Nghi thức tế lễ

Một phần của tài liệu Âm nhạc trong lễ hội truyền thống của người việt xứ thanh (Trang 25 - 29)

Phần lễ của lễ hội quan trọng nhất là nghi thức tế lễ, tế được quy định chặt chẽ, đòi hỏi sự chuẩn bị công phu và trang nghiêm. Những người thực hiện tế là Chủ tế, hai Bồi tế, Đông xướng, Tây xướng và các Chấp sự.

Mỗi vị thần linh có một tư chất, một phong thái riêng,… do đó mỗi nghi thức tế có một đặc điểm riêng phù hợp với từng vị thần linh. Tuy nhiên, trong một lễ hội bao giờ cũng phải có đầy đủ ba nghi thức: rước kiệu, tế lễ và sinh hoạt văn hóa theo phong tục.

1.4.4.1. Rước kiệu

Trong lễ hội không thể thiếu phần rước kiệu. Khi rước kiệu là đã phô trương danh thế của Thần, tạo ra không khí sôi động tưng bừng, thu hút mọi người hướng về cội nguồn. Nhìn chung, các hình thức rước kiệu tương đối đồng nhất. Rước Thánh thẻ, bài vị hoặc rước cỗ,.. từ các làng đến trung tâm của lễ hội ở Đền, Đình, Nghè,… Một số tục lệ có hình thức khác như tục rước

Thánh thẻ thánh Tham xung tá quốc xuống thuyền chính ngự, chèo thuyền đến đền Tam Giang để thăm Vua Bà trong Hội chèo rước tháng ba ở lễ hội Đền Mưng,...

Hình thức rước kiệu do 4, 6 hoặc 8 thanh niên khỏe mạnh do các giáp (thôn) cắt cử, khiêng kiệu đặt trên vai. Đi phía trước là dàn nhạc tế, trống phách cờ quạt linh đình sau đó mới đến đội khiêng kiệu. Một số nơi còn có người điều khiển bằng cách dùng một cái trống hiệu, còn gọi là trống “thủ cổ” để điều khiển nhanh, chậm hay hạ kiệu; Đi cuối cùng là dân làng và khách đi lễ.

1.4.4.2. Tế lễ

Các chức danh vào hành lễ:

Các chức danh cho một cuộc tế Thành Hoàng đã được quy định từ thời xa xưa, hàng năm trước dịp lễ hội đều lựa chọn lại Ban hành lễ mới. Qua khảo sát, những lễ hội ở Thanh Hóa còn duy trì được cho đến ngày nay vẫn luôn tuân thủ theo những quy định đó.

Những người được chọn vào Ban hành lễ phải được lựa chọn kỹ, bản thân phải là người chỉnh tề mẫu mực, gia đình phải đàng hoàng, không có con cái hư hỏng, không có tang gia,… nhìn chung là phải “sạch sẽ” từ trong ra ngoài. Đặc biệt chủ tế phải là người có uy tín nhất làng, được dân làng trọng vọng, có địa vị trong xã hội. Thực tế có những người đã được chọn vào Ban hành lễ trong nhiều năm liên tục, đó là một vinh dự lớn đối với họ và cả gia đình.

Đông xướng và tây xướng là những người điều khiển hành lễ, trong đó đông xướng được điều hành chính từ đầu cho đến khi kết thúc cuộc tế.

Phục vụ tế có số lượng khác nhau tùy theo mỗi làng, được bố trí làm các việc liên quan đến nghi lễ như: dẫn chủ tế, thắp hương, cắm hương, bê rượu, chuyển rượu, đốt văn… khi chủ tế hành lễ.

Nhìn chung, ban hành lễ tương đối đồng nhất về những chức danh chính: người đại diện cho dân tế thần là chủ tế, người điều hành cuộc tế là đông xướng, tây xướng. Các chức danh khác có sự bố trí, sắp xếp khác nhau tùy thuộc vào phong tục tập quán ở mỗi nơi, sự sắp xếp đó còn mang ý nghĩa phù hợp với phong thái mỗi vị thần.

Trình tự tiến hành lễ

Trình tự tiến hành lễ tại các đình, đền của người Việt xứ Thanh về nghi thức, thủ tục tương đối giống nhau, chỉ khác đôi chút trong điều khiển cuộc tế. Nhiều nhất, đầy đủ nhất là đình Hoằng Quý, gồm 61 nghi thức (tương ứng với 61 lần xướng lễ). Ít nhất là những đình, đền có trên 40 nghi thức như đền Chu Nguyên Lương có 47 nghi thức (tương ứng với 47 lần xướng lễ) [phụ lục 1, tr.136]. Cho dù có sự chênh lệnh về số lượng nhưng cuộc tế nào cũng đầy đủ ba giai đoạn, từ khâu chuẩn bị, đến nghi lễ chính thức và kết thúc cuộc tế. Trình tự tiến hành lễ do người đông xướng điều khiển chính.

- Giai đoạn thứ nhất: chuẩn bị

Đây là giai đoạn kiểm tra toàn bộ trước khi vào tế chính thức, mang ý nghĩa thông báo để tất cả phải chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng hành lễ. Giai đoạn này bao giờ cũng bắt đầu ở nghi thức khởi chinh cổ nhằm mang ý nghĩa thông báo cuộc tế bắt đầu. Chấm dứt câu xướng là ba hồi trống, hoặc ba hồi chiêng trống. Nhạc xanh tựu liệt hay nhạc tác luôn được khởi động sau khi chiêng trống khởi động, nhằm nhắc nhở dàn nhạc nghiêm túc, chuẩn bị. Do vậy, bài “nhạc tác” hầu như đều có ở các dàn trống tế Thanh Hóa, tuy nhiên ở mỗi nơi có một cách diễn tấu, phối hợp khác nhau. Giai đoạn này không thể không nhắc nhở tất cả mọi người nghiêm túc, nghi thức sơ nghiêm, tái nghiêm, tam nghiêm cũng rất quan trọng, được xếp sau nghi thức nhạc tác. Ở nghi thức này có thể đánh điểm vào tang trống, điểm vào mặt trống, hoặc đánh một quận trống nào đó theo truyền thống của từng dàn nhạc. Dàn nhạc tế ở Hoằng

Quý phân biệt ba lần nghiêm bằng cách đánh một hồi vào tang trống ( nghiêm); bài tấu trống bong (tái nghiêm); bài trống tán bình thân (tam nghiêm). Củ soát tế vật là nghi thức kiểm tra lễ vật hương, hoa, đèn, rượu,… của ban hành lễ. Có những cuộc tế còn có nghi thức rửa tay (quán thủ), lau tay (phế căn),…

- Giai đoạn thứ hai:hành lễ

Những nghi thức chính ở giai đoạn này gồm: thượng hương (người hành lễ vào bưng lư hương cho chủ tế); nghinh lễ cúc cung bái (chủ tế bái 4 bái), ti tôn giả cử mịch (mở nắp rượu); chước tửu (chủ tế rót rượu); Sơ hiến lễ nghệ tôn thần vị tiền (đưa rượu vào); hiến tước (dâng rượu cho thần); tiến tước (dẫn rượu vào cung); độc chúc (đọc chúc văn);… Trong các nghi thức thức trên, nghi thức dâng rượu tế thần được thực hiện 3 lần (chước tửu). Các quận trống phục vụ cho nghi thức này thường có tốc độ chậm dãi, nhịp nhàng, khoan thai, khi chấp lễ chủ tế phải nghe tiếng nhạc để bước đi một cách nghiêm trang, thành kính. Một số quận trống phục vụ cho nghi thức này có thể kể đến như trống nhịp lỏi (đình Phượng Mao); trống tán (đình Đông Cao); trống rước (đền Chu Nguyên Lương);… Âm nhạc phục vụ các nghi thức còn lại thường có tốc độ nhanh, tính chất sôi nổi, náo nhiệt hơn.

- Giai đoạn thứ ba: kết thúc cuộc tế

Sau khi xong phần tế, thần linh ban lộc cho chủ tế (ẩm phước), chủ tế phải lên chiếu giữa thụ phước, hưởng lộc thánh ban. Nghi thức bình thân phần chúc có nghĩa đỡ văn tế xuống để hóa (đốt). Nghi thức này có thể điểm trống, hoặc đánh một quận trống. Đền Lạch Bạng điểm trống cái, đình Hoằng Phượng dùng trống nhịp lỏi, đình Hoằng Quí dùng trống tán bình thân…. Tạ lễ cúc cung bái được lặp lại ở giai đoạn này. Kết thúc buổi tế là lễ tất, thường đánh một hồi trống dài.

Trong tế lễ, âm nhạc luôn là một phần không thể tách rời. Với vai trò quan trọng của mình, nó gắn bó chặt chẽ, hòa quện với từng nghi thức tế tạo nên không khí trang nghiêm, bề thế cho toàn bộ cuộc tế. Thực tế, mỗi nơi có một cách sử dụng riêng. Có nơi chỉ sử dụng vài quận trống cho nhiều nghi thức, cũng có nơi mỗi nghi thức có một bài trống riêng. Đây cũng là một trong những đặc điểm được lưu lại cho đến ngày nay, câu nói truyền miệng dân gian: “Trống làng nào làng ấy đánh, Thánh làng nào làng ấy thờ” cũng đã phản ánh lên điều đó.

Một phần của tài liệu Âm nhạc trong lễ hội truyền thống của người việt xứ thanh (Trang 25 - 29)