Trên cơ sở phân tích cấu trúc các phần như trên, nếu xét về phương diện âm nhạc học, dân ca xứ Thanh đa số không đầy đủ cả 3 phần. Cụ thể:
Một phần: Thân bài
Hai phần: Mở bài - thân bài Thân bài - kết bài
Tuy nhiên, nếu xét về phương diện của một loại hình nghệ thuật (một trò diễn hoặc một diễn xướng) thì cấu trúc tổng thể của nó lại chia thành các nội dung khác nhau, trong mỗi nội dung lại chứa đựng các dạng cấu trúc âm nhạc.
Trò diễn và diễn xướng dân gian của người Việt xứ Thanh thường có trình tự: Phần giới thiệu - phần cốt truyện - phần kết thúc hoặc chỉ có phần cốt truyện - phần kết thúc. Đầy đủ cả ba phần có thể kể đến Múa đèn, Chèo chải, Tiên Cuội… các trò diễn chỉ có hai phần như: trò Ngô Đông Anh, trò Thiếp,…
+ Phần giới thiệu: Mục đích là để di chuyển đội hình ra giữa sân đình hoặc giới thiệu trò diễn bằng lời giáo đầu.
Di chuyển đội hình ra giữa sân đình theo nhịp trống là các diễn xướng, trò diễn có hình thức múa hát tập thể như Múa đèn, Chèo chải,…
Các trò diễn có lời giáo đầu để giới thiệu có thể kể đến: Trống Mõ, Tiên Cuội,…
+ Phần cốt truyện: Là phần múa hát, đối thoại, chứa đựng nội dung chính. Qua khảo sát cho thấy, nhiều trò diễn đã đạt tới trình độ nghệ thuật khá cao, trong đó các bài ca có mối quan hệ với nhau như một tổ khúc. Múa đèn có 10 khúc nhạc, Tiên Cuội có 13 khúc,… được diễn xướng theo trật tự trước sau phù hợp với nội dung cốt truyện, tuy nhiên mỗi khúc nhạc đó còn có thể tách ra thành một bài hát độc lập.
+ Phần kết thúc: Ở phần giới thiệu, các con trò di chuyển đội hình theo nhịp trống ra đến giữa cửa đình thì đến phần kết thúc lại di chuyển đi vào hai bên sân đình, nếu trình diễn trong lòng đình thì di chuyển ra ngoài sân đình. Đối với những trò diễn không trình diễn múa hát tập thể thì con trò dàn thành hàng ngang hát chúc dân làng với nội dung mong cầu an khang thịnh vượng. Riêng Múa đèn Đông Anh, xưa kia phần kết khúc còn đánh gà luộc và dâng oản; Múa Đèn Thiệu Quang xếp chữ “Thiên hạ thái bình”;…
Đơn cử cho dạng trò diễn có đầy đủ 3 phần là trò Tiên Cuội, có thứ tự trình diễn như sau:
+ Phần giới thiệu: Có 12 Tiên nữ ăn mặc lộng lẫy, xiêm áo đầy màu sắc, đầu đội mũ kết hoa trên đầu đi ra theo nhịp trống chia thành hai hàng ngang với những động tác uyển chuyển, cùng đọc thơ “giáo Tiên” để kính trình dân xã;
+ Phần cốt truyện: Là phần múa hát các bài ca có nội dung nói lên câu chuyện tình của Tiên và Cuội. 12 nàng Tiên xuống trần gian vui chơi múa hát, gặp chú Cuội tinh nghịch, hóm hỉnh. Cuội trêu ghẹo các nàng Tiên và đem lòng yêu nàng Tiên út. Khi đang vui vẻ thì Ngọc hoàng gọi Tiên về trời, Cuội đau lòng than thở rồi chết. Các nàng Tiên thương cảm đã làm phép cho Cuội sống lại. Trò Tiên Cuội không dùng đối thoại mà thể hiện nội dung bằng các bài ca.
+ Phần kết thúc: Cả đội theo nhịp trống xếp thành hai hàng tay múa guộn ngón chân đi xuyến, xê dịch ra ngoài cửa đình.
Có thể sơ đồ hóa cấu trúc tổng thể như sau:
Trình tự Giới thiệu Cốt truyện Kết thúc
Nghệ thuật diễn xướng - Di chuyển, xắp xếp đội hình, giới thiệu trò diễn - Trình diễn múa hát, đối thoại, giao lưu với khán giả,...
- Di chuyển đội hình đi vào hai bên
Âm nhạc - Tiết tấu đệm múa (mục 3.2.1.3)
- Giáo đầu (cấu trúc một phần)
- Dáng dấp cấu trúc Tổ khúc.
- Tiết tấu đệm múa (mục 2.3.1.3)
Tiểu kết chương 3
Trải qua bao thăm trầm, với những mất mát - mai một đáng kể, cho đến ngày nay âm nhạc dân gian của người Việt xứ Thanh đã dần hồi sinh, điều đó được minh chứng trong các dịp hội hè đình đám được đã được phục hồi, tổ chức hàng năm tại các địa phương trong tỉnh. Trong lễ hội, âm nhạc được chia thành hai mảng, phục vụ cho lễ và hội với ý nghĩa vui chơi giải trí. Tuy nhiên, một số lễ hội, các loại hình nghệ thuật không rạch ròi giữa hai phần lễ và hội, đây là đặc điểm nổi bật trong lễ hội vùng đất này.
Phục vụ cho các nghi thức tế lễ là vai trò của dàn nhạc tế. Với tính chất uy nghi, đĩnh đạc hay thong thả, chậm dãi, dàn nhạc tế đã làm nổi rõ hơn diện mạo của tế lễ người Việt xứ Thanh.
Phần hội với mục đích giải trí, giao lưu, thi thố tài năng,… do đó, hầu hết những thể loại dân ca, trò diễn đều được dân làng mang tới. Đây cũng là dịp để cộng đồng làng ôn lại, luyện tập lại và cũng là dịp để lưu truyền cho lớp con cháu sau này.
Với đa thể loại được đưa vào lễ hội nên cấu trúc bài bản có nhiều điều đáng lưu ý. Trong đó, các dạng cấu trúc bộ phận được chia thành các phần: mở bài, thân bài và kết bài; cấu trúc tổng thể đi vào trình tự từ đầu tới cuối một trò diễn hoặc một diễn xướng, bao gồm: phần giới thiệu - phần cốt truyện - phần kết thúc.
Những đặc trưng về âm nhạc trong lễ hội đã khẳng định được giá trị quý giá, là minh chứng phát qua nhiều giai đoạn lịch sử tồn tại. Đó chính là thành quả được đúc kết qua nhiều giai đoạn, nhiều thế hệ nối tiếp, tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.
KẾT LUẬN
Trải qua các giai đoạn lịch sử, với bao biến cố thăng trầm của thời gian, cho đến ngày nay, lễ hội truyền thống xứ Thanh đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong đời sống văn hóa cộng đồng (làng).
Lễ hội không chỉ mang đến cho người dân sự vui vẻ của mỗi cá nhân mà còn có ý nghĩa cố kết cộng đồng, giải tỏa tâm lý sau một chu kỳ lao động vất vả. Đến với lễ hội, từ trong sâu thẳm dân làng đều hướng tới sự thiêng liêng, cao cả. Ngoài việc tế thần, lễ hội còn giúp ta tiếp cận với những yếu tố văn hóa, đạo đức, đạo lý của con người, góp phần kế thừa với truyền thống qúa khứ, nêu cao tinh thần tự hào về nền văn hóa dân tộc. Đó là cái nền vững chắc nhất của mối quan hệ cộng đồng, là dịp để niềm tin thiêng liêng ấy luôn được củng cố. Đây cũng là dịp để dân làng cùng nhau sinh hoạt văn hóa cộng đồng, một nét đẹp truyền thống có từ lâu đời được tồn tại cho đến ngày nay…
Lễ hội của người Việt xứ Thanh - nơi hội tụ khá đầy đủ các loại hình âm nhạc của người Việt xứ Thanh.Trong tế lễ, nhạc tế là thành phần không thể thiếu trong những nghi thức tế thần. Trong hội, các thể loại dân ca với nhiều dạng, nhiều phong cách khác nhau, đặc biệt là hệ thống các trò diễn, diễn xướng dân gian đã có những đóng góp lớn trong việc tạo nên sự phong phú cho lễ hội.
Về âm nhạc trong hành lễ
Vai trò quan trọng nhất của âm nhạc trong hành lễ là nhạc tế. Nhạc tế gắn bó chặt chẽ với từng nghi thức tế, tạo ra một không gian thiêng, có tác động sâu sắc đến văn hóa tầm linh của cộng đồng làng. Do đó, khi tế không thể không có thành phần của dàn nhạc.
Dàn nhạc tế đề cao vai trò nhóm màng rung, trong đó trống cái làm hiệu lệnh còn trống bản làm bè dẫn dắt. Nhóm màng rung và tự thân vang chủ yếu
làm nhiệm vụ phối hợp với nhóm màng rung để tạo màu sắc khác nhau cho mỗi quận trống.
Điều cần phải ghi nhận là sự phối hợp một cách khéo léo để tạo nên tính chất bài bản. Mỗi quận trống có một bè dẫn chính: âm vực cao (trống bong và trống con); âm vực trung (trống bản và nạo bạt); âm vực trầm (trống cái và trống bản). Nguyên tắc phối hợp của dàn nhạc tế là tạo tiết tấu so le giữa các bè, làm nổi bật bè dẫn chính.
Âm nhạc trong hội
Về mối quan hệ giữa lời ca và âm nhạc, lời ca được xây dựng trên cơ sở của nhiều thể thơ khác nhau, trong đó phần lớn là thể thơ lục bát và lục bát biến thể. Các biến thể của thể thơ lục bát thường mở rộng bằng cách thêm từ ở câu sáu hay câu tám… các thể thơ 7 từ và 4 từ cũng xuất hiện trong một vài trường hợp, các thể thơ này chủ yếu được kết hợp với thể thơ lục bát và một số thể thơ khác. Sự kết hợp đó vừa làm cho lời ca thêm giàu sức biểu cảm vừa có mục đích chuyển tải ý nhạc, mang đậm phong cách riêng của dân ca xứ Thanh. Với thể thơ 6 + 8 và thơ 4 từ dạng phân ngắt điển hình là theo nhóm 2 từ và ở thể thơ 7 từ là 3 + 4; 4 + 3. Với lối phân chia như vậy, chủ yếu trọng âm hướng vào các từ cuối của mỗi nhóm. Sự trùng hợp về trọng âm giữa thơ và nhạc là do thủ pháp dùng điệp từ, dùng từ đệm, từ phụ để điều tiết làm rõ thêm tiết nhịp của thơ.
Thủ pháp phổ thơ khá tương đồng với nhiều thể loại dân ca của các vùng miền khác. Trong đó, các thủ pháp phổ thơ được sử dụng là: Thủ pháp đảo trật tự từ; thủ pháp lặp lại một từ hay cụm từ; nhóm các từ phụ mang chức năng bổ nghĩa,...
Về mối tương quan và tiết nhịp, chủ yếu được thể hiện ở nhịp 2/4. Nhịp 2/4 là loại nhịp cơ bản và tự nhiên nhất, trong quá trình hình thành và phát triển giai điệu, các nghệ sĩ dân gian đã đưa vào các bài ca những tiết tấu khác nhau
để tạo nên tính chất âm nhạc phong phú, khi thì mềm mại, trữ tình lúc lại khoẻ khoắn, mạnh mẽ,… Bên cạnh đó cũng có một số ít bài ở loại nhịp ba (kiểu lơi nhịp). Đây là một hiện tượng ít gặp trong dân ca Việt Nam nói chung và dân ca xứ Thanh nói riêng.
Về mối quan hệ giữa thanh điệu và âm điệu, nhìn chung chịu ảnh hưởng những quy luật chung về âm khu của các thanh, nhưng cũng còn có nhiều trường hợp nằm ngoài quy luật ấy.
Là một tỉnh nằm giáp danh với miền Trung, nên ngữ điệu tiếng nói của người Thanh Hoá cũng ít nhiều có sự ảnh hưởng. Hiện tượng “giao thoa” hoặc "cưỡng âm" làm đảo lộn dấu giọng đã đi vào âm nhạc dân gian trong đó có mảng âm nhạc trong các trò diễn và diễn xướng.
Hiện tượng thanh hỏi phát âm ở âm vực trung luyến lên âm vực cao và thanh ngã ở âm vực thấp đã có ảnh hưởng đến âm nhạc. Đây có thể coi là đặc điểm riêng của vùng dân ca xứ Thanh.
Về thang âm - điệu thức, có sự vận dụng một cách nhuần nhuyễn hệ thống ngũ cung lâu đời của dân tộc Việt Nam. Trong đó dạng điệu thức 5 âm loại 1 là phổ biến nhất, sau đó là điệu thức 5 âm loại 2 và loại 3. Các bài ca được hình thành trên cơ sở của các dạng thang 5 âm là chủ yếu nhưng cũng có một số ít bài thuộc dạng thang 4 âm, 3 âm. Nhiều trường hợp có sự kết hợp các dạng điệu thức: kết hợp cùng điệu thức khác âm gốc, cùng âm gốc khác điệu thức hoặc khác điệu thức khác âm gốc.
Về giai điệu, khá phong phú và sinh động do tụ hội được nhiều phong cách khác nhau: Hát nói, hát ngâm, ca xướng. Mỗi phong cách có phương thức biểu hiện riêng với những phương tiện diễn tả âm nhạc đặc trưng.
Hát nói có hai dạng: Hát nói trong đối thoại của trò diễn với những âm điệu đơn giản; tiết tấu chậm, có thể có hoặc không có nhịp điệu; Những bài xướng ca mang phong cách hát nói có đặc điểm nhịp điệu tiết tấu tự do, sử dụng
nhiều quãng rộng (có thể tới quãng 11), được các nhân vật trong trò diễn có tâm trạng phức tạp thể hiện;
Hát ngâm cũng là dạng hát tự do, không có nhịp điệu rõ ràng, diễn xướng theo tâm trạng nhân vật. Điểm nhấn của hát ngâm là sử dụng nhiều âm luyến láy cho mỗi ca từ;
Ca xướng là phong cách chiếm tỷ lệ chủ yếu trong dân ca xứ Thanh. Đó là những bài ca có nhịp điệu rõ ràng, có sự phát triển cao trong tiến hành giai điệu. Thể hiện qua phương thức kết hợp giữa các đơn âm kết hợp với những mô hình âm điệu luyến láy khác nhau (luyến, thêu, nhấn vuốt,…), tạo nên tính chất đặc trưng của thể loại.
Về cấu trúc bài bản
Là nơi tụ hội tương đối đầy đủ các loại hình nghệ thuật, do đó cấu trúc bài bản khá phong phú.
Cấu trúc bộ phận được chia thành các phần: mở bài, thân bài và kết bài. Trong đó, mở bài “lấy hơi” là một nét nhạc ngắn được hình thành bởi tính chất của thể loại; mở bài “đối thoại” được sinh ra từ các trò diễn, diễn xướng, nhiệm vụ chính là đối đáp giữa các nhân vật hoặc giao lưu với khán giả nhưng xét về nội dung và âm nhạc chúng có mối quan hệ gắn bó với bài hát tiếp theo. Phần thân bài có nhiều cấu trúc khác nhau, bao gồm: Kiểu cấu trúc phân câu, phân đoạn; Kiểu cấu trúc được hình thành trên cơ sở hai chất liệu âm nhạc luân phiên; Kiểu cấu trúc có hai phần: phần tự do và phần có quy luật (có cấu trúc, nhịp điệu). Phần kết bài tuy là bộ phận có chức năng riêng biệt nhưng nó vẫn là một phần phụ của hình thức. Có hai dạng kết bài: Kết bài do mở rộng thân bài; kết bài có chức năng tương đối độc lập.
Cấu trúc tổng thể được xem xét một cách hoàn chỉnh toàn bộ một loại hình nghệ thuật, cụ thể là một trò diễn hoặc một diễn xướng. Phần mở đầu - phần cốt truyện - phần kết thúc có mối liên hệ với nhau theo một trình tự nhất định,
và ở mỗi phần, âm nhạc với vai trò quan trọng của mình đã làm nổi bật lên nội dung, ý nghĩa của một trò diễn, diễn xướng.
Trong lịch sử phát triển của mình, những giá trị văn hóa tín ngưỡng nói chung, của âm nhạc tế nói riêng đã bị thất thoát một phần đáng kể. Việc nghiên cứu tìm hiểu những giá trị đó sẽ giúp cho thế hệ sau này biết nâng niu, quý trọng những sản phẩm của ông cha để lại.
Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, cùng với các loại hình nghệ thuật dân gian của dân tộc Việt; âm nhạc dân gian của người Việt xứ Thanh đã tồn tại và phát triển cùng với đời sống vật chất qua các thế hệ dân cư của người Việt xứ Thanh. Tuy có lúc hưng thịnh, có lúc suy vong trong quá trình tồn tại của mình nhưng chúng đã khẳng định được vị thế của mình trong đời sống văn hoá tinh thần của cộng đồng dân cư địa phương.
Tìm hiểu, nghiên cứu về âm nhạc dân gian của người Việt xứ Thanh trên góc độ nghệ thuật âm nhạc; chúng tôi mong muốn góp phần cùng với các nhà nghiên cứu khác, khẳng định giá trị văn hoá (phi vật thể) loại hình nghệ thuật dân gian; qua đó góp phần vào việc khôi phục và bảo tồn giá trị đó cho các thế hệ sau này.