Quá trình phát triển

Một phần của tài liệu Âm nhạc trong lễ hội truyền thống của người việt xứ thanh (Trang 44 - 48)

Qua khảo sát, trong các lễ hội hầu như đều có trò diễn, đậm đặc hơn cả là ở các làng nằm dọc triền sông Mã, sông Cầu Chầy, sông Chu, sông Hoàng sau đó mới lan toả sang các làng lân cận tạo thành một vệt chạy giữa vùng đồng bằng theo hướng Tây Bắc, Đông Nam. Xét về nội dung và hình thức diễn

xướng, chúng tôi nhận thấy trò diễn dân gian xứ Thanh có sự phát triển liên tục theo quá trình lịch sử. Có thể chia thành các cấp độ sau:

Cấp độ 1: Lớp trò diễn sơ khai mang tín ngưỡng phồn thực

Có thể cho rằng đây là lớp trò diễn được ra đời sớm nhất trong lịch sử hình thành nên hệ thống trò diễn của người Việt ở xứ Thanh. Đây là là lớp trò diễn nằm trong các lễ tục (là những lễ hội nhỏ, chưa phát triển thành lễ hội có quy mô lớn). Có nguồn gốc xuất phát từ tín ngưỡng phồn thực.

Trò diễn mang tín ngưỡng phồn thực nhằm mục đích cầu cho sự sinh sôi nảy nở của con người, của nông nghiệp, thường được tổ chức theo tục lệ. Đặc điểm của các trò diễn này là diễn xướng tự do, tùy tiện, có thể tự ứng tác tại chỗ. Khi diễn, diễn viên và công chúng cùng giao lưu với nhau chưa có sự tách biệt rõ ràng. Là những trò diễn thô phác nhưng các nhân vật đã bắt đầu được hóa trang ở dạng đơn giản. Đạo cụ để diễn là những vật dụng thô sơ trong đời sống (có gì dùng nấy).

Hiện còn lưu lại một số trò diễn ở mang tín ngưỡng phồn thực như trò Chụt; Rối; Cơm đắp, Cơm thi; Vật Bộc;…

Cấp độ 2: Lớp trò diễn được hình thành do tác động của yếu tố lịch sử, hình thành nghệ thuật diễn xướng cung đình

Đây là lớp trò diễn được hình thành khi có xuất hiện các sự kiện lịch sử, có nguồn gốc gắn với các vị anh hùng.

Mục đích là thờ thần linh với những nội dung diễn tả lại sự kiện lịch sử; ca ngợi công tích thành hoàng; về các công việc liên qua tới nghề nông;… được

tổ chức theo kỳ lệ.

Lớp trò diễn ở cấp độ 2 có những nội dung và bài bản cố định đòi hỏi phải có sự gia công tập luyện của diễn viên. Khi diễn, diễn viên tách biệt với công chúng để diễn cho công chúng xem, khác với trò diễn ở cấp độ 1 là cùng giao lưu hoà nhập với công chúng. Nhân vật trong lớp trò diễn này được hóa trang

cầu kỳ hơn, cụ thể cho từng nhân vật. Đạo cụ để diễn không phải là những đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày mà phải tự làm, tự chế tác những đạo cụ riêng để diễn, một số đạo cụ đã mang tính tượng trưng, cách điệu.

Sự hình thành lớp trò diễn này có thể trên những cơ sở như sau: - Phát triển từ loại hình dân ca có sẵn

Đơn cử cho bộ phận này là hình thức múa hát chèo thuyền để thờ Thánh. Có nhiều tên gọi cho hình thức diễn xướng chèo thuyền như: Chèo cạn, Chèo chải, Chèo thờ,… Về nguồn gốc của loại hình này chưa có ai có thể khẳng định là có từ bao giờ. Nhưng xét về nội dung lời ca, về hình thức hát thờ trong nghi lễ có thể đưa ra giả thuyết rằng, trước khi có hình thức hát chèo thuyền để thờ Thánh đã có các hình thức hát chèo thuyền trên sông nước, phản ánh môi trường lao động sông nước (điều đó là hiển nhiên bởi Thanh Hoá là địa phương có nhiều sông ngòi, kênh rạch, có biển bao bọc ở nhiều nơi…), sau đó dần phát triển thành hình thức hát múa chèo thuyền trên cạn phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt văn hoá cộng đồng.

Hát Chèo chải (tạm gọi theo đa số các nhà nghiên cứu về hiện tượng này) để cung nghinh Thánh trong các giai đoạn lịch sử như chúc mừng Cao Hoàng Lê Ngọc (cuối thời Tuỳ); Lê Phụng Hiểu (thời Lý); Trần Khát Chân (thời Trần); Lê Lợi, Nguyễn Trãi,… (thời Lê);… Có thể gặp các giai điệu Hò sông Mã trong múa hát Chèo chải ở một số địa phương.

- Hình thành hệ thống trò trong sự kiện lịch sử cụ thể

Đây là hệ thống các trò diễn được hình thành trong một sự kiện lịch sử, được lưu giữ lại trở thành đặc sản của địa phương.

Sự kiện chiến đấu giữa giặc Chiêm với quân của Trịnh Quốc Bảo (thời vua Lý Thánh Tông) đã hình thành nên hệ thống trò Triềng rất đặc sắc. Các trò như chọi voi, chọi rồng, đánh tẩu mã, múa thiên vương,… là những đội tượng

binh do ông Trịnh Quốc Bảo lập mưu và luyện tập. Sau khi chiến thắng giặc Chiêm, các trò này được lưu giữ lại, trở thành đặc sản của địa phương.

Hệ thống trò Xuân Phả (được hình thành trên sự kiện Lê Lợi khởi nghĩa trên đất Lam Sơn) đã thể hiện khá rõ những yếu tố cung đình. Đó là sự tổng hợp nhiều loại hình nghệ thuật múa, hát, âm nhạc, trang phục, biểu diễn,… tạo nên hệ thống trò diễn vô cùng đặc sắc. Đây là đặc điểm đáng chú ý trong nghệ thuật diễn xướng cung đình thời Lê.

Cấp độ 3: Sự giao thoa giữa yếu tố cung đình và dân gian dẫn đến hình thành lớp trò diễn có sự tổng hợp cao về nghệ thuật:

Thanh hoá là mảnh đất trải qua nhiều triều đại phong kiến nên các yếu tố cung đình có ảnh hưởng đến lễ hội dân gian. Sự giao thoa ảnh hưởng đó đậm đặc dần qua từng thời kỳ lịch sử hình thành hệ thống trò diễn.

Sau khi kết thúc một sự kiện lịch sử là thời điểm nhân dân vui mừng, phấn khởi khi cuộc chiến đấu dành thắng lợi, hoặc buồn thương, đau xót khi một nhân vật anh hùng bị hi sinh,… Tất cả những yếu tố đó đều tác động vào tâm lý nhân dân, thúc đẩy họ phải ghi nhớ lại sự kiện đó, mà thể hiện rõ nhất là vào mỗi dịp lễ hội. Khi mở hội, tổ chức diễn trò để tưởng nhớ tới công đức của các vị Thần.

Hệ thống trò diễn ở mỗi làng quê Thanh Hóa có những điểm giống và khác nhau do có sự giao thoa, du nhập qua từng thời kỳ. Du nhập ở đây có thể bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó yếu tố cung đình tràn ra dân gian là do được các công thần triều đình khi về nghỉ tại quê hương đã truyền dạy lại cho dân làng, từ đó hình thành nên hệ thống trò diễn có kết hợp giữa yếu tố cung đình và dân gian như ngày nay chúng ta được biết. Đơn cử như bốn trò trong hệ thống trò Rủn (Viên Khê) được ghi lại như sau:

Thời Lê Sơ còn có ông Nguyễn Mộng Tuân, sinh ra tại làng Viên Khê là công thần khai quốc của nhà Lê, ông là người làm thơ - phú rất giỏi. Khi

về trí sĩ tại quê nhà ông đã truyền dạy lại cho dân làng các điệu múa Xiêm Thành, Hoa Lang, Tú Huần, Ngô Quốc. Khi ông mất, dân làng xây đền thờ ông làm Thành Hoàng và khi có lễ hội dân làng lại trình diễn bốn trò này trên nền áng của làng. [44, tr.28]

Trích dẫn trên đây là một minh chứng cho sự du nhập một số trò diễn từ hệ thống trò Xuân Phả (thời Lê), sang hệ thống trò Viên Khê. Những ảnh hưởng từ yếu tố cung đình được thể hiện qua ngôn từ nho giáo trong lời ca, động tác diễn có phong cách,... Sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố dân gian và cung đình được nâng cao rõ rệt với đa dạng các nhân vật: mẹ Mõ, cu Nhớn,… (trò Trống Mõ); cô đĩ, thầy địa lý, thầy thuốc, Ngô già (người Tàu), chú Khách (người Tàu), người nông dân (trò Ngô); Tiên, Cuội (trò Tiên Cuội);… Âm nhạc dân gian cũng từ đó mà phát triển phong phú, đa dạng hơn.

Như vậy, trò diễn dân gian Thanh Hoá vận động phát triển theo quy luật tự nhiên, từ đơn giản đến phức tạp, từ thô phác đến phong phú, sinh động,… Nếu lấy hệ thống Xuân phả làm mốc về sự ảnh hưởng yếu tố nghệ thuật cung đình, sẽ thấy từ đó nó tiếp tục được vận động, nâng cao khi du nhập sang các làng trò khác (đặc biệt là các làng lân cận và các làng có công thần triều Lê). Như vậy, qúa trình vận động của trò diễn dân gian xứ Thanh theo chiều hướng xoay vòng, từ dân gian du nhập vào cung đình, rồi từ cung đình lại quay trở lại dân gian. (Dân gian (thô phác, đơn giản) => cung đình => dân gian (nâng cao))

Một phần của tài liệu Âm nhạc trong lễ hội truyền thống của người việt xứ thanh (Trang 44 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)