8. Cấu trúc luận văn
1.2.3. Quản lý nhà trường
Nhà trường được tổ chức và hoạt động theo sự điều chỉnh của Luật giáo dục, Điều lệ hoặc Quy chế hoạt động của các loại hình nhà trường, đồng thời theo sự quản lý Nhà nước.
Tại khoản 2, điều 48, Luật Giáo dục 2005 khẳng định: “Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân thuộc loại hình được thành lập theo quy hoạch, kế hoạch của nhà nước nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục” [4, tr.15].
Theo tác giả Phạm Minh Hạc: “Quản lý nhà trường là thực hiện đường lối giáo dục của Đảng trong phạm vi trách nhiệm của mình, tức là đưa nhà trường vận hành theo nguyên lý giáo dục, để tiến tới mục tiêu giáo dục, mục tiêu đào tạo đối với ngành giáo dục, với thế hệ trẻ và với từng học sinh” [7, tr. 61].
Theo tác giả Phạm Viết Vượng: “Quản lý trường học là hoạt động của các cơ quan quản lý nhằm tập hợp và tổ chức các hoạt động của giáo viên, học sinh và các lực lượng giáo dục khác, cũng như huy động tối đa các nguồn lực giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong nhà trường” [18, tr. 205].
Theo Phan Trọng Thọ:
Vấn đề trung tâm của nhà trường là đảm bảo dạy và học tốt các môn văn hóa khoa học (bao gồm cả đạo đức và chính trị) và kỹ thuật phổ thông. Muốn vậy, việc tổ chức, quản lý nhà trường phải quan tâm đồng bộ các yếu tố: tập thể lãnh đạo đoàn kết nhất trí, hiểu rõ nhiệm vụ và biết cách điều
hành; đội ngũ giáo viên có lương tâm và tay nghề; tập thể học sinh chịu khó học tập và rèn luyện; cơ sở vật chất - kỹ thuật giáo dục; sự ủng hộ của các lực lượng xã hội [14, tr. 25].
Theo tác giả Trần Kiểm, trên bình diện vi mô, quản lý giáo dục trong phạm vi nhà trường có thể xem là đồng nghĩa với quản lý nhà trường: “Quản lý giáo dục thực chất là những tác động của chủ thể quản lý vào quá trình giáo dục (được tiến hành bởi tập thể giáo viên và học sinh, với sự hỗ trợ đắc lực của các lực lượng xã hội) nhằm hình thành và phát triển toàn diện nhân cách học sinh theo mục tiêu đào tạo của nhà trường” [10, tr.52].
Trong luận văn này, quản lý nhà trường được hiểu theo khái niệm quản lý giáo dục trên bình diện vi mô của Trần Kiểm. Quản lý nhà trường là những tác động tự giác (có ý thức, có mục đích, có kế hoạch, có hệ thống và hợp quy luật, ...) của chủ thể quản lý nhà trường (hiệu trưởng) đến khách thể quản lý nhà trường (giáo viên, nhân viên và người học, …) nhằm đưa các hoạt động giáo dục và dạy học của nhà trường đạt tới mục tiêu giáo dục.