III. Một số vấn đề liên quan đến phát triển thị trường nội địa ở nước ta thờ
3. Phát triển hệ thống phân phối tạo điều kiện cho thương mại phát triển
Cho đến tháng 3 năm 2005, nước ta đã có cam kết về mở cửa thị trường phân phối cho hai nước là Mỹ (BTA) và Nhật Bản (Hiệp định bảo hộ và xúc tiến đầu tư Việt-Nhật), Việt Nam cũng đang tiến hành đàm phán về mở cửa thị trường phân phối trong khuôn khổ đàm phán gia nhập WTO và trong 1-2 năm tới, nước ta cũng sẽ tham gia đàm phán về dịch vụ phân phối trong khuôn khổ các Khu vực mậu dịch tự do ASEAN với các đối tác (ASEAN Cộng).
Phạm vi cam kết trong Hiệp định thương mại Việt Mỹ (BTA) (có hiệu lực từ ngày 10/12/2001) về dịch vụ phân phối bao gồm 4 phân ngành chính của dịch vụ phân phối là bán buôn, bán lẻ, đại lý và nhượng quyền thương mại.
Trong BTA, Việt Nam không cam kết về việc pháp nhân Mỹ được mở đại lý phân phối, dịch vụ nhượng quyền thương mại thực hiện cam kết theo tiến trình xây dựng pháp luật và quy định về nhượng quyền thương mại trong nước.
Đến thời điểm này, có thể nói mức độ cam kết về dịch vụ phân phối dành cho các nhà đầu tư Nhật Bản trong Hiệp định bảo hộ và xúc tiến đầu tư Việt Nhật của nước ta là cao nhất, thậm chí còn cao hơn cam kết trong BTA. 3 mức vốn cam kết là 49%, hơn 49% và 100% sẽ được cho phép vào thời điểm Việt Nam cho phép bất kỳ nhà đầu tư của nước thứ 3 nào hoặc thời điểm cam kết của Việt Nam với bất kỳ nước thứ 3 nào có hiệu lực, tùy thời điểm nào diễn ra trước.
77
Điều này đồng nghĩa với việc các nhà phân phối Nhật hiện nay được phép vào Việt Nam với sự đối xử tương đương như với các Tập đoàn phân phối Pháp, Đức, Malaysia đã vào Việt Nam. Danh mục loại trừ bao gồm dầu mỏ, sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, phân bón, thuốc trừ sâu, bia, rượu, thuốc lá điếu và xì gà, dược phẩm, kim loại và đá quý, chất nổ, gạo và bột mỳ (tổng cộng chỉ có 13 mặt hàng thấp hơn số lượng 18 mặt hàng loại trừ hoàn toàn trong BTA)
Như vậy, với các cam kết quốc tế, Việt Nam sẽ từng bước mở cửa thị trường dịch vụ phân phối cho các nước, trước hết là Mỹ và Nhật Bản, sau đó là các thành viên khác của WTO (sau khi gia nhập). Mặc dù hiện nay ta chưa trở thành thành viên WTO, nhưng toàn cảnh về hệ thống phân phối trong nước đã rất sôi động, nổi bật là sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nhà phân phối nước ngoài.
Thời gian gần đây đã xuất hiện một làn sóng các nhà phân phối nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam-một thị trường năng động, dân số đông và trẻ hứa hẹn nhu cầu tiêu dùng lớn. Và cuộc đua kiểm soát kênh phân phối giữa các nhà phân phối trong và ngoài nước đã bắt đầu nhen nhóm và đã nổi lên trên hai lĩnh vực: dược phẩm và hàng tiêu dùng.
Phân phối qua mạng cũng đang thu hút được sự quan tâm vì những tiện ích đáng kể của nó. Hiện nay ở Việt Nam đang có một làn sóng phân phối trực tuyến vừa chính thức vừa ngầm nhưng rất mạnh mẽ, có vô số trang web tiếng Việt khác nhau thực hiện các giao dịch trên mạng.
Nhượng quyền thương mại (franchising) cũng có nhiều tiềm năng phát triển với Trung Nguyên và Kinh Đô là 2 nhà tiên phong, mặc dù các nhà kinh doanh trong nước cũng chưa nhận thức được đầy đủ tính hai mặt của hình thức phân phối này.
Nhìn chung, đối với những loại hình phân phối hiện đại, hiển nhiên đây là một thế mạnh của các nhà phân phối nước ngoài. Gần đây, tuy các nhà phân phối Việt Nam có nhiều động thái củng cố lại hệ thống của mình để chống lại áp lực cạnh tranh từ các nhà phân phối nước ngoài, nhưng đây có thể là một cuộc đua không cân sức vì các tập đoàn phân phối nước ngoài đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm kinh doanh trên thị trường các nước đang phát triển, nguồn vốn rất lớn; họ lại tiến hành các hoạt động nghiên cứu thị trường, tổ chức kinh doanh, thậm chí vận động hành lang rất bài bản và đưa ra giá bán buôn thấp hơn nhiều
78
so với các nhà bán buôn trong nước, các dịch vụ bán hàng thuận tiện và các chương trình khuyến mại hấp dẫn.
Việc thu hút số lượng lớn các khách hàng của các siêu thị và trung tâm thương mại có thể dẫn đến tình trạng phá sản dây chuyền của hàng triệu hộ cá thể buôn bán nhỏ lẻ, đe dọa đời sống của người dân. Sự mở rộng của hệ thống các siêu thị có thể dẫn tới các vấn đề về môi trường vì siêu thị là nơi tập trung các phương tiện đi lại của người dân nhất là vào các dịp cuối tuần. Sự phụ thuộc vào các Tập đoàn phân phối nước ngoài cũng có thể sẽ phải trả một giá đắt vì nó đe dọa cuộc sống của người nông dân và các hộ buôn bán nhỏ. Các siêu thị thường đưa ra các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và chất lượng rất cao đối với người nông dân, nếu đáp ứng thì họ sẽ mua với khối lượng khổng lồ. Để đáp ứng được yêu cầu rất cao của các siêu thị, người nông dân phải đầu tư máy móc thiết bị, giống, phương pháp canh tác, nhưng họ lại không có vốn và phải đi vay ngân hàng, nếu các nhà phân phối nước ngoài không mua hàng, họ sẽ bị rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất. Điều này không dễ dàng gì so với trước đó khi họ chỉ phải chuyển tất cả các nông sản làm ra với các hình thức khác nhau tới các chợ. Đối với hàng gia dụng và trang trí là mặt hàng có thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam, các tập đoàn phân phối nước ngoài thường áp dụng mức giá cao trong các đơn đặt hàng các sản phẩm gia công đồng thời cũng đặt ra các quy định ngặt nghèo về thời hạn giao hàng, sử dụng lao động, nguồn nguyên vật liệu, đổi mới công nghệ. Có đối tác lo đầu ra, các doanh nghiệp nhỏ chỉ phải tập trung sản xuất, không phải lo các khâu bao bì, thiết kế, makerting, xây dựng hệ thống phân phối và tạo dựng thương hiệu nên họ rất ham. Lúc đầu, các nhà sản xuất ăn theo còn ăn nên làm ra, nhưng sau đó, phía nước ngoài càng giảm giá đặt hàng, các nhà sản xuất trong nước bị lỗ nặng. Tiền vốn đổi mới công nghệ theo yêu cầu của nhà phân phối nước ngoài lại là vay của ngân hàng, không bán được hàng nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản. Với vốn đầu tư lớn, mặt bằng kinh doanh rộng, hệ thống quản lý bán hàng, lưu kho, vận chuyển có tính ưu việt, các khâu logistics được thực hiện với độ chuyên nghiệp cao hơn hẳn các doanh nghiệp trong nước; các tập đoàn phân phối nước ngoài sẽ dần khống chế hệ thống phân phối nội địa.
Tuy nhiên, việc tham gia của các tập đoàn phân phối quốc tế lớn trên thị trường Việt Nam cũng mang lại một số lợi ích. Sự xuất hiện của các đại siêu thị góp phần vào việc giải quyết tình trạng lao động trình độ trung bình dư thừa ở
79
các thành phố lớn. Đặc biệt là ngành bán lẻ là một ngành tuyển dụng rất nhiều lao động nên có thể giảm bớt gánh nặng về công ăn việc làm cho chính quyền địa phương. Ngươi tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ các chương trình khuyến mại, được sử dụng hàng hóa có chất lượng ổn định, đảm bảo vệ sinh an toàn, các nhà phân phối trong nước có thể học hỏi được các kinh nghiệm quản lý điều hành tiên tiến từ nước ngoài.
Có thể nói, ngành phân phối là ngành rất nhạy cảm trong nền kinh tế nước ta vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người bán hàng và hàng chục triệu người tiêu dùng, đặc biệt là hệ thống phân phối của một số mặt hàng thiết yếu. Ngay cả một số quốc gia có trình độ phát triển kinh tế cao như Nhật Bản, Ấn Độ cũng có xu hướng bảo hộ ngành phân phối của mình rất chặt chẽ. Ví dụ, hệ thống phân phối ở Nhật Bản được tổ chức theo kiểu khép kín giữa nhà sản xuất và các nhà bán buôn bán lẻ và có xu hướng bài ngoại, hàng hóa Nhật Bản xuất hiện khắp nơi trên thế giới nhưng hàng của các nước khác rất khó khăn để có thể len chân vào hệ thống phân phối của Nhật Bản. Mô hình quản lý hệ thống phân phối của các nước này có những ưu điểm mà ta có thể học tập vận dụng một cách chọn lọc.
Ở trong nước, tốc độ tăng chóng mặt của chỉ số giá tiêu dùng kể từ đầu năm 2004 đến nay do có “đóng góp” của các “dịch sốt giá” của các mặt hàng nhạy cảm như thép xây dựng, xi măng, dược phẩm, thực phẩm đã đánh động các cơ quan chức năng cũng như Chính phủ. Các Bộ chuyên ngành, các Tổng công ty đã có nhiều động thái tích cực để xốc lại hệ thống phân phối nhằm bình ổn giá. Gần đây, Chính phủ còn có những biện pháp mạnh, kể cả đưa ra chế tài kỷ luật Lãnh đạo các Tổng Công ty phụ trách các mặt hàng thiết yếu, nhưng đây mới chỉ là các biện pháp tình thế vì chính các Tổng Công ty này cũng chưa thể kiểm soát được hệ thống phân phối của mình. Bộ Thương mại cũng đã tổ chức một số hội thảo, tọa đàm nhằm tìm biện pháp tổ chức lại hệ thống phân phối trong nước, tuy nhiên kết quả đạt được chưa rõ. Trên nguyên tắc, trong nền kinh tế hàng hóa, Nhà nước không thể quản lý hệ thống phân phối bằng các mệnh lệnh hành chính. Trước mắt, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tạo ra một môi trường pháp lý công bằng, tạo điều kiện cho các nhà phân phối thuộc mọi thành phần kinh tế (trong đó có tư nhân và đầu tư nước ngoài) hoạt động kinh doanh có hiệu quả, tránh tình trạng xuất hiện những nhà phân phối độc quyền cả trong nước và nước ngoài thao túng, lũng đoạn thị trường. Ngoài ra, Nhà nước cũng
80
cần có một số ưu đãi về cho thuê đất, thuế ... để hỗ trợ cho các nhà phân phối trong nước, nắm cổ phần chi phối trong hệ thống phân phối của các mặt hàng thiết yếu với đời sống xã hội như xi măng, sắt thép, xăng dầu, dược phẩm, ... Các doanh nghiệp vừa nhỏ vốn chiếm đa số trong số các doanh nghiệp nước ta cần hoạch định chính sách phân phối tự chủ, không nên chỉ phụ thuộc vào một nhà phân phối nước ngoài để phân tán rủi ro.
4. Phát triển hệ thống hợp tác xã thương mại
Kinh tế hợp tác là sản phẩm tất yếu của sản xuất hàng hoá, sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường yêu cầu những người lao động riêng lẻ phải liên kết, hợp tác với nhau để tồn tại và phát triển. Phát triển kinh tế tập thể là con đường giải quyết mâu thuẫn giữa sản xuất nhỏ, manh mún và sản xuất hàng hoá lớn trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Kinh tế tập thể là hình thức tổ chức kinh tế mang tính xã hội hoá cao hơn kinh tế cá thể, hộ gia đình, là nhân tố quan trọng để xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, giáo dục ý thức tập thể và đoàn kết cộng đồng.
Hợp tác xã là hình thức tổ chức kinh tế quan trọng để người lao động, hộ xã viên tiếp nhận sự hỗ trợ của Nhà nước, liên kết với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, thực hiện liên minh công nông.
Quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và các chính sách khuyến khích phát triển HTXTM ở nước ta đã có tác động mạnh đến sự đổi mới tổ chức vµ nội dung hoạt động của các HTXTM. Sau khi có Luật Hợp tác xã năm 1996, nhiều HTXTM được chuyển đổi và thành lập mới, bước đầu đã có những chuyển biến phù hợp với cơ chế thị trường, hoạt động của chúng đã góp phần hỗ trợ sự phát triển của kinh tế hộ và kinh tế trang trại ở nông thôn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, trước sức ép cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ và yêu cầu phát triển nền kinh tế hàng hoá theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, quan niệm thương mại khong chỉ hạn hẹp trong phạm vi những quan hệ mua bán hàng hoá. Ngày nay, với sự phát triển của các loại hình dịch vụ và hoạt động cung cấp dịch vụ vì mục tiêu sinh lời, hoạt động đầu tư, mua bán bản quyền và chuyển giao công nghệ, người ta quan niệm rằng tất cả các hoạt động và giao dịch được thực hiện trên thị trường vì mục tiêu sinh lời đều được coi là hoạt động thương mại, thuộc nội hàm của khái niệm thương mại. HTXTM với qui mô còn nhỏ bé, trình độ sản xuất còn lạc hậu, năng lực
81
kinh doanh và khả năng tiếp cận thị trường thấp đang bộc lộ nhiều hạn chế trước những thách thức mới.
Thời kỳ trước năm 1997
Trước khi có Luật HTX, ở nước ta có HTX mua bán ở nông thôn và HTX tiêu thụ ở thành thị (sau đây gọi chung là HTXMB). Cơ sở đầu tiên được thành lập tại huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ vào tháng 3 năm 1955. Đến năm 1958 đã phát triển ra toàn miền Bắc, mỗi huyện một HTX hoạt động trên địa bàn cả huyện. Năm 1962, theo chủ trương của Đảng và Chính phủ, mỗi xã thành lập một HTX, chỉ trong vòng hơn một năm hầu hết các xã đều thành lập HTX (trừ một số rất ít xã vùng sâu vùng xa).
Sau năm 1975, đất nước thống nhất, phong trào HTXMB được nhân rộng ra tất cả các xã, phường trong cả nước.
Năm 1988 là thời điểm phát triển nhất, cả nước có 9.300 HTXMB xã phường với 20,5 triệu xã viên, có 30.000 cửa hàng bán lẻ hàng công nghệ phẩm và thu mua hàng nông sản thực phẩm của xã viên ở khắp các vùng miền trong cả nước.
Cùng với việc thành lập các HTXMB xã, phường đã hình thành 360 đơn vị kinh doanh của các HTXMB huyện, quận; 25 đơn vị kinh doanh của các HTXMB tỉnh, thành phố. MTXMB trung ương có 3 công ty kinh doanh đặt ở 3 miền. Các đơn vị từ huyện trở lên có nhiệm vụ kinh doanh để hỗ trợ cho các HTXMB xã, phường.
Hình thành và phát triển trong điều kiện kinh tế kế hoạch hoá tËp trung, với hệ thống tổ chức quản lý kinh doanh từ trung ương đến xã phường, các HTXMB đã có vị trí rất quan trọng trong việc phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân lúc đó, góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ của các HTXMB trong những năm kinh doanh khá chiếm từ 10 đến 15% tổng mức bán lẻ thị trường xã hội; 20 đến 30% tổng mức bán lẻ thị trường nông thôn.
Từ khi nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhiều HTXMB không chuyển biến kịp thời, không thích ứng với tình hình mới nên đã có hàng ngàn cơ sở bị ngừng hoạt động và giải thể. Năm 1990 chỉ còn 3.000 HTXMB xã, phường; năm 1994 còn 403; năm 1996 còn trên 300. Trước đây, mỗi xã phường có một HTXMB thì đến nay nhiều huyện thị không còn HTXMB. Tỷ trọng bán lẻ cũng giảm sút nhanh
82
chóng. Năm 1989 chỉ còn 2,7%; năm 1992 chỉ còn 1% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa¸ xã hội và một vài năm sau còn giảm sút hơn nữa. Trong thời kỳ này, hoạt động quản lý nhà nước đối với các HTX gặp nhiều khó khăn.
Tuy vậy, đã có hàng trăm HTXMB và một số liên hiệp HTXMB đã mạnh dạn đổi mới tổ chức phương thức kinh doanh, đổi mới công tác quản lý, mạnh dạn đầu tư vốn, bám sát nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, đổi mới thái độ và phong cách phục vụ khách hàng, vì vậy đã đứng vững trong môi trường cạnh tranh và ngày càng phát triển về phạm vi, quy mô, hiệu quả hoạt động kinh