1.2.4.1. Tổ chức phổ biến, tuyên truyền pháp luật về du lịch
Tổ chức phổ biến, tuyên truyền pháp luật về du lịch là một trong những nội dung quan trọng trong công tác tổ chức thực hiện pháp luật về du lịch,
nhằm giúp cho các chủ thể liên quan tới du lịch không tiến hành những hoạt động mà pháp luật cấm. Đồng thời, việc tuyên truyền giúp cho các chủ thể liên quan du lịch như các doanh nghiệp kinh doanh du lịch nhận thức được những hành vi phù hợp điều kiện, hoàn cảnh mà quy phạm pháp luật về du lịch cụ thể quy định.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về du lịch có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: tuyên truyền thông qua các Hội nghị triển khai, phổ biến các văn bản pháp luật; tuyên truyền thông qua các khóa học bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, quản lý; tuyên truyền thông qua tờ rơi, tập gấp; tuyên truyền thông qua hệ thống thông tin đại chúng đặc biệt là qua các trang web, các phương tiện mạng xã hội...
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về du lịch còn có thể thực hiện thông qua việc biên soạn, phát hành các loại tài liệu pháp luật. Tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật gồm nhiều thể loại như đề cương tuyên truyền, văn bản pháp luật, sách hướng dẫn, sách pháp luật bỏ túi, tờ rơi, tập gấp, áp phích... Tuyên truyền thông qua các chương trình giảng dạy tại các trường đào tạo chuyên ngành về du lịch, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức đều sử dụng tài liệu pháp luật để thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục phá luật chịu sự tác động nhất định của chất lượng các tài liệu pháp luật, do vậy việc biên tập nội dung, phát hành tài liệu cần được chú trọng cả về hình thức và nội dung [15, tr 30-32]
1.2.4.2. Bảo đảm các chủ thể liên quan thực thi đúng các quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật
Về quyền lợi, Luật Du lịch 2005 có quy định cụ thể về quyền lợi của các chủ thể liên quan:
Tại Điều 35, quy định quyền của khách du lịch cụ thể: Khách du lịch có quyền lựa chọn hình thức du lịch lẻ hoặc du lịch theo đoàn; lựa chọn một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch, dịch vụ du lịch của tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch. Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch cung cấp thông tin cần thiết về chương trình du lịch, dịch vụ du lịch. Được tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, hải quan, lưu trú; được đi lại trên lãnh thổ Việt Nam để tham quan du lịch, trừ những khu vực cấm. Được đối xử bình đằng, được yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản khi sử dụng dịch vụ du lịch; được cứu trợ, cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp khi đi du lịch trên lãnh thổ Việt Nam. Được bồi thường thiệt hại do lỗi của các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch gây ra theo quy định của pháp luật; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hành vi vi phạm pháp luật về du lịch.
Tại Điều 39, quy định quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch: Lựa chọn ngành, nghề kinh doanh du lịch; đăng ký một hoặc nhiều ngành, nghề kinh doanh du lịch. Được nhà nước bảo hộ hoạt động kinh doanh du lịch hợp pháp. Tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch; được đưa vào danh mục quảng bá chung của ngành du lịch. Tham gia hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp về du lịch ở trong nước và nước ngoài.
Về nghĩa vụ, Luật Du lịch 2005 có quy định rõ nghĩa vụ của các chủ thể liên quan, cụ thể:
Tại Điều 36 quy định về nghĩa vụ của khách du lịch: Tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tôn trọng và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, môi trường, tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục nơi đến du lịch. Thực hiện nội quy,
quy chế của khu du lịch, điểm du lịch, đô thị du lịch, cơ sở lưu trú du lịch. Thanh toán tiền dịch vụ theo hợp đồng và các khoản phí, lệ phí theo quy định của pháp luật. Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra cho tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch theo quy định của pháp luật.
Tại Điều 40 quy định về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch: Thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Thông báo bằng văn bản với cơ quan nhà nước về du lịch có thẩm quyền thời điểm bắt đầu kinh doanh hoặc khi có thay đổi nội dung trong giấy ĐKKD, giấy phép kinh doanh du lịch. Áp dụng biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch. Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê, kế toán, lưu trữ hồ sơ, tài liệu theo quy định của pháp luật.
Tại Điều 76 quy định về nghĩa vụ của hướng dẫn viên: Tuân thủ và hướng dẫn khách du lịch tuân thủ pháp luật Việt Nam, nội quy, quy chế nơi đến tham quan, du lịch và tôn trọng phong tục, tập quán của địa phương. Thông tin về lịch trình, chương trình du lịch cho khách du lịch và các quyền lợi hợp pháp của khách du lịch. Hướng dẫn khách du lịch theo đúng chương trình du lịch, có thái độ văn minh tận tình và chu đáo với khách; trường hợp khách du lịch có yêu cầu thay đổi chương trình du lịch thì phải báo cáo người có thẩm quyền quyết định. Có trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch. Tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức định kỳ cho hướng dẫn viên do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức. Bồi thường cho khách du lịch, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành về thiệt hại do lỗi của mình gây ra. [09]
Tại Điều 10 Luật Du lịch quy định về các nội dung quản lý nhà nước về du lịch có nêu cụ thể. Theo đó, việc tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về du lịch cần phải đảm bảo theo định hướng, chủ trương, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự quản lý của nhà nước. Nội dung của hoạt động quản lý nhà nước về du lịch bao gồm:
- Về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và thông tin về du lịch. - Về tổ chức, quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ.
- Về tổ chức điều tra, đánh giá tài nguyên du lịch để xây dựng quy hoạch phát triển du lịch, xác định khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch.
- Về quy định tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch; sự phối hợp của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý nhà nước về du lịch. Theo đó, Chính phủ có trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về du lịch. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về du lịch; chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quản lý nhà nước về du lịch. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và theo sự phân công của Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương trong việc thực hiện quản lý nhà nước về du lịch. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và theo sự phân cấp của Chính phủ có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương; cụ thể hóa chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển du lịch phù hợp với thực tế tại địa
phương và có các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường tại khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch.
1.2.4.4. Thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện pháp luật về du lịch
Tổ chức giám sát và đánh giá việc tổ chức thực hiện pháp luật về du lịch thông qua các hình thức thanh tra, kiểm tra là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao ý thức thực hiện pháp luật về du lịch trong các cơ quan, đơn vị tổ chức. Giám sát và đánh giá chính là cơ chế hữu hiệu để điều chỉnh, xử lý các sai sót có thể có nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Ở góc độ vĩ mô, cơ chế giám sát việc tổ chức thực hiện pháp luật nói chung và pháp luật về du lịch nói riêng gắn với việc cơ chế kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Kiểm soát quyền lực nhà nước bao gồm kiểm soát phạm vị hoạt động của cơ quan Nhà nước, kiểm soát quá trình thông qua và sửa đổi Hiến pháp. Bên cạnh đó, công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về du lịch là một nội dung quan trọng trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Đối với du lịch, đó là việc thường xuyên tổ chức các đoàn thanh tra liên ngành, kiểm tra các điều kiện hoạt động và việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình triển khai, thực hiện.
Việc tổ chức thực hiện pháp luật về du lịch cũng như các lĩnh vực pháp lý khác, luôn đảm bảo hai giai đoạn: giai đoạn xây dựng cơ sở pháp lý về du lịch để hình thành quan hệ pháp luật giữa các chủ thể liên quan và giai đoạn, các chủ thể là các cá nhân, tổ chức liên quan tham gia quan hệ pháp luật và thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.