7. Cấu trúc khóa luận
1.1.4.2. Nhiệm vụ của dạy học Luyện từ và câu ở tiểu học
a. Về mặt luyện từ
Phân môn này có nhiệm vụ tổ chức cho HS thực hành làm giàu vốn từ, cụ thể:
- Chính xác hóa vốn từ (dạy nghĩa từ): là giúp HS có thêm những từ mới, những nghĩa mới của từ đã học, thấy được tính nhiều nghĩa và sự chuyển nghĩa của từ.
- Hệ thống hóa vốn từ (trật tự hóa vốn từ): giúp HS sắp xếp các từ thành một trật tự nhất định trong trí nhớ của mình để có thể ghi nhớ từ nhanh, nhiều và tạo ra được tính thường trực của từ.
- Tích cực hóa vốn từ (luyện tập sử dụng từ): giúp HS biến những từ ngữ tiêu cực (những từ ngữ hiểu nghĩa nhưng không sử dụng trong khi nói, viết) thành những từ ngữ tích cực, được sử dụng thường xuyên trong giao tiếp hằng ngày.
- Văn hóa vốn từ: giúp HS loại bỏ khỏi vốn từ những từ ngữ không văn hóa, tức là những từ ngữ thông tục hoặc sử dụng sai phong cách.
Mặt khác, còn phải cung cấp cho HS một số khái niệm lí thuyết cơ bản và sơ giản về từ vựng học như về cấu tạo từ, các lớp từ có quan hệ về nghĩa… để HS có cơ sở nắm nghĩa của từ một cách chắc chắn và biết hệ thống hóa vốn từ một cách có ý thức.
b. Về mặt luyện câu
Phân môn này phải tổ chức cho HS thực hành để rèn luyện các kĩ năng cơ bản về ngữ pháp như kĩ năng đặt câu đúng ngữ pháp, kĩ năng sử dụng các dấu câu, kĩ năng sử dụng các kiểu câu phù hợp với mục đích nói, tình huống lời nói để đạt hiệu quả giao tiếp cao, kĩ năng liên kết các câu để tạo thành đoạn văn, văn bản.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ thực hành, phân môn Luyện từ và câu lớp 3 phải cung cấp cho HS một số khái niệm, một số quy tắc ngữ pháp cơ bản, sơ giản và tối cần thiết: bản chất của từ loại, thành phần câu, dấu câu, các kiểu câu, quy tắc sử dụng câu trong giao tiếp và các phép liên kết câu.
Bên cạnh đó, qua phân môn này còn giúp HS tiếp thu một số quy tắc chính tả như quy tắc viết hoa, quy tắc sử dụng dấu câu. Ngoài ra, phân môn Luyện từ và câu phải chú trọng việc rèn luyện tư duy, giáo dục thẩm mĩ cho HS.