I. Đặc điểm của thị trường trong nước và quá trình phát triển thị trường nộ
2. Đặc điểm của thị trường nội địa nước ta thời kỳ sau 1986 tới nay
2.7. Phát triển được một đội ngũ thương nhân đông đảo và đa dạng
Thương nghiệp quốc doanh (TNQD) qua mấy năm chao đảo (1988-1990), từng bước vươn lên, thích ứng với cơ chế mới, được tạo điều kiện để sắp xếp, tổ chức lại nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh. Nhiều DNNN đã quan tâm hơn đến việc mở rộng và củng cố mạng lưới kinh doanh theo các kênh phân phối và tiêu thụ hàng hóa, đổi mới phương thức hoạt động, phát triển kinh doanh và mở rộng thị phần ở thị trường nội địa, đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế và chế biến nông sản, sản xuất hàng xuất khẩu ở miền núi, về cơ bản đã thể hiện được vai trò nòng cốt ở những mặt hàng trọng yếu, ở những khâu và lĩnh vực then chốt như xăng dầu, xi măng, sắt thép, phân bón...
Các HTXTM đã thoát khỏi tình trạng tan rã hàng loạt, từng bước được chuyển đổi, củng cố và phát triển. Đến năm 2004, các HTXTM thuộc diện chuyển đổi đã chuyển đổi xong theo Luật HTX. Từ khi có Luật HTX (1986) đến nay, đã có gần 300 HTXTM thành lập mới. Tuy tốc độ phát triển còn chậm nhưng kinh tế tập thể (chủ yếu là các HTXTM) tiếp tục duy trì được sản xuất, kinh doanh và đang từng bước phát triển theo mô hình HTX kiểu mới như mô hình gắn dịch vụ nông nghiệp với thương mại, mô hình HTX dịch vụ trong trường học, mô hình HTX kinh doanh và quản lý chợ v.v... Nhờ chủ động khai thác nguồn hàng, nắm bắt kịp thời nhu cầu thị trường, kết hợp buôn bán với đầu tư sản xuất và triển khai nhiều hoạt động dịch vụ nên số HTX và Liên hiệp HTXTM kinh doanh có hiệu quả ngày càng tăng. Hiện tại, cả nước có 16.899 HTX, Liên hiệp HTX, trong đó có 548 HTX Thương mại-dịch vụ, ngoài ra, hoạt động thương mại còn được thực hiện ở nhiều HTX trong các ngành khác, nhất là các HTXNN (trong số 9.313 HTXNN, có 25% HTX hoạt động chế biến nông sản, 10% tiêu thụ sản phẩm và 40% HTX cung ứng vật tư phục vụ sản xuất.
Nhờ chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, cơ chế thị trường cộng với quyền tự do kinh doanh những mặt hàng, dịch vụ Nhà nước không cấm đã thực sự kích thích sự sáng tạo và khai thác được nguồn lực của
46
kinh tế tư nhân để phát triển kinh tế nói chung, phát triển thương mại nói riêng. Thương mại tư nhân dưới hình thức công ty, cá nhân, hộ kinh doanh cá thể phát triển nhanh, nhất là từ khi Nhà nước ban hành Luật Doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư bản nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được xác lập, phát triển và hoạt động có kết quả. Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, năm 1986 số lượng xí nghiệp tư nhân gần như không có, chỉ một năm sau khi Luật Công ty ra đời, đã có 47 công ty được thành lập. Đến tháng 12/1993 có 8.334 xí nghiệp tư nhân, 3.287 công ty TNHH, 117 công ty cổ phần, thu hút gần nửa triệu lao động, tổng số vốn lên tới 3.979 tỷ đồng. Theo số liệu của Bộ KH và ĐT, tính đến cuối năm 2004, cả nước có 150.000 doanh nghiệp thuộc sở hữu tư nhân, trong đó, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ chiếm từ 50-70%. Ngoài ra, còn có hơn 17.000 chi nhánh, văn phòng đại diện và gần 3 triệu hộ kinh doanh cá thể trên phạm vi cả nước. Sự phát triển của thương mại tư nhân đã tạo ra khá nhiều việc làm và tăng thu nhập cho một bộ phận dân cư, góp phần không nhỏ vào việc cung ứng vật tư phục vụ sản xuất, hàng tiêu dùng phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân và tiêu thụ nông sản hàng hoá. Tuy vậy nhưng, thương nhân tuy đông nhưng chưa mạnh, năng lực và vị thế của đa số các doanh nghiệp còn yếu: Đa số doanh nghiệp thương mại thuộc loại doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn ít, mạng lưới cơ sở vật chất - kỹ thuật nhỏ bé và nghèo nàn, công nghệ quản lý, kinh doanh lạc hậu và thiếu các chiến lược phát triển kinh doanh. Thương nghiệp quốc doanh chưa làm tốt chức năng điều hoà cung – cầu và điều tiết giá cả những mặt hàng trọng yếu; phần lớn các hoạt động mua bán trực tiếp với nông dân ở thị trường nông thôn đều do các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh đảm nhiệm. Điểm yếu nhất của DNNN nói chung, thương nghiệp quốc doanh nói riêng là hiệu quả hoạt động nhìn chung còn thấp, chưa tương xứng với quy mô vốn và lao động, cũng như yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước. Còn khá nhiều đơn vị thương nghiệp quốc doanh kinh doanh thua lỗ, không ít cơ sở bị tư nhân lợi dụng để làm ăn phi pháp. HTXTM do thực lực yếu nên đã xảy ra tình trạng tan rã hàng loạt trong giai đoạn từ 1989 - 1995. Sau khi có Luật HTX (1996), tuy đã được củng cố và có bước phát triển nhưng nhiều HTXTM vẫn lúng túng về phương thức và nội dung hoạt động, vai trò còn mờ nhạt. Doanh nghiệp thương mại tư nhân tuy đông nhưng đa số là qui mô nhỏ, nguồn lực yếu, khả năng cạnh tranh kém, khó có thể đầu tư hoặc liên doanh liên kết để triển khai các phương án kinh doanh lớn hoặc mở rộng mạng lưới
47
kinh doanh. Nhiều người có vốn lớn nhưng chưa mạnh dạn đầu tư, vì chưa thực sự tin vào sự ổn định của chính sách. Trong khi nhiều doanh nghiệp tư nhân có đóng góp tích cực và làm giàu chính đáng, vẫn còn một bộ phận hoạt động phi pháp, lừa đảo, trốn lậu thuế ...