7. Cấu trúc luận văn
2.6.4.3. Mô hình dạy học tươngtác theo kiểu kiến tạo tìm tòi
Người học thực hiện các hành động cảm tính, từ đó tiến đến các hành động lí tính, trong quá trình học tập để tự mình phát hiện, khai thác, tích luỹ và xử lí các sự kiện (thông tin học tập), từ đó hình thành khái niệm hoặc nguyên tắc, mô hình, kĩ năng cần lĩnh hội. Nói cách khác, đó là học theo nguyên tắc phát hiện - tìm tòi, hay làm thì khắc biết, hiểu, nhớ, áp dụng và nắm được sự vật, hiện tượng. Mục tiêu học tập không được cho sẵn, không được tổ chức hay cấu trúc tường minh từ trước, nó là mục tiêu di động trong tiến trình học tập.
a.Những bước chính của mô hình dạy học tương tác theo kiểu kiến tạo - tìm tòi
- Thiết kế quy trình tìm tòi khám phá tri thức cho người học
Nếu dựa trên tính tự chủ của người học và mức độ kiểm soát của người dạy ta có thể chia quá trình tìm tòi khám phá tri thức của người học thành 3 kiểu: 1 - Tìm tòi có kế hoạch/kiểm soát (người học tìm tòi khám phá theo logic, quy trình mà thầy đã hoạch định); 2- Tìm tòi bán kiểm soát (người dạy hoạch định những đường hướng cơ bản, người học độc lập thực thi theo định hướng đó để hướng tới mục đích đã định); 3 - Tìm tòi theo hướng mở (người dạy chỉ gợi ra vấn đề, người học độc lập giải quyết vấn đề thông qua tìm tòi, khám phá mà không có sự can thiệp từ phía người dạy). Trong dạy học tiểu học, ta chỉ đề cập tới kiểu thứ nhất, tìm tòi có kế hoạch.
Nếu xét theo tính chất của hoạt động tìm tòi ở người học, ta có thể chia thành hai mức độ tìm tòi khác nhau: 1- Tìm tòi có tính chất chứng minh, xác nhận hay bác bỏ giả thuyết đã có (do sách giáo khoa hay người dạy phát biểu); 2- Tìm tòi có tính chất phát hiện, điều tra, khảo sát, sau đó chứng minh, xác nhận hoặc bác bỏ giả thuyết do chính người học nêu ra. Cả hai mức độ tìm tòi trên đều được thể hiện trong mô hình PPDH này.
Giai đoạn chuẩn bị này cũng được xem là giai đoạn thiết kế môi trường học tập cho người học.Không chỉ vạch ra đường hướng cơ bản, người dạy còn hoạch định kế hoạch chi tiết, phương thức tiến hành, dự kiến tình huống sư phạm có khả năng xảy ra…
- Chuyển giao nhiệm vụ học tập
Trong giai đoạn này, nhiệm vụ của người dạy không chỉ giúp người học tiếp nhận trọn vẹn, đầy đủ yêu cầu học tập, hay nội dung học vấn cần khám phá; quy trình tiến hành các hoạt động vật chất, thực nghiệm v.v.... Mà quan trọng hơn, phải làm cho họ thấy được tính vấn đề trong nhiệm vụ cần thực hiện và chuyển giao vấn đề học tập đó thành vấn đề của cá nhân người học.
- Tổ chức quá trình tìm tòi, khám phá tri thức của người học
Giai đoạn này được hiểu là quá trình người dạy tổ chức cho người học thực thi bản kế hoạch mà họ cùng thiết kế để hướng tới mục tiêu trọng tâm của bài học. Người học thực hiện các hành động, thao tác để giải quyết các tình huống mang tính thực nghiệm. Sự tương tác của người học với đối tượng trong tình huống học tập có thể theo kiểu di chuyển hoặc biến đổi trạng thái của chúng, qua đó buộc chúng phải bộc lộ những dấu hiệu bản chất, những quy luật, xu thế, khuynh hướng…; từ đó mà họ có thể quan sát và khái quát hóa thành tri thức khoa học cần chiếm lĩnh.
Giai đoạn này người học có thể tiến hành hoạt động dưới hình thức cá nhân, nhưng thường xuyên nhất vẫn là hoạt động theo nhóm nhỏ. Mối quan hệ tương tác người học - người học trong giai đoạn này chủ yếu là theo kiểu hợp tác (chung sức, chung tâm trí hướng tới mục tiêu chung). Nhưng khi quá trình tìm tòi phát triển đến độ vượt ra khỏi mục tiêu học tập chung thì xuất hiện mối quan hệ tương tác kiểu cộng tác (chung sức, chia sẻ để giải quyết vấn đề hướng tới mục tiêu phát sinh). Xen kẽ trong quá trình tìm tòi khám phá của mỗi cá nhân người học, luôn tồn tại mối quan hệ nội tương tác, tức là tương tác giữa người học với những biểu tượng có sẵn trong đầu.
Trong quá trình người học tiến hành hoạt động tìm tòi khám phá, người dạy xuất hiện bên cạnh với tư cách là người trợ giúp, khuyến kích, cổ vũ để họ có động lực, kiên trì, bền bỉ học tập đúng cách và đạt được thành công.
- Trình bày kết quả tìm tòi và rút ra kết luận
Thông thường sau giai đoạn tìm tòi khám phá người học tạo ra một sản phẩm vật chất nhất định. Sản phẩm này được đem ra trưng bày trước toàn lớp để cùng phân tích đánh giá. Và cũng từ đó diễn ra sự chia sẻ, trao đổi giữa các thành viên không chỉ trong cùng một nhóm mà mở rộng ra toàn lớp; để rồi cuối cùng đi đến kết luận chung về tri thức khoa học cần rút ra theo mục tiêu đã định.
b. Điều kiện áp dụng mô hình
Về phía người học, người học phải được hình thành một số kĩ năng học tập, làm việc cơ bản, bao gồm: kĩ năng thực hiện một số loại thí nghiệm cơ bản, khả năng phán đoán xu hướng vận động của sự vật, hiện tượng dựa vào những dấu hiệu đơn lẻ, khả năng quan sát đối tượng, kĩ năng thu thập, tìm kiếm thông tin về một đối tượng cụ thể, kĩ năng làm việc hợp tác theo nhóm, khả năng làm việc độc lập v.v… Về phía người dạy, trước tiên người dạy phải có kĩ năng thiết kế, hoạch định chiến lược tìm tòi, khám phá của người học. Không chỉ có vậy, trước khi tổ chức cho người học tìm tòi khám phá, người dạy cần có kĩ năng gợi ra vấn đề để người học tiếp nhận nó như vấn đề của bản thân, từ đó xuất hiện nhu cầu tìm tòi khám phá để giải quyết vấn đề học tập được đưa ra.
c. Một số kĩ thuật dạy học chủ yếu
c1. Kĩ thuật thiết kế quy trình tìm tòi khám phá cho người học
- Giai đoạn 1: Nghiên cứu cá nhân
Người học tự đặt mình vào vị trí của người tự nghiên cứu, tự tiến hành hoạt động tìm tòi, khám phá phát hiện ra các tri thức mới, hoặc các giải pháp một cách tự lực theo trình tự sau: 1/ Tiếp nhận nhiệm vụ, phát hiện vấn đề; 2/ Định hướng giải quyết vấn đề; 3/ Thu thập thông tin; 4/ Xử lí thông tin; 5/ Tái hiện kiến thức, xây dựng các giải pháp giải quyết; 6/ Thử nghiệm các giải pháp, xác định kết quả; 7/ Đưa ra kết luận; 8/ Ghi lại kết quả và cách nghiên cứu (sản phẩm ban đầu).
- Giai đoạn 2: Hợp tác với bạn
Sản phẩm ban đầu do người học tìm ra thường mang tính chủ quan cần được đánh giá, phân tích, thảo luận trong nhóm hay lớp. Từng cá nhân người học tự thể hiện mình theo các thao tác sau: 1/ Tự đặt mình vào tình huống để đưa ra cách giải quyết vấn đề; 2/ Tự thể hiện bằng văn bản, ghi lại kết quả xử lí của mình; 3/ Tự trình bày, giới thiệu, bảo vệ sản phẩm của mình; 4/ Tỏ rõ thái độ của mình trước chủ kiến của bạn, có thể tham gia tranh luận; 5/ Tự ghi lại ý kiến của các bạn; 6/ Khai thác những gì đã hợp tác điều chỉnh sản phẩm ban đầu của mình thành một sản phẩm tiến bộ hơn.
- Giai đoạn 3: Hợp tác với thầy, tự kiểm tra, tự điều chỉnh
Trong giai đoạn này, người học cũng vẫn cần phải giữ vai trò chủ thể tích cực, chủ động sáng tạo thực hiện các thao tác theo trình tự sau: 1/ Tự lực xử lí tình huống, giải quyết vấn đề theo sự hướng dẫn của thầy; 2/ Chủ động trao đổi với thầy, nhất là về cách học, cách làm; 3/ Tự ghi lại ý kiến kết luận của thầy; 4/ Học cách ứng xử của thầy, tự kiểm tra, tự đánh giá, tự điều chỉnh sản phẩm ban đầu của mình.
c2) Kĩ thuật tạo động cơ học tập
- Tạo động cơ dựa vào vai trò, ý nghĩa của nội dung học vấn
+ Tạo điều kiện để người học được tự định hướng việc học của bản thân.
Người dạy cần tạo cơ hội để người học được lựa chọn những kiến thức và kĩ năng họ muốn học. Tài liệu, phương pháp và tốc độ học tập cũng được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu cá nhân người học. Trong trường hợp không thể cho phép người học được tự chỉ đạo việc học của mình, người dạy vẫn có thể tạo cơ hội để họ có một mức độ lựa chọn nào đó trong việc làm bài tập, tạo điều kiện để các em được theo đuổi những quan tâm của chính mình.
+ Tạo cơ hội để người học được chịu trách nhiệm về việc học của bản thân. Cũng như trong việc lựa chọn phong cách và nội dung học tập của chính mình, người học được khuyến khích chịu trách nhiệm về hiệu quả của việc học tập.
Bản thân việc tự đánh giá là một kĩ năng cốt yếu để làm việc và học tập. Người học cần được phép tự mình trình bày, tự đánh giá khi họ đã sẵn sàng, hơn là vào một thời điểm đã định sẵn và họ cần có thời gian để cải tiến công việc của mình nếu chưa đạt tiêu chuẩn đánh giá.
- Biểu dương và các hình thức ghi nhận khác đối với bất kì thành công nào trong học tập của người học. Việc củng cố này càng thường xuyên và tức thì sau mỗi thành công của người học thì động cơ học tập này càng tăng và hiệu quả học tập càng được cải thiện.
- Thiết kế và tổ chức các hoạt động học tập sinh động hấp dẫn, đem lại niềm vui và hứng thú cho người học.
Một điều hiển nhiên là người học sẽ có động cơ học tập nếu việc học lí thú, hấp dẫn óc tò mò khám phá của họ. Bài giảng được thiết kế một cách công phu với những phương pháp, hình thức tổ chức dạy học đa dạng, phong phú sẽ lôi cuốn người học tham gia cho dù họ không thật quan tâm tới chủ đề môn học.
Trên đây là một số cách thức tạo động cơ học tập cho người học tương ứng với các loại động cơ khác nhau. Trong mỗi giai đoạn của quá trình dạy học, người dạy cần khai thác triệt để mỗi loại động cơ để đem lại thành công cho người học và đó cũng chính là thành công của người dạy.