Khái niệm về trò diễn và diễn xướng dân gian

Một phần của tài liệu Âm nhạc trong lễ hội truyền thống của người việt xứ thanh (Trang 37 - 44)

Diễn xướngtrò diễn dân gian trước hết (đã thể hiện qua tên gọi) là những loại hình nghệ thuật bắt nguồn và tồn tại trong dân gian; xuất hiện, tồn tại trong dân gian, phục vụ cho đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân.

Yếu tố cấu thành nên trò diễn và diễn xướng dân gian bao gồm: văn thơ, âm nhạc, múa, tạo hình diễn xuất,… Tuy nhiên, trò diễndiễn xướng là hai thuật ngữ khác nhau, thể hiện hai loại hình sinh hoạt nghệ thuật khác nhau trong dân gian.

Bàn về diễn xướng, PGS Lê Trung Vũ đã nhận định: “Diễn xướng ra đời từ hình thức đơn giản nhất (hát hoặc kể hèm động tác đơn giản hoặc múa sinh hoạt đơn giản có nhạc cụ gõ đệm)… Những diễn xướng phức tạp thường gắn với tập tục và tín ngưỡng cổ. [24, sđd, tr.44]

GS Bùi Văn Nguyên nhận xét: “Hát xướng, nhảy múa về sau đi vào loại hình ca vũ, còn pha trò đi vào loại hình tạp kỹ, hý kịch,…” [24, sđd, tr.44]

Theo PGS Vũ Ngọc Khánh thì: “Diễn xướng là có diễn, có xướng và đúng là một phương thức biểu hiện của quần chúng trong sinh hoạt văn nghệ”. [24, sđd, tr.47]

Còn tác giả Trần Thị Liên lại cho rằng: “Diễn xướng là một khái niệm rộng. Trong diễn xướng có thể chưa có trò diễn và có cả những diễn xướng đã phát triển thành trò diễn. Như vậy, trong trò diễn vẫn có tính chất diễn xướng giúp cho tính nhân dân của trò diễn được đậm đà hơn”. [24, tr.53]

Mỗi ý kiến đều có một vài quan điểm khác nhau nhưng đều chung một điểm: diễn xướng bao gồm hai yếu tố - đó là yếu tố “diễn” và yếu tố “xướng”.

“Diễn” là hành động biểu diễn các động tác của tay, chân, đầu, mặt,…; “xướng” bao gồm các mặt: hát, nói, nói vần, nói thơ,… Hai yếu tố trên gắn bó mật thiết với nhau tạo thành diễn xướng.

Ví dụ: Thủy phường là một loại hình hát múa diễn tả lại cảnh hoạt động chèo thuyền của người dân xưa; trong đó có đoạn:

Nói vọng:

Này chị em ơi!”

Đáp (giống “đế” trong chèo truyền thống):

“Sao?"

Nói vọng:

“Múa mái đã qua chị em ta giở ra múa quạt nào!”

Đáp:

“Phải rồi!

Các con chèo hát (động múa quạt ):

Quạt này quạt mát tứ quý bốn mùa Đâu đâu cũng mua đem về làm quạt

Quạt thiếp tôi có mười chín xương…”

Trong “Thủy phường” có những màn múa hát đơn thuần, có “diễn”, có “xướng”; như vậy, Thủy phường có đầy đủ các yếu tố của loại hình diễn xướng.

Trò diễn bao gồm hai yếu tố là “diễn” và “trò”. Yếu tố “diễn” là hành động chân, tay, đầu, mặt,… nhằm mục đích diễn tả, diễn cảm; còn yếu tố “trò” là nghệ thuật diễn đạt cốt truyện. “Có tích mới dịch nên trò” là câu nói truyền miệng trong dân gian còn truyền lại cho đến ngày nay. “Tích” là cốt truyện, còn “trò” là nghệ thuật diễn tả cốt truyện đó.

Trò Trống Mõ có bốn nhân vật: Trống, Mõ, mẹ Mõ, cu Nhớn là những nhân vật đã được định hình về tính cách. Trống và Mõ là hai nhân vật có trong dân gian “có trống có Mõ mới đắc tài đắc lộc”; mẹ Mõ là một phụ nữ xấu xí nhất trần gian, đã nhiều tuổi mà không lấy được chồng; cu Nhớn mồ côi cha, mẹ đi lấy chồng khác phải nuôi đàn em côi cút, bản thân cu Nhớn thì bị tật nguyền, vừa bị sứt môi vừa đi lặc liểng nên điệu bộ trông rất thương tâm,…

Trò diễn có đặc điểm kể truyện dân gian, có cốt truyện chứa đựng hình tượng về số phận các nhân vật. Có thể gặp các nhân vật trong trò diễn xứ Thanh như mẹ Mõ buồn bã, đau khổ “…hình dung nhan sắc nết na tôi chẳng kịp ngườiphận tôi xấu số sinh ra lỡ thì…” (Trống Mõ); hoặc Cu Nhớn tật nguyền, chân đi lặc liểng, môi bị sứt,… (Trống Mõ), hay như chú Cuội hóm hỉnh, hài hước “…Cuội ở cung trăng. Tính khí lăng nhăng. Cuội hay nói dối…” (Tiên Cuội),… Trò diễn gắn liền với tính chân thực của cốt truyện, trò phải dựa trên cơ sở truyện và truyện được thể hiện bằng trò. Nhiều nhân vật trong trò diễn thường “xưng danh” ngay từ đầu bằng cách nói vần hay nói thơ. Đây là một đặc điểm tương đồng với chèo truyền thống, khi diễn dân làng và diễn viên có thể cùng giao lưu, đối đáp với nhau.

Chẳng hạn trò Trống Mõ có đoạn đối thoại: Mõ:

Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ?” Dân làng:

Không xưng danh thì ai biết là ai?” Mõ (xưng danh):

Nay tôi là mõ Cái đùi sơn đỏ Cái mõ tôi sơn đen Tôi đánh đã quen Nó kêu lóc cóc…

Có thể chủ quan đánh giá rằng trò diễn là một khái niệm bao hàm trong nó cả khái niệm về diễn xướng. Trong diễn xướng có thể coi yếu tố “diễn” là yếu tố chủ đạo, hàm chứa nhiều tính nghệ thuật (diễn tả) hơn, còn yếu tố “xướng” có thể coi là mang vai trò bổ xung cho yếu tố “diễn” trong việc hoàn chỉnh nghệ thuật (diễn tả) đó. Trong khi đó thì trò diễn bao hàm yếu tố “diễn” được sử dụng như là công cụ nghệ thuật để diễn tả, truyền đạt nội dung cho một tích trò cụ thể. Mặc dù vậy diễn xướng dân gian vẫn là một khái niệm độc lập tồn tại trong dân gian, đại diện cho một hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian đã và đang tồn tại với những giá trị văn hoá, giá trị nghệ thuật độc lập cùng với sự tồn tại của trò diễn dân gian. Đây hoàn toàn là hai khái niệm riêng biệt về hai hình thức nghệ thuật thể hiện khác nhau trong sinh hoạt văn hoá truyền thống.

Như vậy, trong khi bàn về khái niệm “Diễn xướng dân gian” và “Trò diễn dân gian”, mỗi người có những nhận định khác nhau nhưng có cùng quan điểm rằng: Diễn xướng có yếu tố “diễn” và yếu tố “xướng”; còn Trò diễn bao gồm yếu tố “trò” và yếu tố “diễn”. Có thể nhận định sơ bộ rằng từ diễn xướng

đến trò diễn là một quá trình phát triển từ thấp đến cao của một loại hình văn hoá dân gian. Nếu chỉ đơn thuần diễn có hát, múa,… mà không có nhân vật, không có cốt truyện thì là diễn xướng. Còn lối diễn có hát, múa và có cốt truyện, có nhân vật thì trở thành trò diễn.

2.1.3.2. Nguồn gốc

Theo truyền thuyết, thần tích, thần phả,... thì trò diễn và diễn xướng dân gian xứ Thanh đã có từ rất lâu, trải qua các thời kỳ lịch sử khác nhau (gắn liền với truyền thuyết về các nhân vật lịch sử có công giúp dân chúng trong cuộc sống như khai hoang - lập ấp, bảo vệ đất đai - đánh giặc ngoại xâm,...; từ thời kỳ Bà Triệu khởi nghĩa đến các thời kỳ Nhà Lý, Nhà Trần, đặc biệt phát triển mạnh nhất vào thời Lê, nhiều trò diễn được sáng tác trong thời kỳ khởi nghĩa Lam Sơn tại những làng có quan hệ mật thiết với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn; làng có công thần lớn hoặc có lưu quan là công thần nhà Lê;... Xin được lược trích sau đây một số thần tích, thần phả cũng như truyền thuyết có liên quan đến xuất xứ trò diễn và diễn xướng xứ Thanh:

Trò Ngô Triệu giao tranh có nguồn gốc xuất phát từ sự kiện Bà Triệu phất cờ khởi nghĩa thời Đông Ngô (năm 248), và đã hy sinh trên núi Tùng (Hậu Lộc, Thanh Hóa). Gọi là trò diễn nhưng thực ra cách thức tổ chức rất đơn giản, số lượng người tham gia không cố định. Người ta chia thành hai bên gọi là phe, khi nghe khẩu hiệu hai bên cầm những vũ khí đơn giản (gậy gộc) lao vào đánh nhau, bên nào thắng là phe Bà Triệu, bên nào thua là phe giặc Ngô. Kết thúc cả hai phe cùng vui vẻ thụ lộc ăn uống linh đình.

Cuối đời Tuỳ, quận (huyện) Cửu Chân do Lê Ngọc làm Thái thú. Nhà Đường cướp ngôi Tuỳ, Lê Ngọc vận động nhân dân chống lại nhà Đường, cho xây kinh đô Trường Xuân. Con trai cả được cai trị một vùng có ba tổng: Tuyên Hoá, Quảng Lưu, Thạch Khê. Tương truyền đây là người đã sáng tạo ra nhiều các trò chơi, điệu hát. Sau khi ông mất, dân làng lập đền thờ tại Nghè

Sâm. Hàng năm, ba tổng, chín xã vẫn giữ lệ cũ mở hội tại nghè Sâm và kéo “Ngũ trò” để tế Thần. Gọi là Ngũ trò Viên Khê nhưng không phải là 5 trò mà thực tế ghi lại được, gồm có 11 trò. Trò không có hát là: Xiêm Thành; Tô Vũ; Hùm (còn gọi là trò Vằn Vương). Trò có hát là: Múa đèn; Trống Mõ; Hà Lan; Thiếp; Thuỷ; Ngô và Tú Huần.

Thời Nhà Lý có ông Trịnh Quốc Bảo (Trịnh Bạn), sinh năm 998 tại Bản Đình Xã (làng Triềng ngày nay). Trịnh Quốc Bảo làm quan thời Lý Thánh Tông, giúp vua Lý đánh đuổi giặc Tống phương Bắc, được vua Lý phong chức Thái Bảo. Khi quân Chiêm Thành sang xâm chiếm nước ta, ông đã mưu trí dùng đội tượng binh, gồm: voi nan; long binh (chọi rồng), kỵ binh (ngựa sọt, ngựa bay), bộ binh (thiên vương). Chiến thắng, ông được vua phong “Vinh quốc trượng đại phu” và hạ chiếu hàng năm phải diễn lại các trò này tại kinh thành. Sau đó nhiều năm dân làng Triềng mới được phép mở hội và diễn trò tại quê nhà. [67, tr.179 - 181]

Theo “Sứ giao tập” thì thời Trần, sứ giả Trần Cương Trung đã lược thuật về điệu múa được xem:

Một người đàn bà đi chân trần, mười ngón tay dịu dàng đứng múa, hơn mười người con trai mình đều cởi trần, kề vai dậm chân, quây quần chung quanh người đàn bà và hát theo… Hát thì có khúc hát Trang Chu nằm mộng hoá ra con bướm, Bạch lạc thiên, Mẹ ly biệt con… giọng than vãn thời thế rất là ai oán nhưng câu hát tản mạn”. [60, sđd, tr.382]

Như vậy, rất có thể điệu múa hát Tú Huần đã có từ rất lâu, đến đời Trần đời Lê đã được cải biên nâng cao và được Nguyễn Mộng Tuân truyền lại cho dân làng Viên Khê trong hệ thống trò Rủn.

Thời Trần, Trần Khát Chân đánh thắng vua Chiêm Thành (năm 1390), được vua Trần Nghệ Tông phong “Lương Vệ Kim Ngô Long Hổ Thượng Tướng Quân”. Khi Hồ Quý Ly có âm mưu đoạt ngôi vua nhà Trần, ông dùng

mưu định giết nhà Hồ nhưng việc bại lộ, bị đưa ra hành hình chặt đầu tại núi Đún, được dân làng Cao Mật lập đền thờ trên đỉnh núi Đún, gọi là Đền Đún. Thanh Hoá có nhiều nơi dựng đền, mở lễ hội thờ Thánh Lưỡng Trần Khát Chân nhưng lễ hội Đền Đún là lễ hội gốc về hiện tượng Trần Khát Chân.

Thế kỷ XV, Lê Lợi chọn vùng sông Chu (Thọ Xuân) làm địa bàn hoạt động cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn; cư dân vùng sông Chu trở nên phồn thịnh như: “Mười hai xứ Láng, mười tám xứ Neo”. Lam Sơn thời kỳ này trở thành nơi hội tụ anh tài của cả nước. Trong “Khảo sát trò Xuân Phả”, nhóm tác giả Phạm Minh Khang; Hoàng Anh Nhân; Hoàng Hải đã nhận định rằng:

Vùng sông Chu dần dần hình thành những diễn xướng nghi lễ trên cơ sở đã được nghệ thuật hoá từ những diễn xướng dân gian còn đơn giản như trò Chụt; trò Triềng [44, tr.303].

Thời Lê Sơ có ông Nguyễn Mộng Tuân, sinh ra tại làng Viên Khê là công thần khai quốc của nhà Lê, ông là người làm thơ - phú rất giỏi. Khi về trí sĩ tại quê nhà ông đã truyền dạy lại cho dân làng các điệu múa Xiêm Thành, Hoa Lang, Tú Huần, Ngô Quốc. Khi ông mất, dân làng xây đền thờ ông làm Thành Hoàng và khi có lễ hội dân làng lại trình diễn bốn trò này trên nền áng của làng.

Thời Hậu Lê, Lê Thái Tổ cho xây Lam Kinh với quy mô các cung điện, sân rồng, ngọc hồ, lăng miếu,… Hàng năm, các vua cùng tôn thất, hoàng thân quốc thích, các đại thần… về Lam Kinh giỗ tổ, kỵ tế các tiên vương. Có lần, trên điện Lam Kinh, các vua Lê cho diễn các điệu “Bình Ngô phá trận” và “Chư hầu lai triều”. Đó là hai trò diễn được Nguyễn Trãi biên soạn để phục vụ cung đình nhà Lê. Hai trò diễn này không được bảo lưu, tuy nhiên nó đã có những ảnh hưởng rất rộng. Theo GS Đào Duy Anh thì “tàn tích của khúc múa Chư hầu lai triều là điệu múa Xuân Phả ở Thọ Xuân, Thanh Hoá…” [44, tr.32].

Làng Tứ Bôn (xã Đông Thanh huyện Đông Sơn) thờ bốn vị Thần Hoàng trong đó có hai vị nhân thần Nguyễn Văn Nghi, hiệu là Phúc Khê tướng công và Nguyễn Khải, hiệu là Đức Thánh Hẹ là công thần của nhà Hậu Lê. Trong bản khoán văn trò Tứ Bôn có ghi: “...khoá trò năm Tân Tỵ, làng Ngọc Tích phải diễn Trò Ngô, trò Hoa Lang; làng Kim Bôi phải diễn trò Tiên, trò Ngô, trò Hoa Lang...” [44, tr.26].

Làng Cổ Bôn có nhiều tục lệ về tế lễ, hội hè những tập trung lớn nhất là lễ hội vào ngày 20 tháng giêng. Các trò được trình diễn trong ngày hội là Trò đánh cờ, Tiên Cuội, Thuỷ phường, Ngô phường, Lan phường, Lăng Ba Khúc,…

Trò diễn xứ Thanh rất phong phú về thể loại và đa dạng về cách trình diễn. Có nhiều trò mang những nghi lễ phồn thực xa xưa như trò “ Ông Đúc, Bà Đúc”, trò “Tú Huần”; có trò diễn tả những nội dung về việc chống giặc ngoại xâm như “Mài dao bắt cọp”, “Chọi voi”, “Vật cù” hay có trò nói lên những hình ảnh của nghi lễ nông nghiệp như trò “Chèo chải”, “Múa đèn”, cũng có trò chống lại ách áp bức bóc lột của chế độ Phong kiến như trò “Tiên cuội”, “Cóc kiện trời”,…

Tìm hiểu, nghiên cứu, phân tích về Lễ hội truyền thống xứ Thanh cũng như việc tìm hiểu, nghiên cứu, phân tích về loại hình nghệ thuật Diễn xướng và Trò diễn xứ Thanh là một việc làm cần thiết và có giá trị bảo tồn về mặt văn hoá dân gian.

Một phần của tài liệu Âm nhạc trong lễ hội truyền thống của người việt xứ thanh (Trang 37 - 44)