- Góp phần sử dụng có hiểu quả nhất các điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý và điều kiện kinh tế xã hội có sẵn.
3.1.4. Vùng nông nghiệp
3.1.4.1. Khái niệm
Quan niệm về vùng nông nghiệp không phải là giống nhau. Một số người cho rằng sự phân chia lãnh thổ thành những vùng dựa vào các dấu hiệu về tự nhiên có thể thay thế cho phân vùng nông nghiệp. Các điều kiện tự nhiên có vai trò hết sức quan trọng đối với nông nghiệp, song điều đó không có nghĩa là các điều kiện sản xuất của nông nghiệp đã ổn định. Vì thế quan niệm trên không hoàn toàn chính xác.
Một số người khác quan niệm phân vùng nông nghiệp như là phân vùng tự nhiên phục vụ mục đích nông nghiệp. Sự phân chia đất nước thành những bộ phận đồng nhất về tự nhiên để phục vụ nông nghiệp là điều cần thiết song đó không phải là phân vùng nông nghiệp hay phân vùng tự nhiên. Nhiệm vụ của các phân vùng tự nhiên phục vụ mục đích nông nghiệp là phát hiện các tổng thể tự nhiên và các đánh giá chúng theo yêu cầu của sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, nhiệm vụ của phân vùng nông nghiệp là phát hiện ra các thể tổng hợp sản xuất lãnh thổ đã có hoặc đang hình thành, đánh giá mức độ hợp lý của chúng và đưa ra những định hướng sản xuất.
Vùng nông nghiệp là hình thức cao nhất của TCLTNN, bao gồm trong đó các hình thức tổ chức nông nghiệp ở cấp thấp hơn.
Thực chất đây là những lãnh thổ sản xuất nông nghiệp tương đối đồng nhất về các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, được hình thành với mục đích phân bố hợp lý và chuyên môn hóa đúng đắn sản xuất nông nghiệp trên cơ sở sử dụng đầy đủ và có hiệu quả nhất các điều kiện sản xuất của các vùng trong cả nước cũng như trong nội bộ từng vùng.
Vùng là đơn vị sản xuất lãnh thổ mà nông nghiệp giữ vai trò chủ yếu, được thể hiện trên bản đồ địa lí của mỗi quốc gia, mỗi khu vực, theo nguyên tắc lợi dụng đầy đủ các điều kiện tự nhiên và kinh tế của địa phương, để đáp ứng nhu cầu sản phẩm nông nghiệp phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Ở một số nước, vùng nông nghiệp được xây dựng theo phương pháp kết hợp nghiên cứu phân tích với phát triển tổng hợp; xác định những đối tượng cây trồng, vật nuôi chính, định cho từng đối tượng những vùng sản xuất thích hợp nhất và vùng không thích hợp, trên cơ sở đó, xác định cơ cấu trồng trọt, chăn nuôi cho các vùng chính.
Vùng nông nghiệp thuần tuý chỉ tồn tại trong các nền kinh tế chưa phát triển. Kinh tế mà đạt tới trình độ cao thì trong vùng sẽ xuất hiện nhiều cơ sở công nghiệp, chế biến nông sản và phục vụ sản xuất nông nghiệp, lúc đó cơ cấu sản xuất của vùng biến đổi về chất, dẫn đến sự hình thành các tổ hợp nông - công nghiệp với hình thức khác nhau.Vùng nông nghiệp có thể phân ra các vùng trồng trọt, chăn nuôi, chuyên canh lúa, cây công nghiệp...
Việc phân chia các vùng nông nghiệp có ý nghĩa to lớn nhằm phân bố hợp lý cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp với các điều kiện sinh thái nông nghiệp, điều kiện kinh tế - xã hội và hình thành các vùng chuyên môn hóa nông nghiệp sản xuất hàng hóa.
3.1.4.2. Đặc điểm
Như vậy có thể thấy rằng vùng nông nghiệp là một bộ phận lãnh thổ của đất nước bao gồm những lãnh thổ có sự tương đồng về:
- Điều kiện sinh thái nông nghiệp (điều kiện khí hậu, đất đai, nguồn nước...). - Điều kiện kinh tế - xã hội (số lượng, chất lượng và sự phân bố dân cư, lao động nông nghiệp, kinh nghiệm và truyền thống sản xuất).
- Trình độ thâm canh, cơ sở vật chất kỹ thuật nông nghiệp, chế độ canh tác. - Cơ cấu sản xuất nông nghiệp, các sản phẩm chuyên môn hóa.
Như vậy, vùng nông nghiệp được coi như là một lãnh thổ có sự lặp lại của các kiểu sản xuất tương đối giống nhau, hoặc của các kiểu sản xuất khác nhau, nhưng lại có quan hệ mật thiết với nhau.
3.1.4.3. Vùng chuyên canh nông nghiệp
Trong vùng nông nghiệp xuất hiện khái niệm vùng chuyên canh nông nghiệp. Đây là vùng tập trung phát triển một hoặc vài ngành sản xuất cung cấp sản phẩm ra khỏi phạm vi của vùng. Lực lượng sản xuất còn thấp khi cơ cấu ngành của nền kinh tế còn đơn giản và các vùng còn phát triển phiến diện thì sự hình thành các vùng chuyên canh gắn với nguồn tài nguyên thiên nhiên như vùng nông nghiệp chuyên canh.... Nơi kinh tế phát triển đã cao, phân công lao động xã hội sâu, các ngành sản xuất chia ra nhiều ngành mới làm sinh ra những liên hệ chằng chịt giữa các ngành thì xác định chuyên môn hoá của vùng thường phải sử dụng các chỉ tiêu:
1) Tổng sản phẩm của từng ngành trong vùng;
2) Tỉ trọng của ngành trong tổng sản phẩm của vùng so với tỉ trọng của chính ngành ấy trong tổng sản phẩm của cả nước;
3) Tỉ trọng sản phẩm xuất ra khỏi vùng trong tổng sản phẩm của ngành ấy trong vùng;
4) Tỉ trọng một loại sản phẩm của vùng tham gia trao đổi liên vùng; 5) Tỉ trọng của ngành trong toàn bộ ngành nông nghiệp của vùng.