phân giải thuốc. Hầu hết thuốc sát trùng bị phân giải trong môi trường kiềm. Mạt cưa để giảm bớt sự rửa trôi của thuốc.