Thuốc Bảo vệ thực vật và con người

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT (Trang 54 - 56)

4. Thị trường thuốc bảo vệ thực vật

1.10.3.Thuốc Bảo vệ thực vật và con người

Thuốc BVTV là một mối nguy hiểm cho con người, môi sinh và môi trường. Mối nguy hiểm được định nghĩa:

Mối nguy hiểm hay Nguy cơ ngộ độc hoặc Rủi ro ngộ độc (Hazard): Là khả

năng gây những tác động có hại (ngộ độc hoặc các sự nguy hiểm khác) có trong những điều kiện nhất định khi sử dụng thuốc đó. Một số chất có độ độc cao nhưng trong sử dụng chúng lại có thể ít nguy hiểm hơn những chất kém độc. Mối nguy hiểm phụ thuộc vào điều kiện sử dụng.

Khi trực tiếp tiếp xúc (công nhân sản xuất thuốc, thủ kho thuốc BVTV…) và sử dụng (người đi phun thuốc…), thuốc BVTV dễ xâm nhập vào cơ thể người qua đường tiếp xúc, vị độc, xông hơi, gây nhiễm độc và ngộ độc thuốc BVTV. Những người ít hay không tiếp xúc với thuốc BVTV cũng có thể bị nhiễm độc do ăn, uống những nông sản, nước ngầm, nước mưa có dư lượng thuốc BVTV.

Nhiễm độc: Là khả năng nhiễm bẩn chất độc (thuốc BVTV, chất độc do các

sinh vật tiết ra hoặc do các nguồn khác) khi chúng xâm nhập và lưu lại trong cơ thể sinh vật, môi trường có thể gây ra những tác hại trước mắt và lâu dài cho cơ thể sinh vật đó (kể cả thế hệ sau) và môi trường.

Ví dụ: Nhiễm độc chất độc màu da cam, nguồn nước bị nhiễm độc bởi thuốc BVTV; đất bị nhiễm kim loại nặng.

Ngộ độc - Trúng độc (poison): Là kết quả của sự tương tác giữa chất độc và

sinh vật. Hiện tượng sinh vật bị trúng độc thuốc BVTV hay trúng độc khi chúng xâm nhập vào cơ thể sinh vật qua ăn uống, hít thở hoặc bằng các con đường khác, làm cho sinh vật bị ốm, chết thậm chí làm chậm phát triển hay rút ngắn thời gian sống của sinh vật.

Tùy theo mức độ ngộ độc, chúng có thể gây:

- Ngộ độc cấp tính (acute poisoning): xảy ra khi chất độc xâm nhập vào cơ thể với liều lượng lớn, phá hũy mạnh các chức năng sống, được thể hiện bằng các triệu chứng rõ ràng, quyết liệt, đặc trưng của mỗi loại chất độc, thậm chí gây chết sinh vật.

- Ngộ độc mãn tính (chronic poisoning): xảy ra khi chất độc xâm nhập vào cơ thể với liều lượng nhỏ, nhiều lần, trong thời gian dài, được tích lũy lại trong cơ thể sinh vật (tích lũy hóa học hay chức năng), những triệu chứng chúng thể hiện chậm, lâu dài gây tổn thương cho các cơ quan của cơ thể, làm cho sinh vật bị ốm, yếu (ảnh hưởng đến sức khỏe của sinh vật, gây đột biến, ung thư, quái thai, thậm chí ảnh hưởng đến sự phát triển của thế hệ sau) và có thể dẫn đến tử vong.

Nghiên cứu khả năng tích lũy, sự trúng độc cấp tính có ý nghĩa rất lớn đến việc phòng chống độc hại cho người tiếp xúc trực tiếp với chất độc khi sản xuất, gia công, phân phối, bảo quản và sử dụng thuốc BVTV. Còn khả năng trúng độc mãn tính lại có ý nghĩa rất lớn đối với người sử dụng các loại nông sản. Dư lượng thuốc BVTV trên nông sản cao hơn MRL là điều hết sức nguy hiểm, dễ gây ngộ độc cho người sử dụng sau thời gian dài tiếp xúc và biểu hiện thường gặp như ăn ngủ kém, thiếu máu, ảnh hưởng thần kinh giảm sức chống chịu, nặng hơn sẽ bị sơ gan, ung thư v.v… Ngoài ra, dư lượng thuốc tồn tại lâu trên môi trường sẽ làm ảnh hưởng đến tính đa dạng quần thể, gây tính chống thuốc, gây tái phát, tạo dịch hại mới…

Để hạn chế tác hại của thuốc BVTV tích lũy trong cơ thể người công nhân tiếp xúc trực tiếp với thuốc (trong nhà máy sản xuất, gia công và trong các kho thuốc) người ta dùng trị số ngưỡng giới hạn.

Trị số Ngưỡng giới hạn (Threshold Limit Value – TLV): Lượng hoạt chất tối đa người công nhân có thể bị nhiễm trong 8 giờ làm việc suốt cả cuộc đời mà không bị ngộ độc.

Ở những khu vực xử lý thuốc BVTV, người ta thường có những biển báo, cấm người và gia súc đi vào đó trong một thời gian nhất định, để tránh người và gia súc bị nhiễm thuốc. Thời gian này dài hay ngắn tùy thuộc vào loại thuốc. Trường hợp cần vào khu vực đó, phải đợi cho thuốc khô và lắng hết; phải mặt quần áo bảo hộ lao động. Trong 24 – 48 giờ đầu sau xử lý, cấm tuyệt đối gia súc vào vùng xử lý để tránh ngộ độc.

Trường hợp khử trùng đất và kho tang, bằng hơi, khí hay khói độc, phải thông báo trước thời gian xử lý và thời gian cách ly. Chỉ có những kỹ thuật viên và công nhân được huấn luyện kỹ mới được phép thao tác và khi xử lý nhất thiết phải đeo mặt nạ.

Để ngăn ngừa tác hại của thuốc đối với con người, môi sinh và môi trường, các thuốc BVTV muốn được đăng ký, bên cạnh các thông tin về đặc tính sinh lý hóa của thuốc, các kết quả thử hiệu lực sinh học, còn cần có đầy đủ các thông tin về: độ độc cấp tính qua miệng, qua da, qua đường hô hấp; khả năng ngộ độc mắt, da và độ mẫn cảm của da; độ độc mãn tính và dưới liều mãn tính ở các dạng khác nhau trong 2 năm; những thông tin đánh giá khả năng gây đột biến, di truyền, ung thư, quái thai ảnh hưởng đến sinh sản của sinh vật, những biến đổi về cấu trúc và chức năng của ADN và chromosom; tác động của thuốc đến chim, động vật hoang dã; cá, động vật thủy sinh; ong và các sinh vật có ích khác; con đường biến đổi của thuốc trong cơ thể động vật máu nóng, cây trồng và môi trường.

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT (Trang 54 - 56)