Thanh Hóa có một địa thế khá độc lập về mọi mặt và là gạch nối giữa đàng trong và đàng ngoài nên dễ tiếp nhận các dòng văn hóa khác, đồng thời có sắc tố độc lập cao. Xem xét mối quan hệ giữa thanh điệu và âm điệu sẽ nhận thấy rõ sự tiếp biến đó.
Phát triển giai điệu theo ngữ điệu tiếng nói phổ thông
Để hiểu được những đặc điểm trong dân ca xứ Thanh phải xem xét ở nhiều khía cạnh khác nhau, mà trước hết cần phải so sánh với âm điệu tiếng nói phổ thông chuẩn nhất.
Nghiên cứu mối quan hệ giữa ngữ âm tiếng Việt và giai điệu dân ca, Tú Ngọc đã khẳng định:
Tiếng Việt là loại ngôn ngữ đơn âm và đa thanh. Mỗi vần chữ được phát lên bằng những âm điệu khác nhau, ý nghĩa cũng từ đó mà thay đổi [41, tr.186].
Mỗi âm điệu (mỗi vần chữ) đều vang lên ở bước một, âm điệu trung bình (thanh bằng), và âm điệu này tương đương với một quãng 4 đúng; sang bước hai, đường âm từ âm điệu trung bình tiến về vị trí âm điệu của mình
[41, tr.187].
Ý kiến của PGS. TS Nguyễn Thị Nhung cho rằng:
Mối quan hệ giữa thanh bằng (không dấu) và thanh huyền ( \ ) tạo thành quãng 4 đúng. Nếu lấy thanh bằng làm trung tâm thì những thanh còn lại có thể chia thành hai hướng: vận động đi lên cao hơn thanh bằng, gồm thanh sắc và ngã; vận động đi xuống dưới thanh bằng, gồm thanh hỏi và nặng. [46, tr.43].
Như vậy, các ý kiến đều có sự thống nhất:
- Sự vận động giai điệu thường xoay quanh trục quãng 4 đúng, giữa thanh huyền và thanh không dấu.
- Sự vận động phong phú và đa dạng 6 thanh điệu: Bằng, sắc, huyền, nặng, hỏi, ngã ( - / \ . ? ~ ) đã quy định chữ nghĩa của từng vần rất chặt chẽ.
+ Vị trí âm thanh cao: Thanh sắc (/), thanh ngã (~ ). + Vị trí âm thanh giữa: Thanh bằng (-).
+ Vị trí âm thanh thấp: Thanh huyền (\), thanh nặng (.), thanh hỏi (?).
Quy luật vận động âm điệu giữa các thanh như trên rõ ràng giàu nhạc điệu, một mặt là do dựa trên cơ sở của ngôn ngữ đa thanh, mặt khác còn được hình thành và phát triển một cách phong phú, đa dạng. Đặc diểm này được thể hiện khá rõ qua cơ cấu âm nhạc dân gian Việt Nam, trong đó có âm nhạc dân gian xứ Thanh.
Chẳng hạn như trong bài Cò lả (Dân ca đồng bằng Bắc Bộ) có giai điệu theo hướng chuyển động đi lên rồi đi xuống trên trục quãng 4 (Đô - Pha).
Ví dụ 10: (Trích bài 95, PL4, tr.137)
Hay như trong bài Buông áo em ra (Dân ca Nghệ An) cũng có giai điệu chuyển động trên trục quãng 4 (Rê - Son), là những âm ổn định trong bài hát.
Ví dụ 11: (Trích bài 94, PL4, tr.136)
Dân ca xứ Thanh cũng theo nguyên tắc chuyển động như vậy. Trong bài hát của Trống (trò trống Mõ), khi hát hai chữ “mình” và “đây” đã tuân thủ nguyên tắc giữa thanh huyền và thanh không dấu là một quãng 4 đúng.
Ví dụ 12: (Trích bài 23, PL4, tr.50)
Làn điệu Vãn đường cù, khi hát những từ đệm bằng nguyên âm “a” giai điệu chuyển động đi lên, đi xuống trên trục quãng 4 (Rê - Son).
Ngoài ra, xứ Thanh còn tiếp nhận ở “đàng ngoài” hệ thống dân ca Châu Thổ sông Hồng, bao gồm: Cò lả, Trống Quân, Sa mạc,… được biểu diễn trong một cuộc hát Ghẹo có tổ chức thành phường. Đây là những thể loại tiểu biểu cho sự phát triển giai điệu theo ngữ điệu tiếng nói phổ thông.
Giao thoa thổ âm địa phương nơi tiếp giáp
Là vùng đất có tính trung gian cả trên bình diện môi trường địa lý tự nhiên và cả về phương diện lịch sử văn hóa, xứ Thanh đã có những ảnh hưởng qua lại nhất định về văn hóa của hai vùng này.
GS. TS Phạm Minh Khang nhận định:
Thanh Hoá được coi như một gạch nối giữa đàng trong (từ Nghệ An, Hà Tĩnh trở vào) và đàng ngoài (từ Tam Điệp trở ra). Do đó, đặc tính giọng nói người Thanh Hóa bị chi phối mạnh giữa hai miền là miền Trung và miền Bắc, tạo nên sự “tranh chấp” thổ âm rõ rệt.6
So sánh tương quan độ cao giữa các thanh điệu cho thấy, cách phát âm của người miền Bắc nghe rạch ròi, khúc triết còn người miền Trung nghe ngang ngang, nằng nặng. Đối với người miền Trung, thanh hỏi và thanh ngã (? và ~ ) được phát âm ở cùng một âm khu thấp, thanh sắc ( /) thấp hơn thanh bằng. Các dấu sắc và dấu ngã không kéo dài và vuốt lên như người miền Bắc mà luôn bị co ngắn và ngắt. Hiện tượng đó phá vỡ quy luật dấu giọng giữa các thanh theo tiếng phổ thông người Việt.
Địa thế Thanh Hóa giáp danh với Nghệ An nên hiện tượng giao thoa thổ ngữ địa phương đã đi vào âm nhạc dân gian từ những ngày xa xưa.
Trong Làn điệu than của Tống Chân có câu “chàng mang đến sao chàng nỏ biết”. Từ “nỏ” ở đây là thổ ngữ miền Trung (Nghệ An) lại xuất hiện trong
6 Trao đổi với GS. TS Phạm Minh Khang ngày 25 tháng 10 năm 2010 tại học viện âm nhạc Quốc gia Việt
âm nhạc dân gian xứ Thanh là một hiện tượng khá thú vị. (Xem Bài 37, PL4, tr,67)
Hiện tượng hò Ghẹo mang âm hưởng miền Trung cũng khá phổ biến dọc bờ sông Mã. Những từ có thanh hỏi không được hất từ dưới lên mà đi nhẹ từ trên xuống giống thanh nặng; thanh huyền được hát ở vị trí thanh không, đó là cách phát âm của vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. (Xem bài 1, PL4, tr.32)
Âm điệu mang dấu ấn thổ ngữ địa phương
Theo quy luật thì giọng nói ở nơi nào thì mang theo dấu giọng ở vùng ấy, vì vậy, dân ca vùng nào thì cũng mang dấu ấn ngữ điệu của vùng ấy. Đặc tính giọng nói của người xứ Thanh đã chi phối mạnh mẽ âm điệu dân ca Thanh Hoá. Những âm điệu đặc trưng không lẫn lộn với các vùng khác, đặc biệt là phát âm ở thanh hỏi và thanh ngã (? và ~) thường bị lẫn lộn. Khi nói "bản nhạc" người Thanh Hoá sẽ nói thành" “bãn nhạc" , "ở đâu" thành “ỡ đâu”... Đối với dấu ngã (~) lại phát âm như dấu hỏi. Khi nói "chiến sĩ" sẽ thành "chiến sỉ", "vẻ đẹp" thành "vẽ đẹp",... Qua tìm hiểu và nghiên cứu chúng tôi nhận thấy, ngôn ngữ Thanh Hóa không chỉ giao tiếp trong đời sống thường ngày, mà còn len lỏi vào các làn điệu dân ca.
Ví dụ 14: (Trích bài 66, PL4, tr.96)
Bài hát có từ “mở” thành “mỡ”, “cửa” thành “cữa”, “thủy” thành “thũy”.
Ví dụ 15: (Trích bài 22, PL4, tr.49)
“Cưỡng âm” làm đảo lộn dấu giọng
Cũng như những thể loại dân ca của các vùng miền khác, ta còn gặp hiện tượng "cưỡng âm" làm đảo lộn dấu giọng. Hiện tượng đó là do trong dân gian có thói quen chú trọng tới giai điệu hơn nên đôi khi lời hát không phù hợp với nét nhạc, thậm chí còn làm sai lạc cả ngữ nghĩa của từ.
Ví dụ 16: (Trích bài 12, PL4, tr.43)
Như vậy, trong quá trình phổ nhạc nhìn chung có các khuynh hướng: phổ thơ trên các thể thơ cổ truyền, có sử dụng các thủ pháp khác nhau để hoàn thiện cấu trúc nhạc; tiết nhịp - tiết tấu khá mạch lạc, rõ ràng, một số ít được phát triển theo hướng tự do; quan hệ giữa thanh điệu và âm điệu có sự tương ứng với sự vận động giai điệu tiếng nói phổ thông, bên cạnh đó là hiện tuợng mang nặng dấu ấn thổ ngữ địa phương và sự giao thoa thổ âm nơi tiếp giáp vùng miền.
3.2.2. Thang âm
Âm nhạc dân gian của người Việt xứ Thanh có vận dụng một cách nhuần nhuyễn hệ thống ngũ cung lâu đời của dân tộc Việt Nam. Để tiện cho quá trình phân tích và tìm hiểu, chúng tôi xin được thống nhất một số thuật ngữ, ký hiệu như sau:
Nhóm các dạng thang 5 âm:
Thang 5 âm loại 1 (điệu Bắc):
c - d - f - g - a - (c2) (trong nhạc cổ gọi là cung Bắc giọng đô) Tên gọi dân gian: Hò - xự - sang - xê - cống - (líu)
Thang 5 âm loại 2 (điệu Nam):
c - eb - f - g - hb - (c2) (trong nhạc cổ gọi là cung Nam giọng đô) Tên gọi dân gian: Hò - xừ - xang - xê - phan - (líu)
Thang 5 âm loại 3 (điệu Xuân):
c - d - f - g - hb - (c2) (trong nhạc cổ gọi là cung Nao giọng đô) Tên gọi dân gian: Hò - xừ - xang - xê - phan - (liu)
Thang 5 âm loại 4 (điệu Oán):
c - eb - f - g - a - (c2)
Tên gọi dân gian: Hò - xự - xang - xê - cống - (líu)
Thang 5 âm loại 5 (điệu Cung):
c - d - e - g - a - (c2) (trong nhạc cổ gọi là cung Huỳnh giọng đô) Tên gọi dân gian: Hò - xự - xư - xê - cống - (líu)
Nhóm các dạng thang âm dưới 5 âm:
Thang 4 âm:
Thang 4 âm loại 1: c - d - f - g Thang 4 âm loại 2: c - eb - f - g Thang 4 âm loại 3: c - eb - f - ab
Thang 3 âm:
Thang 3 âm loại 1: c - d - f Thang 3 âm loại 2: c - d - g Thang 3 âm loại 3: c - f - g Thang 3 âm loại 4: c - f - a Thang 3 âm loại 5: c - e - gb