4. Thị trường thuốc bảo vệ thực vật
1.10.2. Thuốc Bảo vệ thực vật tác động đến động vật sống trong nước và trên cạn
Qua thức ăn, nguồn nước, thuốc BVTV có thể được tích lũy trực tiếp trong cơ thể động vật. Có thể tìm thấy sớm nhiều loại thuốc BVTV có trong cơ thể động vật như: Trong cá có DDT và Lindan trong tôm biển (Buteer, 1963); trong mỡ và thịt gia cầm (Hunt, 1966; Beiz, 1977; Đào Ngọc Phong, 1982); trong trứng (Cumming, 1966 và 1967; Mecaskey, 1968)…
Thuốc BVTV có thể gây ngộ độc mãn tính hay cấp tính cho động vật máu nóng. Khi ngộ độc nhẹ động vật có thể ăn ít, sút cân, tăng trọng kém, đẻ ít, tỷ lệ trứng nở của gia cầm thấp.
Thuốc BVTV có thể gây ra các chứng bệnh đặc biệt trực tiếp như: chất đồng làm cho cừu mắc bệnh vàng da; DDT làm cho thỏ đẻ con có tỷ lệ đực thấp, giảm khả năng sinh sản và phát triển (Antoine, 1966; Alieva, 1972). Cỏ lưỡi bò Senecio spp. độc với bò. 2,4 – D làm tăng lượng đường trong cỏ lưỡi bò, kích thích bò ăn nhiều, nên gây độc cho bò nhiều hơn. 2,4 – D và 2,4,5 –T ở liều thấp làm tăng hàm lượng nitrat, acid xyanhydric trong cây đến mức nguy hiểm cho gia súc (Willarrd, 1950; Swanson & Snaw, 1954).
Thuốc BVTV, đặc biệt là các thuốc trừ sâu dễ gây hại cho ong mật, các sinh vật có ích, chim và động vật hoang dã. Các máy soi khí dùng trên diện rộng để trừ châu chấu, muỗi, phun thuốc nhiều lần trên ruộng, khu vực hóa việc dùng thuốc càng dễ tác động đến các loài sinh vật này.
Bên cạnh tác hại trực tiếp, thuốc còn giết hay làm giảm nguồn thức ăn cho cá và các loài động vật và các loài ký sinh thiên địch. Tác động này càng nguy hiểm nếu ta dùng các loại thuốc có khả năng tồn tại lâu trong môi trường.
Nhiều thuốc BVTV, đặc biệt là các thuốc trừ sâu, có thể rất an toàn khi dùng trên cạn nhưng lại rất dễ gây độc cho cá và các động vật thủy sinh, nên đã bị cấm dùng cho lúa nước. Các thuốc trừ sâu pyrethroid tuy rất độc với cá nhưng do lượng dùng ít, lại vẫn được dùng để trừ sâu trên ruộng lúa nước. Để tránh gây độc cho cá và động vật thủy sinh, nhiều nước chỉ cho phép dùng các thuốc BVTV trên ruộng lúa nước có trị số TLM (48 giờ) < 10 mg/l nước.
Trị số chống chịu trung bình – TLM (Tolerance level medium): Nồng độ trung
bình nước thuốc mà cá có thể chịu được. TLM được tính bằng mg a.i./lít trong 24 – 48 giờ hay 72 giờ.
Hiện tượng “Khuyếch đại sinh học” (biomagnification) hay sự “Tích lũy sinh học” (bioaccumulation):
Trong dây truyền thức ăn, hàm lượng thuốc BVTV có trong cơ thể sinh vật ở mỗi mắt xích thường có sự cô đặc hơn.
Theo Rud (1970), nguyên nhân của sự giảm số lượng chim lặn Aechmophorous occidentalis ăn cá ở hồ Clear (Mỹ) là kết quả của việc dùng DDD liên tục trong nhiều năm để trừ muỗi kim Chaobrus astictopus. Nồng độ DDD tăng nhanh trong chuỗi thức ăn theo.
Tương tự, sau khi kiểm tra hàm lượng DDT có trong nước và trong cơ thể các sinh vật sống trong vùng đầm Long island (Mỹ), Woodwell (1967) cho biết: Hàm lượng DDT tăng theo thứ tự sau: Trong nước (rất thấp); cao hơn trong cơ thể sinh vật phù du; cao hơn nữa trong cơ thể tôm cá trong đầm ăn phù du và cao nhất trong cơ thể các loài chim ăn tôm cá trong đầm.
Trong tự nhiên cũng có hiện tượng trúng độc bậc 2, thậm chí bậc 3.
Khi dùng thuốc trừ chuột Klerat (Brodifacoum) ở Mai Xá, Vụ Bản, Nam Định năm 1987 đã thấy: Chuột bị chết vì thuốc, bị mèo ăn, mèo cũng bị chết do thuốc có trong xác chuột. Mèo mẹ đã bị ngộ độc Klerat, cho mèo con bú sữa, mèo con cũng bị chết vì thuốc.