Phương pháp giáo dục kỹ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo

Một phần của tài liệu BỘ GIÁO dục và đào tạo (Trang 43 - 45)

Phương pháp GD KNXH được thể hiện ở các nhóm phương pháp sau: - Nhóm phương pháp thực hành, trải nghiệm:

GD KNXH sẽ hiệu quả hơn đối với trẻ mẫu giáo khi cho trẻ tham gia vào hoạt động thực tiễn. Điều này phù hợp với nguyên tắc hình thành và phát triển tâm lý của cá nhân. Tạo điều kiện và cơ hội để trẻ để trẻ được tích cực trải nghiệm, luyện tập một cách tích cực và hứng thú qua các hoạt động để hình thành các KNXH một cách bền vững. Nhóm phương pháp này bao gồm các phương pháp: phương pháp thực hành thao tác với đồ vật, đồ chơi; phương pháp dùng trò chơi; phương pháp nêu tình huống có vấn đề; phương pháp luyện tập. Trong đó, phương pháp dùng trò chơi là phương pháp khá phổ biến và đem lại hiệu quả rất tốt cho việc GD KNXH cho trẻ, đặc biệt thông qua trò chơi đóng vai theo chủ đề, đây là trò chơi chủ đạo ở lứa tuổi mẫu giáo. Không những thế mà trẻ “học bằng chơi, chơi mà học”, thông qua trò chơi nhà giáo dục có thể truyền tải đến cho trẻ những kiến thức và kỹ năng nhanh nhất và đạt hiệu quả cao nhất. Nhóm phương pháp thực hành, trải nghiệm được xem là phương pháp chủ đạo, xuyên suốt quá trình hình thành KNXH của trẻ.

- Nhóm phương pháp trực quan - minh họa: Phương pháp này cho trẻ quan sát, tiếp xúc, giao tiếp với các đối tượng, phương tiện (vật thật, đồ chơi, tranh ảnh về KNXH); hành động mẫu; hình ảnh tự nhiên, mô hình, sơ đồ và phương tiện nghe nhìn (phim vô tuyến, đài, máy ghi âm, điện thoại, vi tính) thông qua sử dụng các giác quan kết hợp với lời nói nhằm tăng cường vốn hiểu biết của trẻ về KNXH, từ đó phát triển tư duy, ngôn ngữ của trẻ và hình thành ở trẻ KNXH.

- Nhóm phương pháp dùng lời nói: Đây là nhóm phương pháp sử dụng các phương tiện ngôn ngữ (đàm thoại, trò chuyện, kể chuyện, đọc thơ, bài hát, giải thích...) nhằm truyền đạt và giúp trẻ thu nhận thông tin, kích thích trẻ suy nghĩ, chia sẻ ý tưởng, bộc lộ những cảm xúc, gợi nhớ những hình ảnh và sự kiện bằng lời nói. Từ đó giúp trẻ hình thành biểu tượng, nhận biết hành vi đúng, sai để từ đó trẻ có những ứng xử phù hợp, tạo thành thói quen KNXH.

- Nhóm phương pháp giáo dục bằng tình cảm và khích lệ: Phương pháp dùng tình cảm trong GD KNXH được diễn ra theo hai chiều: Chiều thứ nhất là bằng tình yêu thương, gắn bó của mình, người lớn hết lòng chăm sóc, dạy dỗ, bảo ban trẻ. Chiều ngược lại là tạo ra những tình huống để trẻ có cơ hội đáp lại tình cảm của người lớn. Như vậy đứa trẻ vừa được người khác thương yêu lại vừa biết yêu thương người khác, có nghĩa là vừa biết nhận lại vừa biết cho. Đó mới là thái độ đạo đức tốt đẹp cần có ở mỗi người.

- Nhóm phương pháp nêu gương, đánh giá: Đây là nhóm phương pháp sử dụng các hình thức khen, chê phù hợp, đúng lúc, đúng chỗ. Biểu dương trẻ là chính nhưng không lạm dụng. Đồng thời thể hiện thái độ đồng tình hoặc chưa đồng tình của người lớn, của bạn bè trước hành vi, cử chỉ của trẻ. Từ đó đưa ra nhận xét, tự nhận xét trong từng tình huống hoặc hoàn cảnh cụ thể. Không sử dụng các hình phạt làm ảnh hưởng đến sự phát triển tâm - sinh lí của trẻ.

Nói chung, phương pháp GD KNXH cho trẻ rất đa dạng, đòi hỏi nhà sư phạm phải có nghệ thuật giáo dục. Vì vậy, GV cũng như CBQL cần phải vận dụng linh hoạt cho phù hợp với mục đích, đối tượng và từng tình huống cụ thể.

Một phần của tài liệu BỘ GIÁO dục và đào tạo (Trang 43 - 45)