Kỹ năng, kỹ năng sống và kỹ năng xã hội

Một phần của tài liệu BỘ GIÁO dục và đào tạo (Trang 25 - 30)

1.2.2.1. Kỹ năng

V.A. Krutretxki (1980) cho rằng: “Kỹ năng là các phương thức thực hiện hoạt động - cái mà con người lĩnh hội được”. Tác giả cho rằng: “Trong một số trường hợp thì kỹ năng là phương thức sử dụng các tri thức vào trong thực hành, con người cần phải áp dụng và sử dụng chúng vào trong cuộc sống và trong thực tiễn. Trong quá trình luyện tập, trong hoạt động thực hành kỹ năng được trở nên hoàn thiện và trong mối quan hệ đó hoạt động của con người cũng trở nên hoàn hảo hơn trước.” [30].

Tác giả K.K. Platonov nhận định: “Kỹ năng là năng lực của người thực hiện công việc có kết quả với chất lượng cần thiết trong những điều kiện mới và trong khoảng thời gian tương ứng.” [37].

“Từ điển từ và ngữ Hán Việt” của tác giả Nguyễn Lân (1989) giải thích: “Kỹ năng là khả năng ứng dụng tri thức khoa học vào thực tiễn.” [31].

Tác giả Huỳnh Văn Sơn cho rằng: “Kỹ năng là khả năng thực hiện có kết quả một hành động nào đó bằng cách vận dụng những tri thức, kinh nghiệm đã có để hành động phù hợp với những điều kiện cho phép. Kỹ năng không chỉ đơn thuần về mặt kỹ thuật của hành động, mà còn là biểu hiện năng lực của con người.” [44].

Theo “Từ điển Tâm lý học” của tác giả Vũ Dũng thì: “Kỹ năng là năng lực vận dụng có kết quả tri thức về phương thức hành động đã được chủ thể lĩnh hội để thực hiện những nhiệm vụ tương ứng.” [14].

Theo tác giả Đặng Thành Hưng: “Kỹ năng là một dạng hành động được thực hiện tự giác dựa trên tri thức về công việc, khả năng vận động và những điều kiện sinh học - tâm lí khác của cá nhân (tức chủ thể của kỹ năng đó), như nhu cầu, tình cảm, ý chí, tính tích cực cá nhân... để đạt được kết quả theo mục đích hay tiêu chí đã định, hoặc mức độ thành công theo chuẩn mực hay quy định”. [26]

Từ những khái niệm trên, chúng tôi đưa ra cách hiểu kỹ năng như sau: “Kỹ năng là năng lực vận dụng có kết quả những tri thức đã được chủ thể tích lũy để thực hiện những nhiệm vụ cụ thể nhằm đạt mục đích đã đề ra”.

1.2.2.2. Kỹ năng sống

Theo UNESCO, kỹ năng sống là năng lực cá nhân giúp cho việc thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hằng ngày [47]. Quan niệm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xem kỹ năng sống là khả năng để có hành vi thích ứng hiệu quả trước các nhu cầu và thách thức của cuộc sống hằng ngày [48]. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), kỹ năng sống là cách tiếp cận giúp thay đổi hoặc hình thành hành vi mới. Cách tiếp cận này lưu ý đến sự cân bằng và khả năng tiếp thu kiến thức, hình thành thái độ và kỹ năng [41]. Tác giả Huỳnh Văn Sơn cho rằng, kỹ năng sống là những kỹ năng tinh thần hay những kỹ năng tâm lý, kỹ năng tâm lý - xã hội cơ bản giúp cá nhân tồn tại và thích ứng với cuộc sống [44].

Từ các định nghĩa trên ta thấy, kỹ năng sống là kỹ năng riêng bản thân mỗi người và nhờ có nó mà con người tồn tại, ứng phó và thích nghi với cuộc sống xã hội.

Theo quan niện của các cá nhân, tổ chức có những cách phân loại kỹ năng sống khác nhau:

Theo UNICEF, kỹ năng sống gồm có 3 nhóm cơ bản: Nhóm kỹ năng tự nhận thức và sống với chính mình: tự nhận thức và đánh giá bản thân, kỹ năng xây dựng mực tiêu của cuộc sống, kỹ năng bảo vệ bản thân; Nhóm kỹ năng nhận thức và sống với người khác: kỹ năng thiết lập quan hệ, kỹ năng hợp tác, kỹ năng làm việc nhóm; Nhóm kỹ năng ra quyết định và làm việc hiệu quả: phân tích vấn đề, nhận thức thực tế, ra quyết định, kỹ năng giải quyết vấn đề.

nhận thức: tự nhận thức, kỹ năng tư duy, kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề; Nhóm kỹ năng liên quan đến cảm xúc: kỹ năng kiềm chế và kiểm soát được cảm xúc, kỹ năng nhận biết và chịu trách nhiệm; Nhóm kỹ năng: cảm thông, chia sẻ, giao tiếp, hợp tác…

Theo tác giả Lê Bích Ngọc, có 7 nhóm kỹ năng sống cho trẻ: Kỹ năng vận động; kỹ năng tự phục vụ; kỹ năng tình cảm; kỹ năng giao tiếp; KNXH; kỹ năng ngôn ngữ; kỹ năng nhận thức.

1.2.2.3. Kỹ năng xã hội

* Khái niệm KNXH

Trong bài viết của hai tác giả Jannette Ray và Robert Putnam, đăng trên tạp chí chuyên biệt 2002 (Exceptional Parent magazine, 2002) nói về KNXH: “KNXH là gì? KNXH tốt là những công cụ quan trọng cho cuộc sống hằng ngày, nó giúp trẻ em tương tác xã hội một cách hiệu quả và thuận lợi.” [42].

Tác giả Đặng Thành Hưng và Trần Thị Tố Oanh quan niệm: “KNXH là khái niệm chỉ những loại kỹ năng hướng tới và được áp dụng trực tiếp (không gián tiếp qua cái gì) vào những quan hệ, hoàn cảnh, quá trình và đời sống xã hội công cộng để giúp cá nhân nhận thức, ứng xử, giao tiếp và thích ứng xã hội thành công, hiệu quả ở những mức độ nhất định”. [27]

Theo Đặng Thành Hưng: “KNXH là một dạng hành động tự giác dựa vào ý thức, thể chất và các điều kiện xã hội khác mà cá nhân có.” [26].

Chúng tôi cho rằng, KNXH là những phương thức hành động của con người trong môi trường xã hội gần gũi (gia đình, nhà trường, cộng đồng) nhằm nhận thức, thích ứng và ứng xử thành công với xã hội. KNXH là một dạng hành động nhằm thực hiện các mối quan hệ của cá nhân với mọi người xung quanh trên cơ sở nắm vững phương thức thực hiện và sự vận dụng tri thức, kinh nghiệm xã hội phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh. Các KNXH là tập hợp các kỹ năng giúp chúng ta giao tiếp, tương tác, thích nghi, hòa nhập với xã hội.

Từ cách hiểu trên, chúng tôi quan niệm: KNXH của trẻ mẫu giáo là một dạng hoạt động của trẻ nhằm thực hiện các mối quan hệ với mọi người xung quanh trên cơ sở nắm vững phương thức thực hiện và sự vận dụng tri thức, kinh nghiệm xã hội, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh giúp trẻ giao tiếp, tương tác, thích nghi với trường, lớp, cộng đồng gần gũi.

* Phân loại KNXH:

Theo UNESCO, KNXH là những kỹ năng cần thiết để chung sống với người khác gồm các kỹ năng như: kỹ năng giao tiếp, thương lượng, tự khẳng định mình, kỹ năng hợp tác, kỹ năng làm việc nhóm… [47].

Theo tác giả Lê Bích Ngọc, “KNXH bao gồm: kỹ năng hợp tác, kỹ năng nhận và hoàn thành nhiệm vụ, kỹ năng thực hiện các nguyên tắc xã hội, kỹ năng gìn giữ đồ dùng đồ chơi, kỹ năng quý trọng đồng tiền.” [35].

Việc phân chia KNXH của trẻ mẫu giáo, chúng tôi cho rằng, KNXH của đứa trẻ phải gắn với môi trường xã hội bao quanh đứa trẻ, như: gia đình, trường mầm non, cộng đồng gần gũi. Vì vậy, cần xem xét đặc điểm KNXH của đứa trẻ dựa vào các thành tố theo ba mặt: nhận thức xã hội, thái độ xã hội và hành vi xã hội. Các KNXH của trẻ mẫu giáo có thể nhận diện cụ thể theo các nhóm sau:

- Nhóm kỹ năng nhận thức xã hội: kỹ năng quan sát các hiện tượng xã hội gần gũi; kỹ năng tư duy (phân tích, so sánh, tổng hợp, khái quát hóa) về các vấn đề xã hội gần gũi; kỹ năng sử dụng các biểu tượng từ quan sát vào giải quyết các vấn đề xã hội một cách đơn giản; kỹ năng đánh giá về các hiện tượng xã hội gần gũi.

- Nhóm kỹ năng thích ứng xã hội: kỹ năng thích ứng của bản thân khi chuyển sang môi trường xã hội mới hay hoạt động mới (trẻ tự tin, kiên trì tham gia vào hoạt động); kỹ năng tổ chức và thực hiện hoạt động xã hội mới; kỹ năng thay đổi (hay cải tạo) một số điều kiện trong môi trường xã hội gần gũi.

- Nhóm kỹ năng ứng xử và giao tiếp xã hội: kỹ năng lắng nghe tích cực; kỹ năng bày tỏ ý kiến, thái độ của bản thân bằng lời nói và cử chỉ biểu cảm phù hợp; kỹ năng thực hiện hành vi giao tiếp có văn hóa; kỹ năng nhận diện và xử lý các vấn đề đơn giản trong môi trường xã hội gần gũi.

Một phần của tài liệu BỘ GIÁO dục và đào tạo (Trang 25 - 30)