Chức năng nhạc cụ và kỹ thuật diễn tấu

Một phần của tài liệu Âm nhạc trong lễ hội truyền thống của người việt xứ thanh (Trang 60 - 64)

Theo quan niệm của dân làng, tiếng trống là tín hiệu giao hoà với thần linh, nó tác động vào tâm trí con người làm cho bất cứ ai khi bước chân vào ngưỡng cửa của thế giới siêu nhiên cũng đều có ý thức hướng về những gì thiêng liêng nhất. Tiếng trống khi thúc dục, khi lại trầm bổng như đi vào lòng người, giúp cho mỗi người dân cảm nhận được sự huyền điệu trước tâm thức văn hoá tâm linh.

- Trống cái:

Trong dàn nhạc tế, trống cái có kích thước to nhất, đường kính khoảng 50 - 70 cm. Theo quan niệm dân gian mặt trống có ngũ âm. Đánh vào giữa mặt trống âm thanh kêu to, trầm; đánh vào rìa mặt trống âm thanh chắc nịch; đánh vào tang trống âm thanh đanh, gọn; khi đánh hồi chỉ chạm dìu vào mặt trống tạo nên những tiếng khô, không vang… Âm thanh cơ bản là “tùng” khi đánh vào mặt trống và “cắc” khi đánh vào tang trống. Trống cái giữ vai trò làm hiệu lệnh, báo hiệu bắt đầu cuộc tế, lên tiếng trước bắt nhịp cho toàn dàn nhạc, kết thúc quận trống cũng là tiếng dứt điểm của trống cái. Khi sử dụng, trống được treo bằng dây hoặc đặt trên một giá đỡ.

Trống cái thuộc họ màng rung, chi gõ, âm thanh của trống cái trầm; vang, được xếp ở vị trí bè trầm.

Kỹ thuật diễn tấu cơ bản của trống cái gồm: Đánh vào mặt trống; chạm dùi vào mặt trống; đánh vào tang trống.

- Trống bản:

Trống bản có đường kính khoảng 35 cm, thường giữ vai trò dẫn dắt đường nét chính cho quận trống. Trống bản được khai thác bằng cách đánh vào giữa mặt trống; vào rìa mặt trống;… để tạo nên những âm thanh khác nhau. Gõ vào giữa mặt trống và nhấc dùi ngay âm thanh vang ròn; gõ vào mặt trống nhưng giữ nguyên dùi âm thanh sẽ khô, xỉn; khi dùng hai dùi đánh luân phiên âm thanh sẽ vang rền. Khi đánh kỹ thuật này nghệ nhân còn kết hợp giữa lối đánh

vào mặt trống và đánh vào tang trống để khai thác các âm sắc khác nhau của trống một cách hài hoà.

Trống bản thuộc họ màng rung, chi gõ, thuộc âm vực trung.

Kỹ thuật diễn tấu cơ bản của trống bản gồm: Đánh vào mặt trống; vê (đánh luân phiên vào mặt trống; đánh vào tang trống; đánh rụp hai dùi vào mặt trống.

Theo GS.TS Phạm Minh Khang: Trong các cuộc rước long trọng như rước kiệu Thánh trong ngày hội,… thường dùng 4 trống bản với 1 trống khẩu và một thanh la thành bộ trống “cà rùng”5. Thực tế ở Thanh Hóa, chúng tôi chỉ gặp trống bản với vai trò bè dẫn, phối hợp với tiết tấu của các loại trống khác, ít kết hợp với trống khẩu. Trống khẩu ở Thanh Hóa còn được gọi là trống hiệu, trống dẫn, trống thủ cổ, đảm nhiệm việc dẫn đầu đoàn rước, ra hiệu đi nhanh, chậm hoặc dừng kiệu.

- Trống bong:

Trống bong là loại trống nhỏ, còn có tên gọi là trống Lót, trống Giẳng, trống Chiên, đường kính của trống khoảng 20 cm, cao 5cm. Trống bong chỉ có một mặt, được bịt bằng da bò. Khi diễn tấu nghệ nhân cầm trống bằng tay trái giơ cao ngang ngực và đánh bằng dùi trống nhỏ. Âm thanh cơ bản của trống là tiếng “bong bong’’ (vào mặt trống) và “cắc” (vào tang trống). Trong dàn nhạc trống bong được xếp ở vị trí bè cao, được sử dụng nhiều trong các đoạn lưu không xuyên tâm để thay đổi cho màu sắc âm thanh sáng dần lên.

Trống bong thuộc họ màng rung, chi gõ, có âm vực cao.

Kỹ thuật diễn tấu cơ bản của trống bong gồm: Đánh vào mặt trống; đánh vào tang trống.

- Trống bộc:

5 Trao đổi với GS. TS Phạm Minh Khang ngày 25 tháng 10 năm 2010 tại học viện âm nhạc Quốc gia Việt

Trống bộc còn gọi là trống bọc, trống bục rắc. Là loại trống được bịt một mặt bằng da bò, đường kính khoảng 13 cm, cao 8 cm. Khi chơi cầm bằng tay trái vào tang trống, tay phải cầm dùi. Qua thực tiễn, chúng tôi không thấy trống bộc diễn tấu có diện phổ cập mà chỉ dùng trong dàn bát âm mà thôi.

Trống bộc thuộc họ màng rung, chi gõ, âm vực cao.

Kỹ thuật diễn tấu cơ bản của trống bộc gồm: Đánh vào mặt trống; đánh vào tang trống.

- Nạo bạt:

Nạo bạt là nhạc cụ được đúc bằng đồng, hình thức như chiếc vung nồi có núm ở giữa. Nạo bạt bao giờ cũng dùng một cặp hai chiếc, diễn tấu bằng cách hai tay cầm hai chiếc ở núm để dập hoặc cọ xát vào nhau tạo ra tiếng “xùng, xèng…” thường diễn tấu cùng với tiết tấu của trống bản.

Nạo bạt thuộc họ tự thân vang, chi dập. Âm thanh sắc nhọn, chói.

Kỹ thuật diễn tấu cơ bản của nạo bạt gồm: Dập vào nhau rồi nhấc ra ngay; dập vào nhau rồi giữ nguyên.

- Chiêng:

Chiêng còn gọi là chinh, là nhạc cụ được đúc bằng đồng, đường kính từ 40 - 55 cm. Thường dùng gốc cây dứa dại làm dùi chiêng, có thể thay thế bằng bẹ dừa hoặc dùi gỗ quấn vải. Chiêng được treo trên giá gỗ để chơi cùng dàn nhạc.

Chiêng thuộc họ tự thân vang, chi gõ, âm thanh vang rền. Kỹ thuật diễn tấu cơ bản của chiêng là gõ vào núm chiêng. - Mõ:

Mõ là miếng tre già cong, khi diễn tấu nghệ nhân cầm mõ bằng tay trái, tay phải cầm que mõ gõ vào phát ra tiếng “cốc, cốc,…” nghe đanh và chắc. Mõ và sênh tiền có tiết tấu đơn giản, chủ yếu là giữ nhịp hoặc phách một cách đều đặn, nhưng lại rất quan trọng trong việc tạo nên sự so le giữa các bè.

Mõ thuộc họ tự thân vang, chi gõ, âm vực cao. Kỹ thuật diễn tấu cơ bản của mõ là gõ vào thân mõ. - Thanh la:

Thanh la cũng là một loại nhạc cụ được đúc bằng đồng rất mỏng, đường kính khoảng 25 cm, cũng có hình thức giống như chiếc vung nồi nhưng không có núm ở giữa. Diễn tấu bằng cách dùng dây để treo lên và dùng dùi bằng tre hoặc gỗ để gõ vào. Thanh la ít xuất hiện trong dàn nhạc tế Thành Hoàng Thanh Hóa.

Thanh la thuộc họ tự thân vang, chi gõ. Âm thanh rè, không vang. Kỹ thuật diễn tấu cơ bản là dùng dùi gõ vào thanh la.

Ngoài ra, ở một số dàn nhạc còn có các nhạc cụ thuộc nhóm hơi (kèn, sáo), nhóm dây (nhị, hồ, đàn tứ, đàn nguyệt). Những nhạc cụ này đảm nhiệm vai trò đi giai điệu ở một vài bài (lưu thủy hành khúc, huê tình, dạo cảnh, tẩu mã,…), đệm cho giai điệu đó là trống, mõ, nạo bạt và một số các nhạc cụ khác.

Một phần của tài liệu Âm nhạc trong lễ hội truyền thống của người việt xứ thanh (Trang 60 - 64)