Khái quát về tư duy

Một phần của tài liệu Thiết kế và tổ chức một số trò chơi học tập trong môn luyện từ và câu nhằm phát triển tư duy ngôn ngữ cho học sinh lớp 3 (Trang 48 - 51)

7. Cấu trúc khóa luận

1.1.3.1.Khái quát về tư duy

a. Khái niệm về tư duy

Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về tư duy:

Trong thực tiễn cuộc sống, có rất nhiều cái mà ta chưa biết, chưa hiểu. Song, để làm chủ được thực tiễn, con người cần phải hiểu thấu đáo những cái chưa biết đó, phải vạch ra cái bản chất, mối quan hệ,liên hệ có tính quy luật của chúng. Quá trình đó gọi là tư duy.

Tư duy là môt quá trình tâm lí phản ánh những thuộc tính bản chất, những mối liên hệ và quan hệ có tính chất quy luật của sự vật, hiện tượng trong hiện thực khách quan mà trước đó ta chưa biết. [16,Tr.79]

Tư duy là một mức độ nhận thức mới về chất so với tri giác và cảm giác. Khác với cảm giác và tri giác, tư duy phản ảnh những thuộc tính bên trong, bản chất, những mối liên hệ, quan hệ có tính quy luật của sự vật, hiện tượng. Quá trình phản ánh này mang tính gián tiếp và khái quát nảy sinh trên cơ sở hoạt động thực tiễn, từ sự nhận thức cảm tính nhưng vượt xa giới hạn của nhận thức cảm tính.

b. Đặc điểm của tư duy

Theo như tâm lí học, tư duy mang 5 đặc điểm sau: - Tính “ có vấn đề” của tư duy

Không phải hoàn cảnh nào tư duy cũng xuất hiện. Trên thực tế, tư duy chỉ xuất hiện khi gặp những hoàn cảnh, tình huống “có vấn đề”. Tức là những tình huống chứa đựng mục đích, vấn đề mới mà những hiểu biết cũ, phương pháp và hành động cũ tuy là còn cần thiết nhưng không đủ để giải quyết. Muốn giải quyết vấn đề mới, đạt được mục đích mới buộc con người phải tìm ra cách giải quyết mới tức là con người phải tư duy. Những hoàn cảnh, tình huống có vấn đề sẽ kích thích con người tư duy.

- Tính gián tiếp của tư duy

Tính gián tiếp của tư duy trước hết ở việc con người sử dụng ngôn ngữ để tư duy. Nhờ ngôn ngữ mà con người sử dụng các kết quả nhận thức ( quy tắc, khái niệm, công thức...) vào quá trình tư duy ( phân tích, tổng hợp, khái quát...) để nhận thức được cái bản chất của chính sự vật, hiện tượng.

- Tính trừu tượng và khái quát của tư duy

Khác với nhận thức cảm tính, tư duy không phản ánh sự vật, hiện tượng một cách cụ thể, riêng lẻ. Tư duy có khả năng thoát khỏi sự vật hiện tượng những thuộc tính, những dấu hiệu cá biệt, cụ thể, chỉ giữ lại những thuộc tính bản chất chung

cho nhiều sự vật hiện tượng. Trên cơ sở đó khái quát những sự vật hiện tượng riêng lẻ, nhưng có những thuộc tính bản chất chung thành một nhóm, một loại, một phạm trù.

- Tư duy quan hệ chặt chẽ với ngôn ngữ

Tư duy không thể tồn tại bên ngoài ngôn ngữ được, ngược lại ngôn ngữ cũng không thể tồn tại bên ngoài tư duy. Tư duy và ngôn ngữ thống nhất với nhau nhưng không đồng nhất và tách rời nhau đó là mối quan hệ giữa nội dung và hình thức.

- Tính chất lí tính của tư duy

Chỉ có tư duy con người mới phản ánh được bản chất của sự việc hiện tượng, những mối liên hệ và quan hệ có tính quy luật của chúng, bởi vì chỉ tư duy mới có thể vượt qua được những giới hạn trực quan, cụ thể của nhận thức cảm tính. Nhưng như thế không có nghĩa là cứ tư duy là phản ánh đúng đắn, sâu sắc sự vật, hiện tượng. Tư duy có phản ánh đúng hay không là còn tùy thuộc vào chiến thuật và phương pháp tư duy.

- Tư duy có quan hệ mật thiết với nhận thức cảm tính

Mối quan hệ này là mối quan hệ qua lại hai chiều, tư duy được tiến hành trên cơ sở những tài liệu do nhận thức cảm tính cung cấp, tính đúng đắn của các kết quả tư duy được kiểm tra bằng thực tiễn, dưới hình thức trực quan. Ngược lại, tư duy và những kết quả của nó ảnh hưởng đến các quá trình nhận thức cảm tính.

c. Phẩm chất của tư duy

Tư duy có những phẩm chất sau:

* Tính định hướng: thể hiện ở ý thức nhanh chóng và chính xác đối tượng cần lĩnh hội, mục đích phải đạt và con đường tối ưu để đạt mục đích đó.

* Bề rộng: thể hiện có khả năng vận dụng, nghiên cứu các đối tượng khác. * Độ sâu: thể hiện ở khả năng nắm vững ngày càng sâu sắc bản chất của sự vật, hiện tượng.

* Tính linh hoạt: thể hiện ở sự nhạy bén trong việc vận dụng những tri thức và cách thức hành động vào các tình huống khác nhau một cách sáng tạo.

* Tính mềm dẻo: thể hiện ở hoạt động tư duy được tiến hành theo các hướng xuôi và ngược chiều.

* Tính độc lập: thể hiện ở chỗ tự bản thân phát hiện được vấn đề, đề xuất ra cách giải quyết và tự giải quyết vấn đề.

* Tính khái quát: thể hiện ở chỗ khi giải quyết mỗi loại nhiệm vụ sẽ đưa ra mô hình khái quát. Từ mô hình khái quát này có thể vận dụng để giải quyết các vấn đề cùng loại.

Một phần của tài liệu Thiết kế và tổ chức một số trò chơi học tập trong môn luyện từ và câu nhằm phát triển tư duy ngôn ngữ cho học sinh lớp 3 (Trang 48 - 51)