Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN)

Một phần của tài liệu TỔ CHỨC LÃNH THỔ NÔNG NGHIỆP (Trang 30 - 36)

a. Khái niệm

Hợp tác xã nông nghiệp là một tổ chức kinh tế do xã viên tự nguyện lập ra và tự giải thể khi thấy không cần thiết, với nguồn vốn hoạt động do các xã viên góp cổ phần và huy động vốn từ các nguồn khác. Các hợp tác xã hoạt động nhằm duy trì, phát triển kinh tế hộ nông dân và thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của chủ trang trại.

HTXNN là nhu cầu tất yếu của nông dân vì trong cơ chế thị trường nhiều thành phần, có cạnh tranh để tồn tại và phát triển đòi hỏi các hộ gia đình, các chủ trang trại phải hợp tác với nhau trên các lĩnh vực cần thiết để đấu tranh bảo vệ lợi

ích của chình mình. Kinh tế hộ và trang trại càng phát triển thì nhu cầu hợp tác càng cao.

Mục tiêu hoạt động của HTXNN không chỉ vì lợi nhuận cho các thành viên góp vốn vào HTX mà là nhằm phục vụ tốt nhất các dịch vụ để mang lại thu nhập và lợi nhuận cao nhất cho các hộ, các chủ trang trại.

Có hai loại hình HTXNN: HTX đơn ngành, phổ biến ở các nước ÂU, Mĩ, cung ứng từng loại dịch vụ; HTX đa ngành phổ biến ở các nước châu Á với nhiều loại dịch vụ.

b. Sự ra đời và phát triển

Hợp tác xã (HTX) đầu tiên xuất hiện cách đây trên 230 năm ở Anh ( vào năm 1761) của 28 thợ dệt với mục tiêu mang đậm nét nhân đạo " cốt làm cho người nghèo trở thành anh em, anh em thì làm giúp nhau bỏ hết thói cạnh tranh, là sao cho ai trồng cây mới được ăn quả, ai muốn ăn quả thì phải tham gia trồng cây". Khoảng 90 năm sau ( trước sau năm 1850) ở Đức, Pháp, Thụy Điển, Ý đã ra đời HTX cung ứng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm, chế biến nông sản, dịch vụ điện thoại và tín dụng... Đến tháng 8/1885 đại hội HTX thế giới được tổ chức tại Luân Đôn với sự tham gia của các tổ chức HTX cấp quốc gia từ 8 nước châu Âu, Úc và Ấn Độ đại diện cho châu Đại Dương và châu Á. Tổ chức Liên minh HTX quốc tế (CIA) lần đầu tiên được thành lập, từ đó đến nay đã có khoảng 760 triệu xã viên.

Hợp tác xã ra đời và phát triển với những thăng trầm khác nhau, song đã chứng tỏ một hình thức tổ chức kinh tế ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế- xã hội ở nhiều nước trên thế giới. Từ quá trình tồn tại và phát triển đó, có thể cho chúng ta một số cảm nhận cơ bản về HTX như sau:

- HTX là sản phẩm tất yếu từ sự phát triển của những chủ thể đơn lẻ cần liên kết hợp tác. Trong nông nghiệp, cơ sở tồn tại và phát triển của HTX là nông hộ và trang trại gia đình- chủ hộ, chủ trại có nhu cầu và tự nguyện cung cấp nguồn lực xây dựng HTX.

- Mục đích của HTX là vì lợi ích và quyền lợi của các thành viên. Mục tiêu lợi nhuận cần có của HTX được coi là phương tiện để thực hiện mục tiêu cao cả đối với mỗi xã viên.

- HTX rất đa dạng về ngành nghề và hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh, trong đó HTX dịch vụ là phổ biến.

- Nhà nước với việc tạo ra môi trường chính trị- xã hội, cơ sở thể chế chính sách nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho HTX phát triển là điều không thể thiếu được.

c. Vai trò

HTX đóng vai trò đặc biệt quan trọng ở nhiều quốc gia với việc thu hút sự tham gia của đại bộ phận nông dân, từ những người nông dân với 2,5- 3 ha canh tác như ở Nhật, Hàn Quốc... đến các chủ trang trại với quy mô bình quân 30- 40 ha như ở Châu Âu, Bắc Âu... Ở các nước này, HTX nông nghiệp đảm nhận phần lớn các dịch vụ phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản. Với sự hỗ trợ của HTX, sản xuất nông nghiệp được thuận lợi hơn, hiệu quả hơn, chất lượng sản phẩm cao hơn, nông dân cùng mua chung nguyên liệu đầu vào với giá rẻ hơn và bán nông sản với giá cao hơn, ổn định hơn. Bên cạnh đó, HTX còn có trách nhiệm chăm lo đời sống văn hoá, tinh thần, an sinh xã hội của nông dân và thúc đẩy sự phát triển của các cộng đồng nông thôn.

Các HTX nông nghiệp đa chức năng cung cấp hầu hết các dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống cho nông dân như cung cấp nguyên liệu đầu vào, máy móc, thiết bị nông nghiệp, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật, thu mua, chế biến và tiêu thụ nông sản, cung cấp các dịch vụ ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, y tế, tổ chức các cửa hàng bán lẻ, cung cấp đồ gia dụng, xây dựng nhà tang lễ, tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch, các câu lạc bộ sinh hoạt cộng đồng...

Ở Nhật Bản: Hệ thống các HTX nông nghiệp được tổ chức từ cấp cơ sở cho đến các liên hiệp HTX cấp tỉnh và liên hiệp trung ương các HTX nông nghiệp Nhật

Bản, trong đó Liên minh HTX nông nghiệp Nhật Bản (JA Zenchu) là tổ chức cấp cao nhất. Ngoài ra, còn có các liên đoàn HTX nông nghiệp chuyên ngành với chức năng hỗ trợ các HTX nông nghiệp triển khai các hoạt động kinh tế trong từng lĩnh vực hay chăm lo đến đời sống tinh thần của nông dân, như Liên đoàn cung tiêu quốc gia các HTX nông nghiệp, Liên đoàn bảo hiểm tương hỗ quốc gia các HTX nông nghiệp, Ngân hàng Trung ương các HTX nông- lâm- ngư nghiệp, Liên đoàn phúc lợi quốc gia các HTX nông nghiệp, Liên đoàn thông tin báo chí quốc gia các HTX nông nghiệp, các cơ sở khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ... Liên minh HTX nông nghiệp Nhật Bản còn có cả một hệ thống chăm sóc sức khoẻ và y tế riêng với 144 bệnh viện và hàng trăm phòng khám chữa bệnh nhỏ, 37.000 giường bệnh, 39.000 bác sỹ, y sỹ... Nông dân Nhật Bản có mức thu nhập không kém người dân thành thị với 30% nông dân có thu nhập từ 1- 2 triệu yên/năm, 7% từ 5- 10 triệu yên/năm, 4,1% từ 10- 20 triệu yên/năm, 2,6% hơn 20 triệu yên/năm.

Trên toàn lãnh thổ Hàn Quốc hiện có 1.239 HTX nông nghiệp (bao gồm các HTX dịch vụ nông nghiệp, sản xuất cây lương thực, chăn nuôi gia súc) và hơn 88 HTX chuyên trồng cây ăn quả, hoa, rau, nhân sâm, thu hút 100% nông dân tham gia làm xã viên (2,4 triệu người). Tất cả các HTX này đều là thành viên của Liên đoàn HTX nông nghiệp Hàn Quốc, tạo thành một hệ thống thống nhất triển khai các dịch vụ hỗ trợ nông dân từ khâu lập kế hoạch và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, chế biến và tiêu thụ nông sản cho đến cung cấp các dịch vụ ngân hàng và bảo hiểm. Hệ thống HTX nông nghiệp hiện có 4.600 các chợ và cửa hàng bán nông sản trên cả nước giúp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân với tổng doanh số đạt 37 ngày tỷ won/năm; 5.041 văn phòng, các điểm giao dịch phục vụ các hoạt động ngân hàng trên toàn quốc với 36 triệu khách hàng, chiếm 67% dân số Hàn Quốc. Dưới sự hỗ trợ của Liên đoàn quốc gia, các HTX nông nghiệp được xây dựng thành những trung tâm tài chính, văn hoá và phúc lợi của địa phương, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của nông dân và người dân nông thôn.

Hiện nay, tại Mỹ có 3.140 HTX nông nghiệp với 2,8 triệu xã viên (chiếm đại bộ phận nông dân và các chủ trang trại chăn nuôi gia súc của nước Mỹ) tạo ra giá trị sản lượng thuần hàng năm là 111 tỷ USD, giúp Mỹ trở thành một trong những nước sản xuất nông nghiệp hàng đầu trên thế giới. Ngoài ra, các HTX nông nghiệp có một hệ thống tín dụng nông nghiệp rất lớn, bao gồm 101 HTX tín dụng nông nghiệp với tổng tài sản khoảng 125 tỷ USD và tổng dư nợ là 96 tỷ USD.

Tại Pháp, trong lĩnh vực nông nghiệp, trên toàn quốc có hơn 3.500 HTX với 400.000 xã viên (chiếm 90% tổng số nông dân). Các HTX nông nghiệp sản xuất hơn 95% sản phẩm rượu vang, 60% nông sản và chiếm 40% hoạt động chế biến lương thực của nước Pháp.

Là một quốc gia nông nghiệp, HTX nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Thái Lan và trong việc nâng cao vị thế xã hội của người nông dân. Hiện nay, ở Thái Lan có khoảng 4.137 HTX nông nghiệp với 5.950.809 xã viên nông dân. Các HTX nông nghiệp triển khai các hoạt động kinh doanh khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của xã viên, trong đó tập trung chính vào 5 lĩnh vực: cho vay tín dụng với lãi suất ưu đãi, gửi tiền tiết kiệm và ký quỹ, bán hàng tiêu dùng và cung cấp đầu vào cho sản xuất nông nghiệp với mức giá hợp lý, hỗ trợ nâng cao giá trị gia tăng và tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ phát triển nông nghiệp thông qua các hoạt động khuyến nông và dịch vụ.

Hiện nay, cả nước có hơn 8.500 HTX nông nghiệp với tổng số xã viên trên 6,9 triệu, trong đó có 6,5 triệu hộ nông dân. Bình quân một HTX nông nghiệp có 1.079 xã viên, hộ xã viên; giải quyết việc làm thường xuyên và thu nhập trực tiếp từ HTX cho 58 người.

Ở mức độ khác nhau, HTX nông nghiệp đã thể hiện được vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, theo hướng sản xuất hàng hoá và hiệu quả kinh tế; góp phần tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Nhiều HTX đã tham gia cung ứng các dịch vụ thiết yếu cho xã viên, cụ thể: 72% số HTX làm dịch vụ thủy lợi, 43% cung ứng vật tư, 56% làm dịch vụ điện, 38% làm dịch vụ khoa học kỹ thuật, 15% làm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm. Một số HTX đã mở rộng các loại hình dịch vụ khác gắn với việc đáp ứng nhu cầu sản xuất của các hộ xã viên, như dịch vụ tín dụng nội bộ (15,1% HTX nông nghiệp), dịch vụ tư vấn, thông tin, cũng như các dịch vụ phục vụ đời sống, văn hoá, môi trường, nước sạch, dạy nghề, hiếu hỉ...

Việc hình thành các HTX nông nghiệp chuyên sâu, chuyên ngành đang phát triển và nhìn chung hoạt động hiệu quả, như: HTX trồng hoa cây cảnh, sản xuất rau an toàn, tiêu thụ trái cây, chế biến sữa, chăn nuối gia súc, gia cầm. Một số HTX đã liên kết thành lập liên hiệp HTX nông nghiệp (ở nhiều tỉnh, thành, như Bình Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Bình...).

Cùng với quá trình đổi mới và phát triển, đã xuất hiện nhiều HTX thực sự là những nhân tố điển hình, có tác động thiết thực đến phát triển kinh tế của các hộ thành viên, tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn và xây dựng nông thôn mới như HTX Bình Tây (Tiền Giang), HTX Duy Sơn II (Quảng Nam), HTX nông nghiệp Thiệu Hưng (Thanh Hoá), HTX Anh Đào (Lâm Đồng), HTX dịch vụ nông nghiệp Phù Nham (Yên Bái),...

Tuy nhiên, HTX trong khu vực nông nghiệp, nông thôn nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn trở ngại, như: Tính hình thức trong chuyển đổi HTX theo Luật HTX chưa được khắc phục căn bản; nhiều HTX quy mô nhỏ, thiếu vốn, tài sản ít, khả năng cạnh tranh thấp, chậm đổi mới, năng lực nội tại của các HTX còn yếu; đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế về trình độ, lại không ổn định làm việc lâu dài trong HTX. Những khó khăn đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của HTX: số lượng HTX khá giỏi tăng chưa nhiều, nhiều HTX hoạt động cầm chừng và yếu kém đi; không ít HTX mới chỉ làm được dịch vụ đầu vào, còn bỏ trống khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm, cung cấp tín dụng cho xã viên, chưa mạnh dạn thực hiện liên doanh, liên kết để mở thêm nhiều ngành nghề mới.

Bối cảnh như vậy đã dẫn đến nhận thức và đánh giá vai trò, vị trí của HTX trong nông nghiệp, nông thôn chưa đúng mức, nặng về chê bai, phê phán, mà không thấy được rằng đây là con đường để các hộ nông dân, hộ tiểu chủ, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ liên kết lại để tự giúp mình, giúp đỡ lẫn nhau cùng vươn lên làm giàu cho mình, cho xã hội, xóa đói giảm nghèo một cách bền vững.

Kinh nghiệm quốc tế và bài học thành công về HTX trong nông nghiệp, nông thôn ở nhiều nước là chứng minh sinh động rằng, HTX chính là con đường thúc đẩy sản xuất ở nông nghiệp, nông thôn phát triển, đấy chính là con đường mà các hộ sản xuất, hộ nông dân, hộ tiểu chủ, những đối tượng chiếm số đông nhưng lại có tiềm lực yếu, năng lực cạnh tranh thấp, dễ bị tổn thương trong nền kinh tế thị trường, cần lựa chọn. Để có thể tồn tại và phát triển, họ phải tập hợp nhau lại trên các nguyên tắc hợp tác để giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, lưu thông, đối phó lại những khó khăn của tự nhiên, với sức ép của kinh tế thị trường, sự cạnh tranh của các đối thủ kinh tế nhằm bảo vệ lợi ích của chính mình. Thực tiễn Việt Nam cũng đã có hàng trăm HTX khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong hỗ trợ các hộ nông dân vươn lên làm giàu, xoá đói, giảm nghèo và tạo dựng bộ mặt nông thôn mới.

Một phần của tài liệu TỔ CHỨC LÃNH THỔ NÔNG NGHIỆP (Trang 30 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(143 trang)
w