Các loại hình nghệ thuật có âm nhạc trong lễ hộ

Một phần của tài liệu Âm nhạc trong lễ hội truyền thống của người việt xứ thanh (Trang 32 - 37)

Có thể cho rằng lễ hội truyền thống của người Việt xứ Thanh là nơi tụ hội đầy đủ các loại hình nghệ thuật người Việt xứ Thanh, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật có âm nhạc. Lễ hội là nơi sinh hoạt Văn hoá tín ngưỡng, phản ánh đậm đặc sắc thái địa phương, do đó, các loại hình nghệ thuật âm nhạc trong sinh hoạt đời thường đều được dân làng chuẩn bị mang tới để trình diễn, giao lưu, thi thố,… trong hội của lễ hội.

Do thời gian, do thăng trầm của lịch sử đã làm mai một đi rất nhiều di sản văn hoá phi vật thể quý giá. Việc xác định nguồn gốc, xuất xứ của các loại hình âm nhạc trong lễ hội là một điều rất khó bởi thời gian và những yếu tố tác động khác nhau, hơn nữa lễ hội truyền thống có thời gian bị gián đoạn không thường xuyên được tổ chức, thậm chí chỉ còn tồn tại trong ký ức của các bậc cao niên, có những loại hình chỉ còn được nhắc tới trong một số ít tư liệu mà các nhà nghiên cứu trước đây khảo sát. Ngay như như thời Lê Nhân Tông, nghe theo lời đài quan Đồng Hanh Phát và và thái úy Khả, nhà vua đã cấm một số hình thức hát bị cho là không “nghiêm túc”, trong đó có tục hát rí ren ở Thanh Hoá [90, tr.30].

2.1.1. Dân nhạc

Người Việt xứ Thanh không có những nhạc cụ chơi độc lập như các tộc người thiểu số khác. Bài bản dân nhạc là những bản hoà tấu phục vụ trong các lễ hội, các đám tang,…

Trong lễ hội, các bài bản hoà tấu chủ yếu phục vụ cho các nghi thức tế lễ và rước kiệu. Có ba dạng hoà tấu trong lễ hội là dàn trống tế, dàn bát âm hoặc chỉ dùng trống - chiêng.

Âm nhạc tế đề cao vai trò của trống và chiêng, ít sử dụng các loại nhạc cụ dây và hơi. Các bậc cao niên cho biết từ bé họ đã được học đánh trống do ông cha và các cụ cao tuổi truyền lại và cũng không biết là có từ bao giờ. Một số nguồn tư liệu có nhắc tới nguồn gốc của âm nhạc tế nhưng cũng chỉ là những giả thuyết và không có cơ sở khoa học chắc chắn. Chẳng hạn như các cụ làng Phú Khê cho rằng những quy định và cách đánh trống tế của làng có từ thời Lý Thánh Tông, do nhà vua yêu cầu cử người lên kinh đô để học cách lễ nhạc tế cung đình sau khi vua phong chức sắc “Thượng Đẳng phúc thần” cho hai vị thần của địa phương đã âm trợ cho vua đánh thắng giặc Ai Lao năm 1039. Việc xác định nguồn gốc, xuất xứ của âm nhạc tế lễ là vấn đề đặt ra cho những công trình khác.

2.1.2. Dân ca

Dân ca là những thể loại được sinh ra từ môi trường lao động. Dân ca ra đời một mặt là để phản ánh công việc hàng ngày của người dân nông thôn, mặt khác là để phục vụ nhu cầu giải trí, giao lưu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Qua khảo sát cho thấy, Thanh Hoá có nền dân ca rất phong phú và đa dạng, gồm nhiều thể loại như hát Ca công (Ca trù); Xẩm; trống Quân; Hò; Ghẹo; Sa mạc; Cò lả; Hát khúc Tĩnh Gia;… Với tiêu chí lựa chọn những thể loại tiêu biểu có trong lễ hội để đưa vào luận án, bao gồm:

Hát Ghẹo

Hát Ghẹo được coi là một thể loại phổ biến ở nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên về phương thức tổ chức, làn điệu, nội dung và ý nghĩa ở mỗi nơi lại có những điểm khác nhau.

Ở Thanh Hóa, hát Ghẹo được đưa vào lễ hội với ý nghĩa giao lưu, phô trương tài năng ứng tác tại chỗ của người tham gia trình diễn. Trong những

cuộc giao lưu đó đã thúc đẩy sự phát triển, học hỏi lẫn nhau dẫn đến sự giao thoa muôn màu muôn vẻ của đa thể loại.

Trong cuốn “Dân ca Thanh Hóa” có viết về hát Ghẹo như sau:

Hát Ghẹo đã trở thành một thứ dân ca phổ biến khắp tỉnh Thanh Hóa; và cũng có thủ tục, có lề lối qui cách nhất định”. [6, tr.19]

Những thông tin đó đã thúc đẩy chúng tôi đi điền dã nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Thực tế hát Ghẹo ở Thanh Hóa rất phong phú, nó gắn với đời sống lao động hàng ngày của người dân nông và đã hình thành nên một số phong cách gắn với môi trường diễn xướng khác nhau trước khi được đưa vào lễ hội. Và tất nhiên, tính chất âm nhạc cũng khác nhau.

Hát Ghẹo miền quê gắn với công việc đồng áng:

Xưa kia Thanh Hóa được coi là nơi nổi tiếng về nghề nông nghiệp. Thực tế lao động sản xuất “đi cấy thành phường, đi gặt có bạn” (gọi là “phường cấy” và “phường gặt”). Điều đó cho thấy sự tập trung và tương trợ lẫn nhau trong công việc, trong lao động sản xuất. Không biết hát Ghẹo ra đời từ bao giờ, có lẽ đã từ lâu lắm, các bậc cao niên cho biết khi còn ở tuổi thanh thiếu niên tham gia phường cấy là đã biết hát Ghẹo bằng cách nghe và học cách vận lời để đối đáp với nhau. Cho đến bây giờ vẫn có những bậc cao niên ngoài 80 tuổi hát được nhiều bài có nội dung rất sâu sắc về tình yêu, cuộc sống, lao động và cả những bài nói về vua quan ngày xưa.

Trong lễ hội, không phải lao động trên đồng ruộng, người ta thường chia thành hai nhóm để hát Ghẹo đua tài thử sức với nhau. Cũng trong dịp này, nhiều đôi nam nữ đã biểu lộ tình cảm của mình, tìm hiểu đối phương qua những câu đối đáp.

Nếu dân miền quê hát Ghẹo ở đồng ruộng thì dân vùng sông nước lại hát Ghẹo trên sông, trên biển với tên gọi phổ biến là Hò ghẹo. Với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt Hò ghẹo khá phát triển ở Thanh Hóa, gắn bó với dân làng chài, với dân đi đò chở khách trên sông. Bên cạnh tên gọi là Hò ghẹo, còn có những tên gọi khác gắn với công việc cụ thể như: Hò than (ở bến Than); Hò đắp đê (Hoằng Hóa);… Hò Ghẹo là thể loại khá phổ biến dọc bờ sông Mã.

Hò Ghẹo cũng chia thành hai tốp đối đáp với nhau trong dịp lễ hội, một số nơi còn diễn tả lại bằng các hình thức diễn xướng gắn bó với công việc hàng ngày. Chẳng hạn như ở Hoằng Hóa, người ta bố chí một nhóm người đứng dàn ngang, tay cầm đầm, thuổng, vừa hát vừa làm những động tác như đang thực hiện công việc đắp đê trên sông Mã.

Một cuộc hát Ghẹo có tổ chức thành phường:

Bên cạnh những dạng hát Ghẹo như trên, ở Thanh Hóa còn tổ chức những cuộc hát Ghẹo có lề lối, quy cách nhất định. Một số nơi được coi là có tổ chức chặt chẽ cho một cuộc hát Ghẹo thường phải qua ba chặng với những luật lệ nhất định. Mỗi chặng lại có quy định về lời, về làn và nội dung khác nhau.

Chặng thứ nhất (mở đầu):Dành cho hát dạo, hát mừng và hát thăm.

Chặng thứ hai (chặng giữa):Dành cho hát đố, hát đối và hát xe kết.

Chặng thứ ba (kết thúc):Dành cho hát thề, hát dặn và hát xe kết.

Tuy có kết cấu ba chặng nhưng những cuộc hát Ghẹo như vậy không có làn điệu riêng mà là sự hội tụ một số các thể loại dân ca Bắc bộ. Khi hát Ghẹo, người hát có thể đổi làn từ Trống quân, Cò lả sang Sa mạc, Bồng mạc,... chỉ vận dụng thay đổi lời ca cho phù hợp với nội dung.

So sánh với Hát Ghẹo Phú Thọ cho thấy, hát Ghẹo ở Phú Thọ cũng có ba chặng:

Chặng thứ nhất: Hát đón

Chặng thứ hai: Vào nhà

Chặng thứ ba: Chia tay giã bạn

Khác với cuộc hát Ghẹo ở Thanh Hóa, ở chặng thứ nhất khi bên sở tại (làng mời) đón khách (làng được mời) tại sân đình là lúc bắt đầu chặng hát đón, đây là chặng hát hoàn toàn những bài Ghẹo cổ của địa phương. Chặng thứ hai và chặng thứ ba mới là chặng hát các làn điệu khác nhau, được các nghệ nhân gọi là sang giọng. Theo các cụ thì sang giọng gồm có 36 giọng khác nhau. Hát hết 36 giọng cũng là lúc trời vừa sáng, dân làng sở tại dọn cơm để khách ăn và chuẩn bị tiễn khách ra về ở chặng thứ ba, cũng là chặng cuối của cuộc hát.

Hát nhật trình

Hát nhật trình khá phổ biến ở vùng biển Tĩnh Gia. Nội dung của dạng hát này như một cuốn nhật ký đi biển, từ khi bắt đầu rời bến đến những địa danh đi qua, nói về kinh nghiệm đánh bắt cá, về công việc nhọc nhằn của cư dân chài,... Trong những chuyến đi dài lênh đênh trên biển, ban đêm người ta thường ngồi quây vòng tròn với nhau, bên cạnh là chai rượu, vừa hát vừa uống rượu, tay vỗ mạn thuyền. Đến với lễ hội, người ta cũng kể lại bằng âm điệu của “dân chài” có lẫn với men rượu trắng.

Hát Trống vả

Hát Trống vả ở Tĩnh Gia hiểu theo một cách đơn giản là vừa hát vừa vả (vỗ) lên mặt trống. Loại hát này dành cho một người hát chính và một nhóm hát họa theo. Hát hết một trổ (một cặp thơ lục bát) thì tất cả cùng vỗ trống và họa theo những từ cuối của câu hát.

Hò hái củi

Tĩnh Gia còn phổ biến loại hát dành riêng cho việc đi hái củi. Rất tiếc thời gian gần đây đã không được duy trì thường xuyên. Hiện chúng tôi sưu tầm

được rất ít bài hát này do những người biết hát đều đã cao tuổi không thể hát được nữa hoặc đã qua đời. Bà Lê Thị Đoái (75 tuổi) cho biết: khi còn trẻ, mỗi khi đi củi rất hay hát những bài hát này nhưng bây giờ không nhớ được nhiều vì lâu không hát. Gọi là “” nhưng thực chất giai điệu loại hát này khá bình ổn, ít có những điểm nhấn nổi bật, khác với sự lên bổng xuống trầm của hát lịch trình.

Dân chài Tĩnh Gia còn có hát Khúc (khúc hát ru) mang bóng dáng phong cách hát Dặm Nghệ An, thể loại này chỉ hát khi ru con, ru cháu ngủ, không đưa vào lễ hội.

Ngoài những thể loại trên, nhiều nơi trên địa bàn Thanh Hóa còn có hát Ca công, Tuồng, Chèo. Đây là những loại hình nghệ thuật bán chuyên nghiệp, không chỉ có ở Thanh Hóa mà còn phổ biến ở nhiều tỉnh phía Bắc. Luận án không đi sâu vào vấn đề này.

Một phần của tài liệu Âm nhạc trong lễ hội truyền thống của người việt xứ thanh (Trang 32 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)