Mối quan hệ về cấu trúc giữa thơ và nhạc

Một phần của tài liệu Âm nhạc trong lễ hội truyền thống của người việt xứ thanh (Trang 72 - 74)

Để tạo nên sự cân đối trong cấu trúc nhạc và sự hài hòa trong âm điệu, các bài ca thường áp dụng những thủ pháp phổ thơ như: Đảo trật tự từ; nhắc lại vần thơ; thêm từ đệm, từ láy,… Điều đó đã tạo nên cốt cách âm nhạc của làn điệu, mang đậm sắc thái địa phương.

Thủ pháp đảo trật tự từ

Dân ca Việt Nam nói chung thường gặp hiện tượng đảo trật tự từ để hoàn thiện câu nhạc, đoạn nhạc. Đối với thể thơ lục bát, thủ pháp đảo trật tự từ được thể hiện bằng cách hát hai hoặc bốn từ sau của câu sáu trước rồi mới theo trình tự hát lại từ đầu cho đến hết câu. Thủ pháp này có thể gặp nhiều trong các bài dân ca xứ Thanh.

Bài “chén muỗi đĩa gừng” do bà Lê Thị Ngơi ở Đông Anh hát có câu thơ: “Tay nâng chén muối đĩa gừng

Gừng cay muối mặn ta đừng quên nhau…

Khi hát câu lục đảo 4 từ cuối lên trước sau đó mới theo trật từ hát từ đầu đến hết câu. Câu hát còn sử dụng các từ đệm phụ để tạo thêm sự mềm mại cho giai điệu.

Thời chén muối đĩa gừng mà tay nâng, tay nâng chén muối đĩa gừng Gừng cay mà muối mặn thời ta đừng nhau quên nhau…

Đảo trật tự từ đã làm mở rộng khuôn khổ của thơ, câu sáu của thể thơ lục bát có thể trở thành mười từ, mười hai từ,... Do được nhắc lại hai lần nên nội

dung của bài ca được nhấn mạnh hơn, đồng thời cấu trúc âm nhạc cũng được mở rộng, tạo nên sự hài hòa cho bài ca.

Thủ pháp lặp lại một từ hay cụm từ

Lặp lại một từ hay một cụm từ cũng là một trong những thủ pháp được sử dụng nhiều. Thủ pháp này không chỉ lặp lại cụm từ mà còn nhắc lại cả nét nhạc chính.

Trò Tiên Cuội có lời thơ như sau: “Xăm xăm tới cội mai già

Hỏi thăm nguyệt lão có nhà hay không…

Khi hát, lời thơ được lặp lại 2 từ đầu và cụm 4 từ sau của câu 8:

“Xăm xăm tới cội ơ mai già; hỏi thăm, hỏi thăm, hỏi thăm nguyệt lão có nhà, có nhà hay không; tờ rang tích tịch có nhà hay không”.

Thủ pháp nhắc lại cả câu thơ

Nhắc lại cả câu thơ cũng được thể hiện rất rõ qua nhiều bài dân ca xứ Thanh.

Bài hát của Trống và Mõ có khổ thơ lục bát. “Vòng vai chữ vị là vì

Chữ dục là muốn, chữ tuỳ là theo...” Khi hát mỗi câu đều được nhắc lại hai lần trở thành:

“Vòng vai chữ vị là vì. Vòng vai chữ vị là vì. Chữ dục a là muốn, ối a, chữ tuỳ là theo. Chữ dục a là muốn, ối a, chữ tuỳ là theo...”

Nhóm các từ phụ mang chức năng bổ nghĩa

Gồm các từ thêm vào thành phần chính của câu thơ nhằm mục đích cụ thể hoá, nhấn mạnh ý thơ, làm nổi bật nội dung, chủ đề và phần nào đó trợ tải ý nhạc. Đối với loại từ phụ 1 tiếng gồm: “a”, “i”, “ơ”, “ư”, “mà”, “thời”,… được sử dụng nhiều nhất là nguyên âm “a”. Các từ phụ có 2 tiếng gồm các

cụm từ: “ôi a”, “ơi a”, “ấy mấy”, “song bên”, “nhưng mà”,… được sử dụng nhiều hơn cả là cụm từ “ôi a”.

Bài Đi gặt (Múa đèn Đông Anh) có những cụm từ đệm trong giai điệu:

“Bao giờ cho lúa bông vàng. Để anh à đi gặt ối a cho nàng mang cơm”

Những làng nằm dọc ven bờ sông Mã còn hình thành nên làn điệu dân ca phản ánh lên đời sống sông nước của họ. Cụm từ “hò… ơ…”, hay “ơ…hò…” thường được cất lên ở đầu câu hát mỗi khi đối đáp với nhau, người trên bờ, người xuôi ngược dưới dòng nước.

Ớ… hò…! Tiếng ai văng vẳng mà bên ớ tai. Hay là trúc lại nhớ mai ớ đi tìm”.

Môi trường sông nước cũng phản ánh rõ nét trong các trò diễn, diễn xướng xứ Thanh. Bài Chèo thuyền trong Chèo chải Thiệu Quang được hát là:

“Thuyền ơ ta đã mắc a ở đây a đã mắc a ở đây. A xin làng a buông ơ lái cầm ơ dây a kéo thuyền”.

Các cụm từ không có nghĩa rõ ràng gồm 3, 4 tiếng ít phổ biến hơn nhưng lại sinh động hơn trong việc trợ tải ý nhạc. Trong Tiên Cuội có cụm từ đệm mô phỏng tiếng của một loại đàn dây gẩy:

Xăm xăm tới cội mai già. Hỏi thăm, hỏi thăm, hỏi thăm nguyệt lão có nhà hay không? Tơ rang tích tịch có nhà hay không?

Các ví dụ trên cho thấy sử dụng thủ pháp dùng từ phụ, nhắc lại từ, cụm từ,… làm cho giai điệu thêm sinh động, đồng thời tạo cho cấu trúc bài ca cân đối hài hoà và được kéo dài hơn so với cấu trúc của thơ.

Một phần của tài liệu Âm nhạc trong lễ hội truyền thống của người việt xứ thanh (Trang 72 - 74)